Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chiến tướng Lê Nam Phong; TỪ ĐỒI ĐỘC LẬP ĐẾN DINH ĐỘC LẬP

ĐNA -

Trung tướng Lê Nam Phong là một chiến tướng lẫy lừng gắn liền với nhiều chiến công của Quân đội. Với hơn 44 năm có mặt trên tất cả các chiến trường trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc và làm nghĩa vụ Quốc tế; tham dự hầu hết các chiến dịch lớn của Quân đội; 10 năm làm Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 2. Từ một chiến tướng ở chiến trường, ông trở thành Nhà giáo chuyên nghiệp của Quân đội. Ông có nhiều đóng góp thiết thực trong công tác đào tạo lực lượng sĩ quan vừa hồng vừa chuyên, kết hợp khoa học quân sự với thực tiễn chiến đấu, tác chiến, góp phần xây dựng thế hệ quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trở thành Chiến sĩ Vệ Quốc đoàn
Năm 1943, ông đi theo cách mạng lúc vừa bước vào tuổi 18. Đây là niềm vui sướng đầu tiên và rất có ý nghĩa trong cuộc đời ông. Cuối năm 1944, ông được cử đi học khóa quân sự đầu tiên của tỉnh Nghệ An do Trung đoàn 57 mở tại huyện Thanh Chương. Sau khóa huấn luyện, ông chính thức là chiến sĩ vệ quốc đoàn thuộc Trung đoàn 57. Nhớ lúc ra đi, từ một thiếu niên chân đất, áo nâu, quần cộc, giờ đây ông đã là bộ đội Cụ Hồ trong quân phục vệ quốc đoàn oai phong, dũng mãnh. Từ lúc đó, ông đã sẵn sàng nhận bất cứ việc gì của Cách mạng và Quân đội giao phó, dù khó khăn gian khổ thế nào và ngay cả hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc ông vẫn chấp nhận.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng bào cả nước đi theo tiếng gọi của Bác Hồ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, Liên khu 4 là địa bàn tiến hành cuộc tiêu thổ kháng chiến triệt để nhất. Phá hủy nhà cửa, cầu cống, đường bộ, đường sắt, tản cư để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Để lại mãi mãi dấu ấn trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam về hiệu quả tư tưởng chiến lược, tổ chức chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng.

Cũng thời gian này, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Buổi lễ kết nạp Đảng được tổ chức tại chùa Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghê An. Từ đây, ông nghĩ cuộc đời ông đi theo cách mạng đã hết khổ rồi nên cái tên Hoàng Thống không còn phù hợp với ông nữa. Được bạn bè góp ý, ông lấy tên là Nam Phong, có nghĩa là nguồn gió Nam, thứ gió mát lành của quê hương sẽ theo ông suốt cuộc đời Nam chinh, Bắc chiến.

Kháng chiến chống thực dân Pháp
Tháng 3 năm 1948, ông cùng một số đồng chí Liên khu 4 được điều ra Việt Bắc để học khóa quân sự – chính trị ở trường lục quân Hoàng Hữu Nam, Liên khu 10. Tháng 1 năm 1949, ông được bổ sung vào Đại đoàn 308 – Đại đoàn Quân Tiên phong và tham gia chỉ huy các đại đội: Tô Văn, 211,225,213, tiểu đoàn 322, trung đoàn 88. Đại đoàn 308 tham gia các chiến dịch lớn ở Việt Bắc, tây Bắc, trung du Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được độc lập. Đơn vị ông nhận nhiệm vụ sang Vân Nam, Trung Quốc nhận trang thiết bị, vũ khí do Trung Quốc chi viện để chuẩn bị cho chiến dịch biên giới Cao-Bắc-Lạng, năm 1950.

Các Chiến dịch: Cao-Bắc-Lạng, Đông Xuân 1950-1951, Hòa Bình và Tây Bắc
Với nòng cốt là Đại đoàn 308, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174. Tháng 9 năm 1950, Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng chính thúc được mở màn. Trận đánh đầu tiên đánh vào Đông Khê. Ngày 18 tháng 9 năm 1950, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174 đã xóa sổ căn cứ Đông Khê của Pháp. Sau đó giải phóng Thất Khê, Cao Bằng, Lạng Sơn. Chiến dịch biên giới Cao-Bắc-Lạng kéo dài hàng tháng và kết thúc thắng lợi.

Cuối năm 1950, ông cùng Đại đoàn 308 và một số đơn vị thuộc Đại đoàn 312 về trung du chuẩn bị chiến dịch Đông-Xuân 1950-1951. Năm 1951, trong Chiến dịch Hà-Nam- Ninh, đánh giặc Pháp ở chùa Cao và đồn Non Nước thuộc tỉnh Ninh Bình. Sau khi Đại đoàn 308 chiến thắng cứ điểm Non Nước, đập tan chiến thuật “boong-ke” của Pháp khiến giặc Pháp hoang mang. Sau đó, quân chủ lực tiến về trung du, đồng bằng, trực tiếp tấn công vào vùng hậu phương của địch khiến chiến tranh du kích đã lan rộng khắp vùng, từ hữu ngạn, tả ngạn sông Hồng, duyên hải Thái Bình đến Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả.

 Năm 1951, Đại đoàn 308, Đại đoàn 304 và Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Hòa Bình, đánh Pháp trên trục đường số 6. Ông cùng Trung đoàn 88, Sư 308 đánh trận mở màn vào đồn Tu Vũ đêm 10 tháng 12 năm 1951. Chiến thắng Tu Vũ tạo điều kiện để bộ đội đánh giải phóng Hòa Bình. Chiến dịch Hòa Bình kết thúc thắng lợi. Trong đại hội mừng công, Bác Hồ đặt tên cho Trung đoàn 88 là Trung đoàn Tu Vũ. Đây là một trong những trận đánh mà ông thường kể lại về ý chí quyết đánh và quyết thắng của bộ đội. Suốt đời ông nhớ mãi hình ảnh 12 chiến sĩ bộc phá can trường mở được cửa mở và họ đã ngã xuống cho độc lập của Tổ quốc. Thời gian trôi đi, nhưng lịch sử sẽ ghi lại công lao của các anh – đó là điều mơ ước của Trung tướng Lê Nam Phong.

 Ngày 14 tháng 10 năm 1952, ông cùng Đại đoàn 308, 316 và 312 mở màn chiến dịch Tây Bắc. Đại đoàn 308  được lệnh hành quân giải phóng Nghĩa Lộ. Trận Nghĩa Lộ giành thắng lợi lúc 5 giờ 30 phút cùng ngày. Đây là trận đánh công kiên điển hình về thời gian quân ta chuẩn bị nhanh, tiêu diệt địch gọn và ít thương vong. Trong trận đánh ở Nà Si, ông lại bị thương do sức ép của bộc phá đánh cửa mở. Sức nổ của bộc phá hất ông xuống suối cạn cùng người tổ trưởng xung kích đã bị tử thương. Ba ngày sau đơn vị mới tìm kiếm đưa ông về căn cứ, ông sống được qua 3 ngày đêm nhờ sức khỏe của tuổi trẻ và những cơn mưa nhỏ mát dịu về đêm dội lên cơ thể.

Tấn công đồi Độc Lập và kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiều 13 tháng 3 năm 1954, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm Him Lam được địch mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 3 năm 1954, trung đoàn 88 (308) đánh vào hướng bắc đồi Độc Lập, nằm đúng vào khu vực địch chú trọng kiểm soát và đã có sẵn tọa độ cho pháo binh và máy bay. Trung đoàn 165 (312) đánh hướng Đông-Nam đồi Độc Lập. Cứ điểm Độc Lập có lô cốt và chiến hào vững chắc, bố trí trên toàn bộ một quả đồi. Căn cứ dài 700m, rộng 200m, bao bọc bằng nhiều lớp kẽm gai. Tối 13 tháng 3 năm 1954, cứ điểm Him Lam bị tiêu diệt. Mất Him Lam nên địch bắn phá dữ dội quanh cứ điểm Độc Lập để chặn cuộc tấn công của bộ đội.15 giờ ngày 14 tháng 3, mũi giao thông hào đã cách đồn địch 150m. Bộ đội di chuyển dưới trời mưa tầm tã bất chấp pháo 105 và 155 ly của giặc bắn dồn dập. Các chiến sĩ cởi áo che bộc phá và vũ khí tiến vào chiếm lĩnh trận địa. đã có thương vong trên đường tiến quân. Trung đoàn 29 được giao mũi đột kích, Đại đội Tô Văn là mũi chủ công. 3 giờ 30 phút sáng ngày 15 tháng 3 năm 1954, Pháo 105 ly của ta trút bão lửa xuống đồi Độc Lập. 9 khẩu DKZ của Trung đoàn 88 đồng loạt bắn thẳng vào từng ổ đề kháng của địch. 6 khẩu đại liên Mac-xim gìm địch cho Nguyễn Văn Ty dẫn tiểu đội bộc phá lên mở cửa mở. Pháo 105 ly của ta chuyển làn bắn vào trung tâm do thấy bộc phá mở đường trước bị lệch. Đại đội trưởng Lê Nam Phong dẫn đầu Đại đội 225 dẫn đơn vị bộc phá tiếp ứng. Các chiến sĩ bộc phá đã mở thành công cửa mở. Pháo của địch từ Mường Thanh bắn rát vào khu vực cửa mở khiến bộ đội không tấn công lên được. Đến 4 giờ 30 sáng ngày 15 tháng 3, ở mũi đông nam, trung đoàn 165 đã có một bộ phận đánh vào được trung tâm. Bộ Chỉ huy Chiến dịch tập chung pháo bắn vào căn cứ Mường Thanh để khống chế pháo địch. Lợi dụng thời cơ, ông dẫn đầu bộ đội nhất tề xông thẳng vào đồn địch. 6 giờ 30 phút ngày 15 tháng 3 năm 1954, Đại đoàn 308 và 312 đã làm chủ hoàn toàn đồi Độc Lập. Trận đánh đồi Độc Lập để lại bao kỷ niệm sâu sắc. Ông đã sống và chiến đấu giữa muôn ngàn tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng đội. Họ đã nêu cao ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần quyết chiến quyết thắng đạp bằng mọi chông gai, dũng mãnh xông lên tiêu diệt quân thù.

Ngày 20 tháng 4 năm 1954, mở màn đánh cứ điểm Mường Thanh, hang ổ cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ. Pháo kích địch bắn thẳng vào đúng trận địa đại đội 22 và sau lưng Đại đội 225. Tiểu đoàn ra lệnh cho Đại đội 213 tổ chức phản kích. Sau 2 tiếng chiến đấu, Đại đội 213 đã chiếm một phần trận địa và cao điểm 206, bảo vệ sườn trái và yểm trợ cho Đại đội 225 phản công và dành thắng lợi. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 đã bắt sống tướng De Castríe tại căn cứ Mường Thanh kết thúc trận Điện Biên Phủ, chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu.

Năm 1956, ông nhận được quyết định đi học bổ túc văn hóa ở Kiến An, Hải Phòng. Sau đó, ông được cử đi học ở Học viện Quân Sự Hoàng Phố, Trung Quốc. sau 5 năm học, ông được điều động về Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu.

Kháng chiến chống đế quốc Mỹ
Tháng 4 năm 1964, ông Lê Nam Phong đi B và được cử làm Đoàn trưởng Đoàn 707, chỉ huy 100 cán bộ tăng cường cho Quân giải phóng miền Nam. Sau 4 tháng, 15 ngày hành quân bộ dọc đất nước, Đoàn 707 đã vào tới suối Dây, sông Tha La ở chân núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Sau chiến dịch Dầu Tiếng, ông được điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 do Tướng Hoàng cầm làm Tư lệnh.

Trận Bàu Bàng – Bình Dương, Bông Trang – Nhà Đỏ và Các trận đánh chống càn để bảo vệ Trung ương cục và vùng giải phóng
5 giờ sáng ngày 12 tháng 11 năm 1965, ông chỉ huy Trung đoàn 3 cùng Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 nổ súng tấn công Sư đoàn “Anh cả đỏ” của Mỹ đi càn tại ấp Bàu Bàng, Lai Uyên, tỉnh Bình Dương. Sau 3 giờ chiến đấu, Quân giải Phóng đã tiêu diệt và làm bị thương 2000 lính Mỹ, 30 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy. Đây là trận đầu tiên của Quân Giải phóng đánh trực diện quân đội Mỹ với quy mô lớn nhất, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, thu được thắng lợi vang dội.

 1giờ 30 phút ngày 24 tháng 2 năm 1966, trong trận chống càn khu vực Bông Trang-Nhà Đỏ, ông chỉ huy Trung đoàn 3 cùng Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 tấn công trận càn liên quân Mỹ-Úc và lính VNCH. Sau hơn 6 giờ chiến đấu, Quân Giải phóng loại khỏi đội hình chiến đấu 2 tiểu đoàn Mỹ và toàn bộ sở chỉ huy Lữ đoàn 3, sư đoàn 1 – Hoa Kỳ,  48 xe M113 và 24 xe tăng địch bị phá hủy. Đây là trận đánh phối họp giữa bộ đội chủ lực và du kích địa phương; phát huy tối đa thế trận chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, bằng cách đánh chia nhỏ đội hình địch ra tiêu diệt.

Ngày 3 tháng 6 năm 1966, Sư đoàn bộ binh 7 ra đời gồm 2 Trung đoàn 141 và 165, ông được điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141. Đến giữa năm 1968, Trung đoàn 209 vào chiến trường B2. Như vậy, cả 3 Trung đoàn của Sư 312 thời chống Pháp, nay vào chống Mỹ lại tập hợp Sư đoàn 7- Phiên hiệu là Sư đoàn Chiến Thắng. Sư đoàn 7 sau khi thành lập kết hợp chiến thuật cùng Sư đoàn 9 đã xuất trận chiến đấu trực tiếp với quân đội Mỹ và các nước chư hầu. Đập tan các chiến dịch càn quyét của Mỹ vào vùng Giải phóng và Khu Trung ương Cục như: trận càn Attleboro đánh vào chiến khu Dương Minh Châu, tháng 8 năm 1966. Trận càn Cedar Falls đánh vào Củ Chi từ ngày 8 đến ngày 16 tháng 1 năm 1967. Điển hình là trận càn Juction City đánh vào căn cứ Trung ương Cục tại Xa Mát, tỉnh Tây Ninh 53 ngày đêm, từ ngày 22 tháng 2 đến ngày 15 tháng 4 năm 1967, với quy mô lớn gồm: 45.000 lính, 11.000 xe cơ giới, 600 máy bay các loại và 200 khẩu pháo. Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 dùng chiến thuật du kích, đưa Trung ương Cục sang bên kia biên giới, tách thành nhiều đội hình nhỏ để thoái khỏi vòng vây của địch, tạo vườn không nhà trống như ngày xưa thời nhà Trần chống quân Nguyên – Mông. Sau 10 ngày càn quét, địch không thu được kết quả gì. Ta triển khai bằng chiến thuật du kích, đánh vào chỗ đóng quân của địch, gây cho địch thất bại nặng nề. Kết quả, 11.000 tên chết và bị thương, 900 xe quân sự, hơn 100 pháo bị phá hủy, 143 máy bay và trực thăng bị rơi. Đánh bại cuộc càn quét quy mô này, quân ta đã cơ bản làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Tổ chức đánh chặn trên trục đường 13, bảo vệ an toàn Trung ương cục và vùng giải phóng.
Đêm 29 tháng 1 năm 1968 là đêm Tết giao thừa Mậu Thân, các chiến trường phát hỏa. Sư đoàn 7 nhận nhiệm vụ chốt chặn đường 13 từ Bàu Bàng đến Bến Cát và đường 16 đi Tân Uyên, nhằm ngăn chặn sư đoàn bộ binh 1 và trung đoàn thiết giáp 11 của Mỹ về cứu viện Sài Gòn. Trận chiến đối kháng vô cùng ác liệt. Ông cùng đồng đội đã đội bom đạn của kẻ thù, tổ chức kết hợp với vận động tiến công, chặn đứng kế hoạch ứng cứu Sài Gòn của địch. Sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu Trưởng Sư đoàn 7. Cuối tháng 4 năm 1970, Sư đoàn 7, Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9 kết hợp với đơn vị chủ lực của bộ đội Campucha đã loại khỏi vòng chiến đấu 4 vạn tên giặc, giải phóng một vùng biên giới rộng lớn, tạo nên một hậu phương vững chắc cho cách mạng Việt Nam và Campuchia. Đầu năm 1971, Mỹ – Ngụy mở 3 cuộc hành quân chiến lược: Đường 9 – Nam Lào, Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia. Để chủ động đối phó tình huống đánh địch, ngày 17 tháng 3 năm 1971, Bộ Tư lệnh Miền thành lập Cơ quan chỉ huy tiền phương, mật danh là “Đoàn 301”gồm Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Trung đoàn pháo binh 28, Tiểu đoàn súng máy phòng không và các đơn vị binh chủng phục vụ – tiền thân của Quân đoàn 4 – Binh đoàn Cửu Long sau này. Từ đó, bộ đội từ thế phòng thủ, chống càn chuyển sang thế tấn công, mở rộng vùng giải phóng. Chiến dịch Nguyễn Huệ của ta bắt đầu ngày 1 tháng 4 năm 1972 nhằm giải phóng Lộc Ninh.  Tháng 5 năm 1972, Sư đoàn 5 cùng Trung đoàn 209 của Sư đoàn 7 diệt gọn chiến đoàn 52 ở Đồng Tâm, giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh, Sư đoàn 9 chiếm Hớn Quảng.

Tháng 10 năm 1973, hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ương Đảng họp, bàn thực hiện phương hướng và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Sau hội nghi đó, Bộ chỉ huy Miền triển khai Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 xuống tây và đông đường số 13 xây dựng thế trận mới. Đầu năm 1973, trước khi ký Hiệp định Paris. Ở miền Đông – Nam Bộ, Mỹ-Ngụy âm mưu đẩy khối chủ lực của ta ra khỏi vùng tam giác Chơn Thành-Bến Cát-Dầu Tiếng. Trận Dầu Tiếng đã để lại trong ông những hình ảnh sinh động, nổi bật là sự sáng tạo của Sư đoàn 7 trong chiến thuật phản kích, vây ép địch. Đêm 18 tháng 1 năm 1973, ta phản công địch khi chúng xua quân đánh vào khu tam giác Chơn Thành-Bến Cát-Dầu Tiếng. 5 giờ sáng ngày 19 tháng 1 năm 1973, ông ra lệnh nổ súng đồng loạt tấn công  địch. Sau 5 giờ chiến đấu, với lối đánh mãnh liệt, tấn công bất ngờ, chớp nhoáng, ta tiêu diệt  gọn hai tiểu đoàn  và ban chỉ huy của chiến đoàn 8, bắt sống 500 tên địch, thu toàn bộ vũ khí và khí tài, đồ dùng quân sự. Sư đoàn 7 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, góp phần quan trọng đối với thời điểm chuẩn bị ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của bộ Chính trị. Ngày 20 tháng 7 năm 1974, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng chính thức công bố thành lập Quân đoàn 4 với phiên hiệu Binh đoàn Cửu Long. Chỉ định ôngí Hoàng cầm làm Tư lệnh và ông Lê Nam Phong được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 7.

Từ Đồng Xoài, Phước Long đến Xuân Lộc
Đồng Xoài là một căn cứ quân sự khá lớn, dài 600m, rộng 300m. 5 giờ 7 phút ngày 26 tháng 12 năm 1974, pháo 85ly nhanh chóng đánh phá chốt ngoại vi. Quân ta mở cửa mở xung phong vào trung tâm địch. 10 giờ 30 phút, quân địch ra hàng, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Buổi chiều, ta tấn công san phẳng các đồn lân cận như Tà Bế, Phước Thiện. Chiến thắng Đồng Xoài là chiến công của Sư đoàn 7, góp phần khai hỏa cho chiến thắng của Quân đoàn 4.

Rạng sáng ngày 31 tháng 12 năm 1974, Sư đoàn 7 nổ súng tấn công Phước Bình. Đạn pháo 130ly dội xuống căn cứ Phước Bình. Trung đoàn 165 phối hợp với pháo binh tấn công nhưng bị phản công quyết liệt. Ông đề nghị cho xe tăng tham gia tấn công, được Tư lệnh Quân đoàn duyệt. Nhờ có xe tăng yếm trợ, bộ binh nhanh chóng chiếm được mục tiêu. 15 giờ 39 phút, căn cứ Phước Bình bị ta xóa sổ. Đồng thời cùng lúc tấn công Phước Bình, Tiểu đội đặc công 479 tấn công và làm chủ chốt Bà Rá.

Phước Long nằm trên một dãy đồi cao, là một cứ điểm thuận lợi cho việc phòng ngự. Bộ đội dùng chiến thuật áp sát và bao vây. Thị xã Phước Long chỉ còn 2km2 do địch chiếm đóng. Từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 1 năm 1975, pháo binh trút lửa vào căn cứ Phước Long. Trung đoàn 165, 141 của Sư đoàn 7, Trung đoàn 271 của quân đoàn 3 cùng hơn 10 xe tăng đồng loạt tấn công vào thị xã Phước Long. Trưa ngày 6 tháng 1 năm 1975, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” đã cắm trên nóc tòa dinh tỉnh trưởng Phước Long.

Đêm 16 rạng ngày 27 tháng 1 năm 1975, Pháo binh ta phát hỏa vào tọa độ đã được định sẵn ở Phương Lâm, La Ngà, núi Tràm, Đồi Đăng Ca và Cao điểm 112. Trung đoàn 209 nhanh chóng tiêu diệt địch ở cụm núi Tràm, chia cắt Định Quán với quân đoàn 3 ngụy. Đánh vào Định Quán, xe tăng không triển khai được do vướng đá gộp nhưng vẫn dùng pháo bắn sập cao điểm 124. Sau 2 ngày giằng co, đến ngày 29 tháng 1, bộ đội đã giải phóng hoàn toàn Định Quán. Toàn bộ lực lượng địch từ Túc Trưng đến Phương Lâm đều bị tiêu diệt.

Từ 16 giờ ngày 28 tháng 1 năm 1975, bộ đội vừa hành quân vừa tiêu diệt chi khu quân sự Hạ Huoai tiến thẳng đến cầu Đại Lào cách Bảo Lộc 3km. Đúng 0 giờ 30 phút ngày 29 tháng 1 năm 1975, Sư đoàn 7 đồng loạt tấn công vào Bảo Lộc. 5 giờ 30 phút, bộ đội đã làm chủ Bảo Lộc. Trung đoàn 165 truy quyét địch đến thị trấn Di Linh.

Trên đà tiến công, Sư đoàn 7 đang nhắm đến giải phóng Đà Lạt thì được lệnh quay về cùng Quân đoàn 4 đánh Xuân Lộc, đó là một cứ điểm quan trọng của địch bảo vệ Sài Gòn, được trang bị đầy đủ và được chi viện tối đa. Quân đoàn 4 giao cho Sư đoàn 7 hướng chủ yếu, đánh chiếm sư đoàn 18 ngụy. Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam, Sư trưởng là ông Trần Văn Trân vừa được ngụy trao trả tù binh năm 1973 tại Thạch Hãn) đảm nhiệm chiếm dinh tỉnh trưởng, Sư đoàn 6 ngăn chặn địch từ ngã 3 Dầu Dây đến đèo mẹ bồng con. 5 giờ 30 phút, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Các cụm pháo Quân đoàn đồng loạt khai hỏa. Trong ngày đầu tiên, bộ đội chiếm được 2/3 thị xã. Riêng hướng Sư đoàn 7 không tiến lên được vì tấn công ở hướng chính, vấp phải phòng ngự của địch, lực lượng bị tiêu hao. Qua 3 ngày chiến đấu, Sư đoàn 7 bị thương vong nhiều do địch quyết chống trả. Trước tình hình khó khăn đó, ta thay đổi cách đánh. Sư đoàn bộ binh 6 thuộc Quân khu 7 phối hợp với Quân đoàn 4 đánh vào khu vực Dầu Dây – Núi Thị, tập kích chiến đoàn 52 ngụy và đánh sân bay Biên Hòa bằng pháo 130ly. Trước thế trận áp đảo của quân ta, tướng Lê Minh Đảo rút chạy trong đêm mưa. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Ta thừa thắng xông lên giải phóng hoàn toàn Xuân Lộc và đuổi theo truy kích tàn quân địch. Ngày 26 đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn 4 đã giải phóng Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Long Bình.

Chiếm dinh Độc Lập-Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Dinh Độc Lập, Trưa ngày 30/4/1975

16 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã ra lệnh cho cánh quân phía đông bắt đầu công kích vào nội đô  Sài Gòn. Đó là thời khắc lịch sử mà tướng Lê Nam Phong không thể nào quên. Cánh quân phía Đông được chỉ huy của Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 6 đánh sân bay Biên Hòa, sở chỉ huy quân đoàn 3 chiến thuật và đoàn không quân ngụy đóng ở Biên Hòa. Sư đoàn 7 được tổ chức thành lực lượng thọc sâu thẳng tiến vào giải phóng Sài Gòn, đánh chiếm quận 1, đài phát thanh và dinh Độc Lập. Trên đường đi gặp nhiều bọn địch ngoan cố đã bị bộ đội giải quyết nhanh, tiêu diệt gọn để thần tốc tiến vào Sài Gòn. Do đi đường Biên Hòa – Thủ Đức vướng cầu Ghềnh, do cầu quá hẹp và yếu, ông ra lệnh qua lại đường Quốc lộ 1. Nhưng do đi đường vòng nên Sư đoàn 7 đã đến dinh Độc Lập lúc 12 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Quân đoàn 2 đã cắm cờ chiến thắng lên nóc dinh Độc Lập lúc 11g30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tác giả (cầm lái) và Chiến tướng Lê Nam Phong (ngồi bên thuyền) Sidecar Ural sản xuất năm 1991. Ảnh: Bác sĩ Thảo trưởng khoa B3, Bệnh viện 175, Bộ Quốc phòng chụp năm 2017

Ngày 15 tháng 5 năm 1975, ông được đi phép 1 tháng về thăm gia đình. Sau đó, ông quay lại làm Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Tư lệnh Quân đoàn 1, Tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchía, chống bọn bành trướng Trung Quốc ở biên giới. Năm 1987, Ông đảm nhận chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Năm 1988, ông được vinh thăng quân hàm Trung tướng. Năm 1997, ông về hưu. 10 năm sau, tháng 6 năm 2007, ông cho xuất bản cuốn hồi ký CUỘC ĐỜI VÀ CHIẾN TRẬN.

Vào hồi 11 giờ 17 phút ngày 26 tháng 3 năm 2022, Trái tim của người Chiến Tướng đã ngừng đập. Giờ đây, Trung tướng Lê Nam Phong đã mãi mãi ra đi… Một vị tướng trận tài danh, đức độ của Quân đội và  của dân tộc Việt Nam, một người lính Bộ đội Cụ Hồ đã tham gia 4 cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc: kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn, huyền thoại của một vị chiến tướng có nhiều chiến công lẫy lừng gắn với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Chiến tướng Lê Nam Phong.

Thế Cương
Biên tập –Đại tá, Nhà báo Đặng Thọ Truật, Anh hùng lực lượng vũ trang
Nguồn: Cuộc đời và Chiến trận 6/2007, tác giả Trung tướng Lê Nam Phong.