Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chương trình IPM tạo đòn bẩy tích cực  đối với nông nghiệp tỉnh Hà Giang

ĐNA -

Được triển khai từ tháng 1/2021, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã cho những kết quả tích cực.

Trồng cam sạch đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Hà Giang.

Chương trình IPM là hệ thống quản lý dịch hại sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, giúp cây trồng đạt năng suất cao và phẩm chất nông sản tốt. Chương trình IPM được thực hiện sâu rộng và hiệu quả trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 trên cơ sở Quyết định số 2027 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng IPM trên cây trồng giai đoạn 2015- 2020. Thông qua việc triển khai các mô hình IPM cho thấy hiệu quả rõ rệt, người dân được tham gia trực tiếp vừa học vừa thực hành ngay trên đồng ruộng nên dễ áp dụng. Qua đó biết cách quản lý dịch hại cây trồng, hạn chế khả năng gây hại của dịch bệnh, biết cách chăm sóc cây trồng đạt năng suất cao, đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hoá học. Theo đánh giá, các mô hình IPM trên lúa, chè, cam giai đoạn 2015- 2020 đã góp phần giúp người nông dân giảm lượng giống từ 15-30%, giảm sử dụng thuốc hoá học từ 25-35%, phân bón vô cơ giảm 15-25%, nước tưới giảm 25-30%, sử dụng thuốc sinh học tăng 5-10%, năng suất tăng 15-22,5%, sử dụng phân bón hữu cơ tăng 25-35%.

Từ những kết quả và bài học từ triển khai chương trình IPM giai đoạn 2015- 2020, Kế hoạch số 04 của UBND tỉnh xác định mục tiêu giai đoạn 2021- 2025 là tập trung đào tạo thêm giảng viên chính đủ năng lực hướng dẫn nông dân áp dụng IPM trên cây lúa, cam, chè và hơn 500 hộ nông dân, HTX hiểu biết và áp dụng IPM. Trên 50% số xã nông thôn mới sản xuất cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có đội ngũ nông dân nòng cốt hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về IPM. Trên 50% số hộ nông dân tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm hiểu biết và áp dụng IPM. Trên 30 % diện tích cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu được áp dụng IPM. Đối với cây lương thực vùng chủ lực (lúa, ngô) và cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả (vùng chủ lực) có 30% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 50% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; giảm lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh, lượng phân đạm, giống, nước tưới và tăng năng suất lần lượt 10- 15%.

Thực hiện Kế hoạch số 04, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng dịch. Trong đó, đáng chú ý là việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từ cấp tỉnh đến xã; tổ chức 62 lớp tập huấn với 2.265 lượt người dân và cán bộ xã, thị trấn tham gia học tập về quy trình sản xuất và nhận biết, phòng trừ một số đối tượng bệnh hại chính trên cây trồng, công tác điều tra phát hiện dự tính, dự báo sinh vật gây hại cây trồng; xây dựng 3 mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong công tác phòng, chống sinh vật gây hại cho người dân trên cây ngô kháng sâu keo mùa thu, 1 mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vạn xanh, 2 mô hình lúa- cá; mở 1 lớp đào tạo nguồn nhân lực về IPM trên cây lúa cho các huyện, thành phố với các học viên là khuyến nông thôn, các hộ nông dân sản xuất của xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Đài truyền hình Hà Giang, Báo Hà Giang xây dựng chuyên mục tuyên truyền về chương trình IPM. Tổ chức lồng ghép với các lớp tập huấn về chuyên môn tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với 2.265 lượt người tham gia.

Ông Giang Đức Hiệp- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Kết quả lớn nhất trong thực hiện Chương trình IPM những năm qua là trên địa bàn tỉnh không có dịch xảy ra trên diện rộng, năng suất sản lượng cây trồng ổn định theo chỉ tiêu của tỉnh đề ra như: Diện tích cây chè ước đạt trên 20.000 ha, sản lượng chè búp tươi bình quân hàng năm ước đạt trên 88.000 tấn; diện tích cây cam ước đạt 5.348 ha, sản lượng cam bình quân ước đạt 65.000 tấn; diện tích lúa ước đạt trên 37.000 ha, sản lượng bình quân ước đạt 218.000 tấn; diện tích ngô ước đạt 55.000 ha, sản lượng bình quân ước đạt 195.000 tấn.”

Việc ứng dụng chương trình IPM giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Việc thực hiện IPM trên cây trồng hướng đến mục tiêu đào tạo những người nông dân trở thành các chuyên gia trên đồng ruộng. Đây là cơ sở nâng cao vị thế cũng như khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và tạo nền tảng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Nguyễn Sơn