Tại phiên họp Quốc hội chiều 14/8/2023, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Liên quan đến biên soạn sách giáo khoa mới, ông Vinh cho biết, hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Hiện nay, việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập, nhiều năm chưa khắc phục được. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông.
Đoàn giám sát cũng cho rằng, quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu sách giáo khoa nhiều (nhất là ở cấp tiểu học), giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Việc phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa của nhiều tỉnh chậm, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sách giáo khoa.
Đáng lưu ý, giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Số đầu sách giáo khoa tăng. Tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách.
Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua. Mức chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Đoàn giám sát kiến nghị xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo; bổ sung, sửa đổi pháp luật liên quan như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các luật về thuế…
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan xem xét trách nhiệm, xử lý dứt điểm tình trạng chậm ban hành, chưa ban hành văn bản, tham mưu ban hành văn bản có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong triển khai thực hiện.
Cùng với đó, cần chỉ đạo thanh tra công tác in, phát hành sách giáo khoa của các nhà xuất bản, nhất là việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa.
Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng tình với dự thảo báo cáo của đoàn giám sát, nhất là các nhóm giải pháp lớn. Ông Chiến cũng nhấn mạnh đến việc nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, ý kiến của đoàn giám sát là có cơ sở. Báo cáo giám sát đã chỉ ra 12 văn bản chậm tiến độ. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa được tiến hành một cách thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, chưa bao quát toàn diện, hiệu quả chưa cao.
Đồng tình với đề xuất thanh tra về sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, cần thanh tra toàn diện từ việc in ấn, rồi lựa chọn, xét duyệt và phát hành sách giáo khoa…
Về giá sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, theo quy định của pháp luật có liên quan, hiện sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, theo Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa.
Theo ông Hưng, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quy định giá, căn cứ vào đăng ký giá của các nhà xuất bản, tỷ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản này có giảm dần theo thời gian. Đến năm 2022, 2023, tỷ lệ chiết khấu của 2 đơn vị này chỉ ở mức 21 – 22,5% chi phí.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá, giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa.
Qua biểu quyết, toàn bộ các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với các nội dung cơ bản tại dự thảo Nghị quyết.
Hoàng Hạnh
Bài viết liên quan
Thanh tra công tác biên soạn, in ấn và tăng giá sách giáo khoa – Nhiều sai phạm chuyển sang Bộ Công an xử lý.