Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN: Phát triển con người là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch.

ĐNA -

Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ 2, tháng 12/1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Tầm nhìn đã hình dung về một cộng đồng ASEAN nhận thức rõ các mối quan hệ lịch sử, di sản văn hoá, gắn bó với nhau bởi bản sắc khu vực; gắn kết và đùm bọc nhau về mặt xã hội; trẻ em, vị thành niên, phụ nữ và người già được xã hội quan tâm; những người khuyết tật và bất lợi được quan tâm đặc biệt; quyền năng của xã hội dân sự được tăng cường; công bằng xã hội và nền pháp trị được đề cao; các vấn đề phúc lợi và nhân phẩm của con người được đề cao; một môi trường xanh và sạch được chú trọng…

Đại sứ, TS Thùy Dương

Với Tầm nhìn đó, các nước ASEAN đã nhất trí sẽ xây dựng Cộng đồng Văn hoá – Xã hội nhằm thúc đẩy hình thành ý thức về bản sắc khu vực, nhận thức về khu vực và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau trong nhân dân các nước ASEAN.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10, Vientiane, Lào, tháng 11/2004, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể và Kế hoạch hành động xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC), gồm có 6 đặc tố: Phát triển con người, Phúc lợi và bảo hiểm xã hội, Các quyền và bình đẳng xã hội, Đảm bảo môi trường bền vững, Tạo dựng bản sắc ASEAN và Thu hẹp khoảng cách phát triển.

Như vậy có thể thấy Cộng đồng ASEAN nói chung và ASCC nói riêng coi phát triển con người là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch. ASCC lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN, bằng cách tiến tới một bản sắc chung và xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

Cuộc họp trực tuyến liên ngành của các Quan chức cao cấp ASEAN thảo luận về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, ngày 20/7/2022. (Ảnh: Trung Hiếu)

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tháng 11/2015 ở Malaysia, cùng với Tuyên bố lịch sử hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tới 2025. Theo đó, ASCC trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tới 2025 đã làm rõ hơn nội dung Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, là Cộng đồng sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cụ thể, chạm tới mọi tầng lớp trong xã hội. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng và chi phí phù hợp với mình. Học sinh, sinh viên, kỹ sư hay doanh nhân có thể tìm thấy các cơ hội học tập, giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh. Quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các nhóm yếu thế sẽ luôn được quan tâm, thúc đẩy và bảo vệ. Lao động lành nghề trong 8 lĩnh vực đã có thỏa thuận công nhận lẫn nhau (kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch) có cơ hội trải nghiệm việc làm tại tất cả các nước trong ASEAN và có thể kỳ vọng trong tương lai rằng các thỏa thuận như vậy sẽ tiếp tục được hoàn thiện và mở rộng sang nhiều ngành nghề khác.

Năm 2020, khi giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thảo luận sớm về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Sáng kiến này đạt được sự đồng thuận cao. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí cho rằng, ASCC trong Tầm nhìn mới cần hướng tới người dân nhiều hơn, gắn kết người dân hơn, giúp cho người dân tích cực, chủ động và có trách nhiệm hơn, trong việc tham gia xây dựng một xã hội phục vụ tốt nhất cho chính người dân. Như vậy, để Cộng đồng ASEAN thực hiện được mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, thì ASCC phải góp phần thể hiện được 3 góc độ: Cộng đồng vì người dân, do người dân và của người dân.

Cộng đồng vì người dân là người dân trong Cộng đồng ASEAN sẽ được lợi nhiều hơn từ các hoạt động hợp tác ngày càng đa dạng và theo chiều sâu trong khuôn khổ ASCC. Việc giảm thiểu các nguy cơ gây xung đột và sự tăng cường hợp tác trong khuôn khổ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia sẽ góp phần giúp cho người dân có được cuộc sống an toàn hơn. Các quyền tự do cơ bản của người dân cũng cần được thúc đẩy và bảo vệ nhiều hơn. Hợp tác về quyền của người lao động di cư, quyền của phụ nữ, trẻ em được thúc đẩy, sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho nhóm đối tượng đặc thù này. Việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hướng tới hài hòa hóa các tiêu chuẩn và công nhận bằng cấp cũng như kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN sẽ tạo điều kiện cho người dân, nhất là lao động có tay nghề, tự do di chuyển và tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực.

Cộng đồng do người dân là cộng đồng trong đó người dân ngày càng gắn bó với nhau thông qua các cơ chế hợp tác, giao lưu văn hóa – nghệ thuật nhằm tăng cường hiểu biết về các nền văn hóa đa dạng trong khối ASEAN. Qua sự trao đổi thường xuyên những nét đặc sắc của từng nền văn hoá, giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại, người dân vừa có điều kiện mở rộng hiểu biết, vừa dần dần tạo dựng được ý thức là thành viên của một Cộng đồng ASEAN.

Cộng đồng của người dân là người dân thấy họ là một phần của cộng đồng, có trách nhiệm xây dựng cộng đồng đó. Tự bản thân người dân ASEAN sẽ dành sự quan tâm hơn nữa đối với ASEAN, ủng hộ các chính sách của chính phủ và đóng góp thiết thực nhằm hiện thực hóa Cộng đồng.

Như vậy, từ nay đến 2025 và xa hơn, để mỗi người dân trong các nước thành viên ASEAN thực sự thấy mình là CÔNG DÂN ASEAN, thì ASCC cần chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về ASEAN, ý thức của từng người dân về Cộng đồng, rằng chúng ta là thành viên của một cộng đồng các xã hội quan tâm lẫn nhau trên tất cả những khía cạnh trong cuộc sống. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cần tăng cường lắng nghe và tạo ra cơ chế phù hợp để những mong muốn thiết thực của công dân ASEAN được đáp ứng. Nếu ASEAN thực sự muốn thành lập một “ngôi nhà chung” cho công dân ASEAN, thì các nhà lãnh đạo cần hiểu tâm tư, nguyện vọng của mọi “thành viên trong gia đình”.
Đại sứ, TS Thùy Dương