Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 3-7/7/2023

ĐNA -

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 3-7/7/2023 bao gồm: Nâng cao hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã…

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 3-7/7/2023.

Nâng cao hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030.

Mục tiêu chung của Nghị quyết là thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030, trong đó trọng tâm là: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhanh chóng phục hồi kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia.

Tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.

Công điện yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; kịp thời cập nhật thông tin cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo để phục vụ cho định hướng kinh doanh, xuất khẩu…

Rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 4/7/2023 về việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.

Công điện yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặc biệt là công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cần sớm hoàn thành để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030.

Điều kiện cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện về tài chính để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định, tổ chức góp từ 10% vốn điều lệ trở lên thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điều 64, 65, 66 Luật Kinh doanh bảo hiểm và điều kiện về tài chính sau:

a- Tổ chức góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu lớn hơn hoặc bằng số vốn dự kiến góp;

b- Trường hợp tổ chức góp vốn là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán thì các tổ chức này phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật liên quan không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản chấp thuận thì tổ chức góp vốn phải có văn bản xác nhận việc này;

c- Trường hợp tổ chức góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài thì phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi các tổ chức này đóng trụ sở chính cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam. Trường hợp quy định của nước nơi tổ chức này đóng trụ sở chính không có yêu cầu phải có văn bản chấp thuận thì phải có văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước đó;

d- Có báo cáo tài chính 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.

An toàn trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành công trình dầu khí
Chính phủ ban hành Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, trong đó quy định về an toàn trong thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành công trình dầu khí.

Cụ thể, công trình dầu khí phải được thiết kế, chế tạo, xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được thừa nhận và áp dụng rộng rãi tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm các yêu cầu sau: An toàn về công nghệ; an toàn về xây dựng; an toàn về phòng chống cháy nổ; vùng và hành lang an toàn; các quy định về bảo vệ môi trường; chịu được các tải trọng dự kiến trong quá trình vận hành và khi xảy ra sự cố; không tạo ra sự cố dây chuyền từ sự cố đơn lẻ.

5 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 4/7/2023 ban hành 5 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp bao gồm:

1- Trường Đại học Luật Hà Nội.

2- Nhà Xuất bản Tư pháp.

3- Trường Cao đẳng Luật miền Bắc.

4- Trường Cao đẳng Luật miền Trung.

5- Trường Cao đẳng Luật miền Nam.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 806/QĐ-TTg ngày 6/7/2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo phê duyệt, phạm vi, quy mô lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy mô lập quy hoạch có diện tích là 23.481,7 m2; trong đó, Khu vực bảo vệ I là 16.361,7m2 và Khu vực bảo vệ II là 7.120 m2 .

Thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 815/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường và Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Chy Lê