Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chạy đua để bảo vệ hành tinh trước tình trạng biến đổi khí hậu

ĐNA -

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) khai mạc cuối tuần này. Các nước đang nỗ lực chạy đua cùng thời gian để tận dụng tốt nhất cơ hội lớn này, để đạt bước tiến đột phá giúp bảo vệ hành tinh trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo các mục tiêu khí hậu đang chệch hướng và trái đất có thể nóng lên 2,7 độ C vào năm 2030 – Ảnh: Getty

Hội nghị COP26, diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11 tới tại Glasgow của Anh, được nhận định là một trong những cơ hội lớn cuối cùng của nhân loại nhằm kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu đang tàn phá nặng nề Trái đất. Đây là hội nghị cấp cao về khí hậu lớn nhất kể từ sự kiện lịch sử ở Paris hồi năm 2015. Hội nghị COP26 được kỳ vọng sẽ thông qua các kế hoạch giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 1,5 0C so mức thời kỳ tiền công nghiệp và đưa phát thải ròng carbon về mức 0 vào năm 2050, nhằm làm chậm tốc độ Trái đất ấm lên.

Tuy nhiên, trước thềm hội nghị được trông đợi ở Glasgow, khó khăn vẫn chất chồng. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, thực tế cho thấy, hầu hết các bên tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đều không bảo đảm hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo, sẽ rất khó khăn trong việc đạt được các thỏa thuận cần thiết về ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26. Cùng với đó, thông tin một số nhà lãnh đạo các nước không tham dự tạo ra khởi đầu không mấy thuận lợi đối với Hội nghị COP26.

Sức ép cũng gia tăng trước thềm Hội nghị COP26, khi một loạt số liệu thống kê cho thấy, tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, tốc độ gia tăng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2020 đã vượt mức trung bình hằng năm trong giai đoạn 2011 – 2020. Theo WMO, với lượng khí phát thải tiếp tục tăng cùng nhiệt độ cao bất thường, con người sẽ hứng chịu thêm nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như nắng nóng gay gắt, mưa lớn, băng tan… Và tất cả những điều này sẽ gây ra tác động khó lường về mặt kinh tế – xã hội.

Trước thềm Hội nghị COP26, nhiều nước đã công bố kế hoạch cắt giảm khí thải carbon, cũng như tuyên bố tham gia sáng kiến Cam kết cắt giảm khí methane toàn cầu. Đây là thông tin tích cực.

Tuy nhiên, để cơ hội thật sự không bị bỏ lỡ tại Hội nghị COP26 tới, vẫn cần những hành động quyết liệt, khẩn trương và đồng bộ hơn nữa, nhằm đạt được thỏa thuận chung mang tính đột phá về ứng phó biến đổi khí hậu. Qua đó, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh và bền vững.