Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cơ chế, chính sách phát triển thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở: từ trường hợp tỉnh Thừa Thiên Huế

ĐNA -

Sáng nay, 12/5/2024, tại Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”. Tại Hội thảo, TS.Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế có bài tham luận “Cơ chế, chính sách phát triển thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở: Từ trường hợp tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tạp chí Đông Nam Á đăng tải toàn văn tham luận của TS. Phan Thanh Hải tại Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.

Cơ chế, chính sách phát triển thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở: Từ trường hợp tỉnh Thừa Thiên Huế
Trong thời gian qua, xác định thiết chế văn hóa, thể thao là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và gắn với định hướng về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng tồn tại những hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững và định hướng xây dựng trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của Việt Nam và khu vực về văn hóa, du lịch.

Các Đại biểu tham dự Hội thảo.

Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao
Thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh: Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh có trụ sở chính 41A Hùng Vương, tổng diện tích 21.404m2 (Hội trường có 1.000 chỗ ngồi). Toàn tỉnh có 5 bảo tàng công lập (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung tại Huế) và 05 bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham). Thư viện Tổng hợp tỉnh được xây dựng vào năm 2004, kết cấu 04 tầng và tổng diện tích sử dụng là 5.600 m2. Thư viện có đủ cơ sở vật chất với các phòng chức năng, đáp ứng được điều kiện lưu trữ tài liệu. Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế có trụ sở để làm văn phòng hoạt động và tập luyện.

Sân vận động Tự do đáp ứng yêu cầu sử dụng tổ chức thi đấu và tập luyện môn bóng đá; đăng cai tổ chức các giải bóng đá. Nhà thi đấu đa năng tỉnh có sức chứa 3.000 chỗ ngồi, hàng năm tỉnh đã sử dụng có hiệu quả trong việc đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao thành tích cao quốc gia và quốc tế và các giải thi đấu cấp ngành, cấp tỉnh, các sự kiện văn hóa và thể thao, phục vụ công tác tập luyện các môn thể thao trong nhà. Bể bơi đã đăng cai tổ chức thi đấu các giải bơi, lặn quốc gia, các giải thi đấu các ngành, giải cấp tỉnh. Tổ chức tập luyện môn bơi, lặn cho các VĐV đội tuyển của tỉnh; tổ chức dịch vụ dạy bơi thực hiện chương trình dạy bơi phòng chống đuối nước.

Ngoài ra còn có Nhà hát Sông Hương – Học viện Âm Nhạc Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động tháng 8/2020, với quy mô 1.000 chỗ ngồi. Và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Nhà hát chủ yếu sử dụng Duyệt thị đường làm nơi biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện đã phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhân dân vào những dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị lớn của địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Các Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã đã phát huy được công năng sử dụng, là nơi tổ chức các hoạt động phục vụ các buổi sinh hoạt, hội họp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của xã, phường, thị trấn. Các Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã đều do cán bộ, công chức văn hóa – xã hội trực tiếp quản lý, bên cạnh đó các xã, phường, thị trấn còn có đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn là nơi hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức học tập cộng đồng của nhân dân, là nơi để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

TS.Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tham luận với bài “Cơ chế, chính sách phát triển thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở: Từ trường hợp tỉnh Thừa Thiên Huế”

Hạn chế
Thứ nhất, hệ thống thiết chế VH, TT ở các cấp vẫn còn thiếu. Ở cấp tỉnh nhiều thiết chế VH, TT xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, nhất là hệ thống nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao… ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục, thể thao.

Thứ hai, cán bộ lãnh đạo, phụ trách lĩnh vực VH, TT tại các địa phương thường xuyên thay đổi, biến động nên ảnh hưởng nhất định trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ VH, TT; đội ngũ cán bộ tác nghiệp VH, TT ở cấp xã, phường, thị trấn thiếu và yếu nên trong công tác tổ chức hoạt động vẫn còn khó khăn, hạn chế.

Thứ ba, mô hình tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế VH, TT ở cấp huyện, cấp xã chưa đồng bộ; công năng sử dụng còn hạn chế; nội dung và chất lượng hoạt động chưa cao. Nhiều địa phương chưa có quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã; Nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và có biện pháp để hỗ trợ hoạt động của Nhà Văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; chưa khai thác, phát huy các các thiết chế văn hóa tâm linh như Đình làng trong tổ các hoạt động ở địa phương.

Thứ tư, việc bố trí nguồn lực địa phương, huy động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động VH, TT còn hạn chế. Ở các xã phường, thị trấn, kinh phí dành cho hoạt động VH, TT còn rất khiêm tốn, không đủ để tổ chức các hoạt động. Các đơn vị sự nghiệp hoạt động trên lĩnh vực VH, TT chưa mạnh dạn đổi mới mô hình và hình thức hoạt động để nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế VH, TT. Cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết nhằm tạo nguồn thu để phục vụ hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là các quy trình định giá tài sản, phê duyệt phương án cho thuê cơ sở vật chất.

Kiến nghị:
Đối với Quốc hội
Thứ nhất, đề nghị tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa, thể thao tạo điều kiện cho phát triển hệ thống thiết chế VH, TT các cấp; ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nhân lực của ngành VH, TT… Đồng thời, đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa theo mục tiêu được đề ra tại Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030.

Thứ hai, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 xin đề nghị quan tâm hỗ trợ vốn từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các dự án, với giá trị nguồn vốn NSTƯ cụ thể như sau: Hình thành Trung tâm lưu trữ, bảo quản quốc gia trên cơ sở có sẵn là Thư viện tổng hợp tỉnh (tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị). Đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (thành phố Huế và huyện Phú Vang). Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích cấp quốc gia có giá trị tiêu biểu (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh. Hình thành không gian công nghiệp văn hoá (trưng bày tác phẩm mỹ thuật, trình diễn áo dài, tổ chức diễn nghệ thuật Ca Huế)…

Đối với Chính phủ đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt để phát triển hệ thống thiết chế VH, TT các cấp.

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thứ nhất, tăng cường nguồn vốn ngân sách đầu tư của nhà nước về hoạt động VH, TT cơ sở. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, Nhà nước cấp vốn đầu tư để xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao. Có chính sách hỗ trợ xây dựng Nhà Văn hóa – Khu thể thao ở những địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường đầu tư trang thiết bị cho thiết chế VH, TT cơ sở.

Thứ hai, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ xã, phường, thị trấn, đặc biệt ưu tiên các cán bộ đang công tác tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi… Ban hành quy định chế độ chính sách đãi ngộ đối với người làm công tác văn hóa và phụ trách thiết chế VH, TT các cấp ở cơ sở.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chế, chế độ về hoạt động văn hóa cơ sở như: chính sách kinh tế, tài chính về tổ chức, hoạt động văn hóa cơ sở, chính sách ưu tiên về hoạt động văn hóa ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và tham gia hoạt động văn hóa.

TS.Phan Thanh Hải
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế