Thứ sáu, Tháng Một 3, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chính sách ứng phó với khủng hoảng truyền thông trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam



ĐNA -

Đại dịch COVID-19 là một trong những cuộc khủng hoảng y tế nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại, làm đảo lộn cuộc sống, tổn thất nặng nề về người và của cho nhân loại và Việt Nam. Từ việc sử dụng các thông tin thứ cấp có giá trị trong khoảng 2 năm gần đây, bài viết tập trung giới thiệu, phân tích vai trò của các loại hình truyền thông cơ bản, gồm truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội trong công tác phòng, chống, đẩy lùi đại dịch cũng như đưa đất nước bước vào trạng thái “bình thường mới”. Từ đó, bài viết đề xuất các giải pháp để tận dụng hiệu quả hơn nữa “sức mạnh mềm” từ truyền thông để phòng, chống COVID-19 trong bối cảnh mới và khắc phục các rủi ro do khủng hoảng truyền thông mang lại.

ác phẩm “Chung sức đồng lòng chống Covid-19” của họa sĩ Đỗ Như Điềm.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, truyền thông đại chúng (mass communication) và truyền thông xã hội (social media) đang trở thành những hình thức truyền thông có vai trò chủ đạo, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, quy mô, đa dạng, hiện đại, hiệu quả hơn của quá trình giao tiếp xã hội. Truyền thông đại chúng thực hiện quá trình truyền tải thông tin thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình. Trong khi đó truyền thông xã hội sử dụng các loại phương tiện truyền thông ứng dụng dựa trên nền tảng Internet, công nghệ số,…điển hình là mạng xã hội để thực hiện quá trình truyền tải thông tin, thúc đẩy tương tác và giao tiếp xã hội trong thế giới thông tin, đa chiều và phức hợp như hiện nay(1).

Khoảng 3 tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), ngày 15/02/2020, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng: “Chúng ta không chỉ chiến đấu với một đại dịch; chúng ta còn phải chiến đấu với một nạn dịch thông tin. Tin giả lan nhanh hơn và dễ dàng hơn loại virus này và không kém phần nguy hiểm” (2). Sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã kéo theo một cuộc khủng hoảng thông tin toàn cầu mà theo WHO là “nạn dịch thông tin” (infodemic) (3). Từ đây, WHO cho rằng, “nạn dịch thông tin” hay “khủng hoảng truyền thông” là tình trạng quá tải và hỗn độn thông tin, khiến công chúng khó hoặc không thể phân biệt được thông tin thật, giả.

Các cuộc khủng hoảng truyền thông luôn có thể bùng phát bất cứ khi nào, ở đâu, bởi thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 phát tán với tốc độ chóng mặt, nhất là trên không gian mạng và khi các chính sách quản lý và biện pháp kiểm soát dịch bệnh chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Khủng hoảng truyền thông trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới, cản trở việc thực thi các chính sách phòng, chống dịch, gây xói mòn niềm tin của công chúng. Tin giả, tin đồn, tin xấu độc thông qua truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội, qua mạng xã hội lan truyền nhanh chóng, khó kiểm soát gây ra nỗi sợ hãi, gieo rắc sự hoang mang khiến khủng hoảng thông tin bùng phát. “Nạn dịch thông tin” đôi khi mang đến hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả chính dịch bệnh, ảnh hưởng đến hàng triệu người và khiến “việc kiểm soát và phong tỏa các cuộc khủng hoảng y tế công cộng khó khăn hơn” (5).

Seoyong Kim và Sunhee Kim đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, “nỗi lo sợ làm tê liệt năng lực tư duy và đánh giá lý tính, khiến mọi người tin vào những thông tin cực đoan, thông tin sai lệch và sai sự thật hơn là những dữ kiện khách quan”(6). Nỗi sợ hãi này được lan truyền và nhân rộng không chỉ bởi các phương tiện truyền thông xã hội, mà còn bởi cả nhiều tờ báo chính thống của các nước. “Truyền thông dựa trên nỗi sợ hãi” vẫn là một trong những phương thức thu hút sự chú ý của công chúng và hậu quả là, các cuộc khủng hoảng xã hội nảy sinh do sự bùng phát của dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn do nỗi sợ hãi dịch bệnh.

Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 chúc mừng Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong những ngày qua

Khi hiểu biết khoa học về virus corona và đại dịch COVID-19 còn chưa đầy đủ, thậm chí còn khác nhau, ngay cả trong giới khoa học, thì ranh giới giữa thông tin thật và thông tin giả càng trở nên mong manh. Các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, WhatsApp… bị đối tượng xấu sử dụng để tung tin đồn thất thiệt, lan truyền thông tin sai lệch, phản khoa học. Các thông tin này lan truyền trên các phương tiện truyền thông làm hỗn loạn môi trường truyền thông, gây ra tâm trạng hoang mang, hoảng sợ trong xã hội. Đến lượt nó, tâm trạng hoang mang này lại kích động những hành vi cực đoan, như phân biệt đối xử, thù địch, bạo hành người gốc châu Á; đốt cột phát sóng 5G, bài trừ vắc – xin, nghi ngờ tính khả dụng của vắc – xin, hiệu quả các biện pháp ứng phó của chính quyền, kích động bất ổn chính trị, an ninh bên cạnh khủng hoảng y tế do dịch bệnh … WHO mô tả thực trạng này như “đại dịch thứ hai” đi liền với đại dịch COVID-19.

Kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters công bố năm 2020 cho thấy, khoảng 1/3 số người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội ở Argentina, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ nhận được những thông tin sai lệch hoặc cố tình lừa dối về dịch bệnh. Nhìn chung, người dân có trình độ học vấn thấp ít tiếp cận thông tin từ các cơ quan báo chí mà chủ yếu tiếp cận thông tin về dịch bệnh thông qua các mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin. Đặc biệt, giới trẻ phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội và thông tin từ các nhóm trên ứng dụng thoại Internet (OTT) (7) … Quy mô, tần suất, tốc độ của thông tin, đặc biệt là thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội vượt quá khả năng xử lý của các cơ quan chức năng và con người. Công chúng đứng trước ma trận thông tin mà ngay cả những người có trình độ cũng có thể bị đánh lừa. Tính chất đa dạng, đa chiều, phức tạp của thông tin trên không gian mạng tạo cơ hội và môi trường cho các thông tin sai lệch, phản khoa học tiếp tục sinh sôi.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt trong làn sóng thứ 4 diễn ra từ đầu năm 2021. Cùng với quá trình phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, Đảng, Chính phủ và hệ thống chính trị luôn xem công tác truyền thông, xử lý hiệu quả tin xấu độc, tin giả về dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng. Thời gian qua, truyền thông đã góp phần vừa tạo niềm tin, động viên, cổ vũ trong nhân dân, vừa đảm bảo chuyển tải nhanh chóng, thông suốt, kịp thời các chủ trương, chính sách, hướng dẫn thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn quốc về thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ quyết liệt, tích cực, toàn diện phòng, chống dịch bệnh ở các cấp, các ngành đến mọi tầng lớp nhân dân; góp phần định hướng tốt dư luận xã hội qua đó khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc từng bước đẩy lùi dịch bệnh, trở về giai đoạn “bình thường mới”, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Ngoài ra, truyền thông còn góp phần quảng bá kịp thời về một Việt Nam có trách nhiệm, sẻ chia cùng cộng đồng quốc tế trong việc đẩy lùi dịch bệnh,…

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã cho ra đời hàng loạt tin bài xấu độc, sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 nhằm gây hoang mang, hoài nghi, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, thích ứng tốt với khủng hoảng truyền thông và quản lý vấn đề này là một trong nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp và khi đất nước bước đầu phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch.

Truyền thông trong quản trị khủng hoảng thông tin và ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Tầm quan trọng của công tác truyền thông trong bối cảnh ứng phó với COVID-19
Mặc dù gây ra những thách thức không nhỏ trong đại dịch COVID-19 nhưng vị trí, vai trò của truyền thông (chủ yếu là truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội) là không thể chối cãi:

Một là, truyền thông góp phần cung cấp thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, cùng với hệ thống y tế, quân đội và công an, các phương tiện truyền thông từ truyền thống (báo in) đến hiện đại như báo điện tử, truyền hình kỹ thuật số, Internet, mạng xã hội,… luôn được sử dụng ở tuyến đầu chống dịch. Thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến phức tạp từng ngày, từng giờ của dịch bệnh giúp công chúng nắm bắt tình hình đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng. Công tác truyền thông đã chuyển tải thông tin về các giải pháp của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo ra sự thống nhất nhận thức và hành động từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, các kênh như báo chí, truyền hình, phát thanh… có vai trò quan trọng trong việc phản ánh đời sống dân sinh, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của nhân dân đến các cấp có thẩm quyền. Các phương tiện truyền thông đại chúng và xã hội góp phần quan trọng vào việc nâng cao trách nhiệm giải trình của các chính quyền địa phương, dân chủ hóa đời sống xã hội và nuôi dưỡng niềm tin của người dân vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các biện pháp của Chính phủ.

Đoàn cán bộ, y, bác sỹ của Thanh Hóa tình nguyện lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch Covid-19.

Ngành Y tế đã huy động gần 20 nghìn cán bộ chi viện các địa phương phòng chống dịch – Ảnh: VGP

Hai là, ở mức độ cao hơn, thông qua các hình thức truyền thông nêu trên đã góp phần thực hiện tốt hơn chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với toàn bộ các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch. Không phải là chuyên gia y tế, nhà khoa học và có thể không có kiến thức chuyên môn sâu về dịch bệnh, nhưng nhà báo, phóng viên, đội ngũ đưa tin, ghi hình, viết tin bài, biên tập viên, phát thanh viên,… có thể trở thành cầu nối, tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, chuyên gia hiến kế, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch.

Vượt lên mức độ phản ánh, các phương tiên truyền thông đã hướng tới trở thành truyền thông mang đậm tính phân tích và tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để chung sức trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thông tin báo chí về dịch bệnh COVID-19 còn nặng về phản ánh, thiếu thông tin có chiều sâu hay mang tính phản biện cao. Bên cạnh đó, cần xác định rõ việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội không đồng nghĩa với việc phương tiện truyền thông chỉ thiên phản ánh những thông tin tiêu cực hay khoét sâu một chiều vào những hạn chế, thiếu sót của công tác phòng, chống dịch. Các phương tiện truyền thông cần phản ánh khách quan, chân thực, chỉ ra hạn chế trong công tác phòng, chống dịch phải gắn liền với phân tích nguyên nhân và gợi mở hướng giải quyết; đồng thời coi trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt, nhân lên những điển hình, lan tỏa những nhân tố tích cực, tạo sự bình ổn tâm trạng xã hội và niềm tin vào chiến thắng đại dịch.

Ba là, truyền thông góp phần điều hòa dư luận và thúc đẩy đồng thuận xã hội, tạo động lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới. Là dịch bệnh có quy mô và diễn biến phức tạp chưa từng có, COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi cá nhân trong xã hội. Mỗi làn sóng dịch bùng phát đều gây nên tâm trạng hoang mang, lo lắng của người dân, tạo nên trạng thái căng thẳng tâm lý xã hội.

Trong bối cảnh đó, báo chí cần thông tin chính xác và với liều lượng, tần suất hợp lý, vào thời điểm phù hợp. “Cần tập trung làm tốt hơn công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch trong tình hình mới, biểu dương, khích lệ, động viên, khen thưởng các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch, các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực”(8). Thực tiễn của đợt bùng phát dịch thứ tư cho thấy, khi COVID-19 bùng phát trên diện rộng ở các tỉnh, thành phố phía Nam và một loạt địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội thì dư luận xã hội diễn biến vô cùng phức tạp. Hàng loạt vấn đề lớn, tình huống mới và khó xuất hiện, gia tăng sức ép đối với hệ thống chính trị, y tế và an sinh xã hội. Chính trong bối cảnh này, truyền thông với tư cách là công cụ quản lý, “quyền lực mềm”, là cầu nối giao tiếp xã hội của các nhóm xã hội cần thể hiện và khẳng định vai trò chủ đạo của mình trong việc điều hòa tâm lý, tâm trạng xã hội và kêu gọi tinh thần, ý chí đoàn kết, sẻ chia trong phòng, chống dịch.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng động viên cán bộ, học viên Học viện Quân y trước khi lên đường vào miền Nam chống dịch.

Công tác truyền thông trong phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam
Làn sóng thứ 4 của COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam từ cuối tháng 4/2021 với diễn biến rất phức tạp, xuất hiện biến chủng mới, trong đó có biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng. Biến chủng này đã gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Trong giai đoạn này, các loại hình truyền thông cùng với các phương tiện truyền thông từ báo chí, truyền hình, truyền thanh, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Whatsapp, Instagram, Tiktok,…) đã hoạt động rất mạnh mẽ, từ việc thường xuyên cập nhật số ca nhiễm trong nước, số ca hồi phục và tử vong cho đến những tin bài, phóng sự, câu chuyện, thước phim khắc họa hình ảnh các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm quên mình vì người bệnh ở tâm dịch đã làm lay động hàng triệu trái tim; nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương; những người đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch để bảo vệ “vùng xanh” cho người dân tại trên khắp mọi miền Tổ quốc… Những thông tin từ các phương tiện truyền thông này đã giúp người dân biết hành xử đúng đắn, góp phần vào công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các loại hình truyền thông đã tập trung tuyên truyền đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ (9). Theo đánh giá của Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong đợt dịch này, thông tin báo chí, truyền thông đã có sự chuyển biến rõ nét, bám sát các kế hoạch tuần của Tiểu ban Truyền thông. Báo chí tập trung tuyên truyền đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia với phương châm xuyên suốt: “Chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, “người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện, mọi chính sách”; xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng nhằm phát hiện sớm nguồn lây, cách ly, khoanh vùng dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa kéo dài trên diện rộng; triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị, giảm tử vong”,…

Các lực lượng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP Hồ Chí Minh

Ngành Y tế đã đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông trong bối cảnh chống dịch thay đổi: Các bản tin hàng ngày của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, bản tin đột xuất liên tục cập nhật, đổi mới về hình thức, nội dung thông tin; các thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 phải đáp ứng kịp thời với những thay đổi về diễn biến dịch, cập nhật kiến thức về biến thể Delta và chuyển đổi chính sách, đường lối chống dịch; lập những tổ truyền thông trong thành phần của các Bộ phận Thường trực, Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ các địa phương ngay tại tâm dịch để xây dựng các nội dung truyền thông chính xác, kịp thời, tạo nên ngân hàng thông tin (bao gồm các bài viết, ảnh, video…); chủ động xây dựng kho dữ liệu truyền thông y tế cho đội ngũ làm truyền thông y tế tại các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau như infographic, video… trên nhiều nền tảng như Viber, Facebook, Zalo đảm bảo đơn giản, dễ nhìn, dễ nghe, dễ hiểu và được truy cập, sử dụng miễn phí. Đến đầu tháng 12/2021, kho dữ liệu số đã có hơn 1.800 sản phẩm truyền thông, có gần 2.000 tác phẩm báo chí, phản ánh các nỗ lực của Bộ Y tế, chính quyền và nhân dân các địa phương, các lực lượng y tế trong triển khai chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia,…(10).

Công tác truyền thông phòng, chống dịch với mục tiêu để “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm”; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt; tập trung các tin, bài hướng dẫn kỹ năng, tư vấn, giải đáp liên quan đến kỹ năng sống an toàn, chung sống an toàn trong mùa dịch, trong vùng dịch, tăng cường bảo vệ sức khỏe của người dân, đề xuất, hiến kế các giải pháp chống dịch; phản bác các thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, với chủ trương chống dịch và phát triển kinh tế phải song song, Chính phủ và Quốc hội đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”. Góp phần vào thực hiện chủ trương nhất quán này, các cơ quan báo chí, truyền thông đã ghi nhận, phản ánh ý kiến kiến nghị của giới doanh nhân, doanh nghiệp, phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc Chính phủ luôn thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 do các biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài. Khi xác định chuyển trạng thái chống dịch, từ “Zero COVID” sang “sống chung với COVID,” nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị tâm huyết được bàn đến, làm sao để “sống chung” có hiệu quả, thích ứng an toàn trong cuộc sống bình thường mới. Nhiều tỉnh, thành phố tăng tần suất, thời lượng tuyên truyền phòng, chống dịch trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn. Tần suất trung bình từ 3 – 4 lần/ ngày (tăng so với trước từ 1 – 2 lần); thời lượng trung bình từ 15-20 phút/ bản tin (tăng 5 – 10 phút/ bản tin so với trước). Nội dung tuyên truyền sinh động với nhiều hình thức đa dạng, trực tiếp đến người dân.

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đều nhấn mạnh và quan tâm đến yếu tố công nghệ trong công tác phòng, chống COVID-19 như khẩu hiệu: “5K + vắc xin + thuốc + công nghệ và các biện pháp khác”. Do đó, các doanh nghiệp viễn thông đã nhanh chóng triển khai cài đặt thông báo, nhắn tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến các thuê bao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Gia Lai, Quảng Bình, Hà Nam, Nam Định, Lào Cai, Khánh Hòa… Hệ thống kết nối camera các điểm cách ly đã kết nối thêm 3 điểm với 25 camera (tổng số kết nối 1.076 với 12.992 camera tại 63 tỉnh, thành phố). Tính đến ngày 10/10/2021, Tổng đài tiếp nhận phản ánh của người dân 19009095 đã tiếp nhận và xử lý tổng số tổng hơn 7,3 triệu cuộc gọi, tập trung vấn đề: đã tiêm đủ 2 mũi tiêm nhưng chỉ hiện chứng nhận 1 mũi trên app “Sổ sức khỏe điện tử”, đã nhập phản ánh trên website nhưng chưa nhận được phản hồi và chưa được cập nhật thông tin,… Tổng đài hỗ trợ khai báo y tế 18001119 đã tiếp nhận tổng gần 289.000 cuộc gọi và thực hiện tổng số gần 7,35 triệu cuộc gọi ra.

Đến hết 30/9/2021 (sau 12 ngày triển khai), các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành ứng cứu phủ sóng đối với 283 điểm lõm sóng tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa). Cục Bưu điện Trung ương và các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai thiết lập, bảo đảm chất lượng đường truyền kết nối phục vụ các cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố (bao gồm Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, xã, phường). Đối với việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch, ngày 30/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn tất việc phát triển một ứng dụng duy nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 lấy tên là PC-COVID. Đến ngày 10/10/2021, toàn quốc có tổng số hơn 25,6 triệu điện thoại thông minh cài PC-COVID (chiếm 26,69% dân số, 38,4% số điện thoại thông minh). Về kết quả triển khai công nghệ bắt buộc dùng chung trên toàn quốc, đối với nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào ra sử dụng mã QR, tính đến ngày 10/10/2021, toàn quốc đã có hơn 2,17 triệu địa điểm đăng ký kiểm soát thông qua mã QR, trong đó có hơn 201.968 điểm ghi nhận hoạt động. Kết quả tiêm chủng, bao phủ vắc xin được cập nhật hằng ngày, tự động trên trang báo điện tử chính thống, cổng thông tin Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cam go phòng, chống dịch bệnh, nhiều thế lực, nhóm xã hội xấu đã lợi dụng kẽ hở, khiếm khuyết trong công tác phòng, chống dịch để nói xấu, xuyên tạc; thậm chí lan truyền nhiều tin bài giả, tin đồn, tin xấu,… gây hoang mang trong nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phòng, chống dịch. Các thủ đoạn của chúng chủ yếu là: (i). Những thông tin của một bộ phận thích khoe mẽ, thể hiện “ta đây nhà có điều kiện” nhưng thiếu hiểu biết nên vô tình gây hậu quả tai hại; (ii). Những thông tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh được đưa lên mạng xã hội nhằm gây hoang mang, tâm lý bất ổn, hoảng loạn trong nhân dân, dẫn đến mất niềm tin vào các chủ trương, đường lối trong công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước.

Đây là loại thông tin tuyên truyền, kích động chống phá Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Thông tin được truyền thông kiểu này thường được cắt ghép hình ảnh để xuyên tạc sự thật, đánh lừa dư luận, ví dụ những hình ảnh rất nhiều thi thể bày la liệt ở đâu đó nhưng lại được ghi chú đó là Bệnh viện Chợ Rẫy và (iii). Những thông tin xuyên tạc, chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, âm mưu phá hoại đất nước (11). Đáng chú ý, thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi hàng chục nghìn đô la Mỹ để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật nhằm công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin”, yếu kém trong xử lý dịch bệnh, kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc – xin của Chính phủ; việc sử dụng Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 (12),…

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội… Công tác truyền thông, định hướng dư luận xã hội một lần nữa phải đối mặt với thách thức mới tinh vi – “virus tin giả”.

Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các đối tượng có mưu đồ xấu, kế thừa và phát huy truyền thống, giữ vững bản chất lực lượng vũ trang “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”,

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ đã xử lý vi phạm hành chính cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19 từ các cơ quan chức năng là 225 trường hợp. Trong đó: xử phạt tiền là 208 trường hợp với số tiền 1.609.500.000 đồng; 17 trường hợp bị xử phạt cảnh cáo; 317 trường hợp bị nhắc nhở (13). Có thể kể đến một số đối tượng như: Lisa Phạm (Phạm Thị Anh Đào, đối tượng thường xuyên làm các clip xuyên tạc sự thật về công tác phòng, chống dịch, vu cáo Chính phủ đã chỉ đạo “ép nhỏ con số lây nhiễm và tử vong”. Lê Văn Sơn, một đối tượng hoạt động tích cực cho các báo, đài phản động, thường xuyên đăng tải các bài viết thể hiện quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, còn khi dịch COVID-19 phức tạp, thì tiếp tục có những bài viết chống phá công tác phòng, chống dịch của Chính phủ (14).

Ngoài ra, lợi dụng tâm lý hiếu kỳ, sự lo lắng, bất an và lòng trắc ẩn của cộng đồng, nhiều kênh truyền thông của các thế lực xấu đã tung tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh với nhiều thủ đoạn tinh vi gây mất ổn định xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid – 19 của Đảng, Nhà nước. Phải kể đến là những sản phẩm “bịa đặt” của trang phản động “Việt Tân” như “Ranh giới cho thấy Nhà nước bạc bẽo thế nào với các y bác sĩ, nhân viên y tế”, “Hội chứng về quê và khủng hoảng lòng tin”, “Nhà nước Cộng sản Việt Nam chống dịch Covid – 19 bằng cách đàn áp người dân”, “Chính phủ Việt Nam sử dụng vắc – xin không đúng mục đích” hay những những sản phẩm “cắt ghép” dối trá từ nhiều nguồn tin, hình ảnh rời rạc từng là những tiêu đề tìm kiếm rộng rãi trên mạng xã hội như câu chuyện được tạo ra từ trí tưởng tượng của một bác sĩ giả mạo tên Trần Khoa rút ống thở của cha mẹ để nhường cho sản phụ đã khiến cả một lãnh đạo của một tờ báo “lớn” tại thành phố Hồ Chí Minh tin và chia sẻ trên Facebook của họ;

Những dòng tin nóng “Quân đội đã được điều động lực lượng tại thành phố Hồ Chí Minh” với hình ảnh các xe thiết giáp (trên thực tế đây là hình ảnh xe thiết giáp được ghi nhận trong buổi diễn tập khu vực phòng thủ tại Hải Phòng); hay hình ảnh xác chết của các bệnh nhân COVID-19 được cho là tại Thành phố Hồ Chí Minh (tuy nhiên qua xác minh bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở Đông Nam Myanmar)… Những thông tin bịa đặt này nhanh chóng được các đối tượng chia sẻ, bình luận trong cộng đồng, trong đó nhắm đến bộ phận quần chúng chưa rõ về truyền thông, nhận thức còn hạn chế để kích động tạo nên một góc nhìn sai lệch về tình hình dịch bệnh, gieo rắc tâm lý hoài nghi, suy giảm lòng tin của người dân đối với công tác phòng chống COVID-19, gây mất ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội (15).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên người dân TP Hồ Chí Minh trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội – Ảnh: VGP

Giải pháp phát huy vai trò của các loại truyền thông trong quản trị khủng hoảng thông tin và ứng phó với COVID-19 trong trạng thời bình thường mới ở Việt Nam
Trong bài viết nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó giúp mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội”. Để bảo đảm vai trò chủ lực của báo chí và các kênh truyền thông trong quản trị khủng hoảng thông tin, đặc biệt trong bối cảnh tình hình COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chưa xác định thời điểm kết thúc, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như sau (16):

Một là, cùng với phương tiện truyền thông đại chúng thì phương tiện truyền thông xã hội cần tiếp tục đóng vai trò tích cực trong cung cấp thông tin về đại dịch COVID-19 hiện nay. Khái niệm “hỗ trợ thông tin đồng đẳng” cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, nhằm phục vụ có hiệu quả cho quản trị khủng hoảng thông tin thời kỳ dịch bệnh. Hỗ trợ thông tin được cung cấp, chia sẻ bởi chính những người dùng mạng xã hội. Hỗ trợ đồng đẳng hiệu quả và hữu ích nhất là hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thông tin liên quan đến sức khỏe cho người dùng mạng xã hội. Người dùng mong muốn tìm kiếm thông tin và giữ kết nối với những người khác và họ chia sẻ cảm xúc thuộc về nhóm người phù hợp. Tìm kiếm thông tin liên quan đến sức khỏe thông qua phương tiện truyền thông xã hội và tương tác xã hội là điều quan trọng trong cuộc sống của những cá nhân cần điều trị y tế.

 Nhìn chung, hỗ trợ đồng đẳng thông qua mạng xã hội và các nguồn trực tuyến bổ sung cho mong muốn giao tiếp để duy trì kết nối xã hội và giảm sự cô lập xã hội cần thiết để quản lý các rối loạn sức khỏe tâm thần, trầm cảm, lo lắng. Giải toả được tâm lý bức xúc cho người dân là góp phần quản trị tốt khủng hoảng thông tin. Vấn đề là duy trì ngưỡng thông tin cần thiết để giải toả bức xúc nhưng không để ảnh hưởng tâm lý xã hội, sức khoẻ cộng đồng, trật tự an toàn xã hội.

Hai là, quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch phải lấy sức khoẻ người dân làm trung tâm. Để quản trị khủng hoảng thông tin có hiệu quả thì thế trận lòng dân là yếu tố cốt lõi. Truyền thông để dân biết, dân tin, dân đồng thuận, nghe theo, làm theo thì mới thành công. Thế trận truyền thông cũng phải khởi đầu từ lòng dân. Để dân theo thì cốt lõi chính sách, cũng như định hướng truyền thông phải là vì dân, lấy dân làm gốc, có như vậy mới không để xảy ra và hạn chế tác động của khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch.

Do đó, việc cung cấp thông tin kịp thời về các rủi ro sức khỏe cộng đồng là một yếu tố quan trọng trong ứng phó với khủng hoảng. Kinh nghiệm về công tác truyền thông COVID-19 ở Việt Nam vừa qua đã cho thấy, cần thông báo thường xuyên và kịp thời cho công chúng về các khía cạnh và tác động của cuộc khủng hoảng cũng như các biện pháp của chính phủ, tham gia vào giao tiếp cởi mở nhằm thúc đẩy lòng tin và sự hợp tác của mọi cá nhân. Truyền thông ở Việt Nam đã làm tốt việc này. Mọi người dân đều được tiếp cận thông tin từ các phương tiên thông tin đại chúng về thông tin liên quan đến vi rút và cơ chế lây lan của nó, nguy cơ ô nhiễm, số ca nhiễm bệnh, số ca tử vong, cũng như các biện pháp có liên hệ sâu rộng hơn với chính sách cách ly, chính sách xã hội.

Thời gian tới, cần tận dụng tốt và tối đa tiện ích từ các kênh truyền thông xã hội, kênh truyền thanh cơ sở để lan toả nhanh nhất, nhiều nhất thông điệp truyền thông đến người dân; đồng thời truyền thông phải đóng vai trò là kênh cung cấp thông tin để chính quyền các cấp nắm bắt, giải quyết bức xúc của dân. Từ đó giải toả tâm lý bức xúc và quan tâm sức khoẻ tâm lý của người dân; giải quyết có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân. Chú trọng tuyên truyền đối ngoại, xây dựng hình ảnh Việt Nam, con người Việt Nam vươn lên trong đại dịch, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với người dân; những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ba là, cảnh báo và giải quyết sớm các tin đồn, tin giả, tin xấu độc, xuyên tạc có nhiều nguy cơ gây nguy hại đến trật tự công cộng và an toàn sức khỏe. Vì thế, phương tiện truyền thông chính thống đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy cho công chúng, đồng thời giúp cảnh báo sớm để ngăn chặn sự lây lan của tin giả; giúp ngăn chặn sự hoảng sợ có thể trong cộng đồng. Để hạn chế tác hại của thông tin sai lệch thì “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “công bố tin giả, lan toả sự thật” là cách làm có hiệu quả trong thời gian qua.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng và báo chí đã công bố, xử lý hàng trăm trường hợp tán phát tin giả, lan toả thông tin chính thức. Trong bối cảnh đại dịch, các cơ quan báo chí và nhà báo cần tuân thủ các tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức ở mức cao nhất, ưu tiên các thông điệp chính sách liên quan đến khủng hoảng, hạn chế việc khuếch đại những câu chuyện chưa được xác minh, cẩn trọng trong việc xác minh thông tin đến từ các nguồn không chính thức, tránh thông tin giật gân có thể gây hoảng sợ (như thông tin về các thuyết âm mưu, cảnh báo sai…).

Bốn là, sử dụng công nghệ số, công nghệ cao để ứng phó khủng hoảng thông tin trong phòng, chống dịch. Việc ứng dụng các loại công nghệ này nhằm rà quét, phát hiện sớm xu hướng tiếp cận thông tin; xu hướng thông tin lan toả lớn; tiến hành xác minh, thẩm định những thông tin có ảnh hưởng lớn nhưng chưa rõ nguồn, chưa rõ căn cứ; tiến hành công bố, lan toả tin chính thống; xử lý răn đe các trường hợp vi phạm lần đầu lan truyền thông tin sai lệch; xử lý mạnh tay với hoạt động cố ý và có tổ chức lan truyền thông tin sai lệch.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với các nền tảng trực tuyến và các phương tiện truyền thông. Mục đích của biện pháp này để ngăn chặn sự thao túng của dư luận, cũng như tăng cường tin tức nổi bật, thông tin chính thống, nhất là những nguồn được truyền thông bởi các cơ quan y tế nhà nước, cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù Facebook, Youtube và Tiktok là các nền tảng lan truyền tin sai lệch nhưng họ cũng đã tăng cường cơ chế tự kiểm soát thông tin dịch COVID-19 ở Việt Nam; thực hiện chặn gỡ theo yêu cầu của phía Việt Nam; đưa thông tin nổi bật của Chính phủ, ngành y tế, truyền thông cách phòng chống dịch.

Truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội đã và đang cho thấy vai trò, sức mạnh trong công tác phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam thời gian qua. Việc phát huy tối đa các phương tiện thông tin truyền thống cho đến hiện đại theo hướng nhanh chóng, hiệu quả, dễ sử dụng, tiếp cận và đa dạng, chú ý đến nhóm yếu thế, vùng đặc biệt khó khăn đã góp phần giúp Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh và từng bước bước vào giai đoạn bình thường mới.

Tuy vậy, các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp cũng cần phải đối diện với mặt trái của truyền thông như khủng hoảng truyền thông, “truyền thông đen”, “nạn dịch thông tin” trong đại dịch. Bài viết không những thảo luận các vấn đề này mà còn đề xuất một số giải pháp để thông qua các loại hình truyền thông và sự phát triển của công nghệ số hiện đại góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các rủi ro, mặt trái do quá trình truyền thông mang lại như tin giả, tin đồn, tin xấu độc,… từ đó góp phần gia tăng niềm tin xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự, phục hồi đất nước trong thường mới.

TS. Bùi Nghĩa/Học viện Chính trị khu vực II

Tài liệu tham khảo:
(1). Trần Văn Huấn (chủ biên) (2022), Xã hội học trong công tác lãnh đạo, quản lý, NXB Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.113-116.
(2). WHO (2020), “Munich Security Conference”, WHO, đường dẫn truy cập: https://www.who.int/director-general/speeches/detail/munich-security-conference.
(3). “Nạn dịch thông tin” là một thuật ngữ mới, kết hợp giữa hai thành phần “thông tin” (information) và “dịch bệnh” (epidemic) để phản ánh trạng thái trong đó một vài dữ kiện kết hợp với nỗi sợ hãi, hoang mang và tin đồn được kích hoạt bởi công nghệ thông tin hiện đại. Thuật ngữ này được nhà nghiên cứu chính trị David J. Rothkopf sử dụng lần đầu tiên trong bài viết “Khi dư luận bật lại” (When the buzz bites back) đăng trên báo Washington Post, ngày 11/5/2003.

(4). Nguyễn Ngọc Hà & Vũ Thanh Vân (2021), “Vai trò, trách nhiệm của báo chí với quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và Chính sách tai chính, đường dẫn truy cập: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM218428.
(5). David J. Rothkopf (2003), “When the Buzz Bites Back”, The Washington Post, đường dẫn truy cập: https://www.washingtonpost.com/archive/opinions/2003/05/11/when-the-buzz-bites-back/bc8cd84f-cab6-4648-bf58-0277261af6cd.
(6). Seoyong Kim, Sunhee Kim (2020), “The Crisis of Public Health and Infodemic: Analyzing Belief Structure of Fake News about COVID-19 Pandemic”, Sustainability, https://doi.org/10.3390/su12239904, 2020
(7). Rasmus Kleis Nielsen, Richard Fletcher, Nic Newman, J. Scott Brennen, Philip N. Howard (2020), “Navigating the “Infodemic”: How People in Six Countries Access and Rate News and Information about Coronavirus”, Reuters Institute for the Study of Journalism.
(8). PV (2021), “Tổng Bí thư chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt về phòng, chống dịch COVID-19”, Tạp chí Cộng sản điện tử, đường dẫn truy cập: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/823943/tong-bi-thu-chu-tri-hop-lanh-dao-chu-chot-ve-phong%2C-chong-dich-covid-19.aspx.
(9). PV (2021), “Vai trò của truyền thông trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4”, Báo điện tử Vietnam Plus, đường dẫn truy cập: https://www.vietnamplus.vn/vai-tro-cua-truyen-thong-trong-dot-dich-covid19-thu-4/746817.vnp
(10). PV (2021), “Bộ trưởng Bộ Y tế: Minh bạch hoá và chủ động trong truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19”, Cổng thông tin Bộ Y tế, đường dẫn truy cập: https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/bo-truong-bo-y-te-minh-bach-hoa-va-chu-ong-trong-truyen-thong-ve-phong-chong-dich-covid-19
(11). Trần Huyền (2021), “Cảnh giác với những tin giả, xấu độc trong phòng, chống dịch COVID-19”, Tạp chí Xây dựng Đảng, đường dẫn truy cập: https://xaydungdang.org.vn/dan-voi-dang/canh-giac-voi-nhung-tin-gia-xau-doc-trong-phong-chong-dich-covid-19-15334
(12). Bộ Công an (2020), “Người dân cần cảnh giác với thông tin xấu, độc, sai sự thật về dịch bệnh COVID-19”, Báo điện tử Chính phủ, đường dẫn truy cập: https://baochinhphu.vn/nguoi-dan-can-canh-giac-voi-thong-tin-xau-doc-sai-su-that-ve-dich-benh-covid-19-102269565.htm
(13). Minh Thành (2022), “Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19”, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, đường dẫn truy cập: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?ItemID=61914
(14). Lê Phượng (2021), “Để thông tin xấu, độc không lây lan như biến chủng COVID-19: Bài 1: Bẫy thông tin xấu, độc – “mồi câu” dễ mắc”, Báo Thanh Hoá điện tử, đường dẫn truy cập: https://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/de-thong-tin-xau-doc-khong-lay-lan-nhu-bien-chung-covid-19-bai-1-bay-thong-tin-xau-doc-moi-cau-de-mac/144821.htm
(15). Công an tỉnh Bình Thuận (2022), “Phản bác luận điệu xuyên tạc, sai sự thật về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên mạng xã hội”, Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Thuận, đường dẫn truy cập: https://congan.binhthuan.gov.vn/phan-bac-luan-dieu-xuyen-tac-sai-su-that-ve-cong-tac-phong-chong-dich-covid19-tren-mang-xa-hoi-N986.aspx
(16). BBT (2021), “Quản trị khủng hoảng thông tin trong đại dịch COVID-19”, Trang thông tin điện tử Cục Phát thanh, Truyền hình và thônhg tin điện tử, đường dẫn truy cập: https://abei.gov.vn/hoat-dong-su-kien/quan-tri-khung-hoang-thong-tin-trong-dai-dich-covid-19/107814