Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chính quyền Mỹ lên kế hoạch tiếp quản một ngân hàng



ĐNA -

Theo Reuters cho biết, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) chuẩn bị tiếp quản First Republic Bank, ngân hàng rơi vào khủng hoảng hơn một tháng qua. Ngân hàng Mỹ xác định tình hình tại First Republic Bank đang ngày càng tồi tệ và không đủ thời gian chờ doanh nghiệp tư nhân khác giải cứu. Thông tin này khiến giá cổ phiếu First Republic giảm gần 50% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 28/4.

Bên ngoài một chi nhánh của First Republic Bank tại California hôm 28/4. Ảnh: Reuters

Tính từ đầu năm, mã này đã giảm 97%. Vốn hóa của First Republic Bank hiện còn gần 557 triệu USD, giảm mạnh so với hơn 40 tỷ USD tháng 11/2021. Nếu First Republic Bank bị tiếp quản, đây sẽ là vụ sụp đổ ngân hàng thứ 3 tại Mỹ kể từ tháng 3. Trước đó, Silicon Valley Bank và Signature Bank đã bị giới chức đóng cửa.

Đầu tuần này, First Republic cho biết lượng tiền gửi tại nhà băng này giảm hơn 100 tỷ USD trong quý I. Hôm 28/4, Reuters đưa tin FDIC, Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã họp với các tổ chức tài chính để tìm cách cứu First Republic.

Tháng trước, ngân hàng này bị rút tiền ồ ạt sau vụ Silicon Valley Bank và Signature Bank bị đóng cửa. Tệp khách hàng của họ cũng tương tự Silicon Valley Bank.

Cũng như nhiều ngân hàng địa phương tại Mỹ, First Republic có lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm, do vượt mức quy định 250.000 USD của Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). Theo S&P Global, First Republic có khoảng 68% tiền gửi không được bảo hiểm.

Giữa tháng 3, có 11 ngân hàng lớn của Mỹ phải gửi tổng cộng 30 tỷ USD vào First Republic để hỗ trợ nhà băng này.

First Republic đầu tuần này cho biết có kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán và tiết kiệm chi phí bằng cách hạ thu nhập của lãnh đạo, thu hẹp diện tích văn phòng và sa thải 20-25% nhân sự trong quý II. Họ cũng sẽ tăng lượng tiền gửi được bảo hiểm và giảm vay từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)

Chy Le/theo Reuters