Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Châu Phi: Mali, Niger và Burkina Faso ký hiệp ước phòng vệ chung

ĐNA -

Ngày 16/9/2023, ba quốc gia vùng Sahel ở châu Phi là Mali, Burkina Faso và Niger đã ký hiệp ước phòng vệ chung, mục đích nhằm hỗ trợ nhau chống lại các mối đe dọa nổi loạn vũ trang hoặc các can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Các quốc gia Sahel ký hiệp ước hợp tác chống lại các mối đe dọa nổi dậy vũ trang hoặc xâm lược từ bên ngoài. (Ảnh: Sierra Leone Monitor)

“Hôm nay tôi và nguyên thủ quốc gia của Burkina Faso, Niger ký bản hiến chương Liptako-Gourma, thành lập Liên minh các quốc gia Sahel (AES), mục đích thiết lập một cấu trúc phòng vệ tập thể và hỗ trợ lẫn nhau.”, người đứng đầu chính quyền quân sự Mali, Assimi Goita, cho biết.

Thỏa thuận ràng buộc các bên ký kết có nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau, trọng tâm về mặt quân sự, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào.

Theo điều lệ của hiệp ước, được gọi là Liên minh các quốc gia Sahel: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một hoặc các bên ký kết sẽ bị coi là hành động xâm lược các bên khác”. thỏa thuận nhấn mạnh; mặt khác cũng ràng buộc ba nước hợp tác để ngăn chặn hoặc giải quyết các cuộc nổi loạn vũ trang.

Ba nước này đang nỗ lực ngăn chặn quân nổi dậy Hồi giáo có liên hệ với al Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời cùng chứng kiến mối quan hệ của họ với những nước láng giềng và đối tác quốc tế trở nên căng thẳng vì các cuộc đảo chính. Khu vực Liptako-Gourma, vùng ngã ba biên giới Mali – Burkina Faso – Niger, đã bị tàn phá bởi cuộc nổi dậy vũ trang trong những năm gần đây.

Cuộc đảo chính mới nhất ở Niger đã gây thêm chia rẽ giữa ba nước và các quốc gia trong khối khu vực là Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), vốn đã đe dọa sử dụng vũ lực để khôi phục chế độ cầm quyền theo hiến pháp ở nước này. Mali và Burkina Faso nhanh chóng phản ứng, tuyên bố, bất kỳ hoạt động quân sự nào can thiệp vào Niger sẽ được coi là lời “tuyên chiến” chống lại họ.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mali Abdoulaye Diop, Liên minh là sự phối hợp nỗ lực quân sự và kinh tế giữa ba nước, mà một trong những ưu tiên là cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực.

Binh sĩ tuần tra trên đường Gorgadji ở khu vực Sahel, Burkina Faso, ngày 3/3/2019. (Ảnh: Reuters)

Trước đây, Mali, Burkina Faso, Niger và Chad và Mauritania là thành viên của lực lượng chống khủng bố G5 Sahel do Pháp hỗ trợ, được thành lập vào năm 2017 để đối phó với các nhóm vũ trang có liên kết với các tổ chức khủng bố al-Qaeda và IS.

Sau cuộc đảo chính quân sự, Mali đã không hoạt động tại Liên minh G5 Sahel. Mối quan hệ giữa Pháp và ba nước đã trở nên xấu đi kể từ cuộc đảo chính. Pháp đã buộc phải rút quân khỏi Mali và Burkina Faso, đồng thời đang trong tình trạng căng thẳng với chính quyền quân sự nắm quyền ở Niger sau khi Niamey yêu cầu Paris rút quân và đại sứ khỏi nước này. Pháp đã từ chối công nhận chính quyền quân sự.

Chy Lê