(Đà Nẵng). Chiều nay 18/7/2024, tại Đà Nẵng Diễn đàn Kết nối và Phát triển mạng lưới cộng đồng lãnh đạo, học giả các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN Consortium for Innovation and Research/ACIR ) và quốc tế (ACIR+), đã chính thức mạc.
“ASEAN Consortium for Innovation and Research – ACIR” được VKU khởi xướng vào năm 2023, được cộng đồng các nhà khoa học, các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao, cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức KOICA, các nhà khoa học Anh Quốc, Ba Lan, Hàn Quốc, Ireland,…
Đây là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong khu vực”, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng VKU, Trưởng Ban Tổ chức ASEAN Consortium for Innovation and Research – ACIR+ 2024, nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc.
Được biết, các nội dung của diễn đàn ACIR+ 2024 xoay quanh việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.
ACIR+ 2024 được cộng đồng học thuật ghi nhận “là sự kiện thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Hội thảo CITA (Hội thảo Khoa học quốc tế “Công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực” – lần thứ 13 năm 2024. CITA chính thức diễn ra vào ngày mai, 19/7 và kéo dài đến hết ngày 20/7/2024.
Trong phát biểu của mình, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp bày tỏ “Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn tới GS.Nguyễn Ngọc Thành (Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật IEEE SMC về Trí tuệ nhóm tính toán thông minh, Đại học Khoa học và Công nghệ Wrolaw, Ba Lan), GS. Christian Boitet (Đại học Grenoble, Pháp), GS. Nguyễn Thanh Thủy (Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; kiêm Chủ Chủ tịch FISU – Câu lạc bộ Khoa – Trường – Viện Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam ); PGS.TS. Lê Khắc Nhiên Ân (Đại học Dublin, Ireland) và nhiều giáo sư đáng kính khác vì những đóng góp và hỗ trợ đáng kể của họ. Hơn nữa, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn tới GS Gottfried Vossen (Đại học Münster, CHLB Đức); Giáo sư Kang-Hyun Jo ((Đại học Ulsan, Hàn Quốc), về những bài phát biểu quan trọng mang tính khai sáng tại CITA 2024”.
Chia sẻ kinh nghiệm học thuật quý và gợi ý, định hướng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
Diễn đàn ACIR+ 2024 nhận được tinh thần đồng hành cao từ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số, từ các trường đại học lớn của Ba Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc, Ireland, Pháp, Đức, đặc biệt là giáo sư đầu ngành đến từ các quốc gia Đông Nam Á,…; đại diện Lãnh đạo các hiệp hội, cơ sở giáo dục đại học như: Hiệp hội các Khoa-Trường-Viện CNTT&TT Việt Nam (FISU Việt Nam), Hội Vô tuyến điện tử (REV), Đại học Đà Nẵng, Tạp chí Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo 7 đơn vị thành viên ACIR: Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng; Viện Công nghệ Thông tin (ITI) – Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên (ICTU); Trường Khoa học máy tính – Đại học Cần Thơ (CTU); Trường Đại học Phenikaa; Trường Đại học Công nghệ Yatanarpon (Myanmar); Học viện Công nghệ Kỹ thuật số (Campuchia).
Trong tham gia diễn đàn ACIR+ 2024, đại diện 7 đơn vị thành viên ACIR đã có “găp gỡ chung”: Những chia sẻ, gửi gắm (qua các phát biểu tham luận) về ý tưởng “cùng nhau tổ chức các hội nghị, hội thảo học thuật chuyên sâu trong các lĩnh vực đào tạo”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, học giả đầu ngành như GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành (Ba Lan), GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy (Việt Nam), GS.TS. Kanghyun Jo, GS. Sun woo Lee (Hàn Quốc), PGS.TS. Lê Khắc Nhiên Ân (Ireland), GS.TS. Lê Minh Hòa (Anh Quốc), GS. Christian Boitet (Pháp), GS. Gottfried Vossen (Đức), …. Đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm học thuật quý. Đặc biệt giới thiệu các gợi ý, có tính định hướng trong đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học.
ACIR nhịp cầu hợp tác của cộng đồng học thuật khu vực Đông Nam Á cùng quốc tế.
Được biết, trong 1 năm qua, ACIR đã có nhiều hoạt động kết nối, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học giữa các thành viên. ACIR đã tổ chức thành công 5 hội thảo quốc CITA 2023, ATC 2023 (VKU chủ trì), ICTA 2023 (ICTU chủ trì), ISDS 2023 (CTU chủ trì), WEFAB 2023 (Phenikaa chủ trì); VKU và Phenikaa hợp tác triển khai dự án “Nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên trong thời đại chuyển đổi số” do Hội đồng Anh tài trợ, VKU và ITI phối hợp tổ chức các khóa đào tạo về Thiết kế vi mạch bán dẫn cho giảng viên và sinh viên các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Đặc biệt, VKU đã khởi xướng, phối hợp ACIR tổ chức Hội nghị Sinh viên nghiên cứu và đổi mới sáng tạo các trường đại học Đông Nam Á và quốc tế (AWRIS 2024) lần đầu tiên. Ngoài ra, VKU cũng tích cực hợp tác với KMUTNB (Thái Lan) triển khai nhiều hoạt động trao đổi học thuật giữa giảng viên, sinh viên với nhiều chương trình hoạt động phong phú.
Với sự tham gia và đóng góp tích cực của các chuyên gia hàng đầu từ nhiều quốc gia và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, ACIR+ 2024 đã và đang tạo ra một diễn đàn ý nghĩa cho việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và sáng kiến mới.
Sự kiện khẳng định vai trò tiên phong của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng, trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt nêu cao tinh thần đoàn kết, kết nối và luôn sẵn lòng hợp tác của cộng đồng học thuật khu vực Đông Nam Á cùng quốc tế.
Các hoạt động hợp tác và kết nối học thuật, nghiên cứu khoa học giữa các thành viên ACIR và quốc tế đã và đang mang lại những kết quả tích cực, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho các trường đại học và sinh viên góp phần vào sự phát triển chung của giáo dục và nghiên cứu khoa học trong khu vực Đông Nam Á và lan tỏa xa hơn với những giá trị được đón nhận ở quy mô rộng hơn tầm châu lục./.
T.Ngọc