Hiện nay, triệt để lợi dụng việc các cơ quan chức năng tiến hành vây bắt các đối tượng quá khích, cực đoan trong vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023, một số người tự coi mình “nhà dân chủ”, nhà hoạt động “nhân quyền”, những luật sư biến chất, những kẻ dân túy và một số đài, báo nước ngoài, mạng xã hội lại xuất hiện như “nấm độc sau mưa” đã có nhiều bài viết, phát ngôn, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, cố tình “đổ thêm dầu vào lửa” nhằm chĩa mũi nhọn vào làm xấu hình ảnh lực lượng công an khi chúng quy kết cái gọi là “công an đàn áp người dân tộc thiểu số” ở Tây Nguyên, thậm chí quy kết Việt Nam vi phạm “cái gọi là dân chủ, nhân quyền”, kêu gọi lực lượng bên ngoài can thiệp vào Việt Nam… Đó đều là những luận điệu đổi trắng thay đen, sai lầm về mặt lý luận và phản động về mặt thực tiễn.
Dân chủ phải gắn với chuyên chính – Từ những lời căn dặn của Bác Hồ với lực lượng Công an nhân dân
Khi bàn về vai trò và tính tất yếu của chuyên chính vô sản, trong tác Bàn về khẩu hiệu “giải trừ quân bị”, V.I.Lênin khẳng định: “Nhưng kẻ nào hy vọng sẽ thực hiện được chủ nghĩa xã hội mà không thông qua cách mạng xã hội và chuyên chính vô sản, thì kẻ đó không phải là một người xã hội chủ nghĩa” (1). Kế thừa và phát triển quan điểm đó của V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các bài nói và bài viết của mình, nhất là trong các cuộc nói chuyện tại hội nghị cán bộ ngành công an, Người không chỉ khẳng định lại vai trò và tính tất yếu của chuyên chính vô sản, mà còn chỉ ra mối quan hệ giữa dân chủ với chuyên chính trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi chuyên chính vô sản (Người gọi là “nhân dân dân chủ chuyên chính”) là gì? Trong bài viết Tình hình thế giới tháng 9 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tán đồng và dẫn lại lời giải thích của Mao Trạch Đông: “Nhân dân dân chủ chuyên chính là gì? Ông Mao Trạch Đông đã giải thích rằng: Nhân dân là công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Dân chủ là nhân dân có quyền tự do ngôn luận, tổ chức, tuyển cử, ứng cử, v.v.. Chuyên chính là lấy lực lượng nhân dân đàn áp và tiêu diệt phản cách mạng. Chắc rằng những điều đó không hợp với ý muốn của Mỹ!” (2).
Chuyên chính với ai? Trên cơ sở phương pháp luận chung nhất nhận diện và giải quyết mối quan hệ đối tác và đối tượng (Người gọi là bạn và thù): “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta” (3). Về đối tượng chuyên chính, trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá 2 Trường đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 8/12/1956, Người nhấn mạnh đối tượng chuyên chính đó là: “Về chuyên chính dân chủ nhân dân: Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai? Dưới chế độ phong kiến, tư bản, chuyên chính là số ít người chuyên chính với đại đa số nhân dân. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân” (4).
Vì sao giữa dân chủ và chuyên chính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau? Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ giữa dân chủ với chuyên chính, Hồ Chí Minh đã trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng với ví dục cụ thể: “Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khoá và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ” (5). Ở đây cái quan trọng nhất, quý báu nhất là dân chủ. Chuyên chính không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện để bảo vệ dân chủ, chỉ là “cái khóa”, “cái cửa” mà thôi. Nhất quán với tinh thần đó, trong Lời phát biểu tại Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá I, kỳ họp thứ Sáu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường chuyên chính để làm cho chính quyền ta ngày càng thật sự là chính quyền của nhân dân, phục vụ nhân dân, chống lại kẻ thù của nhân dân” (6). Và một lần nữa, trong Bài nói tại lớp nghiên cứu khóa I và lớp bổ túc khóa VI Trường Công an Trung ương, Người tiếp tục khẳng định: “Công an là một bộ máy để thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân, bảo vệ nền chuyên chính của nhân dân đối với các thế lực phản động khác. Muốn có dân chủ thật sự, phải chuyên chính thật sự, nếu không bọn xấu sẽ làm hại nhân dân” (7).
Vì sao công an phải thực hiện dân chủ phải gắn với chuyên chính? Vì một lẽ thường tình, công an và quân đội là một trong những công cụ của chuyên chính dân chủ nhân dân, vì thế, trong Bài nói tại hội nghị cán bộ ngành công an, ngày 29/6/1963 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản. Cho nên nhiệm vụ công an là cực kỳ quan trọng. Nó phải giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân ta an cư lạc nghiệp, để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà” (8). Vì vậy, Người căn dặn: “Bác dặn thêm mấy điểm: Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài. Kẻ địch bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt” (9).
Thực tiễn lịch sử cách mạng thế giới và Việt Nam đã chứng minh, tăng cường dân chủ phải đi đôi với chuyên chính là vấn đề có tính quy luật trong giữ và xây dựng chính quyền cách mạng trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Do đó, không thể tuyệt đối hóa mặt nào, lại càng không thể buông lỏng cả hai mặt đó mà phải tiến hành đồng thời; đặc biệt, tuyệt đối không nghe và làm theo lời kiến nghị có vẻ “chân thành”, những lời xúi giục ác ý của các “nhà dân chủ”, nhà hoạt động “nhân quyền”, những kẻ dân túy và một số đài, báo nước ngoài, mạng xã hội vẫn đang rêu rao.
Và việc trấn áp tội phạm của lực lượng Công an ở ở Đắk Lắk là cấp bách
Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng luôn là địa bàn chiến lược, địa chính trị, địa quân sự; không chỉ là vùng đất có tiềm năng phát triển kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược về quốc phòng, an ninh của đất nước. Với vị trí của Tây Nguyên từ đây có thể phát triển xuống vùng duyên hải miền Trung, Nam Bộ, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào. Trước đây giới quân sự Pháp đã từng tuyên bố: ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ cả miền Nam Đông Dương. Điều đó nói lên tầm quan trọng chiến lược của vùng Tây Nguyên. Trước đây đã vậy, ngày nay và trong tương lai Tây Nguyên sẽ còn đóng vai trò cực kỳ trọng yếu trong tiến trình phát triển của nước ta và Đông Nam Á lục địa. Thực tiễn thời Pháp thuộc, Mỹ – Ngụy trong âm mưu và hành động lập “Xứ Tây kỳ tự trị” trước đây, sự kiện bạo loạn chính trị năm 2001, 2004 và gần đây là sự kiện mất an ninh trật tự ngày 11/6/2023 trong âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-Ga tự trị” hiện nay của các thế lực thù địch đã chứng minh. Vì vậy, Nghị quyết Số 10-NQ/TW, ngày 18 tháng 1 năm 2002 của Bộ Chính trị Về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010, đã chỉ rõ: “Thường xuyên đề cao cảnh giác, chủ động ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đặc biệt là của Fulro và của bọn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để lừa mị, kích động chia rẽ dân tộc ngay từ khi còn mới manh nha ở cơ sở”.
Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện, lịch sử và cụ thể toàn bộ sự việc cho đến nay ở Đắk Lắk, phải khẳng định rằng, các lực chức năng đã tìm mọi cách để giải quyết, trong đó, lực lượng công an đã xử lý kiên trì, có lý, có tình nhằm tạo sự đồng thuận để giải quyết sự việc tốt nhất nhưng những đối tượng chống đối bất chấp, bỏ chạy. Do đó, không thể nói “công an đàn áp dân” mà phải thấy rõ yêu cầu tấn công, trấn áp tội phạm, không thể đánh tráo khái niệm “đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên” nói chung với những kẻ phạm tội; không thể để các đối tượng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Soi rọi những lời chỉ dẫn trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì những kẻ thủ ác đó là “kẻ địch bên trong” cần phải trấn áp và nghiêm trị.
Trước đó, như Báo Công an nhân dân đã thông tin, sáng sớm 11/6, tại địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra vụ việc một nhóm đối tượng dùng súng tấn công trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, làm 9 người chết và 2 người bị thương. Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị nghiệp vụ triển khai vây bắt nhóm đối tượng nêu trên, giải cứu một số người dân bị bắt làm con tin. Thế nhưng, các “nhà dân chủ cuội”, cái gọi là nhà hoạt động “nhân quyền”, những kẻ dân túy và một số đài, báo nước ngoài cùng không ít tài khoản của các mạng xã hội, nhất là của tổ chức khủng bố Việt Tân như “Việt Tân”, “Chân trời mới Media”… trên không gian mạng lại “như nấm độc mọc sau mưa” đưa ra mọi “thuyết âm mưu”, tung ra nhiều luận điệu sai trái; trơ tráo và vô căn cứ khi chúng cáo buộc lực lượng công an ta thực hiện cái “đàn áp người dân tộc thiểu số”….
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã có Thư kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ trên địa bàn tỉnh đoàn kết một lòng, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, sự lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của chính quyền các cấp; đồng thời, Bộ Công an cũng đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao lực lượng. Về việc này, tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 16/6, thông tin nhanh về vụ việc gây mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết:
Khoảng 0 giờ 35 phút, ngày 11/6/2023 vừa qua, trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vụ việc có hai nhóm đối tượng có vũ khí, đột nhập tấn công trụ sở công an 2 xã: Ea Ktur và Ea Tiêu. Hậu quả làm 11 người thương vong, trong đó có 9 người chết gồm: 4 đồng chí công an xã, 2 cán bộ xã và 3 người dân, 2 cán bộ công an xã bị thương; cùng 3 người dân tộc thiểu số bị khống chế làm con tin. Ngay trong đêm xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã nhanh chóng tăng cường các lực lượng nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bao vây, phong tỏa các địa bàn có liên quan, bảo vệ trụ sở chính quyền, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân và truy bắt đối tượng. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện chế độ chính sách, kịp thời thăm hỏi động viên gia đình các đồng chí hy sinh, bị thương; thăm hỏi động viên gia đình cán bộ, người dân bị nạn.
Thiếu tướng Đặng Hồng Đức chỉ rõ, với tinh thần quyết liệt tấn công truy bắt bằng được các đối tượng, đến nay lực lượng công an đã bắt và xử lý trên 50 đối tượng trực tiếp tham gia vào vụ việc. Hiện toàn bộ các đối tượng cầm đầu trong vụ việc này đã bị lực lượng chức năng bắt giữ và thu được nhiều vũ khí; giải cứu tuyệt đối an toàn 3 con tin. Đồng thời cho biết, qua khai thác ban đầu, số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều là đối tượng trẻ, thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng và bị kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số…
Theo đánh giá bước đầu, nguyên nhân do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài. Vấn đề này, lực lượng Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
Về phương hướng, biện pháp trong thời gian tới, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức nhấn mạnh, Bộ Công an sẽ tiếp tục truy bắt hết số đối tượng gây án, thu giữ toàn bộ vũ khí, vật liệu nổ. Đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân và lực lượng tham gia truy bắt; tiến hành công tác điều tra, xử lý nhanh chóng theo đúng quy định. Chỉ đạo rà soát toàn bộ phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh các địa bàn, mục tiêu, lĩnh vực trọng điểm, nắm chắc tình hình và tham mưu cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, loại trừ yếu tố tiềm ẩn phức tạp, phát sinh từ sớm, từ xa (10).
Từ những vấn đề phân tích trên đã cho chúng ta thấy những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị và không có thế lực nào có thể xuyên tạc được. Đồng thời, cũng để lại bài học về mở rộng dân chủ phải luôn gắn với tăng cường kỷ cương phép nước trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn pháp luật; không để dân chủ quá trớn, dân chủ vô hạn độ trong lời nói và hành vi của các đối tượng và những kẻ tiếp tay cho chúng; không thể không sử dụng lực lượng chức năng đủ mạnh và dứt khoát tấn công trấn áp tội phạm nguy hiểm để giữ vững trật tự kỷ cương, trật tự an toàn xã hội và sự bình yên cho nhân dân. Rồi đây, những kẻ thủ ác sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự và nhận một bản án đích đáng; đồng thời, những kẻ “giấu mặt” cũng lộ diện.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải khẳng định việc trấn áp tội phạm nguy hiểm ngày 11/6/2023 vừa qua là hết sức cần thiết và không thể không làm; tiếp tục tin tưởng vào việc giải quyết thấu tình, đạt lý và đúng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Đắk Lắk theo đúng Thư kêu gọi: “Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ trên địa bàn tỉnh đoàn kết một lòng, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, sự lãnh đạo của cấp uỷ và điểu hành của chính quyền các cấp… Chúng ta tin tưởng rằng với truyền thống yêu nước, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đáng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng phát triển”. Đồng thời, tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác và hết sức tỉnh táo trước những rêu rao của “nhà dân chủ”, nhà hoạt động “nhân quyền” giả hiệu, bọn dân túy, cơ hội chính trị và các thế lực thù địch trên không gian mạng cả trước, trong và sau xét xử và thi hành án với các đối tượng bị bắt giữ. Bởi vì, V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Chừng nào người ta chưa phân biệt được lợi ích của các giai cấp này hay giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị” (11)./.
Lửa Việt
Chú thích:
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 30, tr.196
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 tập 6, tr.221
(3) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, tr. 264
(4) (5) (6) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập10, tr. 457; tr.457; tr.466
(7) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, tr.598
(8) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, tr.71
(9) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, tr.153
(10) https://vov.vn/chinh-tri/chanh-van-phong-bo-cong-an-thong-tin-ve-vu-gay-mat-an-ninh-trat-tu-tai-dak-lak-post1026866.vov
(11) Sđd, V.I.Lênin: Toàn tập, tập 23, tr.57