Ngày 19/5 hằng năm đã trở thành một dấu mốc thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, đó là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Hôm nay, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người, chúng ta không chỉ bày tỏ lòng biết ơn vô hạn mà còn thành kính tưởng nhớ và học tập tấm gương đạo đức, phong cách và tinh thần cách mạng cao cả mà Người để lại cho muôn đời sau.

Ngay từ những năm tháng hoạt động cách mạng đầu tiên, Bác Hồ đã xác định rõ con đường cứu nước phải là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người đã vượt qua muôn vàn gian khổ, đi khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Người vẫn luôn giữ vững khí phách, cốt cách của một người Việt Nam yêu nước, thương dân, một chiến sĩ cộng sản quốc tế chân chính, trung kiên.
Từ lời nói đến hành động, từ cách ứng xử đến phong cách sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện là một tấm gương mẫu mực của đạo đức cách mạng. Người từng viết: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.” Và suốt cuộc đời mình, Người đã sống đúng với tinh thần đó, làm trước, nói sau, lấy hành động làm phương châm giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng.
Tinh thần trách nhiệm của Bác là một chuẩn mực cao đẹp. Trong bài báo “Tinh thần trách nhiệm” đăng trên Báo Nhân Dân năm 1951, Người khẳng định: làm việc gì cũng phải đưa hết tinh thần, lực lượng ra làm đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ, đảng viên – theo Bác – phải “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên lợi ích cá nhân, sống liêm khiết, cần kiệm, giản dị.
Không chỉ là nhà lãnh đạo kiệt xuất, Hồ Chí Minh còn là hiện thân sinh động của mối liên hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Người luôn quan niệm: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân”. Những chính sách ban đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như cứu đói, chống giặc dốt, xóa bỏ thuế khóa phong kiến… đều cho thấy tâm nguyện sâu sắc của Bác là chăm lo đời sống cho dân, từ miếng ăn, cái mặc đến học hành, y tế, tín ngưỡng, bình đẳng giới…
Sự gắn bó, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân không chỉ ở lời nói mà thể hiện rõ trong từng việc làm cụ thể. Trong 15 năm cuối đời, Người đã thực hiện hơn 900 chuyến đi công tác khắp cả nước, đến thăm trường học, nhà máy, hợp tác xã, thăm các cụ già, em nhỏ, thanh niên, bộ đội… Những hình ảnh Bác tát nước chống hạn, đạp guồng nước, hỏi chuyện người dân ngay trên cánh đồng, kiểm tra nhà vệ sinh bệnh viện, góp ý cách xây chuồng trâu… mãi mãi khắc sâu trong ký ức dân tộc, là minh chứng cho một lãnh tụ vừa vĩ đại, vừa gần gũi, giản dị đến lạ kỳ.
Tinh thần “vì dân, vì nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là bài học lớn về đạo đức công vụ. Người từng nghiêm khắc phê bình cán bộ chỉ lo xây nhà nghỉ cho lãnh đạo mà quên chăm lo cho công nhân, một lời nhắc nhở vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Bởi, theo Người, “làm cán bộ là làm đầy tớ cho dân”, “việc gì lợi cho dân thì cố mà làm, việc gì hại đến dân thì phải hết sức tránh”.
Tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn soi sáng con đường chúng ta đi. Trước yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực trong từng hành động, từng chính sách, từng cán bộ, đảng viên, và trong toàn xã hội.
Cuộc đời của Bác là một thiên anh hùng ca sáng chói về chủ nghĩa yêu nước, về tinh thần quốc tế trong sáng, về phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp. Người đã để lại cho dân tộc ta một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, là tấm gương đạo đức và phong cách sống vô cùng quý báu.
Bác Hồ với Công an Nhân dân
Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, là người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn dành sự quan tâm, dạy dỗ ân cần cho các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an Nhân dân.
Bác từng căn dặn: “Công an của ta là Công an Nhân dân, vì dân mà phục vụ. Phải dựa vào dân, gần gũi với dân, được dân tin yêu thì mới hoàn thành nhiệm vụ.” Những lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Công an. Bác không chỉ quan tâm về công tác bảo vệ an ninh, trật tự mà còn nhấn mạnh đạo đức, tác phong, và lối sống trong sạch của người chiến sĩ Công an.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lực lượng Công an Nhân dân ngày nay không ngừng rèn luyện, phấn đấu để “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân và người dân Việt Nam càng thêm tự hào về Bác Hồ, một con người đẹp nhất, một khí phách sáng ngời của dân tộc, một biểu tượng vĩnh hằng của tình yêu nước, lòng nhân ái và sự cống hiến không mệt mỏi vì độc lập, tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Đó cũng chính là động lực tinh thần lớn lao để chúng ta tiếp tục kiên định lý tưởng, vững bước đi lên xây dựng đất nước ngày càng hùng cường và phát triển.
Hữu Thiên