Thứ tư, Tháng mười 16, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chính phủ sớm xem xét các vướng mắc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

ĐNA -

Ngày 12/8/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế”. Tại Toạ Đàm đã đưa ra thảo luận nhiều vấn đề ‘nóng’ liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế đã được cơ quan chức năng, lãnh đạo bệnh viện và các chuyên gia phân tích đánh giá cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục.

Các khách mời tham dự chương trình (từ trái sang): TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế); bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII; PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – một bệnh viện tuyến đầu của Trung ương, cho biết, vấn đề thiếu thuốc xảy ra ở BV Bạch Mai không trầm trọng, BV chỉ thiếu những thuốc thiết yếu do không có nhà cung cấp. Nguyên nhân được chỉ ra do đứt chuỗi cung ứng. Mới đây, Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia cũng đã công bố kết quả thầu đối với những thuốc nằm trong danh mục này, vì vậy, vấn đề thiếu thuốc đang được khắc phục dần.

Tuy nhiên, liên quan đến các vật tư, thiết bị y tế thì hiện tại các quy định mua sắm đang “bó” và rất khó mua. Ông dẫn chứng, nếu bây giờ BV muốn mua một số thiết bị y tế thì phải có 3 báo giá để làm giá kế hoạch và giá này phải được cập nhật trong 12 tháng. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, thậm chí trong 2 năm chống dịch vừa rồi, chúng ta chủ yếu tập trung vào mua sắm vật tư y tế cấp bách để chống dịch. “Còn các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị những bệnh thông thường thì trong 24 tháng qua, tôi khẳng định là các cơ sở y tế rất ít mua sắm. Do vậy, bây giờ chúng tôi cần 3 báo giá để mua sắm một thiết bị y tế mà phải cập nhật trong vòng 12 tháng là điều hoàn toàn không khả thi”, Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai: Các văn bản pháp quy cần trở thành công cụ hữu ích cho các cơ sở, bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng cho biết, một vấn đề đang vướng mắc tại cơ sở y tế, các bệnh viện liên quan đến giá. Cụ thể giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế do các doanh nghiệp khai và chịu trách nhiệm trong khi hiện nay chưa bộ, ngành nào chịu trách nhiệm kiểm soát, giám sát các mức giá này. Đây là điều e ngại cho các bệnh viện, người đứng đầu các cơ sở khi đánh giá về giá thuốc, thiết bị y tế. PGS.TS. Đào Xuân Cơ đề xuất cần có cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm về giá, không để các doanh nghiệp tự công bố giá để tránh việc họ bắt tay thổi giá, tạo giá không hợp lý.

Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, do một số văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp và sát thực tế nên các cơ sở y tế rất khó khăn khi thực hiện. Vì vậy, lãnh đạo BV Bạch Mai đề xuất cần có các đoàn khảo sát, hỗ trợ các đơn vị, các Sở Y tế, các bệnh viện trong vấn đề này, vì trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện, Giám đốc các cơ sở y tế là phải đảm bảo thuốc, vật tư y tế để phục vụ người bệnh. Đấy là quy định và cũng là trách nhiệm nên rất cần các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ Y tế, và các bộ liên ngành tạo điều kiện cho các nhà quản lý ở các cơ sở thuận lợi trong việc mua sắm.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về phía cơ quan quản lý, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia cho biết, vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế không phải bây giờ mới có mà tình trạng này đã xảy ra từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là thiếu ở mức độ nào, thiếu cái gì, thiếu ra sao? TS. Ngọc Bảo cho biết, tuần qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã phê duyệt thành lập 4 đoàn đi kiểm tra thực tế tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc để từ đó có những số liệu rõ ràng và trên cơ sở đó mới đưa ra được giải pháp cụ thể.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo lấy ví dụ, trong đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, chúng ta đều phải yêu cầu lập kế hoạch. Khi lập kế hoạch phải đảm bảo sử dụng ít nhất 80% thuốc trong nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, có những thuốc cá biệt khi được đàm phán giá hay đấu thầu tập trung thì số lượng sử dụng chỉ khoảng 20-25% so với nhu cầu đặt ra. Như vậy, có thể khẳng định không phải thiếu thuốc ở tất cả các đơn vị và ở tất cả các danh mục thuốc.

Về các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo cũng thừa nhận, trong việc lựa chọn để mua sắm thuốc, chúng ta đã có những cập nhật nhưng chưa đuổi kịp thực tế xã hội. Vì vậy, có những nội dung cần phải sửa đổi kịp thời, ví dụ Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung gia hạn số đăng ký thuốc…

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng chia sẻ có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, trong đó có nguyên nhân do một số thể chế của chúng ta hiện nay chưa rõ ràng, chưa minh bạch, dẫn tới các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Nguyên nhân khác nữa do năng lực thực hiện công tác đấu thầu cả từ Trung ương đến cấp địa phương và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng có những hạn chế nhất định; các doanh nghiệp không tham gia đấu thầu vì không có lợi nhuận do giá thuốc tăng, hồ sơ mời thầu có giá thấp…

PGS.TS. Bùi Thị An: Đây là giai đoạn cần chỉ đạo quyết liệt như là chỉ đạo cho một chiến dịch để cho các cơ sở có thuốc điều trị cho người dân – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhìn nhận việc thiếu thuốc hiện nay đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho người bệnh, đặc biệt là những người nghèo, người có công, người yếu thế trong xã hội.

“Chúng ta không có đủ thuốc ngay với giá cả hợp lý thì đây là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng ngành y. Đặc biệt là những thuốc đặc trị thiết yếu cần gấp cho người bệnh”, bà An nhấn mạnh.

Cho rằng chúng ta đã từng tháo gỡ cho các doanh nghiệp, cho đầu tư công thì cũng gỡ được cho ngành y, nhất là vấn đề thuốc hiện nay, bà An đề xuất cần rà soát lại cơ chế, chính sách xem có vấn đề gì vướng thì tập trung sửa ngay. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát lại ngay và có lộ trình, không nên lâu quá, xem tất các văn bản liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm có gì vướng thì sửa ngay.

TS. Nguyễn Huy Quang: Việc thiếu thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Huy Quang cũng đề xuất, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, trước tiên phải có đánh giá xem tình trạng thiếu thuốc ở từng cấp, Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, trung tâm y tế… mức độ như thế nào, thiếu những dòng thuốc nào. Tiếp đó, cần xem nguyên nhân của từng đơn vị vì mỗi đơn vị ở vùng miền khác nhau, mô hình khác nhau, cách quản lý cũng khác nhau. Cần phải có đánh giá này càng sớm càng tốt.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ sớm xem xét các vướng mắc đã được Bộ Y tế đề cập trong dự thảo trình Chính phủ. Đây là những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và BHXH Việt Nam.

Thứ ba, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp để triển khai thực hiện.

Thứ tư, về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đối và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế. Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

Thứ năm, nâng cao năng lực và tính trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ. Từ đó, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu.

Thứ sáu, phải ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi về công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế…

Thứ bảy, năng cao năng lực quản trị nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước, quản lý giữa UBND tỉnh và Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư.

Bảo Anh