HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH CỐ THỦ TƯỚNG PHẠM HÙNG
(11/6/1912-11/6/2022)
Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912 tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), trong một gia đình trung nông. Từ nhỏ đồng chí theo học ở trường làng, sau đó học tiểu học ở Trường tiểu học Vĩnh Long, từ năm 1927 đến năm 1930, đồng chí học trung học tại Mỹ Tho. Thời gian này, đồng chí Phạm Hùng đã bắt đầu giác ngộ cách mạng, mang bầu nhiệt huyết sục sôi yêu nước của tuổi trẻ sau đám tang cụ Phan Chu Trinh và phong trào phản kháng thực dân Pháp của cụ Phan Bội Châu. Từ đó, đồng chí Phạm Hùng sớm dấn thân vào con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản do Bác Hồ truyền về Việt Nam.
Ngày 20 tháng 10 năm 1930, khi đang học năm thứ 4 trung học ở Mỹ Tho, Thống đốc Nam Kỳ ra quyết định đuổi học đồng chí Phạm Hùng do những hoạt động yêu nước. Cũng trong năm 1930, đồng chí Phạm Hùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Chiều ngày 30 tháng 4 năm 1931, trong cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động ở Châu Thành, Mỹ Tho, đồng chí Phạm Hùng đã bắn chết tên Hương quản Trâu, một tên tay sai đắc lực của Pháp. Sau đó, đồng chí bị địch bắt và bị tòa Đại hình của thực dân Pháp ở Mỹ Tho kết án tử hình. Trong khi chờ lên máy chém, thực dân Pháp lại đưa đồng chí lên Sài Gòn để nhận thêm một án tử hình nữa trong vụ án thực dân Pháp gọi là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Lúc bấy giờ, do dư luận xã hội và cả dư luận trong chính giới Pháp đối với việc kết án tử hình một học sinh, nhất là cuộc vận động rầm rộ của Đảng Cộng sản Pháp đòi xóa bỏ án tử hình cho tù chính trị ở Đông Dương. Đầu năm 1934, đồng chí Phạm Hùng được thực dân Pháp chuyển từ án tử hình sang tù chung thân cấm cố và đày ra nhà tù Côn Đảo cho đến sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 23 tháng 9 năm 1945 được Đảng đưa tàu ra đón về Nam Bộ, tiếp tục hoạt động. Gần 15 năm trong nhà tù đế quốc, nhất là những năm tháng ở Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng luôn kiên quyết đấu tranh, giữ vững ý chí bất khuất, khí tiết người cộng sản. Nhà tù đế quốc không những không khuất phục được đồng chí Phạm Hùng mà còn tôi luyện cho đồng chí và nhiều đảng viên cộng sản trở thành những con người sắt thép, khí phách hiên ngang.
Ngay khi trở về đất liền, đồng chí được chỉ định tham gia vào Xứ ủy Nam Bộ và năm 1946 được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Từ Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí Phạm Hùng tổ chức thành lập bộ phận công an cách mạng, sau này là Nha Công an Nam Bộ. Năm 1946, khi đồng chí Lê Duẩn từ Hà Nội được Trung ương phân công vào trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam, tổ chức Đại hội Đảng bộ Xứ và được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy.
Cuối năm 1948, đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu phái đoàn của Nam Bộ ra Việt Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ và chuẩn bị cho Đại hội II của Đảng. Tháng 02 năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp ở Việt Bắc, đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng. Sau Đại hội, Trung ương quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Ủy viên, sau đó làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi với việc ký kết Hiệp định Giơ ne vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến tại Nam Bộ. Năm 1955, đồng chí làm Trưởng Phái đoàn liên lạc của quân đội ta với Ủy ban quốc tế tại Sài Gòn.
Khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, Hiệp định Genève bị chúng xé bỏ, đồng chí Phạm Hùng được điều ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Tháng 9 năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được Đảng phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Từ đây về sau, qua các kỳ Đại hội III, Đại hội IV, Đại hội V, Đại hội VI của Đảng, đồng chí liên tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1957, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 4 năm 1958, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế cho đến cuối năm 1967. Với cương vị này, đồng chí Phạm Hùng đã hết lòng chăm lo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam. Tháng 7 năm 1967, đồng chí Phạm Hùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị cử vào chiến trường miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam và ở chiến trường cho đến ngày toàn thắng. Khi vào chiến trường, đồng chí Phạm Hùng đã cùng Trung ương Cục, Quân ủy Miền lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam, nhất là ở Khu trọng điểm Sài Gòn – Gia Định. Cùng với sự chuẩn bị về quân sự, đồng chí Phạm Hùng hết sức quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng trong các đô thị. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn, tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm rung động Nhà trắng và Lầu Năm Góc, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong chiến công chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần rất quan trọng. Từ cuối năm 1968 đến tháng 4 năm 1975, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Trung ương Cục đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam.
Tháng 4 năm 1975, sau thắng lợi của các chiến dịch Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Với tư cách là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư quân ủy Miền, Chính ủy Chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo quân và dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi Chiến dịch lịch sử. Sáng 30 tháng 4 năm 1975, khi nghe tin Tổng thống Sài Gòn đề nghị với phía cách mạng ngừng bắn để thương lượng, Chính ủy Phạm Hùng đã ký và cho phát ngay bức điện hỏa tốc gửi các đơn vị trên chiến trường: “Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!” Đó là một bức điện lịch sử. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công làm đại diện của Đảng và Chính phủ ở phía Nam. Tháng 11 năm 1975, đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu Đoàn đại biểu miền Nam cùng với Đoàn đại biểu miền Bắc do đồng chí Trường Chinh dẫn đầu đã họp Hội nghị hiệp thương chính trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định cần hoàn thành thống nhất Tổ quốc trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; quyết định tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam để bầu Quốc hội chung thống nhất.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, đồng chí Phạm Hùng đã có những cống hiến đặc biệt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 02 tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội thống nhất của cả nước, đồng chí được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, từ năm 1980, Đồng chí kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tháng 6 năm 1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, Quốc hội, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kế nhiệm đồng chí Phạm Văn Đồng. Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Tình hình đất nước ta trong những năm đầu đổi mới gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận, bao vây, phá hoại nhiều mặt, hòng làm đất nước ta kiệt quệ về kinh tế. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, đồng chí khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”. Hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của đồng chí với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, phát triển đi lên. Giữa lúc nhân dân miền Bắc đang thiếu đói trầm trọng do mất mùa, đồng chí trực tiếp vào miền Nam tổ chức thu mua lúa gạo và tổ chức vận chuyển ra Bắc cứu đói cho dân thì đột ngột qua đời ngày 10 tháng 3 năm 1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi. Đồng chí ra đi như một lão tướng hy sinh trong khi đang cầm quân xông pha nơi trận mạc.
Cố Thủ tướng Phạm Hùng – Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng liên tục sáu mươi năm, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Không quản gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào, đồng chí Phạm Hùng cũng luôn luôn sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng: Với tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, sáng tạo, nghị lực phi thường, đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Đồng chí là người lãnh đạo, người tổ chức và người hành động với tinh thần trách nhiệm rất cao, sự nghiêm túc mẫu mực, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, đem hết trí tuệ và sức lực nhằm hoàn thành công việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đúng như đồng chí đã nói: “Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Phạm Hùng đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả. Đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí sống giản dị, chân thành, gần gũi và yêu thương đồng chí, đồng bào, quan tâm đến nguyện vọng và ý kiến của nhân dân. Đồng chí là một tấm gương về lối sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Do những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp tăng cường đoàn kết quốc tế, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương khác. Nhà nước Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã tặng đồng chí Huân chương Cách mạng Tháng Mười, Nhà nước Cu Ba tặng Huân chương Ernesto Guevara hạng Nhất, Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhà nước Cộng hòa nhân dân Bulgaria tặng Huân chương Dimitrov. Tên của đồng chí Phạm Hùng được đặt trên nhiều con đường lớn trong cả nước.
Thế Cương/tổng hợp theo tài liệu của ĐCSVN