Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chùa Khmer cổ – Di sản văn hoá đặc trưng

ĐNA -

Đồng bằng Sông Cửu Long – vùng đất chín rồng với địa thế đặc thù được hình thành từ dòng chảy MeKong huyền thoại. Theo số liệu thống kê, có hơn 1,3 triệu người Khmer sống tập trung ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Cần Thơ. Xuyên suốt tiến trình phát triển từ những ngày đầu, người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long đã tạo nên những di sản độc đáo, góp phần vào sự đa dạng, phong phú về văn hóa – lịch sử trên mảnh đất này.

Bản sắc văn hoá riêng
Người Khmer có nền văn hoá phát triển đa dạng và lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng dân gian chịu ảnh hưởng đậm nét từ Phật giáo Ấn Độ. Phật giáo đóng vai trò quan trọng và có vị trí cao nhất trong mọi lĩnh vực của đời sống người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn trong số họ là thành viên của phum sóc (Kon sóc), vừa là tín đồ của Phật giáo Nam tông và có đời sống gắn liền với chùa. Chùa Khmer là một tổng thể kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer với mái cao thẳng đứng, hoa văn họa tiết sơn vàng, hệ thống tượng tượng Phật, thần Kabil Maha Prum, nữ thần đất, hung thần Reahu, tiên nữ, vũ nữ Apsara, chằm, người chim, vua khỉ Hanuaman, rồng, rắn, linh thú. Chùa là nơi tụng kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo, dạy chữ Khmer, lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất; là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo. Văn hoá tín ngưỡng của người Khmer cũng gắn liền với các lễ hội như Tết Chôl Chnăm Thmây, ngày Chôl Sangkran Thmây, ngày Vônabat, ngày Lơng Sak, Lễ cúng trăng (Óoc Ombóc), Lễ cúng ông bà (Sen Đôn Ta) và còn có đến gần 30 ngày lễ khác nhau bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và Phật giáo như lễ cúng Niết Tà, cúng Arăk, cúng Tổ….

Cách ăn mặc của người Khmer đặc trưng là chiếc váy “xàm pốt” cho nữ và “xà rông” cho nam. Trong âm nhạc, người Khmer có dàn nhạc ngũ âm. Ngoài dàn nhạc ngũ âm còn có các nhạc cụ khác: đôi “chập ngã”; dàn nhạc dây “Plêing Khssè”; sáo trúc (Khloy); sân khấu Rôbăm, Yukê, múa Ram Vong, Lâm Leev, Saravan; Aday, Chhay Yam, hát ru con; sân khấu Rô Băm và Dù Kê…

Người Khmer Đồng bằng Sông Cửu Long ăn cơm tẻ và cơm nếp với các món ăn như xôi, bánh tét, bánh chưng, bánh chuối, bánh ú, làm rượu. Món đặc sản là bún nước lèo. Bún dẻo sợi nhỏ, khô, chan với nước lèo cá quả tán nhỏ cùng các loại gia vị, rau hành. Ngoài ra, họ thường phơi các loại cá ăn dần và chế thành nhiều loại mắm từ cá như bhóc. Mắm bhóc có thể làm bằng các loại cá nhỏ như cá sặc, cá chốt, cá mè, cá lòng tong. Mắm pro ot (bò ót), ơng pa, pơ ling làm bằng tép mồng, tép bạc và mắm chua pha ơk…

Những ngôi chùa Khmer cổ có từ lâu đời

1.Chùa Vàm Ray ngôi chùa Phật giáo Nam tông lớn Nhất Trà Vinh
Chùa Vàm Ray nằm ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân (trước kia là xã Hàm Giang), huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh với thời gian tồn tại hơn 600 năm. Để giữ di tích cổ còn sót lại, ông Trầm Bê – một Phật tử của chùa đã tài trợ phục chế và cải tạo, trong thời gian 3 năm với tổng kinh phí hơn 1 triệu USD.

Chùa Vàm Ray được xây dựng theo lối kiến trúc Angkor, một kiến trúc đặc trưng của người Campuchia. Ngôi chánh điện chùa Vàm Ray có 4 cổng, cổng chính quay mặt về hướng đông theo như các chùa Khmer nam Bộ. Từ ngoài nhìn vào, chùa như một cung điện vàng với những hoa văn và hoạ tiết được chạm khắc tỉ mỉ.

Cổng ngoài chùa Vàm Ray

Nhìn về hướng Đông Nam của chính điện là tượng đức Phật Thích Ca có chiều dài 54m được đặt trên bệ tương đương một ngôi nhà 2 tầng. Toàn bộ tượng và bệ cũng được sơn phủ sơn son thiếp vàng. Lối vào chùa là chiếc cổng hoành tráng sơn màu mạ vàng, kiểu cổng Tam quan truyền thống Á Đông. Đỉnh cổng tạo hình những ngọn tháp nhọn chất chồng nhiều tầng.

Cửa vào chính điện chùa Vàm Ray được chạm trổ rất công phu, tinh xảo, kết hợp giữa phong cách nghệ thuật chùa và nghệ thuật chạm khắc dân gian, tạo nên nét độc đáo cổ kính. Chính diện chùa, có một bức tượng Phật lớn đặt trang trọng ở vị trí cao nhất. Một số tượng Phật nhỏ được bố trí ở các vị trí thấp hơn. Không gian chính điện rộng cao thanh thoát và mát mẻ tạo sự thoải mái cho du khách khi đến tham quan cũng như các tín đồ đến hành lễ.

Tượng phật nằm dài 54m

Chính điện chùa Vàm Ray

Đến tham quan chùa Vàm Ray, du khách sẽ được nghe kể về người Phật tử có tên Trầm Bê đã tự đóng góp trên 20 tỷ đồng để xây dựng, phục chế hầu như hoàn toàn cảnh đẹp của chùa cùng với nhiều công trình khác như: chính điện, nhà tu, cổng chùa, tượng phật nằm lớn nhất Việt Nam có chiều dài 54m … Công trình này được thi công từ năm 2003 và đến 2008 thì hoàn thành trong sự vui mừng của đồng bào phật tử địa phương.

Hàng năm, chùa Vàm Ray thu hút nhiều du khách tới tham quan bởi lịch sử lâu đời cũng như nét lộng lẫy, tráng lệ và nguy nga của chùa. Đặc biệt, vào mỗi dịp lễ, Tết truyền thống, dân cư ở các phum, sóc đổ về chùa hành lễ đông như trẩy hội nhất là vào các dịp tết Chôl Chnăm Thmây, Đôl Ta, Ok-om-bok…

2.Chùa Cũ (Hựu Thành) Vĩnh Long
Chùa Cũ (xã Hựu Thành- Trà Ôn) có tên tiếng Khmer là BôKemarik Kalabôprik Sang Chrova, được xây dựng vào khoảng năm 1648, trong khuôn viên rộng khoảng 5.000m2, có vườn cây cổ thụ thoáng mát và các công trình kiến trúc gồm: chánh điện, trường phật học, tăng xá, nhà bếp, trai đường, nhà vệ sinh, tháp, cột cờ, lò hỏa táng. Các công trình kiến trúc này được xây dựng bằng bê tông, mái lợp ngói.

Cổng Chùa

Chính điện Chùa Cũ

Đây là một trong những ngôi chùa cổ của người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long. Ngoài chức năng là một nơi thờ tự, chùa còn là cơ sở cách mạng của xã Hựu Thành trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chùa Cũ vẫn giữ vai trò là trung tâm tín ngưỡng của bà con dân tộc Khmer xã Hựu Thành, đồng thời cũng là nơi tổ chức các lễ hội cộng đồng, thể hiện tình đoàn kết giữa 2 dân tộc Kinh- Khmer cùng sinh sống, cùng đấu tranh chống kẻ thù chung và cùng nhau xây dựng phát triển kinh tế- xã hội.

Hàng năm, tại chùa Cũ diễn ra các lễ hội truyền thống: Lễ Chol Chnam Thmay được cử hành trong 3 ngày (13- 15/4 dương lịch). Lễ Sen Dolta được tổ chức vào cuối tháng 8 âm lịch (29- 30/8) và lễ Ok Om Bok, còn gọi là lễ Cúng Trăng, được tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch.

3.Chùa Xà Tón (Xvayton) ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất An Giang
Chùa Xà Tón còn gọi là chùa Xvayton nằm ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn được xây dựng cách đây hơn 300 năm. Theo lịch sử ghi ghép lại, chùa Xà Tón được đồng bào Khmer dựng lên từ năm 1696 bằng ván gỗ, mái tranh đơn sơ trên nền đất thấp. Sau đó, nhà chùa và nhân dân quanh vùng ra sức đào 1 cái hồ ở phía trước để lấy đất tôn cao nền chùa. Nền chùa đắp cao được xây bằng đá xanh, vôi, ô dước. Đến năm 1896, chùa được xây kiên cố bằng gạch ngói, cột bằng gỗ và được tu bổ nhiều lần cho đến diện mạo ngày nay.

Chùa vàng Xà Tón

Trước chùa Xà Tón có 1 hồ nước, đây là một hồ nhân tạo được nạo vét để nâng nền chánh điện lên. Xung quanh bờ hồ trồng khá nhiều cây dừa. Đặc biệt gần đó có bóng cây Lâm Vồ cổ có độ tuổi hơn 100 năm. Xung quanh khuôn viên chùa trồng nhiều cây xanh cổ thụ lâu năm. Một vài cây cổ thụ có đến hơn trăm năm tuổi.

Kiến trúc chùa Xà Tón ngoài bờ hồ được xem là đặc trưng, đa phần kiến trúc chung khá giống các chùa Khmer khác: Cổng chùa, nhà Sala, Chánh điên, phòng ở của sư và khách tham quan, phòng hội nghị…

Hồ nước ở chùa Xà Tón

Nghệ thuật kiến trúc Chùa Xà Tón

Chánh điện là mái tam cấp, mái được lớp các màu đặc sắc phối lại: xanh dương, đỏ, vàng, cam. Bốn góc của mái là hình tượng rắn Naga. Mái bên dưới nhìn khá cũ kỹ bởi những vết đen vì lâu năm. Bên trong chánh điện chùa thờ phụng Phật Thích Ca như nhiều ngôi chùa khác. Trên trần là nhiều bức vẽ khác nhau về cuộc đời đức Phật, từ khi người ra đời đến lúc người ngồi dưới gốc bồ đề niết bàn. Bên trong có 4 hàng cột làm bằng gỗ căm xe, mỗi hàng gồm 7 cột.

Chùa Xà Tón (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) là ngôi chùa có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp. Với hơn 300 năm tuổi, đây là nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Khmer An Giang. Đây sẽ là một điểm dừng chân thú vị khi du khách tới An Giang.

4.Chùa Phật Lớn Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Rạch Giá – Kiên Giang
Chùa Phật Lớn là ngôi chùa lâu đời của người Khmer có pháp danh WATUTTUNMÀNJEAY (Ut Đôn Men Chi) hiện tọa lạc tại số 151 đường Quang Trung, phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá. Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/12/2001.

Chùa Phật Lớn Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Rạch Giá – Kiên Giang

Chùa Phật Lớn là một trong 73 chùa Phật giáo Nam tông của tỉnh Kiên Giang được hình thành và phát triển khá sớm vào khoảng năm 1504 – thế kỷ XVI. Sau ba lần thay đổi vị trí, từ năm 1884 đến nay, ngôi chùa có vị trí hiện tại.

Hơn 100 năm qua, chùa không chỉ là nơi thờ phật, nơi tu hành của các vị sư sãi mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, là nơi thể hiện sự gắn bó keo sơn giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sinh hoạt, học tập, trong lao động, trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ bao đời nay. Đặc biệt, có một sự kiện lịch sử đã được ghi vào trang sử vàng, đó là vào ngày 11/8/1848, quân và dân Kiên Giang phối hợp với lực lượng quân khu IX tổ chức một trận đánh quy mô ở Sóc Xoài, tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều vũ khí. Đây là trận thắng lớn thứ hai sau trận Tầm Vu ở đồng bằng sông Cửu Long ở giai đoạn này trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để trả đũa cho trận thua nhục nhã này, 17 giờ chiều cùng ngày, bọn Pháp đã đưa 32 chiến sĩ cách mạng đang bị chúng giam cầm tại Khám Lớn, Rạch Giá đến chùa Phật Lớn, dùng súng nổ hàng loạt vào các chiến sĩ cách mạng, sau khi giết chết 32 người, chúng còn đòi bắn bể đầu các vị sư trong chùa và lục soát khắp nơi. Khi chúng đi khỏi, các vị sư đã chôn cất 32 chiến sĩ cách mạng ngay phía sau ngôi chùa.

Hiện nay, nơi này đã dựng bia căm thù để mọi ngưòi không quên tội ác của giặc. Chùa Phật Lớn không những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị về lịch sử vì thế ngày 28/12/2001. Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTT xếp hạng chùa Phật Lớn là di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia.

Đối với người Khmer, ngôi chùa là không gian thiêng liêng duy nhất nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con vẫn góp công, góp của xây dựng, trùng tu, sửa chữa ngôi chùa khá khang trang. Chùa có kiến trúc đặc sắc thể hiện rõ qua các mảng hoa văn trang trí, phù điêu, tượng phật, tất cả đều được sơn son thếp vàng: tượng Ma Ha Prưm bốn mặt, tượng các chim thần Ma Ha Krút, tượng nữ thần, rồng hổ phù, tượng mãnh thú, tượng khỉ…

Ngôi chùa theo thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng, tuy được nhiều lần trùng tu với sự đóng góp của phật tử. Được sự quan tâm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hoá, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, di tích Chùa Phật Lớn được khởi công trùng tu, tôn tạo một số hạng mục như: chánh điện, hàng rào, sân…với tổng mức đầu tư kinh phí 16 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu Quốc gia.

Văn Hiệp – Diệu Hiền