Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan

ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay 21/12/2024, UBND, Sở Văn hóa – Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức Lễ công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan.

Nằm ở độ cao 490m trên dãy núi Hải Vân, Hải Vân Quan là một công trình kiến trúc thành lũy quân sự ấn tượng, được xem là một trong những cửa ải hùng tráng bậc nhất Việt Nam. Vị trí của di tích cách trung tâm thành phố Huế khoảng 90km về phía nam và cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 28km về phía tây bắc.

Hải Vân Quan là công trình kiến trúc thành lũy quân sự ấn tượng. Ảnh trong bài: Khánh Ly (Bảo tàng Đà Nẵng).

Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan, được khởi công vào ngày 19/12/2021, với nhiều hạng mục, có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, mỗi địa phương đóng góp 50% từ nguồn ngân sách).hực hiện dự án này, hai địa phương Huế và Đà Nẵng đã tạo dựng một hình mẫu tiêu biểu về công tác khôi phục bảo tồn di sản.

Hiện 2 tỉnh và thành phố còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan, như triển khai ứng dụng công nghệ (3D); phủ sóng Wifi miễn phí tại điểm tham quan, hỗ trợ du khách tìm hiểu thêm các giá trị di sản; bổ sung kịp thời các dịch vụ, tiện ích hiện có trong hành trình tham quan di tích quốc gia Hải Vân Quan.

36 phát pháo hoa (Hỏa thuật) từ thần công chào mừng sự kiện.

Chính quyền và ngành chức năng 2 hai tỉnh, thành phố, cùng Khu Quản lý đường bộ đã tổ chức tốt giao thông trên QL1 đoạn qua Hải Vân Quan; triển khai các hạng mục phụ trợ, đặc biệt là khu vực hậu cần dịch vụ như bãi đỗ xe, không gian trưng bày sản phẩm lưu niệm phục vụ khách đến tham quan, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn.

“Với kiến trúc độc đáo, có giá trị to lớn về quân sự, lịch sử, di tích quốc gia Hải Vân Quan với vị trí “độc nhất vô nhị” đã và đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng ngoạn. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa và thiên nhiên gắn với di tích quốc gia Hải Vân Quan là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội của thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng.

Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan hoàn thành, chính thức đưa các hạng mục đã triển khai vào khai thác, là nhờ vào quyết tâm lớn và sự nỗ lực rất cao của cả 2 địa phương. Hy vọng trong thời gian không xa, Hải Vân Quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn, là niềm tự hào của con dân hai xứ Thuận – Quảng xưa hay Huế – Đà Nẵng ngày nay”- ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, phát biểu tại sự kiện.

Thay mặt chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND thành phố, khẳng định thêm:

Từ xa xưa, Hải Vân Quan đã được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và vị trí chiến lược quân sự quan trọng.

Ngày nay, giá trị của di tích quốc gia Hải Vân Quan đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, đánh giá là một tài nguyên du lịch văn hóa độc đáo, có tính liên kết vùng, là một điểm đến hấp dẫn nếu được quản lí và khai thác một cách nghiêm túc, bài bản.

Chính vì vậy, cả hai địa phương đã có “một cái bắt tay lịch sử” để cùng làm sống lại di tích này, bằng cách xếp hạng và thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hai địa phương.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Di tích quốc gia Hải Vân Quan là tài sản chung vô giá, là biểu tượng của quan hệ đoàn kết, hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng; cũng là cơ sở để hai bên tiếp tục phối hợp tốt trong công tác quản lý, phát huy giá trị di tích ở hiện tại và tương lai.

Dự án đã hoàn thành, nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên tiếp theo là làm sao quản lý và phát huy, khai thác hiệu quả nhất những giá trị du lịch của di sản văn hóa độc đáo này; xứng đáng với vị thế của di tích và kỳ vọng của Nhân dân hai địa phương.

Về phía Đà Nẵng, UBND thành phố sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, UBND quận Liên Chiểu và các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tốt “Quy chế phối hợp quản lý và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan”.

Đặc biệt sẽ gắn kết với các di tích lịch sử, văn hóa của triều Nguyễn và sự kiện lịch sử trận đầu chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860) để tạo nên một tuyến tham quan ý nghĩa, một địa chỉ văn hóa – lịch sử hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập; để du lịch đèo Hải Vân thực sự có đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, là một điểm dừng chân không thể thiếu trên “Con đường di sản miền Trung”.

Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào Kinh đô Huế từ phía Nam. Sau sự kiện vua Chế Mân cắt hai châu Ô, Lý làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân của nhà Trần, đèo Hải Vân trở thành biên giới giữa hai nước Đại Việt và Champa. Từ đó, đèo Hải Vân trở thành một vị trí hiểm yếu, có tầm chiến lược hết sức quan trọng trên con đường thiên lý Bắc – Nam.

“Đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan thành một trong những tổ hợp công trình mang tính phòng thủ cho Kinh đô Huế cũng như giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng. Hải Vân Quan được xây dựng gồm 2 cửa: cửa hướng về Đà Nẵng đề “Hải Vân Quan”, cửa hướng về Thừa Thiên Huế đề “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”.

Chính quyền, ngành hữu quan 2 địa phương chụp ảnh lưu niệm tại Hải Vân Quan.

Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Hải Vân Quan sẽ là mắt xích quan trọng nối kết hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung bộ. Hải Vân Quan thực sự trở thành một gạch nối hết sức quan trọng trên con đường thiên lý Bắc – Nam”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, chia sẻ thêm.

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo của di tích này, ngày 14/7/2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Hải Vân Quan đã chứng kiến nhiều trận chiến khốc liệt trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Đồng thời, di tích này cũng chịu tác động nặng nề từ điều kiện khí hậu mưa nhiều, nắng gắt vô cùng khắc nghiệt, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Từ lâu Hải Vân Quan đã được ca ngợi là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ cùng vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự. Nhận thức rõ giá trị của Hải Vân Quan, chính quyền hai địa phương đã đánh giá nơi đây là một tài nguyên du lịch độc đáo, có tiềm năng liên kết vùng và có thể trở thành “mỏ vàng” nếu được quản lý và khai thác một cách khoa học, hiệu quả./.

Trần Ngọc