Thứ sáu, Tháng mười 4, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chính thức ra mắt sản phẩm “Hệ thống tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh” đầu tiên

ĐNA -

(Đà Nẵng). “Với sự ra đời của những sản phẩm như “Hệ thống tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh”, ngành Giáo dục và Khoa học công nghệ nước nhà sẽ không ngừng phát triển, mang lại những đóng góp thiết thực cho nền kinh tế và xã hội của đất nước”, TS. Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học công nghệ nhấn mạnh.

TS.Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học công nghệ: Bộ cam kết tiếp tục đồng hành cùng các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, thúc đẩy sáng kiến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.Ảnh: T.Ngọc.

Ngày 26/9/2024, Trung tâm Mô hình hóa và Mô phỏng (CVS – Center of Visualization & Simulation) thuộc trường Khoa học Máy tính (Đại học Duy Tân), đã chính thức  ra mắt sản phẩm “Hệ thống tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh”.

Ngay tại buổi ra mắt, Đại học Duy Tân đã ký kết hợp tác với Trường Cao đẳng Việt – Hàn (tỉnh Bình Dương), Trường Trung cấp nghề Bình Minh (tỉnh Quảng Bình), Trường Đại học Thái Bình (tỉnh Thái Bình), chính thức đưa sản phẩm vào sử dụng trong chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, dạy lái xe.

“Đây là sản phẩm kỹ thuật mô phỏng đầu tiên, phục vụ giảng dạy, đào tạo kỹ thuật ô tô, dạy lái xe, cũng như sửa chữa, hoặc xác định các lỗi của ô tô khi gặp sự cố, là nền tảng để thiết kế, sản xuất dòng xe tự hành, xe thông minh. Sản phẩm đánh dấu bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ cao vào một lĩnh vực đào tạo, huấn luyện có tính đặc thù cao.

Đặc biệt, sản phẩm với hệ thống mô phỏng rất chân thực, hệ cơ sở dữ liệu (về các bộ phận cấu thành, linh kiện, thiết bị, công năng mỗi chủng loại trong ôtô) gần như khá đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu tự học, tự nghiên cứu. Hệ dữ liệu này, được cập nhật thường xuyên, nội dung là các xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành ô tô.

Kết hợp cùng công nghệ tương tác toàn diện, được nhiều phần mềm ứng dụng hỗ trợ, hệ thống góp phần thay đổi không gian đào tạo, phương pháp giảng dạy, nâng cao rõ rệt chất lượng đào tạo, giúp học viên tiếp cận kiến thức một cách sinh động và hiệu quả”, TS. Lê Văn Chung – Giám đốc Trung tâm Mô hình hóa & Mô phỏng nhấn mạnh.

TS.Lê Văn Chung – Giám đốc Trung tâm Mô hình hóa & Mô phỏng: hệ thống góp phần thay đổi không gian đào tạo, phương pháp giảng dạy, nâng cao rõ rệt chất lượng đào tạo. Ảnh: T.Ngọc.

Sản phẩm“Hệ thống tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh”, nổi trội với ưu diểm mô phỏng rất chân thực, thể hiện chính xác hệ thống và cấu trúc của ô tô, cho phép học viên, sinh viên kết hợp giữa lý thuyết và trực quan, năm bắt nhanh hệ thống, đi vào thực hành trong môi trường khá an toàn.

Ưu điểm khác là tương tác toàn diện, sinh động bằng công nghệ cho phép người dạy, người học làm việc trực tiếp với các mô hình 3D, mà không cần phải đeo kính chuyên dụng (kính 3D, kính thực tế ảo), mà vẫn có được góc nhìn trải nghiệm thực tế ảo trong học tập, tim hiểu, nghiên cứu.

“Hệ thống tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh là một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy và đào tạo. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, giữa kiến thức và trải nghiệm thực tế, giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp với các công nghệ ô tô thông minh, từ đó nắm bắt và làm chủ công nghệ nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ ô tô, tự động hóa, và trí tuệ nhân tạo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

TS.Lê Nguyên Bảo – Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, đã ký kết hợp tác với Trường Cao đẳng Việt – Hàn (tỉnh Bình Dương), Trường Trung cấp nghề Bình Minh (tỉnh Quảng Bình), Trường Đại học Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Ảnh: T.Ngọc.

Đặc biệt, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô thông minh với các xu hướng xe tự lái, xe điện và kết nối loT đang thay đổi toàn diện cách mà chúng ta di chuyển, làm việc và sinh sống. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật ô tô, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong giảng dạy là yêu cầu cấp bách, đóng góp trực tiếp vào việc phát triển nguồn lực phục vụ cho tương lai của đất nước”, TS. Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học công nghệ, nhìn nhận.

Còn theo TS.Lê Nguyên Bảo – Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, hiện nay tại Việt Nam, các đại học chưa tập trung phát triển Metaversity (hợp từ, viết gọn của Metaverse/một không gian được tạo ra từ kỹ thuật số + University/trường đại học), và tạo ra một hệ sinh thái học tập Metaversity đa dạng, sinh động.

Điều này đã được tổng kết khi chúng ta tổ chức dạy và học trực tuyến, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Dù việc dạy và học là đầy đủ, vẫn có nhiều ý kiến phản ảnh rằng, không gian học tập của chúng ta còn quá nhàm chán.

Đại học Duy Tân đã đang có những nỗ lực hướng đến hệ sinh thái học tập Metaversity. Năm 2017, cũng Trung tâm CVS với sản phẩm Anatomy Now (Mô phỏng cơ thể người Việt) đã giành giải Nhất, giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Hãng phim Éc bạc Đại học Duy Tân cũng đã làm phim lịch sử từ công nghệ metaverse. Đó là phim tài liệu “Những cánh én đầu tiên” trong Séries “Không chiến Việt Nam” (*).

Một trong những thành tựu quan trọng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được ứng dụng vào lĩnh vực Khoa học – Xã hội và Nhân văn nói chung, giáo dục đào tạo nói riêng, là Kỹ thuật mô phỏng. Kỹ thuật mô phỏng thực sự tạo nên những thay đổi lớn cả về nội dung, hình thức đào tạo và phương pháp giảng dạy.

Sản phẩm “Hệ thống tương tác toàn diện trong đào tạo kỹ thuật ô tô thông minh” là kết quả của quá trình nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất, kết hợp giữa công nghệ mô phỏng tiên tiến và giải pháp tương tác hiện đại; được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ ô tô trong tương lai. Sản phẩm được công nhận là công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Duy Tân.

Sản phẩm được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ ô tô trong tương lai. Ảnh: T.Ngọc

“CVS (Trường Khoa học Máy tính, Đại học Duy Tân) đã đạt được nhiều thành tựu và giải thưởng danh giá: Giải Xuất sắc Tri thức Trẻ vì Giáo dục (2016); Giải Bạc Asian ICT Award (2018); Giải thưởng Sao khuê (2020),…

Năm 2023, CVS có 2 sản phẩm được cấp bằng sáng chế: Máy huấn luyện kỹ năng hồi sức tim phổi ; – Máy eCPR (Thiết bị huấn luyện kỹ năng hồi sức tim phổi). Hiện máy AED (thiết bị sốc tim ngoài lồng ngực áp dụng trên người), đang xúc tiến các bước thử nghiệm, chờ cơ quan thẩm quyền đánh giá, công nhận và cấp chứng nhận để đưa vào thực tế.

CVS cũng xây dựng và phát triển thành công hệ thống “Giải phẫu tương tác Nha khoa”, hỗ trợ đào tạo Răng hàm mặt và Nha khoa học đường. Đặc biệt từ sản phẩm Anatomy Now, (Giải Nhất, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017); CVS đã xây dựng, phát triển thành hệ thống mô phỏng y khoa hiện đại dữ liệu lớn “Mô phỏng và tương tác cơ thể người Việt”, hỗ trợ đắc lực cho giảng dạy – học tập và nghiên cứu chuyên sâu trong Y khoa.

Thiết bị giúp người dùng trải nghiệm thực tế ảo nhưng không dùng đến kính 3D.Ảnh: T.Ngọc.

 Với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, CVS đã, đang hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mô phỏng, công nghệ mới, tiếp tục tạo ra các sản phẩm giá trị trong các lĩnh vực y tế, kỹ thuật, kiến trúc và môi trường. Sản phẩm và thành tựu của CVS đã góp phần vào chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, ngành Y tế, Công nghệ và Kiến trúc, …”, TS. Lê Văn Chung – Giám đốc Trung tâm Mô hình hóa & Mô phỏng, cho biết thêm

TS.Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học công nghệ bày tỏ niềm tin, rằng hệ thống này sẽ được triển khai hiệu quả, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ô tô thông minh của Việt Nam.

Thành công của dự án, không chỉ nằm ở việc cải tiến chất lượng giảng dạy, mà còn mở ra cơ hội lớn hơn, cho hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, trong ứng dụng các giải pháp đào tạo tiên tiến vào thực tế. Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các trường đại học, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong thúc đẩy các sáng kiến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo./.

Trần Ngọc

*Phim nói về những trận đánh quả cảm, thông minh (diễn ra vào ngày 4/4/1965 ), của lực lượng Không quân – Quân đội nhân dân Việt Nam, quyết bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Anh hùng, Trung tướng Trần Hanh, trong vai trò Biên đội trưởng, đã chỉ huy Biên đội với 5 máy bay MiG-17, xuất phát từ Nội Bài, thông minh giành ưu thế độ cao, đánh thắng Top máy bay F-105 của Không quân và Không quân Hải quân Mỹ, lúc này mang bom chuẩn bị tấn công cầu Hàm Rồng.