Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chương trình học từ trải nghiệm thực tế “Learning Express – LeX” chính thức bắt đầu tại Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng

ĐNA -

Hôm nay 19/9/2023, chương trình học thuật trải nghiệm thực tế dành cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (Learning Express – LeX), đã chính thức có buổi khởi động của ngày làm việc đầu tiên.

Thầy và trò hai trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và Singapore Polytechnic, cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh trong bài: Thanh Huyền – T.Ngọc.

“Do đại dịch Covid-19, sự hợp tác quý báu của chúng ta (Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và Singapore Polytechnic), đã không thể kéo dài xuyên suốt những năm gần đây (sự kiện LeX gần nhất, diễn ra vào năm 2019). May mắn thay, Learning Express VI đã diễn ra trở lại vào tháng 9 năm 2023, và trở thành cột mốc quan trọng của mối quan hệ kết nối quốc tế lâu dài giữa SP và DUT. DUT đánh giá cao sự kiện này. Và đây cũng là chương trình lần thứ 6 diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (DUT).

Chúng tôi luôn kỳ vọng rằng, cả hai bên cùng nỗ lực, thúc đẩy mối quan hệ, thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên, hướng đến sự phát triển bền vững và tạo ra nhiều dự án giáo dục bổ ích hơn nữa. DUT sẽ luôn sẵn sàng mở ra những cơ hội giáo dục quốc tế, nâng tầm sinh viên tại Việt Nam, mở rộng hiểu biết về thế giới bên ngoài cũng như quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam”, PGS.TS Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng DUT, chia sẻ.

PGS.TS Lê Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng: Learning Express VI đã diễn ra trở lại vào tháng 9 năm 2023, và trở thành cột mốc quan trọng.

Trao cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa; trao công cụ giải quyết các vấn đề thực tế
Learning Express là hoạt động hợp tác giáo dục thông qua trải nghiệm thực tế, với vai trò phối hợp tổ chức, và đài thọ chi phí từ Trường Đại học Bách khoa Singapore (Singapore Polytechnic – SP) – tổ chức kỳ vọng sẽ xây dựng một cộng đồng “Learning Express” với sự tham gia của các Trường, các Nhà giáo dục Asean, cũng như các tổ chức là đối tác của SP. LeX được nhìn nhận sẽ mở ra cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, khi các nhóm sinh viên quốc tế làm việc với nhau, trong khuôn khổ cộng đồng “Learning Express”.

“Hơn một thập kỷ trước, LeX bắt tay vào con đường của mình, theo cách, chỉ tập trung vào các dự án kỹ thuật. Theo thời gian, LeX đã phát triểnthực sự đặc biệt hơn.

Điều phối viên chương trình, ông Leonidas Chua

ông Wee Eng Soon cùng 3 Điều phối viên SP tại phiên làm việc đầu tiên 19/9/2023.

Ngày nay, LeX là một phần không thể thiếu trong chương trình giảng dạy của chúng tôi, LeX tiếp cận tất cả đối tượng học sinh, và các em thuộc nhiều ngành học khác nhau, truyền cho các em sức mạnh thay đổi của phương pháp Tư duy Thiết kế. Chương trình này không chỉ trang bị cho sinh viên của chúng tôi những công cụ để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực cho người dân ở các làng nghề. Mà qua đó, chúng tôi giúp họ tiếp xúc với các nền văn hóa phong phú khác nhau, mở rộng tầm nhìn của họ”, Điều phối viên chương trình, ông Leonidas Chua, bày tỏ.

TS.Mạc Thị Hà Thanh – Khoa Hóa, giới thiệu chuyên đề Văn hóa ẩm thực Đà Nẵng (chiều 19/9/2023).

Hành trình tiếp cận và vận dụng Tư duy Thiết kế
Tham gia LeX VI có 30 sinh viên DUT cùng 30 sinh viên SP. Trưởng bộ phận phụ trách chương trình sinh viên quốc tế (nguyên là Nhà quản lý học tập toàn cầu) của Singapore Polytechnic, ông Wee Eng Soon; cùng 3 Điều phối viên là các ông Leonidas Chua, Thiyagarajan và Iain Choi, các giảng viên của SP.

30 sinh viên DUT tham gia chương trình lần này là những bạn (đang học tập tại trường Đại Học Bách Khoa, Đại Học Đà Nẵng), các bạn bảo đảm được năng lực tiếng Anh, giao tiếp tốt. có kỹ năng nhận thức nhanh nhạy vấn đề, cùng kỹ năng kết nối, làm việc nhóm. Các bạn cũng phải chứng minh (trước đó, ở vòng sơ tuyển, với 2 lần thử thách) khả năng vượt khó khăn với một tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, trong đội hình DUT, còn có một sinh viên đã ra trường đi làm, nhưng vẫn tình nguyện quay về, cùng các thầy cô, điều phối chương trình ý nghĩa này.

Nghi thức trao tặng áo cho nhau giữa sinh viên 2 Trường.

Learning Express giúp sinh viên (DUT) nâng cao trình độ tiếng Anh, nhất là tiếng Anh giao tiếp. Trong 12 ngày làm việc chung, kết bạn với nhiều sinh viên Singapore, các bạn sinh viên DUT sẽ cùng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có cơ hội giao lưu học hỏi và trao đổi hiểu biết, cùng như chia sẻ về nền văn hóa của nhau. Đặc biệt, các bạn sinh viên cả hai Trường đều được học và biết thêm nhiều kỹ năng mới, như Tư duy thiết kế – Design Thinking, phục vụ cho học tập và công việc sau này.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, Tư duy thiết kế là mô hình giáo dục hiện đại và đáng tin cậy dành cho sinh viên hiện tại, cung cấp cho sinh viên cả kiến thức và môi trường thực tế để nâng cao năng lực và thúc đẩy ý thức sẵn sàng đóng góp, không chỉ cho cộng đồng địa phương mà còn cho nhiều cộng đồng khác”, PGS.TS Lê Tiến Dũng nhìn nhận.

Dự án LeX VI sẽ diễn ra đến hết ngày 29/9/2023 (12 ngày), 60 sinh viên (SP và DUT) sẽ có nhiều phiên sinh hoạt chung, học tập chung. Đặc biệt, các bạn cùng tham gia trực tiếp vào khâu triển khai dự án thực địa (tại các làng nghề truyền thống của huyện nông thôn mới Hòa Vang, Đà Nẵng). Cũng tại đây, các bạn sinh viên được củng cố, tập huấn bổ sung và thực hiện các kỹ năng từ Tư duy Thiết kế (Design Thinking).

Trải nghiệm làng nghề – tìm cách duy trì giá trị văn hóa và truyền thống quý báu
Qua trải nghiệm thực tế tại làng nghề truyền thống, từ chính quy trình sản xuất, các bạn sẽ ghi lại những điều mình quan tâm, phỏng vấn người dân làng nghề (tập trung vào các khó khăn và nhu cầu cần thay đổi của chính người dân). Các bạn sẽ vận dụng lý thuyết mô hình “Tư duy Thiết kế – Design Thinking”, thực hành làm việc nhóm. Tất cả cùng phân tích, thảo luận và đánh giá, đưa ra cách giải quyết vấn đề…. Giải pháp, ý tưởng hỗ trợ người dân làng nghề của các bạn, chính là những đề xuất, gợi ý cụ thể “cách làm mới, cách làm hiệu quả hơn” từ thực tế sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Đây cũng chính là hướng tiếp cận công nghệ (giáo dục hiện đại), thương mại hóa các giải pháp do sinh viên đề xuất, theo góc nhìn, hiểu biết của người trẻ.

Đại diện 2 trường tặng quà lưu niệm.

“Dự án sẽ đến với làng bánh tráng và làng rau (Hòa Vang-Đà Nẵng), nhằm mục tiêu chia sẻ kiến thức, kỹ năng, và tạo ra cơ hội cho cộng đồng địa phương. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống. Đây không chỉ là cơ hội giúp cộng đồng nâng cao thu nhập, mà còn là cách giúp duy trì những giá trị văn hóa và truyền thống quý báu của họ.

Việc tham gia vào dự án này cũng cho phép tôi góp phần vào phát triển cộng đồng địa phương. Tôi có cơ hội thấy mình có ý nghĩa và tác động đến cuộc sống của những người khác, đó là một trải nghiệm thú vị và ý nghĩa.

Chương trình này cho phép tôi học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế. Thay vì chỉ đọc về văn hóa và cuộc sống ở một nơi nào đó, tôi được trực tiếp tham gia vào nó. Điều này giúp tôi hiểu sâu hơn, tôn trọng hơn và đánh giá cao hơn những giá trị và truyền thống của một cộng đồng khác”, bạn Nguyễn Thanh Phúc, sinh viên năm 4 Lớp 20C1C, chuyên ngành Cơ Khí Chế tạo Máy, chia sẻ.

Với LeX, sinh viên hai Trường Singapore Polytechnic và Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, sẽ có những trải nghiệm quý giá và rất đáng nhớ, bởi tất cả đều có những phút giây thực sự dấn thân vào một môi trường học tập năng động, học tập từ thực tiễn cuộc sống, và qua đó, nắm bắt, đề xuất cách giải quyết các vấn đề rất thực tế. Không chỉ nâng cao nhận thức, các bạn đã có nhưng đóng góp cụ thể cho sự phát triển và an sinh của cộng đồng, theo xu thế bền vững hơn, dựa vào tri thức.

“Chương trình giao lưu – học hỏi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tôi. Nó không chỉ là cơ hội để mở rộng kiến thức và sự hiểu biết của mình về thế giới, mà còn là một trải nghiệm đặc biệt giúp tôi khám phá bản thân và xây dựng kết nối với cộng đồng địa phương.

Nghi thức trao tặng áo cho nhau giữa sinh viên 2 Trường

Tôi tin rằng thông qua chương trình này, tôi sẽ học hỏi không chỉ bằng trí óc mà còn bằng trái tim. Việc tương tác với cộng đồng địa phương và làm việc cùng họ trong dự án Làng bánh tráng và làng rau sẽ giúp tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống, giá trị và truyền thống của họ.

Đây là cơ hội để tôi phát triển bản thân và tư duy toàn cầu. Đây là một trải nghiệm thú vị và đầy ý nghĩa để học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế, khám phá bản thân, và xây dựng kết nối với một phần khác của thế giới. Chương trình này sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời tôi”, Bạn Nguyễn Thanh Phúc, sinh viên năm 4 Lớp 20C1C, chuyên ngành Cơ Khí Chế tạo Máy, cho biết.

Qua 6 lần hợp tác tổ chức thành công các chương trình (TFI-SCALE 2016, LeX I 2016, LeX II April 2017, TFI-SCALE 2017, LeX III 2017, LeX IV 2018 và LeX V 2019), Điều phối viên chương trình, ông Leonidas Chua nhìn nhận rằng, đó là “Những nền tảng cho các mối quan hệ đối tác trong tương lai, và chúng tôi mong muốn đưa SP và DUT đến gần nhau hơn trong theo đuổi các mục tiêu và tham vọng chung”./.

Các Thầy trong đoàn SP trao đổi với sinh viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

T.Ngọc