Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cởi áo cà sa khoác chiến bào

ĐNA -
Cách đây đúng 74 năm nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 27/2/1947, tại chùa Cổ Lễ, Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc Nam Định cùng chính quyền huyện Trực Ninh và tín đồ trong vùng đã làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư (chủ yếu là các nhà sư đang tu hành tại chùa Cổ Lễ, trong đó có 2 ni cô) cởi áo cà sa, khoác lên mình bộ quân phục bộ đội để ra chiến trường.
Đại tá Đinh Thế Hinh, pháp danh Thích Pháp( Lữ 1927 – 2019) Nguyên chính ủy Trung đoàn 542.

Trong cuốn Lịch sử Phật giáo huyện Trực Ninh đã viết rất rõ về buổi lễ đặc biệt, hào hùng này. Đoàn nhà sư khoác áo cà sa, chân đất, đầu trần, tay cầm mũ vải, xếp hàng ba, cuối cùng là 2 ni cô Đàm Nhung và Đàm Lân. Hồi đó, bài phát nguyện dành cho 27 nhà sư ra chiến trường thật hào sảng:

“Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao
Ra đi quyết rửa thù cứu nước
Vì nghĩa quên thân, hiến máu đào”.
Khi nghe bài phát nguyện này, trước lúc nhập ngũ, sư nữ Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên:
“Gậy thiền quét sạch loài xâm lược
Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”.
Khi xong việc cử lễ, cả đoàn đứng lên cùng cởi áo cà sa. Hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là Viện chủ chùa Cổ Lễ, đỡ các tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật, rồi một nhà sư hô: “Đội mũ”.
Thế là 27 nhà sư đã trở thành 27 chiến sĩ vệ quốc quân. Cuối cùng, đại biểu của Trung đoàn 34 đến nhận quân, chuyển súng, kiếm, mã tấu đến từng tay các vị, chấn chỉnh đội hình, hạ lệnh xuất phát. Đoàn quân theo tiếng hô dõng dạc của trung đội trưởng, tất cả đều đồng thanh ca vang bài Tiến lên đường, tới sa trường.
“Ngay sau đó Trung đoàn 34, do Tư lệnh Quân khu III Hà Kế Tấn chỉ huy đã tiếp nhận chúng tôi vào thẳng chiến dịch bảo vệ thành Nam Định và chùa Non Nước (Ninh Bình). Trong trận đánh bảo vệ chùa Non Nước, 12 nghĩa sĩ phật tử đã hy sinh” – ông Hinh rưng rưng kể.
Chín năm chinh chiến, những nhà sư – chiến sĩ đã đóng góp nhiều chiến công hiển hách. Để rồi, khi cởi áo chiến bào, thì:
“Người dở việc quân, kẻ lại nhà
Người mãi ra đi trong chiến trận
Người về cửa Phật niệm Di Đà”.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, 12 trong số 27 nhà sư cởi áo cà sa mặc chiến bào hôm ấy đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Hai vị là sĩ quan cao cấp của QĐND VN là Đại tá Đinh Thế Hinh và Thượng tá Nguyễn Đức Vượng. Nhiều người lại trở về chốn chùa chiền để tiếp tục cuộc đời tu hành. Cũng có người trở về với cuộc sống đời thường, sống một cuộc đời bình lặng.
Cà sa gửi lại chốn trai phòng
Đất nước vẫn chưa bình yên. Hết chiến tranh chống Pháp, giang san lại oằn mình trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1972 – 1973, thực hiện lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, hòa thượng Thích Thế Long một lần nữa đã làm lễ tại chùa tiễn đưa 2 vị cởi áo cà sa lên đường nhập ngũ.
Đất nước thống nhất, tưởng chừng sẽ yên bình, nhưng chiến tranh biên giới nổ ra, khiến những nhà sư một lần nữa lại tình nguyện ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc.
Vào mùa thu 1978, cũng tại chùa Cổ Lễ, Hòa thượng Thích Thế Long một lần nữa đã làm lễ cởi áo cà sa cho 3 đệ tử tình nguyện khoác chiến bào lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tọa Thích Tâm Vượng là một trong 3 đệ tử tình nguyện ra chiến trường hôm ấy. Kể chuyện này, thượng tọa Thích Tâm Vượng sang sảng đọc lại bài phát nguyện của ngày lễ chia tay đó:
“Nghe theo tiếng gọi của núi sông
Cà sa gửi lại chốn trai phòng
Xông ra biên giới trừ hung bạo
Thực hiện từ bi phải lực hùng”.
Thầy Vượng gia nhập Trung đoàn 33 A57 công binh. Trải qua bao gian khổ trong quân đội, năm 1983 thầy Vượng xuất ngũ, trở về, tiếp tục theo nghiệp tu hành. Hiện giờ, thầy vẫn hay liên lạc với đồng đội cũ, để ôn lại những chuyện xưa. Hằng năm, Trung đoàn 33 vẫn tổ chức gặp mặt.
Đại đức Thích Tâm Vượng, chùa Cổ Lễ-Nam Định tặng quà cho y bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Bắc Giang

Là Viện chủ chùa Cổ Lễ, phải cáng đáng công việc của chùa, nhưng thầy Thích Tâm Vượng vẫn cùng tăng ni Phật tử tích cực tham gia công tác xã hội. Hằng năm, chùa Cổ Lễ là địa điểm tổ chức trường hạ 3 tháng với 90 ngày tu học cho các tăng ni trên địa bàn huyện, gắn việc nâng cao kiến thức Phật pháp và đẩy mạnh vận động tăng ni phật tử tăng cường tham gia vào các hoạt động xã hội thực hiện chính sách pháp luật nhà nước. Nhà chùa còn tích cực tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, cứu trợ nhân đạo với phương châm tốt đời, đẹp đạo. “Hằng năm, nhà chùa đều ủng hộ để xây dựng nhà từ thiện cho các đối tượng chính sách, không nơi nương tựa tại địa phương” – thầy Thích Thanh Hùng cho biết.

Ni trưởng Thích Đàm Thành – Nữ tu tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam

Tại chùa, một phòng lưu giữ những kỷ vật của những vị sư cởi áo cà sa, khoác chiến bào được mở cửa thường xuyên để cho người dân tham quan. Ngay trong khuôn viên chùa là đài tưởng niệm các nghĩa sĩ phật tử hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh. Đài tưởng niệm luôn tỏa khói hương trong sự nhớ thương, kính trọng của người dân. Một đời cống hiến cho đạo và đời, giờ đây, các vị đang yên nghỉ trong sự thành kính vô hạn của những kẻ hậu thế. Sự hy sinh của các vị đã góp cho sự bất tử của non sông, dân tộc Việt Nam, cũng như góp cho sự trường tồn của Phật giáo trong lòng người dân đất Việt.

PV