Ngày mai (19/5/2024), là ngày sinh Nhật lần thứ 134 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), với lòng kính yêu và biết ơn vô hạn về Bác, tôi (trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn) chia sẻ lại bài viết cách đây ba năm để tự nhắc mình kiên định đi theo con đường của Đảng ta và Bác Hồ đã chọn, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ thành quả cách mạng và sự thật lịch sử, không chấp nhận mọi sự xuyên tạc, bóp méo, đảo ngược sự thật!
Có một ngày và có một con Người như thế!
Cách đây 110 năm, đã có một ngày và có một con người như thế. Đó là ngày 5/6/1911, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời đất nước với hai bàn tay trắng để ra đi tìm đường cứu nước. Con Người ấy đã phát hiện ra một chân lý “ muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác, mà chỉ có con đường cách mạng vô sản“. Từ đó, Người đã truyền bá con đường cứu nước về với đồng bào mình và khi thời cơ đến, cũng con Người ấy sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, năm 1941 đã trở về Việt Nam cùng những người Cộng sản lãnh đạo đất nước ta làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại lật đổ ách thống trị gần 90 năm của thực dân Pháp, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; Đánh bại thực dân Pháp, làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mở ra một thời kỳ mới đưa miền Bắc tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo Người, Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta “đã thực hiện lời dạy “đánh cho Mỹ cút , đánh cho ngụy nhào “ và sau 21 năm kháng chiến gian khổ, ác liệt, hy sinh, dân tộc ta đã kết thúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược bằng một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên cả nước, đem lại độc lập, tự do, hoà bình và phát triển cho đất nước ta như ngày nay. Đây là một thực tiễn rõ ràng không ai có thể phủ nhận; thế nhưng những năm gần đây đã có một số kẻ đặt dấu hỏi về cái ngày ấy và họ đặt ra nhiều câu hỏi: Nào là con đường mà Nguyễn Tất Thành đem lại cho đất nước có thực sự là con đường duy nhất đúng đắn hay không? Hay có thể có những con đường khác theo họ là đúng hơn? Hai cuộc chiến tranh giải phóng có thực sự cần thiết hay không?…
Chúng ta không cần thiết phải trả lời về những câu hỏi theo kiểu như vậy vì thực tiễn đã bác bỏ mọi câu hỏi của họ nêu ra, mà hãy tự nhìn lại lịch sử nếu như không có cái ngày 5/6/1911 ấy, đất nước ta và suy rộng ra cả thế giới này sẽ ra sao?
Điều đầu tiên chắc chắn nước ta vẫn còn là thuộc địa của Thực dân Pháp dù là kiểu củ hay kiểu mới và chúng ta hãy nhìn sang các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi hiện nay để từ đó nhìn lại mình. Hãy xem cái “độc lập“ mà các vị “dân chủ “ hay nhắc tới :
1/. Các quốc gia này ( 14 nước cựu thuộc địa ) hàng năm phải trả một khoản nợ thuộc địa (trả tiền mà thực dân Pháp đã xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời kỳ thống trị của họ)mà không có thời hạn kết thúc.
2/. Phải nộp 85% dự trữ ngoại tệ của nước mình vào Kho bạc của chính phủ Pháp và đến nay các nước này chỉ biết một cách chung nhất là có khoản trên 500 tỷ USD mà họ không có quyền đụng đến mà chỉ được vay lại từ Kho bạc của Pháp với số tiền không quá 20% thu nhập quốc dân của năm trước đó, nếu quá 20% thì chính phủ Pháp sẽ phủ quyết.
3/. Pháp được quyền đầu tư khai thác bất cứ nguồn tài nguyên của các nước này. Chỉ khi nào Pháp nói không cần thì các nước mới được quyền mời gọi các nhà đầu tư khác ngoài nước Pháp.
4/. Trong các hợp đồng đầu tư mua sắm công, Pháp được độc quyền trong mua sắm hoặc ưu tiên đấu thầu công khai.
5/. Pháp được độc quyền trong mua sắm , cung cấp các thiết bị quân sự và đào tạo cán bộ cho Quân đội của các nước này .
6/. Pháp được quyền triển khai quân đội và can thiệp quân sự khi lợi ích quốc gia của Pháp bị xâm phạm.
7/. Phải sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ quốc gia chính thức và là ngôn ngữ giáo dục phổ thông.
8/. Phải tham gia và sử dụng hệ thống tiền tệ thuộc Liên hiệp Pháp.
9/. Phải có nghĩa vụ gởi báo cáo hàng năm về dự trữ và cân đối thu chi tài chính , thu nhập quốc dân để làm cơ sở cho Pháp quyết định việc cho vay không quá 20% thu nhập quốc dân và theo dõi nguồn dự trữ khi gởi vào kho bạc của Pháp .
10/. Không được tham gia bất cứ Liên minh quân sự nào nếu không được Pháp đồng ý.
11/. Có nghĩa vụ liên minh với Pháp trong hoàn cảnh chiến tranh hay khủng hoảng toàn cầu.
(Nguồn : “ Pháp buộc 14 nước châu Phi phải trả thuế thuộc địa vì những lợi ích của chế độ nô lệ và thuộc địa “ của tác giả Mawuna Remarque Koutonin, đăng trên trang Silicon Africa)
Và chính từ cách thống trị kiểu mới này đã làm cho các nước châu Phi cựu thuộc địa của Pháp không có quyền quyết định về phát triển kinh tế và xây dựng quân đội. Hai vấn đề chủ yếu trong xây dựng và bảo vệ đất nước của một quốc gia độc lập. Đã đẩy các nước này mãi nằm trong nhóm nước chậm phát triển nhất trên thế giới và bất cứ nước nào muốn vươn lên độc lập, lập tức họ sẽ tác động để thay đổi người cầm quyền hoặc cả một chế độ. Chính vì vậy mà châu Phi trở thành nơi bất ổn chính trị nhất, nội chiến, chia rẽ, mâu thuẫn sắc tộc và chiến tranh triền miên chưa có hồi kết. Từ đó ta có thể khẳng định không có một dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch đánh bại thực dân Pháp, thì cả thế giới ngày nay chắc sẽ vẫn còn chìm đắm trong sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, và nếu không có Việt Nam thắng Mỹ thì sẽ không có một thế giới như ngày nay, chính vì vậy mà cụm từ Việt Nam – Hồ Chí Minh đã trở thành niềm tự hào của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.
Ngoài các nước thuộc địa trên ta hãy nhìn quanh ta, Thái Lan, Philippines, Indonesia, xa hơn một tý là Ấn Độ …các nước đó đã giành độc lập, không có chiến tranh gần 80 năm, lại không bị bao vây cấm vận thế nhưng đến nay đã hơn ta được bao nhiêu? Trong khi nước ta thực sự hòa bình chỉ trên 30 năm và thoát khỏi bao vây cấm vận mới trên 25 năm thế nhưng GDP bình quân đầu người chúng ta đã vượt qua Ấn Độ, Philippines, vươn lên gần đuổi kịp Indonesia. Từ chổ kém Thái Lan 15 lần (thập kỷ 80), nay chúng ta đã vươn lên chỉ còn kém hơn 2,5 lần, xoá đói giảm nghèo Việt Nam là điểm sáng là tấm gương cho cả thế giới học tập. Đặc biệt qua đại dịch Covid19 đã thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta, chúng ta đã kiểm soát nhanh chóng và dập dịch có hiệu quả, đạt cả hai tiêu chí khống chế dịch và duy trì đà tăng trưởng kinh tế là một trong những nước hiếm hoi có mức tăng trưởng trên 2,9% trong năm 2020. Chúng ta có chế độ chính trị ổn định nhất và thực sự là một quốc gia độc lập, có vai trò và vị thế ngày càng cao trên thế giới.
Tất cả những vấn đề trên nêu ra để chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn của Bác Hồ vĩ đại, bác bỏ tất cả những cách nhìn sai trái, phiến diện nếu không muốn nói là cách nhìn của các thế lực thù địch với chế độ ta. Chúng ta khẳng định, không có cái ngày 5/6/1911 với sự ra đi của chàng trai mang tên Nguyễn Tất Thành (anh Ba) trên con tàu Amiral Latouche Treville thì sẽ không có một nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội như ngày nay. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong hơn ba chục năm qua đã nâng cao tầm vóc, tạo nên cơ đồ, tiềm lực và vị thế chưa từng có cho dân tộc ta từ trước đêm nay.
Tác giả-Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tại hang Pác Bó ngày 18/5/2024.
Là công dân Việt Nam, chúng ta sẽ không bao giờ quên ngày 5/6/1911, ngày đó có một chàng trai mang tên Nguyễn Tất Thành đã rời bến Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước và chàng trai ấy sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của nhân loại!
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn