Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Châu Âu thiệt hại 1.000 tỷ USD vì giá năng lượng tăng

ĐNA -

Theo Bloomberg, tổng hợp từ các dữ liệu từ thị trường cho thấy, các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu đã phải trả thêm 1.000 tỷ USD trang trải chi phí do giá năng lượng tăng vọt kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Người châu Âu đã phải trả thêm 1.000 tỷ USD vì giá năng lượng tăng. Ảnh: Reuters

Giá năng lượng tăng đột biến kể từ đầu năm nay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cùng với đó là việc phương Tây đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Moskva. Nguồn cung hạn hẹp, nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại cùng với đà mở cửa kinh tế sau đại dịch khiến giá hàng hóa, năng lượng tăng.

Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), Chính phủ các nước châu Âu đã chi hơn 700 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bù đắp thiệt hại khi giá năng lượng tăng, nhưng tình trạng này được dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Với lãi suất tăng và việc các nền kinh tế có khả năng đã suy thoái, những khoản hỗ trợ đã giảm bớt thiệt hại cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.

“Nếu các nước tiếp tục thực hiện những gói cứu trợ tương tự, đó sẽ là khoản tiền lớn tới mức không tưởng. Các Chính phủ từ đó sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc xử lý cuộc khủng hoảng vào năm tới”, ông Martin Devenish, Giám đốc công ty tư vấn S-RM cho biết.

Giới quan sát cảnh báo, đây có thể là khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất ở khu vực này trong hàng chục năm qua. Sau mùa đông năm nay, khu vực châu Âu sẽ phải nạp thêm khí đốt dự trữ mà gần như không có nguồn cung từ Nga. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường thế giới dự kiến tiếp tục khan hiếm cho tới năm 2026, thời điểm các nhà xuất khẩu như Mỹ và Qatar có thể bắt đầu tăng sản lượng khai thác.

Khả năng tài chính của các Chính phủ châu Âu đang trong tình trạng căng thẳng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine. Khoảng một nửa thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang phải gánh khoản nợ vượt giới hạn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối.

Bộ trưởng Năng lượng EU đã phê duyệt các đề xuất khẩn cấp nhằm hạ nhiệt giá năng lượng tăng cao và đảm bảo nguồn cung năng lượng trong bối cảnh thiếu hụt, bao gồm mua chung khí đốt và đơn giản hóa các thủ tục cho phép đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.

Các Bộ trưởng gần đây cũng đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), trong đó có việc cắt giảm mức tiêu thụ điện trong khối và đánh thuế lên lợi nhuận của các công ty năng lượng.

Quốc gia EU chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng là Đức, cường quốc xuất khẩu của khối nhưng phụ thuộc phần lớn vào khí đốt của Nga.
Huy Quang/Theo Reuters, Bloomberg