Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và góp phần vào tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển các loại hình hoạt động du lịch, dịch vụ. Từ thực trạng công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bài viết đề cập những kinh nghiệm phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Vì vậy, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, và góp phần vào tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển các loại hình hoạt động du lịch, dịch vụ. Từ thực trạng công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bài viết đề cập những kinh nghiệm phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời nêu ra những vấn đề bất cập, khó khăn và kiến nghị đề xuất triển khai hiệu quả các chính sách để phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập trong bối cảnh hiện nay.
Thực trạng hệ thống bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên Huế được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa…, tương ứng với thời kỳ Thừa Thiên Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788-1945). Chính điều này đã tạo tiền đề làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu…; cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá. Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam – Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Toàn tỉnh có gần 1000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 03 quần thể/hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh.
Sự hội tụ, kết tinh của di sản Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình di sản độc đáo như: Ca Huế, Ca kịch Huế, Tuồng, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống… thể hiện đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Trên địa bàn tỉnh, có 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô.
Bên cạnh sự tồn tại của 05 bảo tàng công lập (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Lịch sử Lịch sử Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Mỹ Thuật Huế; Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung) và các nhà trưng bày cho thấy Huế là một trong những trung tâm có hệ thống bảo tàng độc đáo, phong phú về loại hình. Hiện nay, các bảo tàng công lập Huế đang lưu giữ 67.658 tư liệu hiện vật, trong đó có 10 nhóm hiện vật và hiện vật (gồm 35 hiện vật) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia: Bộ Cửu vị thần công, Bộ Cửu đỉnh, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Bia Khiêm Cung Ký, Bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn, Ngai vua triều Nguyễn, Áo Tế giao, Bia Ngự kiến Thiên Mụ tự (do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý) và Bộ chóp tháp Champa Linh Thái, Bệ thờ Vân Trạch Hòa (do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý).
Những năm gần đây hệ thống các bảo tàng ngoài công lập đang dần hình thành tại Huế: Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham, đây được xem như là một làn gió mới trong tổ chức hoạt động bảo tàng.
Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn
Là bảo tàng ngoài công lập đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế, địa chỉ số 114 Mai Thúc Loan, thành phố Huế . Bảo tàng có diện tích 379,6 m2, diện tích xây dựng 226,9 m2, diện tích trưng bày 120 m2, diện tích kho bảo quản 40 m2. Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn đang trưng bày và lưu giữ các bộ sưu tập có giá trị từ thế kỷ I đến thế kỷ XX như: Bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (1802 – 1945) gồm các vật phẩm bằng sứ phục vụ sinh hoạt của hoàng gia, triều đình được gửi kiểu thức đặt làm tại các lò sứ danh tiếng của Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản dưới các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định; Bộ sưu tập các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng vàng, ngọc, ngà voi, gỗ khảm xà cừ… thời Nguyễn; Bộ sưu tập đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ X – XX; Bộ sưu tập tứ thú người Việt – Vật phẩm ăn trầu, hút thuốc, thưởng trà, uống rượu…
Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương
Hoạt động tại địa chỉ số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế . Bảo tàng Gốm cổ sông Hương có số lượng 2.410 hiện vật, gồm 04 bộ sưu tập chính: Bộ sưu tập sành (2017 hiện vật), Bộ sưu tập đất nung (35 hiện vật), Bộ sưu tập bán sứ (38 hiện vật), Bộ sưu tập sành sứ (320 hiện vật). Tuy nhiên, khi đăng ký thành lập bảo tàng Gốm cổ sông Hương đăng ký và tổ chức trưng bày Bộ sưu tập chính gồm 331 hiện vật với chất chất liệu: sành, đất nung, bán sứ. Từ khi ra đời đến nay, Bảo tàng đã phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động trong việc tổ chức trưng bày và tổ chức nhiều hoạt động phong phú, qua đó thu hút đông đảo khách tham quan đến bảo tàng.
Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ
Hoạt động trước đây tại địa chỉ số 01 đường Phạm Hồng Thái . Bảo tàng khi đi vào hoạt động có diện tích 929,7 m2, trong đó diện tích trưng bày và nhà làm việc 332,5 m2. Bảo tàng trưng bày gần 500 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu gồm các thể loại chính: Tranh thêu, tranh thêu 2 mặt, điêu khắc chỉ và các hiện vật liên quan đến nghề thêu, được thể hiện qua 3 chủ đề chính: “Cơ thể nghề thêu”; “Gương mặt nghề thêu”; “Một tiếng nói cho nghề thêu”… Sự ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ đã tạo thêm một điểm nhấn du lịch độc đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn, mới lạ cho du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, do nhu cầu quy hoạch và phát triển của tỉnh nên UBND tỉnh đã thu hồi vị trí nhà đất tại số 01 Phạm Hồng Thái (địa điểm đặt Bảo tàng Nghệ thuật thuê XQ), hy vọng trong thời gian tới sẽ bố trí bảo tàng tại 1 vị trí phù hợp.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ngày 02/7/2022, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khánh thành và chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ số 144 Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, thành phố Huế. Bảo tàng trưng bày 395 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, gồm 06 chủ đề chính: Gia đình, quê hương, tuổi trẻ (1934 – 1937); Đấu tranh giải phóng dân tộc (1939 – 1945); Kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954); Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 – 1964); Cách mạng miền Nam (1964 – 1967); Vĩ thanh. Hiện nay, bảo tàng thường xuyên mở cửa đón khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu về cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham
Hoạt động tại địa chỉ số 53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế . Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham có số lượng trên 1000 hiện vật bao gồm các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới, gồm các bộ sưu tập chính: sưu tập tượng phật, kinh phật, đồ thờ, đồ pháp khí (nhiều chất liệu); sưu tập đồ gia dụng và trang trí (chất liệu pháp lam); sưu tập tượng, đồ thờ, vật trang trí (chất liệu gốm sứ); sưu tập tượng và phù điêu phong cách Champa (chất liệu đá); sưu tập tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam và thế giới (nhiều chất liệu).
Sự ra đời và đi vào hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập cùng hệ thống bảo tàng công lập tại Thừa Thiên Huế đang dần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế, đồng thời là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Không gian nghệ thuật Phật giáo Á Đông tại Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham
Một vài chính sách và nguồn lực để phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di sản, từ rất sớm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hình thành hệ thống bảo tàng công lập để quản lý các nhóm hiện vật khác nhau: Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung và Bảo tàng Văn hóa Huế (mới giải thể). Có thể nói, các bảo tàng này đã đóng góp không nhỏ trong việc gìn giữ, khai thác và phát huy giá trị quan trọng của kho tàng cổ vật xứ Huế trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, bối cảnh xã hội đã thay đổi. Việc khai thác các trầm tích văn hóa phong phú của Huế cần phải có hướng tiếp cận mới, đó là việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tranh thủ được trí tuệ, tâm huyết của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống công lập. Trên quan điểm này, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng hệ thống chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập một số bảo tàng ngoài công lập. Năm 2018, Hội đồng nhân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao..; đến cuối năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh lại thông qua Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2030 với các nội dung cụ thể và khá thực tế. Nhờ những chính sách ấy, đến nay Thừa Thiên Huế đã có 05 bảo tàng ngoài công lập cùng nhiều thiết chế dạng thức bảo tàng như: Nhà trưng bày nông cụ Thủy Thanh, Sốngplatform (mô hình bảo tàng kỹ thuật số), Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng (Lebadang Memory Space) đang hoạt động hiệu quả và thu hút một lượng lớn khách tham quan.
Xét về tiềm năng, cố đô Huế hoàn toàn có thể hình thành một hệ thống phong phú các bảo tàng ngoài công lập với nhiều hình thức khác nhau: Bảo tàng chuyên đề, bảo tàng nghề, bảo tàng lưu niệm (như 5 bảo tàng đã đi vào hoạt động), bảo tàng tổng hợp, bảo tàng ngành hoặc liên ngành… Có một điều đáng chú ý là cho đến này, các bảo tàng ngoài công lập của Huế đều được thành lập hoặc có nguồn gốc hình thành từ các chủ sở hữu là những người không phải sống ở Huế mà chỉ do yêu Huế, muốn gắn bó với Huế nên họ đã chọn cố đô để lập nghiệp, để “quay về” hoặc hiến tặng các sưu tập hiện vật để thành lập Không gian lưu niệm/bảo tàng. Ngay cả Bảo tàng Mỹ thuật Huế, là một bảo tàng công lập, cũng được hình thành từ hai bộ sưu tập hiện vật chính do hai họa sỹ/nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới trao tặng (Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị). Và trong tương lai gần, khả năng hình thành một số bảo tàng ngoài công lập mới vẫn chủ yếu là theo cách thức này… Chính vì vậy, cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn để những bảo tàng này sớm được thành lập và đi vào hoạt động.
Với mục tiêu cụ thể nhằm đổi mới, đa dạng hóa hình thức hoạt động bảo tàng ngoài công lập; đề ra các chính sách phù hợp thực tiễn, đảm bảo tính khả thi nhằm khuyến khích các bảo tàng ngoài công lập ra đời và phát triển, đưa hệ thống bảo tàng ngoài công lập trở thành điểm đến hấp dẫn của các đối tượng công chúng, từng bước xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập; củng cố và nâng cao chất lượng, vai trò các bảo tàng ngoài công lập, thực hiện xã hội hoá hoạt động bảo tàng, lựa chọn danh mục các bảo tàng ngoài công lập đáp ứng tiêu chí, điều kiện để hỗ trợ phát triển; cụ thể hóa chính sách ưu đãi của trung ương nhằm hỗ trợ và phát huy giá trị các bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2030, các chính sách được đề cập cụ thể như sau:
Hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng ngoài công lập
Hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất do nhà nước quản lý với mức tối thiểu do nhà nước ban hành.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân thực hiện việc thuê đất, công trình để tổ chức hoạt động bảo tàng ngoài công lập đối với các công trình không thuộc sở hữu của nhà nước thì mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/1 năm.
Hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm
Hỗ trợ không quá 02 hoạt động trưng bày, triển lãm trong phạm vi cấp tỉnh đối với 01 bảo tàng ngoài công lập/1 năm, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/1 hoạt động.
Hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng
Hỗ trợ phát triển 01 sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng/1 năm, mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/1 sản phẩm.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Hỗ trợ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về công tác bảo tàng tổ chức trong tỉnh.
Hỗ trợ tiền tàu xe 2.500.000 đồng/1 người, không quá 2 người/1 năm/1 bảo tàng đối với các đợt tham gia đào tạo, tập huấn ngoại tỉnh.
Hỗ trợ quảng bá hình ảnh
Được hỗ trợ quảng bá trên các kênh thông tin, tuyên truyền của Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch;
Hỗ trợ công tác quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng với mức hỗ trợ không quá 30 triệu/1 năm.
Để triển khai các nội dung của Nghị Quyết số 17/2020/NQ-HĐND, năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND về việc triển khai thực hiện “Chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, năm 2022, từ nguồn kinh phí được cấp là 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng) và nguồn kinh phí đề nghị bổ sung 165.000.000 (Một trăm sáu mươi lăm triệu đồng), các bảo tàng ngoài công lập đã tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm tại bảo tàng; phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cán bộ, nhân viên của các bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Nghệ thuật thêu XQ và Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương.
Năm 2023, từ nguồn kinh phí được cấp 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng), Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã ra quyết định Hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm, phát triển sản phẩm lưu niệm, tuyên truyền quảng bá cho và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương; Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham. Từ chính sách này đã phần nào hỗ trợ cho các bảo tàng ngoài công lập tổ chức các hoạt động hiệu quả tại chính bảo tàng mình, qua đó đã thu hút khách tham quan đến bảo tàng để tham quan, nghiên cứu.
Hiện nay, các bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đang triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch từng năm, đồng thời phối hợp các bảo tàng công lập triển khai các hoạt động trưng bày, triển lãm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, phát triển hệ thống bảo tàng của tỉnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trao đổi tại hội thảo về kinh nghiệm phát triển bảo tàng ngoài công lập.
Những bất cập, khó khăn trong hoạt động phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập
Đối với hệ thống bảo tàng ngoài công lập, bên cạnh các quy định về chính sách về xã hội hóa cho loại hình này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ cho loại hình bảo tàng ngoài công lập, nhưng do cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho Bảo tàng ngoài công lập chưa nhiều nên các bảo tàng ngoài công lập luôn phải tự tìm hướng duy trì, phát triển cho chính bảo tàng mình. Hầu hết các hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật… nhằm phục vụ công chúng đều do các bảo tàng tự trang trải kinh phí nên gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đa số mới thành lập nên hạn chế về kinh nghiệm chuyên môn, diện tích kho bảo quản hiện vật không lớn, đặc biệt là kinh phí hoạt động, gặp nhiều khó khăn cũng như thiếu sự hỗ trợ của các chuyên gia và trang thiết bị chuyên ngành.
Hiện nay, các bảo tàng đang hoạt động dưới các hình thức khác nhau như: công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ kinh doanh cá thể… Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của hệ thống bảo tàng ngoài công lập, các bảo tàng đang gặp những khó khăn về tư cách pháp nhân để hoạt động (tài khoản, con dấu).
Trên thực tế, một số cá nhân, tổ chức dù có thực lực và rất tâm huyết trong việc thành lập bảo tàng nhưng lại chưa thật am hiểu và thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam, vì vậy thường tỏ ra khó hiểu, lúng túng, thậm chí thất vọng, chán nản. Đây chính là điểm bất cập mà các cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng xử lý. Chính sách hỗ trợ cho bảo tàng ngoài công lập của Thừa Thiên Huế đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND của hội đồng nhân dân tỉnh, bao gồm: hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà đất làm bảo tàng; hỗ trợ hoạt động trưng bày triển lãm; hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; và hỗ trợ quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, các chính sách này cần được cụ thể hóa thành các thủ tục hành chính kèm theo các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho ngành Văn hóa chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu để sớm triển khai trong thời gian tới.
Thực hiện chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để hình thành hệ thống bảo tàng ngoài công lập ở Thừa Thiên Huế chính là việc làm thiết thực, cụ thể để làm phong phú hóa các thiết chế văn hóa của Thừa Thiên Huế và huy động được tối đa các nguồn lực xã hội. Đây cũng là một nội dung trong kế hoạch triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đề xuất một số giải pháp
Từ thực trạng đó, để bảo tàng ngoài công lập phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, thiết nghĩ chúng ta nên mạnh dạn nghiên cứu, đề ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Về mặt quản lý Nhà nước
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước về hoạt động bảo tàng đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo tiền đề cho các tổ chức, cá nhân tham gia sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của quốc gia nói chung, văn hóa Huế nói riêng. Tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo và hướng dẫn nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các bảo tàng ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng xã hội và chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa hoạt động bảo tàng.
Việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập nhằm khuyến khích sự ra đời và phát triển của các bảo tàng ngoài công lập, cần xem xét hỗ trợ theo hướng sau:
Hỗ trợ các bảo tàng ngoài công lập về cơ chế chính sách
Nghị quyết 17/2020/NQ-HĐND của hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong chính sách đầu tiên đã đề cập đến việc “Hỗ trợ thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng để tổ chức hoạt động bảo tàng”, tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn. Trên thực tế, Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (bảo tàng ngoài công lập đầu tiên của Huế) khi đi vào hoạt động được hưởng chính sách miễn thuế thuê đất 30 năm; Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ được hỗ trợ cơ sở vật chất trên đất (tuy nhiên, do quy hoạch nên hiện nay tỉnh cũng đang thu hồi đất để bố trí vị trí mới phù hợp), 03 bảo tàng ngoài công lập còn lại do các chủ nhân bảo tàng sử dụng cơ sở vật chất có sẵn để đăng ký tổ chức hoạt bảo tàng. Vấn đề đặt ra là để có một thiết chế bảo tàng đảm bảo với công năng sử dụng đòi hỏi các nhà quản lý phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát các địa điểm phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn tham gia vào quá trình đầu tư hoạt động bảo tàng.
Xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập để duy trì phát triển bảo tàng ngoài công lập
Trong khi các bảo tàng công lập được nhà nước cấp kinh phí để hoạt động, thì các bảo tàng ngoài công lập là một tổ chức hoạt động về văn hóa phi lợi nhuận, tự chủ về kinh phí hoạt động. Vì vậy, ngoài nguồn thu hạn chế từ việc bán vé, bảo tàng ngoài công lập cần có sự bảo trợ của các quỹ hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập để duy trì hoạt động. Việc các quỹ này tài trợ trực tiếp cho những bảo tàng ngoài công lập và là một trong những kênh tài trợ hiệu quả để thúc đẩy các hoạt động tích cực của bảo tàng ngoài công lập nhằm tạo nguồn lợi lâu dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những ưu tiên để các bảo tàng ngoài công lập vay vốn trung hạn và dài hạn từ Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tổ chức hoạt động.
Tạo sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng ngoài công lập và các bảo tàng công lập
PGS.TS. Đặng Văn Bài (thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia – Nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã từng nhận định: “Trong tương lai, số lượng bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam sẽ dần tăng, có thể nhiều hơn so với bảo tàng công lập. Đó không chỉ là xu thế phát triển trên thế giới, mà còn là điều kiện tốt hơn để công chúng tiếp cận với giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Để có được điều này, cần đến sự phối hợp hơn nữa giữa Nhà nước với các bảo tàng ngoài công lập”.
Có một thực tế ở Huế, từ khi các bảo tàng ngoài công lập được thành lập, các bảo tàng công lập đã chủ động hỗ trợ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ bước đầu cho các bảo tàng ngoài công lập. Năm 2022, ngay sau khi mới ra mắt hoạt động, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương đã phối hợp Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những dòng sông” nhân dịp Festival Huế 2022. Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phối hợp Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Việt Nam – Đất nước, Mùa Xuân” và Hội thi “Tự hào trang sử quê hương”. Năm 2023, tại địa chỉ số 53 Hàm Nghi, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham chính thức làm lễ ra mắt công chúng. Các sưu tập hiện vật này được sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu, mà đặc biệt là Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã giúp đỡ, hướng dẫn công tác chuyên môn cũng như hoạt động trưng bày để Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham tổ chức hoạt động.
Từ thực trạng hoạt động của hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, để phát huy hiệu quả hoạt động bảo tàng, các bảo tàng ngoài công lập cần song hành hoạt động cùng các bảo tàng công lập, tiếp tục tăng cường phối kết hợp với các bảo tàng công lập trong việc tổ chức trưng bày, giới thiệu các sưu tập hiện vật đến với công chúng, tăng cường hỗ trợ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.
Tọa đàm khoa học tại một bảo tàng tư nhân
Song song với trách nhiệm của Nhà nước, các bảo tàng ngoài công lập cần tự mình thực hiện một số giải pháp
Các bảo tàng ngoài công lập ở Huế được thành lập và dần hoạt động hiệu quả. Tuy được chủ động về thời gian tổ chức hoạt động và công tác trưng bày, triển lãm, nhưng theo nhìn nhận một cách khách quan, các bảo tàng vẫn chưa có bộ máy hoàn chỉnh, kinh nghiệm chuyên môn chưa đảm bảo, kính phí không đủ để đầu tư cho các trang thiết bị chuyên ngành. Từ thực tế hoạt động, các bảo tàng ngoài công lập ở Huế muốn thu hút hơn nữa khách tham quan, là địa điểm hấp dẫn du khách, thiết nghĩ các bảo tàng ngoài công lập cần vận động theo hướng:
Thực hiện tốt các chức năng quy định tại Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, trong đó đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản tư liệu, hiện vật…
Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày của bảo tàng, đây là yếu tố cốt lõi để thu hút khách tham quan đến các bảo tàng ngoài công lập.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý hoạt động bảo tàng.
Tăng cường liên kết chuyên môn nghiệp vụ với các bảo tàng công lập.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng một số sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ 4.0; xây dựng cơ sở dữ liệu về toàn bộ tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng và cung cấp thông tin song/ đa ngữ chất lượng cao đảm bảo đáp ứng nhu cầu tổ chức trưng bày và các chương trình giáo dục của bảo tàng.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, kết nối chặt chẽ với các tuor, tuyến du lịch nhằm đưa khách tham quan đến bảo tàng.
Trên địa bàn Tỉnh, bên cạnh 05 bảo tàng ngoài công lập còn có hơn 20 nhà sưu tập tư nhân đã và đang bảo quản, lưu giữ một số lượng lớn các hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị. Thời gian vừa qua, việc thúc đẩy thành lập các bảo tàng ngoài công lập và sự kết hợp giữa Bảo tàng công lập với các nhà sưu tầm, bảo tàng ngoài công lập trong công tác trưng bày, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là một trong những thành công của công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiến hành có hiệu quả.
Có thể nói, việc nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động các nguồn lực tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống sẽ giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa vô cùng quý báu, trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./
TS. Phan Thanh Hải
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế