Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

ĐNA -

(Chinhphu.vn). Ngày 24/12/2023, tỉnh Quảng Ngãi công bố Quyết định Thủ tướng Chính phủ ký số 1456/QĐ-TTg, ngày 22/11/2023, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự lễ công bố có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, một số bộ, ngành, địa phương…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 – Ảnh: VGP.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi mở ra khát vọng, không gian sáng tạo, tư duy phát triển mới
Phạm vi ranh giới Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam ngày 21/6/2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Bình Định, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông. Thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối Bắc – Nam và Đông – Tây với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào. Với gần 130 km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển, trong đó Khu kinh tế gắn với Cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí-luyện kim và trung tâm logistics lớn.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển – đảo.

Quảng Ngãi luôn tự hào là trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa cổ của Việt Nam có niên đại cách đây từ 2.500-3.000 năm; giao thoa, tương tác với văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ.

Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, anh hùng; nơi hội tụ của văn hoá, của thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình với “Núi Ấn, sông Trà”, và người dân hiền hoà, mến khách, có truyền thống cách mạng, quê hương của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, của những anh hùng khởi nghĩa Ba Tơ và rất nhiều chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo tài ba của đất nước.

Nhân dân Quảng Ngãi nặng nghĩa tình, anh dũng, khí phách, kiên cường, có tinh thần vượt khó, sáng tạo và có tình yêu quê hương tha thiết, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ để đổi mới, phát triển.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Với truyền thống lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, cùng tinh thần năng động, sáng tạo, tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo, của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, Quảng Ngãi đã phát triển đầy ấn tượng.

Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi vươn lên trở thành tỉnh phát triển năng động, một trong những trung tâm công nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với quy mô nền kinh tế (GRDP) đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, cao gấp khoảng 2 lần năm 2010.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong giai đoạn đầy khó khăn 2021-2023 đạt 5,49%. Tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 70% trong cơ cấu kinh tế. Các ngành công nghiệp nền tảng đang là động lực dẫn dắt nền kinh tế Quảng Ngãi. Hệ thống kết cấu hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.398 USD.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi mở ra khát vọng, không gian sáng tạo, tư duy phát triển mới – Ảnh: VGP

Nhìn nhận, đánh giá đúng các điểm nghẽn, thách thức
Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi vừa mở ra khát vọng, không gian sáng tạo, tư duy phát triển mới, nhưng cũng cần nhìn nhận, đánh giá đúng những hạn chế có tính chất điểm nghẽn và thách thức đặt ra.

Đó là, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc chủ yếu vào các ngành kinh tế thâm dụng vào tài nguyên, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cung chưa bảo đảm cầu, trong khi sinh viên của Quảng Ngãi được đào tạo có xu hướng chọn các đô thị như Đà Nẵng, TPHCM thay vì trở về quê.

Xung đột, chồng lấn, triệt tiêu lợi thế do cạnh tranh, thiếu liên kết vùng, liên kết ngành, bố trí không gian phát triển chưa hợp lý.

Chưa khơi thông, phát huy được nguồn lực về tự nhiên, truyền thống văn hóa đặc sắc và nhân tố con người của Quảng Ngãi để tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững chất lượng cao.

Tác động của biến đổi khí hậu vẫn đang là thách thức đối với phát triển bền vững, cũng như khả năng dễ bị tổn thương bởi các thiên tai, thời tiết cực đoan của Quảng Ngãi; mâu thuẫn giữa tăng trưởng, dù chưa cao và bảo vệ môi trường ngày một gia tăng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi – Ảnh: VGP

Hình thành các đô thị kinh tế tổng hợp, chuyên ngành
Chia sẻ một số suy nghĩ về quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, với 80% dân số sống ở nông thôn, Quảng Ngãi nghiên cứu thật kỹ Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp Bộ Xây dựng, các địa phương trong vùng để xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tất cả đô thị của tỉnh.

Phó Thủ tướng cho rằng Quảng Ngãi cần phát triển mạng lưới các đô thị theo tư duy kinh tế tổng hợp (thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch…), kết hợp đô thị chuyên ngành có năng lực cạnh tranh ở tầm quốc gia, quốc tế, kết nối thông suốt trong nội tỉnh, trong vùng, quốc gia và quốc tế.

“Lộ trình phát triển đô thị phải hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, hài hoà, từng bước vững chắc để nguồn nhân lực có thể theo kịp”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh yêu cầu xanh, hiện đại, thông minh, giữ được bản sắc văn hoá, các đô thị của Quảng Ngãi cũng phải thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác được hết thế mạnh của tự nhiên. Đồng thời, giải được bài toán liên thông giữa khu vực miên núi và đồng bằng ven biển, không gian giữa đô thị và khu vực nông thôn.

Trong phát triển công nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng Quảng Ngãi phải có các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào một số chuỗi giá trị hàng hoá lớn, công nghiệp công nghệ cao, cốt lõi… tiến tới làm chủ từ chuyển giao đến thiết kế, nghiên cứu, triển khai, sản xuất, phân phối.

“Năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, thuỷ điện tích năng, lưới điện thông minh…) sẽ là một lợi thế thu hút đầu tư của Quảng Ngãi”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Quảng Ngãi cũng cần khai thác lợi thế văn hoá, lịch sử, tiềm năng biển đảo để phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch sinh thái; đẩy mạnh kinh tế biển: Nuôi trồng, đánh bắt xa bờ, phát triển trung tâm điện giáo ngoài khơi kết hợp hậu cần nghề cá, bảo về chủ quyền biển đảo…

Với việc triển khai nhiều dự án công nghiệp lớn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi hết sức quan tâm đến việc chăm lo đời sống của người lao động, phát triển các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó có Công đoàn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, bảo đảm môi trường an ninh, chính trị ổn định và phát triển.

Phó Thủ tướng tin tưởng sau khi hoàn thành, tuyến đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi sẽ tạo ra không gian phát triển theo quy hoạch vừa được phê duyệt, cụ thể hoá chủ trương của Nghị quyết số 06 là hạ tầng đi trước đo thị, phát huy hiệu quả nguồn lực, lợi thế về con người, tài nguyên, đất đai của địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao quyết định chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số dự án lớn tại địa phương – Ảnh: VGP

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
– Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt 7,25 – 8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700 – 7.900 USD. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 15 – 16%; Công nghiệp – Xây dựng khoảng 36,5 – 37,5%; Dịch vụ khoảng 35,5 – 36,5%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: khoảng 10 – 11%. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho thời kỳ 2021 – 2030 khoảng 410.000 tỷ đồng. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 – 2030 là 6,5 -7,5%/năm.

– Về xã hội: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 0,9 – 1%, tỷ lệ tăng dân số cơ học bình quân hàng năm khoảng 0,5 – 1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tối thiểu là: Mầm non: 80,0%; Tiểu học: 89,0%; Trung học cơ sở: 90,1%; Tiểu học – Trung học cơ sở: 38,5%; Trung học phổ thông: 78,9%. Đạt trên 32 giường bệnh/10.000 dân và trên 11 bác sỹ/10.000 dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm bình quân 1 -1,5%/năm (giai đoạn 2021 – 2025) và 0,5 – 1%/năm (giai đoạn 2026 – 2030). Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì thuộc nhóm có chỉ số HDI cao (nhóm 2) theo phân loại của UNDP. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hóa; phấn đấu có trên 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

– Về kết cấu hạ tầng: Hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, an toàn; điện đảm bảo tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo; hệ thống đê điều, hồ đập an toàn; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.

– Về bảo vệ môi trường: Tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định ở mức 52%. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch khu vực thành thị 100% và nông thôn trên 80%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%; Tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định: tại các đô thị đạt 95%, tại khu vực nông thôn đạt 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 50% đối với đô thị loại II và 20% đối với các đô thị còn lại; đối với khu vực nông thôn khoảng 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt.

– Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Hằng năm, có khoảng 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh về quốc phòng, trong đó: có 65 – 70% xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện. Hằng năm, có ít nhất 80% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn về “An toàn về an ninh trật tự”.

Tầm nhìn đến năm 2050: Quảng Ngãi phấn đấu duy trì là một tỉnh phát triển khá của cả nước, là địa phương phát triển xanh, bền vững và đa dạng; cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao. Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, điểm đến du lịch nổi bật và là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên và khu vực duyên hải miền Trung. Hình thành và phát huy được sức lan tỏa của mạng lưới hệ thống phát triển khoa học và các cộng đồng nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh. Chú trọng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bấm nút khởi công dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi – Ảnh: VGP

Ngay trong lễ công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao các quyết định đầu tư và dự lễ khởi công Dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, có vai trò chiến lược trong kết nối giao thông liên vùng từ Quảng Nam đến TP. Quảng Ngãi.

Chy Lê