Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Chuyện về hai anh em trên chiến trường cùng một đơn vị

ĐNA -

Với người lính Cụ Hồ, dù là thời nào, khi nhập ngũ, đơn vị là nhà, đồng đội là anh em. Đối với những người đã đi qua chiến tranh, chiến trường là trang sử vàng cuối cùng họ quyết đi và quyết đến. Kết thúc chiến tranh, có người trở về trên cơ thể không lành lặn, có người nằm lại chiến trường, họ ngã xuống cho đất nước đứng lên. Câu chuyện của những cặp anh em ruột nhập ngũ cùng đơn vị, qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ, bảo vệ Biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, người anh đã hy sinh và người em vẫn còn sống. Đó là câu chuyện của 4 cặp anh em ruột, chiến đấu trong cùng Trung đoàn BB1, Sư đoàn BB2.

Đại tá – liệt sĩ Trương Hồng Anh và vợ Khánh Hà trong những tháng ngày ngắn ngủi bên nhau.

Hai anh em quê hương “Bảy dũng sĩ Điện Ngọc” (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người anh là Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1938, nhập ngũ năm 1952, tập kết ra Bắc năm 1954, thuộc Tiểu đoàn bộ binh 90, sau đó hành quân vào Nam năm 1959. Đến năm 1963, Trung đoàn 1 được thành lập (là Trung đoàn chủ lực đầu tiên tại Liên khu 5), trong đó có Tiểu đoàn BB90 (nay là Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2). Người em ruột là Nguyễn Văn Huật, sinh năm 1943, nhập ngũ năm 1965 thuộc Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1). Những ngày đầu nhập ngũ, hai anh em được gặp nhau một lần duy nhất. Cuộc gặp vội vã giữa lúc đơn vị hành quân ra trận. Thời gian có đâu được nhiều.

Ít ai biết rằng, mảnh đời và số phận của hai anh em thấm đẫm nước mắt. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ và sống với ông bà ngoại. Với hai anh em, thoát ly là một hạnh phúc, bởi họ sớm giác ngộ và chọn con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và được cùng chiến đấu, trên một trận tuyến, cùng đầu quân vào đơn vị có truyền thống đánh giặc vang lừng, bao phen gây cho kẻ thù khiếp sợ.

Nhưng thật không may, trong trận đánh vào mùa khô năm 1966 tại Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Người anh trai Nguyễn Văn Hồng đã anh dũng hy sinh trên cương vị Đại đội trưởng. Người em trai Nguyễn Văn Huật nhận được hung tin, lau vội nước mắt, hiên ngang bước vào cuộc chiến. Giữa “mưa bom bão đạn”, miệt mài đánh trận với niềm tin tất thắng. Quả nhiên đúng như vậy, trong chiến dịch xuân 1975, Trung úy Nguyễn Văn Huật – Tiểu đoàn phó cùng Đại uý Nguyễn Thế Trạch – Tiểu đoàn trưởng, chỉ huy Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1) tiến công vào sân bay, đánh chiếm SCH Quân đoàn 1, Quân khu 1, Vùng 1 chiến thuật của quân nguỵ Sài Gòn giành thắng lợi. Góp phần giải phóng thành phố Đà Nẵng (ngày 29/3/1975).

Trên quê hương Quảng Ngãi, nơi chiến trường quen thuộc của Trung đoàn 1, dệt nên những chiến công vang dội như: Ba Gia, Vạn Tường, Đồi Tranh – Quang Thạnh. Nơi đâu đều ghi dấu chiến công của hai anh em ruột là Phan Dương Tiến và Phan Xuân Hoà. Người anh Phan Dương Tiến, sinh năm 1940 (ở Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhập ngũ 1962 thuộc Trung đoàn 1. Trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (tháng 2/1971), Đại uý Phan Dương Tiến – Tham Mưu trưởng Trung đoàn 1 đã anh dũng hy sinh trên đường chỉ huy bộ đội xuất kích. Người em ruột Phan Xuân Hoà, sinh năm 1948, nhập ngũ 1964 cùng đơn vị, sau đó học y sĩ, thuộc Đại đội 18 Bệnh xá Trung đoàn. Đến năm 1981 chuyển ngành với quân hàm Trung uý. Hiện nay đã nghỉ hưu nơi quê nhà.

Câu chuyện của hai anh em trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đầy cảm động mà cũng rất bi thương. Lúc anh Phan Dương Tiến bị thương nặng được đưa về điều trị phẩu thuật tại bệnh xá dã chiến của Trung đoàn, chính y sĩ Phan Xuân Hoà tận tay chăm sóc anh ruột mình. Nhưng do vết thương quá nặng, người anh đành trút hơi thở cuối cùng, trong vòng tay đầy thương xót của người em giữa chiến trường ác liệt. Vượt qua nỗi đau tột cùng, y sĩ Phan Xuân Hoà tự tay chôn cất thi thể người anh nơi núi rừng biên giới. Mãi 48 năm sau gia đình mới có điều kiện đưa hài cốt anh về đất mẹ, an nghỉ vào Nghĩa trang liệt sĩ năm 2019.

Cùng nơi quê hương Quảng Ngãi, câu chuyện của Trương Hồng Anh, sinh năm 1948 (ở xã Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhập ngũ vào Trung đoàn 1 khi mới 16 tuổi. 6 năm sau, anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90 (Tiểu đoàn BB 3 ngày nay). Đến 29 tuổi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 ở tuổi 35. Chưa đầy 20 năm trong quân ngũ, anh được phong 13 cấp, từ Binh nhì đến Đại tá, từ Chiến sĩ Trinh sát đến Sư đoàn trưởng. Trương Hồng Anh có hai lần có mặt ở chiến trường Campuchia trên cương vị Trung đoàn trưởng và Sư đoàn trưởng. Trong chiến dịch mùa khô 1984 -1985 đánh vào cụm cứ điểm 547 (CD-M1) giành thắng lợi. Ngày 27/3/1984, trên đường đi kiểm tra chiến trường trở về, xe Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh tránh xuống dệ đường nhường cho xe thương binh đi qua, bị mìn của bọn Pôn Pốt cài lại, người chỉ huy Trương Hồng Anh bị thương nặng. Cuộc giành giật sự sống cho anh đã diễn ra khẩn trương, cấp trên huy động cả máy bay trực thăng vận chuyển cấp cứu. Khi anh được đưa về Quân y viện 21 (Mặt trận 579), hàng trăm chiến sĩ đã xung phong truyền máu, nhưng người Sư đoàn trưởng anh dũng đã vĩnh viễn ra đi (ngày 2/4/1984). Người em ruột của Liệt sĩ Đại tá – Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh là Trương Hồng Sỹ, cùng nhập ngũ vào Trung đoàn 1, cùng chiến đấu trên chiến trường Campuchia và trở thành sĩ quan trong đội quân tình nguyện.

Năm 1975 đất nước hòa bình chưa được bao lâu, nỗi đau của cuộc chiến chưa kịp hàn gắn, những vết thương mới tiếp tục chồng chất, bao trùm lên cả dân tộc Việt Nam. Kẻ thù nhen nhóm ngọn lửa chiến tranh từ hai đầu Tổ quốc, hòng xâm lăng nước ta. Toàn dân, toàn quân bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam (năm 1978), biên giới phía Bắc (năm 1979). Hàng vạn thanh niên trẻ hy sinh cho công cuộc bảo vệ đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế giúp Bạn. Trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng Trung dũng kiên cường, lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân ra mặt trận. Trong đó có hai anh em ruột là Từ Ngọc Hoà và Từ Ngọc Hải ở phường Chính Giáng (nay là quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Người em Từ Ngọc Hải, sinh năm 1963, nhập ngũ tháng 2/1982 vào Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn BB1 (Trung đoàn 1). Trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giúp bạn Campuchia. 7 tháng sau, người anh ruột là Từ Ngọc Hoà, sinh năm 1961 cũng đầu quân về đơn vị Đại đội BB10, Tiểu đoàn BB3. Cả hai cùng qua chiến trường trong đội quân tình nguyện Việt Nam và trận đánh 547, tỉnh Preah Vihear – Mặt trận Đông Bắc. Đây là trận sinh tử quyết liệt của Trung đoàn BB1. Nơi đây địch bố phòng nhiều bãi mìn hỗn hợp dày đặc. Tiểu đoàn BB3 tiến công trên hướng chủ yếu thương vong tổn thất nặng, hy sinh hàng trăm người.

Ảnh: Người em Từ Ngọc Hải quỳ bên mộ người anh Từ Ngọc Hoà tại Nghĩa trang Chey Saen.

Người anh Từ Ngọc Hoà đã anh dũng hy sinh vào ngày 25/3/1984. Bức ảnh do phóng viên chiến trường ghi lại khoảnh khắc người em Từ Ngọc Hải quỳ trước ngôi mộ anh của mình tại Nghĩa trang Chey Saen sau trận đánh trở về. Tại nơi Nghĩa trang chôn cất tử sĩ của quân ta, hình ảnh tiều tuỵ của Từ Ngọc Hải không chỉ khóc cho người anh ruột của mình, còn khóc cho cả Đại đội BB10, cho Tiểu đoàn BB3; khóc cho Tổ quốc Việt Nam mất đi những người con ưu tú vì tinh thần quốc tế cao cả mà hướng đến tương lai hòa bình, đoàn kết, cùng phát triển!

Có thể khẳng định, 79 năm hình thành lập, chiến đấu và phát triển, trải qua các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước. Quân đội nhân dân Việt Nam với nghĩa Đảng, tình dân, lòng trung thành với Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh trước nguy cơ đất nước bị xâm lấn, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Trong đó có những cặp anh em ruột, họ cùng những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, một lòng kiên trung, bảo vệ từng tấc đất, vùng biển, vùng trời Tổ quốc; vì đất nước, con người Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình và phát triển thịnh vượng.

Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Huy – Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5