Thứ tư, Tháng Một 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Có nên đưa môn lịch sử thành môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp Phổ thông trung học



ĐNA -

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh (2/9), nghĩ về lịch sử nước nhà, xin có đôi lời cùng Bộ Giáo dục – đào tạo về việc đưa ra xin ý kiến có nên đưa môn lịch sử thành môn bắt buộc trong thi tốt nghiệp Phổ thông trung học.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng.

“Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đó là hai câu mở đầu trong bài Lịch sử Việt Nam của Bác Hồ sau khi từ nước ngoài về nước năm 1941 để cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp xâm lược.

Vậy vì sao trong bối cảnh vừa mới về nước Chủ tịch Hồ Chí Minh phải viết và cho lưu hành tuyên truyền bài thơ như một bài Diễn ca Lịch sử nước nhà? Bởi vì Bác biết rằng muốn tập hợp quần chúng nhân dân, muốn giác ngộ họ, điều đầu tiên là phải khơi dậy lòng yêu nước, mà muốn có lòng yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc phải làm cho người dân đang bị bọn thực dân bần cùng hóa, ngu dốt hóa hiểu biết lịch sử nước nhà, phải tường gốc tích nước nhà Việt Nam, nhờ đó đã tập hợp được quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để làm nên sự tích thần kỳ, tiến hành Cách mạng tháng Tám thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào ngày 2/9/1945, tiến hành cuộc trường chinh cứu nước, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược (1945-1975), giành lại độc lập, tự do, thống nhất, phát triển như ngày nay.

Đó là chuyện của Việt Nam giữa thế kỷ XX cho đến nay, còn với nước Nga, Putin được Enxin từ chức bàn giao chức Tổng thống cho ông vào cuối năm 1999. Một trong những việc làm đầu tiên để giữ cho nước Nga không sụp đổ, ông đã ban hành Kế hoạch giáo dục lòng yêu nước cho Nhân dân Nga và xác định môn lịch sử là môn học quan trọng nhất trong giáo dục phổ thông, sau đó cao hơn, nước Nga đã ban hành Luật cấm xét lại lịch sử. Như vậy, nước Nga đã không tan rã, đứng vững và phát triển, đưa nước Nga từ nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ đã trở thành một trong mười nền kinh tế đứng đầu thế giới (tính theo PPP nước Nga đứng đầu châu Âu và thứ 5 thế giới). Còn với Mỹ tôi cũng được biết, Mỹ đặc biệt quan tâm đến lịch sử không chỉ cho người Mỹ mà còn cả người nhập cư, ai chưa hiểu lịch sử nước Mỹ thì chưa đủ điều kiện để nhập quốc tịch Mỹ.

Tôi nêu các sự kiện trên để khẳng định, Giáo dục lịch sử là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với mọi quốc gia dân tộc, nếu muốn độc lập thật sự và phát huy sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Một vấn đề không cần bàn cãi và không ai được phép hạ thấp việc học lịch sử, học nó là học cả đời để không bao giờ được tự nhục,tự ty , đớn hèn trước nước khác; học lịch sử là để tập họp quần chúng nhân dân cùng chung sức đồng lòng phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, học lịch sử để thế hệ nối tiếp nỗ lực đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu bốn biển như Bác Hồ hằng mong ước.

Thế nhưng hơn chục năm trở lại đây, môn lịch sử trong giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục tìm mọi cách hạ thấp và cố tình xóa bỏ môn lịch sử, trong bài viết trước, khi phê phán việc đưa môn lịch sử là môn tự chọn trong cấp phổ thông trung học. Ngày 8/5/2022, khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tôi đã nói rõ, nếu tôi làm Thủ tướng tôi sẽ cách chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đề xuất chủ trương bỏ môn sử để buộc Quốc hội phải ngồi lại bàn và đưa vào nghị quyết của Quốc hội là không được bỏ môn sử, và phải  giữ môn lịch sử là môn độc lập trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo từ chỗ tìm cách bỏ môn lịch sử không được lại ngang nhiên làm trái nghị quyết của Quốc hội, bỏ môn sử là môn độc lập từ lớp 1-9 và lên 10-12 thì tự chọn. Như vậy, sẽ có rất nhiều em học sinh không học môn lịch sử độc lập trong suốt Chương trình phổ thông , đó là chưa kể ngay sách giáo khoa phổ thông cũng sẽ có nhiều bộ sách lịch sử khác nhau và sẽ có cách viết khác nhau thậm chí đã có biểu hiện xuyên tạc lịch sử trong sách giáo khoa thì thử hỏi làm sao xây dựng tinh thần dân tộc, làm sao chúng sức chung lòng vì mục tiêu phát triển đất nước?

Đây rõ ràng là một sự việc không bình thường, cố tình hạ thấp vai trò giáo dục lịch sử, làm suy yếu lòng yêu nước , lòng tự hào tự tôn dân tộc …việc mà đáng lẽ nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục là bồi đắp phát triển lòng yêu nước, tạo nên thế trận lóng dân vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một công dân không có lòng yêu nước thì việc học các môn khoa học khác dù có tài giỏi đến đâu, rồi cuối cùng cũng chỉ đi bán rẻ tài năng của mình cho nước ngoài. Thực tiễn ta đã thấy đã và đang có một trào lưu một bộ phận trị thức Việt Nam bỏ ra nước ngoài làm việc, một hiện tượng chảy máu chất xám đáng báo động!

Trước hiện tượng hạ thấp, xét lại lịch sử, những người tâm huyết với nước nhà, tâm huyết với lịch sử đã gọi hiện tượng trên là lật sử, xét lại lịch sử! Còn đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải chăng đang cố tình làm cho dân ta mù sử, dốt sử, và khi đó nhóm xét lại lịch sử sẽ nhân danh là những nhà nghiến cứu lịch sử sẽ vẽ lại lịch sử nước nhà như đã từng diễn ra ở Liên Xô, Đông Âu và Ucraina gần đây?

Từ những phân tích trên, với tư cách là một cháu của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, là con của hai liệt sĩ, là chiến sĩ giải phóng quân khi mới 14 tuổi, một Đảng viên cán bộ của Đảng, tôi đề nghị Quốc hội hãy vào cuộc, yêu cầu Chỉnh phủ chỉ đạo Bộ phải biên soạn một bộ sách giáo khoa lịch sử thống nhất cho giáo dục phổ thông từ lớp 1-12 và  lịch sử phải là một môn thi bắt buộc trong các môn thi.

Xin hãy đặt đúng vị trí để có một nước Việt Nam thống nhất không chỉ về chủ quyền lãnh thổ, mà trước hết thống nhất về cội nguồn lịch sử của dân tộc. Xin hãy đừng nâng lên đặt xuống, xin hãy đừng chà xát vào lịch sử, xin hãy đừng bắn vào lịch sử, bởi vì lịch sử là cội nguồn dân tộc. Hãy nhìn sang Ucraina, chính vì họ đã bắn vào lịch sử nên giờ đây đã trả giá cho tội lỗi của mình.

Xin hãy nhớ lời của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” làm trái lời Bác là trái ý Đảng, lòng Dân, mong Bộ GDĐT nên nhớ điều đó. Và cũng xin Quốc hội hãy ban hành một đạo luật hoặc một pháp lệnh nghiêm cấm xét lại xuyên tạc, đổi trắng thay đen lịch sử.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn/nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn – Bộ Quốc phòng