ĐNA -
Bắc Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện chính sách đối với người cao tuổi. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của Trung ương, đồng thời ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, chế độ đặc thù của tỉnh. Tỉnh thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chính sách theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức hỗ trợ cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
Thực trạng thu nhập người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh
Trên địa bàn tỉnh hiện có 221.962 hội viên Hội Người cao tuổi (chiếm trên 15% dân số), trong đó có 185.970 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên (chiếm 12,1% dân số) . Theo số liệu từ Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh, Kết quả thực hiện chính sách đối với người coa tuổi thì số người cao tuổi thuộc hộ nghèo của tỉnh là 807 người (nam 106 và nữ là 701). Như vậy, số người cao tuổi là nữ thuộc hộ ngheo chiếm tỷ lệ xấp xỉ 87%. Số người cao tuổi không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng là 65 người, trong đó nam có 6 người, nữ có 47 người (tỷ lệ vượt nhiều lần so với nam). Số người cao tuổi khuyết tật là 8703 (nam có 3023 và nữ có 4213 người, vượt trội so với nam). Số người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 27931 người (trong đó nam có 6911 người, nữ có15348 người, vượt trội so với nam). Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có quyền, nghĩa vụ phụng dưỡng là 614 người (trong đó nam: 22, nữ 450). Người từ đủ 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội là 19863 người (nam: 4271, nữ: 11201), trong đó có 7 người thuộc diện hộ nghèo (1 nam, 6 nữ). Người cao tuổi khuyết tật nặng, đặc biệt nặng 7446 người (nam: 2617, nữ 3690).
Bảng 1: Số liệu Kết quả thực hiện chính sách đối với người cao tuổi tháng 06 năm 2024
Theo số liệu trên thì số người cao tuổi trong tỉnh Bắc Ninh thuộc hộ nghèo trong tỉnh vẫn ở mức khá cao, người cao tuổi vẫn đang đối mặt với các vấn đề ảnh hưởng đến thu nhập như: không có người nuôi dưỡng, khuyết tật, không có lương hưu, trợ cấp xã hội, thuộc hộ gia đình nghèo, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng…Trong đó tỷ lệ người cao tuổi là nữ thuộc diện bấp bênh và khó khăn về thu nhập cao hơn nam rất nhiều lần.
Một số chính sách an sinh xã hội và an sinh thu nhập hướng đến người cao tuổi của tỉnh Bắc Ninh
Nghị quyết số 101/2018/NQ-HĐND ngày 17/4/2018 của Hội đồng nhân dân về việc quy định chế độ, chính sách về an sinh xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này “Hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm đối với người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi, có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác”. Như vậy, việc hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm là bước quan trọng, giảm thiểu nguy cơ giảm thu nhập do vấn đề sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này chưa bao quát hết các nhóm người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như người cao tuổi chưa có hộ khẩu thường trú và người cao tuổi dưới 65 và từ 80 tuổi trở lên.
Về “chế độ trợ cấp hàng tháng” đối với một số nhóm người cao tuổi đặc thù:
Thứ nhất, người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi là người có công, thân nhân người có công và vợ hoặc chồng liệt sỹ đi lấy chồng hoặc lấy vợ khác đang hướng trợ cấp ưu đãi hàng tháng hoặc không có lương hưu và các khoản trợ cấp khác hiện có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, cụ thể:
Từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi: 135.000 đồng/người/tháng. Trường hợp mức trợ cấp này thấp hơn 50% mức chuẩn của Nhà nước quy định mức trợ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội thì được nâng lên bằng 50% mức chuẩn. Từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi: 100.000 đồng/người/tháng.
Thứ hai, đảng viên dưới 75 tuổi được tặng huy hiệu 40 năm tuổi đảng trở lên đang hưởng chế độ tuất liệt sỹ hoặc không có lương hưu và các khoản trợ cấp khác hiện có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được hưởng chế độ trợ cấp là 135.000 đồng/tháng và 01 thẻ bảo hiểm y tế cho đến khi đủ 75 tuổi. Trường hợp mức trợ cấp này thấp hơn 50% mức chuẩn của Nhà nước quy định mức trợ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội thì được nâng lên bằng 50% mức chuẩn.
Thứ ba, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa thuộc hộ nghèo, có hộ khẩu thường trú và hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, cụ thể:
Từ đủ 75 tuổi trở lên: 135.000 đồng/người/tháng. Trường hợp mức trợ cấp này thấp hơn 50% mức chuẩn của Nhà nước quy định mức trợ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội thì được nâng lên bằng 50% mức chuẩn. Từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi: 100.000 đồng/người/tháng.
Mức trợ cấp các đối tượng người cao tuổi đặc thù theo như Nghị quyết còn rất thấp so với mức chi tiêu, sinh hoạt của người cao tuổi, chưa bao quát hết người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số 151/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND về việc quy định chế độ, chính sách về an sinh xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết 151 “Hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm đối với người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi, có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác” tương tự Nghị quyết số 101/2018/NQ-HĐND của tỉnh.
Đối tượng và mức hưởng trợ cấp hàng tháng:
Người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi: Là người có công, thân nhân người có công, vợ hoặc chồng liệt sỹ đi lấy chồng hoặc lấy vợ khác đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; là người không có lương hưu hoặc các khoản trợ cấp khác, hiện có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, cụ thể như sau:
Từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi: 150.000 đồng/người/tháng; Từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi: 200.000 đồng/người/tháng.
Đảng viên dưới 75 tuổi được tặng huy hiệu 40 năm tuổi đảng trở lên đang hưởng chế độ tuất liệt sỹ hoặc không có lương hưu và các khoản trợ cấp khác, hiện có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được hưởng chế độ trợ cấp là 200.000 đồng/tháng và 01 thẻ bảo hiểm y tế cho đến khi đủ 75 tuổi.
Người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa và thuộc diện hộ nghèo, đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013, có hộ khẩu thường trú và hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, cụ thể:
Từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi: 150.000 đồng/người/tháng; Từ đủ 75 tuổi trở lên: 200.000 đồng/người/tháng. Mức trợ cấp này có tăng so với Nghị quyết số 101/2018/NQ-HĐND nhưng vẫn còn rất khiêm tốn và cũng chưa bao quát hết người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về việc Hỗ trợ kinh phí cho Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thành lập mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2021 – 2025. Hỗ trợ kinh phí cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (chăm sóc sức khỏe; tăng thu nhập; hoạt động văn nghệ, thể thao; chăm sóc tại nhà cho NCT có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn; nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích cho NCT…) được thành lập mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2021 – 2025. Nguyên tắc hỗ trợ: Chỉ hỗ trợ 01 lần/1 Câu lạc bộ được thành lập mới. Mức hỗ trợ: 100.000.000 đồng/1 Câu lạc bộ. Tổng số Câu lạc bộ được hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025 là: 40 Câu lạc bộ. Trong đó: Mỗi năm hỗ trợ 08 Câu lạc bộ, với kinh phí là 800.000.000 đồng (tám trăm triệu đồng). Tổng số kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025 là: 4.000.000.000 đồng. Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là một trong những cách thức giúp đảm bảo an sinh thu nhập và nhiều hỗ trợ khác dành cho người cao tuổi. Đây là chính sách đúng đắn, nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng, đặc biệt hàng trăm nghìn Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cải thiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi tại cộng đồng. Đồng thời tạo điều kiện để Người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và sống vui, sống khỏe, sống có ích . Với mức hỗ trợ kinh phí tương đối cao cho câu lạc bộ này, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực tạo ra lưới an sinh đa dạng dành cho người cao tuổi. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đánh giá hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ cũng như việc sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh.
Kế hoạch 291/KH-UBND ngày 25/05/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030. Đối tượng thụ hưởng: Người có công với cách mạng, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, trẻ em, người nghiện ma túy và các đối tượng cần trợ giúp xã hội. Mục tiêu chung “Bảo vệ, chăm sóc, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người nghiện ma túy và các đối tượng cần trợ giúp xã hội. Kết hợp các hoạt động nuôi dưỡng, tăng cường sức khỏe, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng với các hoạt động trợ giúp xã hội để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng”. Giai đoạn 2022-2025 “Phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; được khám sức khỏe định kỳ và được cung cấp các kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe”, Giai đoạn 2026-2030 “Duy trì 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; được khám sức khỏe định kỳ và được cung cấp các kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe”. Kế hoạch này đã bao quát được gần như tất cả người cao tuổi trên địa bàn tỉnh nhưng chỉ dừng lại ở việc cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra, tại Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 từ ngày 01/01/2024 các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo như: Người cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Người nhiễm HIV/AIDS không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng;Người chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc có vợ nhưng chồng hoặc vợ đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi mà người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất hàng tháng ngoài mức hưởng trợ cấp theo quy định của Trung ương tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ hàng tháng thêm để đảm bảo tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước bằng với mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 do Chính phủ quy định.Tại Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND này người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi được hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm (áp dụng từ ngày 01/01/2024), đưa tỉnh Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt bao phủ bảo hiểm y tế đối với 100% người cao tuổi.
Kế hoạch 531/KH-UBND ngày 30/11/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đặt ra một số mực tiêu cụ thể; Giai đoạn 2022-2025 “Ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp; hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi”, Giai đoạn 2026-2030 “Ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp; hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi”. Trợ giúp tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi:
Thực hiện giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho người cao tuổi còn khả năng lao động, ưu tiên hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Hỗ trợ các cơ sở của người cao tuổi phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ phù hợp quy mô, trình độ quản lý.
Hỗ trợ thí điểm mô hình sinh kế đối với gia đình có người cao tuổi, ưu tiên được vay vốn sản xuất ưu đãi để tạo việc làm, tăng thu nhập.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội theo khả năng ngân sách của tỉnh.
Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh , quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đối tượng bảo trợ xã hội: Người cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (gọi chung là người cao tuổi cô đơn). Hỗ trợ thêm hằng tháng cho các đối tượng quy định tại Điểm a, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này để đảm bảo tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước bằng với mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 do Chính phủ quy định. Cụ thể là: Đối với người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; người nhiễm HIV/AIDS. Tổng mức hỗ trợ và trợ cấp xã hội:
Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng. Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng
Hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm đối với người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo quy định của Luật Cư trú và chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác. Như vậy, chính sách này không bao quát hết đối tượng là người cao tuổi, mà chỉ giới hạn “người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi”, “người cao tuổi cô đơn”, mức hỗ trợ cũng còn hạn chế.
Một số vấn đề đặt ra trong thực hiện bảo đảm an sinh thu nhập cho người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh
Việc thực hiện chính sách đảm bảo an sinh thu nhập của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Đối với chính sách đảm bảo an sinh thu nhập dành cho người cao tuổi thì việc chính quyền tỉnh quan tâm đến chăm sóc, khám sức khỏe và bao phủ bảo hiểm y tế là bước đầu tiên hướng đến đảm bảo người cao tuổi không mất nhiều chi phí cho chăm sóc sức khỏe. Việc tạo ra mạng lưới cộng đồng thông qua câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi là lưới an sinh quan trọng hỗ trợ người cao tuổi không chỉ đảm bảo thu nhập mà còn nhiều nhu cầu khác của người cao tuổi. Tỉnh đã quan tâm tạo việc làm, hướng nghiệp và hỗ trợ vốn vay cho người cao tuổi như một phương thức đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi. Mức hỗ trợ người cao tuổi trong nhiều chính sách có sự điều chỉnh gia tăng theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Việc nâng chuẩn nghèo chung của tỉnh đồng nghĩa với việc các chính sách sẽ hỗ trợ nhiều hơn đến các hộ nghèo, trong đó có hộ nghèo là người cao tuổi.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này vẫn còn gặp một số khó khăn, bất cập. Thứ nhất, người cao tuổi chiếm tỷ lệ tương đối cao trong cơ cấu dân số của tỉnh, số người cao tuổi có thu nhập không ổn định tương đối cao. Người cao tuổi (đủ 60 tuổi trở lên) trong toàn tỉnh có 191.910 người, chiếm 13,32% dân số. Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng: 816 người; Người cao tuổi có người nhận chăm sóc tại cộng đồng: 02 người; Người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng: 20.272 người; Người cao tuổi là người khuyết tật: 7.003 người . Điều này gợi mở để thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh nhu nhập cho người cao tuổi đòi hỏi nguồn ngân sách lớn hơn nữa và sự chung tay của các đơn vị, tổ chức ngoài nhà nước. Với tốc độ già hóa dân số diễn biến nhanh, số lượng người cao tuổi trong tỉnh ngày càng tăng thì chỉ riêng nguồn lực của nhà nước là chưa đủ dẫn đến nguồn lực còn dàn trải, chưa tạo dấu ấn rõ nét trong việc đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi.
Thứ hai, mức hỗ trợ và phúc lợi xã hội dành cho người cao tuổi mặc dù có tăng nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu và đảm bảo cuộc sống của người cao tuổi. Nghị quyết số 152/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND về việc nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh: “Nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội hàng tháng từ 270.000 đồng/tháng lên 350.000 đồng/tháng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa tỉnh”. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh trong việc nâng mức trợ cấp dành cho người cao tuổi nhưng ngay cả với mức 350.000 đồng/tháng vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu và mức chi tiêu của người cao tuổi trong tỉnh. Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tổng mức hỗ trợ và trợ cấp xã hội: Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng vẫn còn thấp cho với mặt bằng thu nhập chung của tỉnh.
Thứ ba, trong điều kiện nhiều người cao tuổi còn khó khăn, đi theo con cháu đến lao động, sinh sống tại tỉnh thì việc qui định các chế độ hỗ trợ chỉ dành cho người cao tuổi có hộ khẩu thường trú tại tỉnh là điều bất cập và bỏ sót nhóm đối tượng cần được hỗ trợ. Trong xu thế di động dân cư hiện nay, việc quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu đã có nhiều bất cập. Do đó, các chính sách đảm bảo an sinh thu nhập cho người cao tuổi không nên lấy tiêu chí “có hộ khẩu thường trú tại tỉnh” để lựa chọn đối tượng thụ hưởng. Tỉnh cần có tầm nhìn dài hạn về đóng góp của thế hệ trẻ di cư đến tỉnh sẽ lớn hơn rất nhiều so với các chi phí dành cho cha, mẹ họ khi sinh sống cùng con cháu. Hơn nữa, các chính sách đảm bảo an sinh thu nhập dành cho người cao tuổi thể hiện tính nhân văn, nhân đạo cao cả nên việc bao phủ những người cao tuổi “không có hộ khẩu thường trú” nhưng đang sinh sống tại tỉnh rất đáng hoan nghênh.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ người cao tuổi trong một số trường hợp chưa bao phủ hết các nhóm người cao tuổi. Chính sách mới chỉ dừng lại ở các nhóm đối tượng lõi như người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Trong xu thế chung hiện nay về thực hiện chế độ lương hưu xã hội thì tỉnh cần rà soát và mở rộng đối tượng hỗ trợ là người cao tuổi. Khi điều kiện kinh tế cho phép, tỉnh cần mở rộng nhóm đối tượng hỗ trợ để chính sách an sinh thu nhập thực sự có tính bao trùm rộng rãi hơn.
Thứ năm, một số chính sách ban hành ra chưa bám sát thực trạng và sự đa dạng về người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Chúng ta cần có số liệu cập nhật về người cao tuổi theo các tiêu chí đa dạng: nhóm tuổi, điều kiện sức khỏe, tình trạng thu nhập, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, mạng lưới an sinh, giới tính, nhu cầu, nguyện vọng… Do đó, để có chính sách sát thực tế, cần có các cuộc điều tra, khảo sát Xã hội học về người cao tuổi. Chính sách cần có cách tiếp cận đa dạng để đảm bảo giải quyết đúng vấn đề và bền vững, theo tinh thần Nghị quyết 42 về chính sách xã hội là “ổn định và phát triển”.
Thứ sáu, các chính sách hướng đến đảm bảo thu nhập, tạo việc làm cho người cao tuổi cần bám sát vào điều kiện cụ thể như: kỹ năng, tay nghề, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe, điều kiện thời gian…để có các giải pháp thiết thực, phù hợp, khả thi. Cách tiếp cận tạo việc làm cho người cao tuổi rất phù hợp trong bối cảnh già hóa dân số, với số lượng người cao tuổi ngày càng tăng trong cơ cấu dân số và nhiều người cao tuổi còn sức khỏe, kinh nghiệm, tay nghề có thể tạo thu nhập. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, tỉnh cần có khảo sát trình độ, kỹ năng, mong muốn, nhu cầu…của người cao tuổi để có sách khuyến khích tạo việc làm, ưu đãi phù hợp. Việc “khởi nghiêp” đối với người cao tuổi rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách và ủng hộ tinh thần từ lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Thứ bảy, các chính sách hướng đến đảm bảo an sinh thu nhập, tạo việc làm cho người cao tuổi chưa huy động khu vực tư nhân đủ mạnh vào cùng thực hiện. Các ưu đãi như miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng người lao động cao tuổi có thể khuyến khích các công ty tư nhân tuyển dụng người lao động lớn tuổi làm việc.
Khuyến nghị
Thứ nhất, để có chính sách đảm bảo an sinh thu nhập cho người cao tuổi, tỉnh cần khảo sát, có số liệu cập nhật về người cao tuổi, trên một số tiêu chí như nguồn thu nhập, tình trạng sức khỏe, trình độ học vấn hay kỹ năng nghề nghiệp…Có như vậy, việc ban hành các chính sách dành cho người cao tuổi mới sát thực tiễn và có tính khả thi.
Thứ hai, tùy theo mức độ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cần tăng cường nguồn lực dành cho người cao tuổi và nâng mức hỗ trợ dành cho người cao tuổi theo hướng đảm bảo cuộc sống cơ bản và hướng đến cải thiện cuộc sống người cao tuổi. Để cải thiện an ninh thu nhập cho người cao tuổi, cần phải mở rộng vai trò của tiết kiệm, khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc và cung cấp quyền tiếp cận trợ cấp xã hội hoặc lương hưu xã hội khi cần.
Thứ ba, mở rộng đối tượng thụ hưởng là người cao tuổi, không chỉ dừng lại là người cao tuổi cô đơn, gia đình chính sách, người cao tuổi có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo an sinh thu nhập cho người cao tuổi là chính sách nhân văn, nhân đạo, đảm bảo “quyền” của người cao tuổi. Bảo đảm an sinh thu nhập cho người cao tuổi được tiếp cận dựa trên việc thực hiện quyền con người về an sinh xã hội.
Thứ tư, tỉnh cần phân loại các nhóm tuổi: sơ lão, trung lão và đại lão để có tiếp cận chính sách đảm bảo an sinh thu nhập và tạo việc làm phù hợp. Theo đó, đối với các nhóm sơ lão là nhóm có nhiều người có nhu cầu và khả năng làm việc, tìm việc làm thì áp dụng các chính sách về hỗ trợ nghề nghiệp, khởi nghiệp và hỗ trợ vay vốn…Các nhóm tuổi cao hơn thì chú trọng các chính sách bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Thứ năm, mặc dù trong những năm gần đây tỉnh Bắc Ninh có mức phát triển kinh tế, xã hội tương đối cao, có thêm nguồn lực dành cho người cao tuổi nhưng nguồn lực của tỉnh còn khá khiêm tốn so với nhu cầu và sự gia tăng người cao tuổi trong tỉnh. Do đó, tỉnh cần có cơ chế huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân trong đảm bảo an sinh thu nhập dành cho người cao tuổi.
Thứ sáu, tỉnh cần tổng kết, đánh giá hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ này, đảm bảo tính thiết thực và có tác động lan tỏa. Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình mới cần được đánh giá trong quá trình hoạt động để tránh hình thức, đi vào hỗ trợ thực chất.
Thứ bảy, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đây là thế mạnh, là truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa Kinh Bắc nói riêng. Chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng giúp giảm thiểu các chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, tăng cảm giác kết nối và phòng ngừa bệnh cho người cao tuổi do nhân viên dịch vụ thực hiện và chăm sóc hay hỗ trợ tại nhà do tình nguyện viên thực hiện.
Thứ tám, hỗ trợ người cao tuổi kết nối thông tin về cơ hội việc làm, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…để họ đáp ứng các nhu cầu chính đáng của mình. Khi tuổi thọ tiếp tục tăng, chỉ tiết kiệm thôi sẽ không mang lại mức thu nhập đủ sống và đủ khả năng chi trả cho tuổi già cho tất cả mọi người trừ khi nhiều người lao động lớn tuổi tiếp tục tham gia lực lượng lao động, có ít khoảng cách trong lịch sử đóng góp hoặc làm việc hiệu quả hơn ở độ tuổi cao hơn.
Thứ chín, hỗ trợ vốn vay cho người cao tuổi khởi nghiệp hoặc vay vốn làm ăn, đào tạo nghề, đảm bảo đầu ra sản phẩm.
Thứ mười, học tập kinh nghiệm các địa phương khác trong cả nước và kinh nghiệm nước ngoài về thực hiện đảm bảo an sinh thu nhập cho người cao tuổi.
Ths.Võ Thị Huế/Viện Lãnh đạo học và Chính sách ccông, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo
1.Sở Lao động, thương binh, xã hội tỉnh Bắc Ninh, Số liệu Kết quả thực hiện chính sách đối với người cao tuổi tháng 06 năm 2024.
2.Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo kết quả thực hiện Luật Người cao tuổi và các chương trình, đề án liên quan đến người cao tuổi giai đoạn 2010-2023.
3.Kế hoạch 291/KH-UBND ngày 25/05/2022 của UBND tỉnh.
4.Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
5.Nghị quyết số 152/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND.
6.Nghị quyết 153/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức quà tặng đối với đối tượng người có công với cách mạng, chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
7.Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau: Điểm tựa của người cao tuổi.
8.Nghị quyết số 101/2018/NQ-HĐND ngày 17/4/2018 của Hội đồng nhân dân về việc quy định chế độ, chính sách về an sinh xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
9.Nghị quyết số 151/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND về việc quy định chế độ, chính sách về an sinh xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.
10.Kế hoạch 291/KH-UBND ngày 25/05/2022 của UBND tỉnh.
11.Kế hoạch 291/KH-UBND ngày 25/05/2022 của UBND tỉnh.
12.Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh chung tay chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.