Ngày 10/6/2025, Báo Thế Giới Trẻ có trụ sở tại Berlin (Đức) đã đăng tải bài viết “Chính sách công nghiệp – Tranh chấp đất hiếm” của nhà báo Jörg Kronauer, phân tích sâu sắc cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu xoay quanh tài nguyên đất hiếm. Bài viết nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của đất hiếm trong các ngành công nghệ cao và năng lượng xanh, đồng thời chỉ ra những căng thẳng địa chính trị đang leo thang giữa các cường quốc trong nỗ lực kiểm soát chuỗi cung ứng mặt hàng chiến lược này.

Khủng hoảng đất hiếm hạ nhiệt: EU làm trung gian, Mỹ – Trung tiến gần đàm phán
Cuộc đối đầu thương mại liên quan đến đất hiếm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vốn làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghiệp xuyên Đại Tây Dương đang có dấu hiệu lắng dịu sau nhiều tuần leo thang. Theo thông tin từ Báo Thế Giới Trẻ (Berlin) ngày 10/6, Ủy viên Thương mại EU Maroš Šefčovič đã đạt được bước tiến quan trọng trong cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại Paris, mở đường cho các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận nhanh hơn với nguyên liệu thô chiến lược.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với bảy loại kim loại đất hiếm và nam châm có liên quan kể từ ngày 4/4, nhằm đáp trả đòn áp thuế từ phía Washington vào ngày 2/4. Đây là lần đầu tiên chính sách của Trung Quốc khiến một số nhà sản xuất ô tô Mỹ buộc phải tạm ngừng sản xuất do thiếu nguồn cung.
Bên cạnh nỗ lực ngoại giao của EU, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng cho biết trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Năm rằng hai bên đã “tiến gần đáng kể” tới một thỏa thuận nhằm tháo gỡ căng thẳng.
Hiện tại, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã có thể nộp đơn xin giấy phép xuất khẩu đất hiếm, song phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, bao gồm việc cung cấp bằng chứng sử dụng cụ thể. Việc bán lại hoặc tích trữ, đặc biệt cho mục đích sản xuất hàng hóa sử dụng kép, hiện bị cấm. Điều này cho thấy Bắc Kinh muốn giới hạn dòng chảy đất hiếm tới các ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây, một phản ứng tương xứng với các biện pháp trừng phạt công nghệ mà phương Tây đang áp đặt lên Trung Quốc.
Đất hiếm, tâm điểm căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục âm ỉ
Mặc dù một số phê duyệt xuất khẩu đất hiếm đã được Trung Quốc tiến hành vào cuối tháng, trong đó một nhà cung cấp cho Tập đoàn Volkswagen (VW) được cho là đã nối lại nguồn cung song tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chiến lược vẫn trở nên ngày càng nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp phương Tây. Nguồn tin trong ngành nhận định đây là một trong những nguyên nhân chính khiến chính quyền Washington chủ động đề xuất đàm phán với Bắc Kinh nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan vào đầu tháng 5.
Kết quả tích cực đạt được tại vòng đàm phán ngày 12/5 ở Geneva khi hai bên đồng ý cắt giảm mạnh các mức thuế đã áp dụng, trong khi phía Trung Quốc cam kết đẩy nhanh quy trình cấp phép xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, hy vọng cải thiện quan hệ thương mại nhanh chóng bị dập tắt chỉ một ngày sau đó.
Cụ thể, ngày 13/5, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố mọi cá nhân hoặc tổ chức trên toàn cầu mua chip AI từ Huawei sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ với lý do các sản phẩm bán dẫn có thể chứa công nghệ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Việc Washington không thể đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng cho tuyên bố này đã gây hoang mang không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn ngay trong nội bộ chính phủ Mỹ.
Động thái này, kết hợp với các biện pháp hạn chế khác bao gồm cấm xuất khẩu động cơ máy bay và phần mềm bán dẫn khiến Bắc Kinh coi đây là sự phá vỡ thỏa thuận Geneva và là hành động gây tổn hại trực tiếp đến quan hệ kinh tế song phương đang nỗ lực hàn gắn. Hệ quả là Trung Quốc tiếp tục từ chối cấp phép xuất khẩu đất hiếm sang Hoa Kỳ, trong khi các ngành công nghệ cao và quốc phòng Mỹ bắt đầu cảm nhận rõ áp lực từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng chiến lược này.
Đòn bẩy đất hiếm: Bắc Kinh siết chặt chuỗi cung ứng, phương Tây chịu sức ép dịch chuyển sản xuất
Với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm được áp dụng chặt chẽ từ đầu tháng 4, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thiết lập một đòn bẩy kinh tế hiệu quả trong cuộc đối đầu thương mại với phương Tây. Cuối tháng 5, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến hãng xe Ford buộc phải tạm thời dừng hoạt động tại một nhà máy ở Chicago trong vài ngày, một dấu hiệu rõ rệt cho thấy tác động trực tiếp đến nền công nghiệp Mỹ.
Đồng thời, nhiều báo cáo bắt đầu xuất hiện về việc các công ty sản xuất khác, bao gồm cả các doanh nghiệp Đức, cũng phải đối mặt với tình trạng gián đoạn sản xuất, hoặc đang lên kế hoạch cắt giảm công suất do không đảm bảo được đầu vào nguyên liệu. Theo The Wall Street Journal, một số hãng sản xuất ô tô lớn của Hoa Kỳ thậm chí đang cân nhắc việc chuyển một phần hoạt động sang Trung Quốc, nơi sản phẩm chứa đất hiếm thành phẩm vẫn được phép xuất khẩu. Tờ báo nhận định một cách mỉa mai rằng đây là “một kết quả đáng chú ý của cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng nhằm đưa sản xuất quay lại lãnh thổ Hoa Kỳ”.
Xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng không dừng lại ở lĩnh vực ô tô. Nhà cung cấp linh kiện ô tô Schaeffler cũng xác nhận với Handelsblatt rằng họ đang xem xét chuyển dịch một số phân xưởng ra nước ngoài nhằm “giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng”, cho thấy mối lo ngại đã lan rộng tới cả các nhà cung ứng công nghiệp phụ trợ tại châu Âu.
EU vào cuộc: “Kênh xanh” và những nhượng bộ có điều kiện từ Bắc Kinh
Giữa lúc chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu đối mặt nguy cơ đứt gãy, Brussels đã chủ động đóng vai trò trung gian nhằm tháo gỡ thế bế tắc thương mại. Đó là thời điểm Ủy viên Thương mại EU Maroš Šefčovič thúc đẩy đàm phán trực tiếp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại Paris vào thứ Ba tuần trước. Kết quả: phía Trung Quốc cam kết sẽ đẩy nhanh việc xử lý các đơn xin cấp phép xuất khẩu.
Cuối tuần qua, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo chuẩn bị thiết lập một “kênh xanh”, cơ chế hành chính ưu tiên nhằm đơn giản hóa và rút ngắn quy trình cấp phép. Phòng Thương mại EU tại Bắc Kinh xác nhận số lượng giấy phép thực tế đã tăng lên, mở ra hy vọng về sự phục hồi nguồn cung nguyên liệu chiến lược cho các ngành công nghiệp châu Âu.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng khẳng định rõ ràng: sự nới lỏng này không phải là “một chiều”. Trung Quốc yêu cầu các động thái “có đi có lại” từ phía Brussels. Theo các nguồn tin ngoại giao, một trong những điều kiện ngầm mà Bắc Kinh đang thúc đẩy mạnh mẽ là việc nới lỏng hạn chế đối với công ty Hà Lan ASML, nhà sản xuất độc quyền toàn cầu các máy in thạch bản cực tím sâu (EUV) dùng trong sản xuất chip hiện đại.
Chính phủ Hà Lan, dưới sức ép từ Washington, đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu các thiết bị này cho Trung Quốc từ năm 2023. Việc Trung Quốc gắn xuất khẩu đất hiếm với yêu cầu khôi phục quyền tiếp cận công nghệ chip tối tân cho thấy một chiến lược rõ ràng: đổi nguyên liệu chiến lược lấy công nghệ tiên tiến, một đòn mặc cả không thể xem nhẹ trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt.
Trong khi một số hãng xe Mỹ đã bắt đầu nhận được các lô hàng đất hiếm đầu tiên sau nhiều tuần gián đoạn, tiến trình đàm phán song phương giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang ở giai đoạn then chốt. Các cuộc gặp tiếp theo dự kiến diễn ra vào thứ Hai tại London, với yêu cầu cứng rắn từ phía Trung Quốc: Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick, kiến trúc sư chính của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao đối với Trung Quốc phải trực tiếp tham dự.
Quan điểm của Bắc Kinh rõ ràng: nếu Trung Quốc tiếp tục bị cắt khỏi các dòng chip và công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ, họ không có lý do gì để duy trì nguồn cung đất hiếm cho chính các doanh nghiệp Mỹ. Đó là một logic có sức nặng, khó có thể bác bỏ trong bối cảnh các đòn trừng phạt ngày càng mang tính chiến lược và đối xứng.
Câu hỏi hiện tại không còn là việc hai bên có thể đàm phán hay không, mà là Trung Quốc có thể đòi được gì và sẵn sàng nhượng bộ đến đâu để đổi lấy việc khôi phục dòng chảy đất hiếm ra thị trường toàn cầu.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.jungewelt.de/artikel/501587.industreipolitik-zoff-um-seltene-erden.html