Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Công nghệ thông tin và an sinh xã hội cho người cao tuổi trong đại dịch COVID-19: Một nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh

ĐNA -

Già hoá dân số đang thách thức hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi của các quốc gia. Khoa học và công nghệ phát triển cùng với chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng là “chìa khoá” tháo gỡ thách thức này ở Việt Nam, nhất là trong đại dịch COVID-19 nhưng chủ đề này vẫn chưa được nghiên cứu thoả đáng.

Cán bộ Hội Người cao tuổi tỉnh truy cập gmail để gửi văn bản cho các cấp hội và hội viên.

Tác giả khảo sát xã hội học 128 người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu: (1). Việc ứng dụng, trải nghiệm công nghệ thông tin (IT) để đảm bảo an sinh xã hội trong đại dịch, (2). Thái độ và quan điểm của họ về vấn đề này. Bài viết sử dụng công cụ SPSS, phiên bản 25.0 để phân tích mô tả, kiểm định Chi-square, T-test, ANOVA và phân tích nhân tố (EFA). Có 75% người cao tuổi tiếp cận thông tin về đại dịch qua báo mạng/ báo điện tử (EMF), 62,5% qua kênh truyền hình quốc gia, địa phương (TPF). Có mối tương quan về độ tuổi với cách tiếp cận thông tin về đại dịch qua EMF và TPF (p<0,05). Để vượt qua tâm lý tiêu cực, người cao tuổi có xu hướng tìm đến sự trợ giúp của IT. Tuy nhiên, họ cũng ít sử dụng phần mềm và công nghệ do chính quyền thiết kế, khuyến cáo sử dụng để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bản thân bởi 50% cho rằng “chưa quen cách sử dụng”. Kết quả còn cho thấy, người cao tuổi bày tỏ thái độ và niềm tin vào vai trò tích cực của IT đối với cuộc sống của họ trong và hậu đại dịch.

Giới thiệu
Dân số toàn cầu đang già đi nhanh chóng với tỉ lệ khoảng 2,6%/ năm [45]. Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 quy định người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên. Năm 2017, dân số Việt Nam bước vào giai đoạn già hoá và được dự báo sẽ trở thành nước có dân số già, “siêu già” vào những năm 30 của thế kỷ XXI [44, p.6]. Theo thống kê, năm 2020, Việt Nam có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Trong đó, người cao tuổi (từ 80 tuổi trở lên) chiếm 17% tổng số người cao tuổi [19]. Họ chủ yếu sống ở nông thôn (chiếm 64,4%); thuộc diện hộ nghèo, có thu nhập không đảm bảo. Tỉ lệ người cao tuổi mắc bệnh tật mãn tính; sống cô đơn trong các gia đình bị khuyết thế hệ hiện nay khá cao.

Dù Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hoá dân số nhưng vẫn còn là nước đang phát triển, mức thu nhập trung bình thấp. Điều này khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ “dân số già trước khi giàu” và đặt ra áp lực cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia trong việc duy trì cuộc sống chất lượng cho người cao tuổi.

Thuật ngữ “công nghệ thông tin” xuất hiện đầu tiên năm 1958 (Harold & Thomas) [13, p.11]. Trong bài viết này, IT được hiểu là toàn bộ phương tiện, thiết bị, công nghệ và công cụ mới, hiện đại hoạt động trên môi trường mạng (môi trường số) để cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin; liên lạc và giao tiếp thông qua hạ tầng thông tin như máy vi tính, laptop, máy tính bản, điện thoại thông minh, các loại phần mềm, nền tảng ứng dụng trực tuyến,…(Quốc hội, 2006; Longley & Shain, 1988) [38], [27, p.164]. Nhân loại đã và đang chứng kiến khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ (trong đó có công nghệ thông tin). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia gần đây ở Việt Nam cũng như nhiều nước trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, chính phủ số đang diễn ra mạnh mẽ (Hoang (3), 2021) [18]. Điều này được kỳ vọng là liệu pháp đột phá giúp giải quyết những khó khăn trong đảm bảo an sinh xã hội đối với người cao tuổi, xây dựng xã hội “già hoá thành công”, “già hoá tích cực” (Hoang (1), 2021) [16].

Nghiên cứu về việc ứng dụng IT để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi dù còn nhiếu ý kiến trái chiều nhưng ngày càng nhận được sự quan tâm của giới học thuật, đội ngũ quản lý, bản thân người cao tuổi và các chủ thể liên quan khác.

Sau khi thuật ngữ IT ra đời, từ những năm 80 của thế kỷ XX (Gilly & Zeithaml, 1985) [11, p.353-357], các nhà nghiên cứu công nghệ dành cho người cao tuổi đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong việc cải thiện cuộc sống của người cao tuổi. Công nghệ đã, đang và sẽ giúp cung cấp dịch vụ cho nhóm xã hội yếu thế này khi mà tuổi thọ và dân số già ngày càng tăng cao (Mostaghel, 2016) [30]. Quá trình đưa công nghệ vào cuộc sống hằng ngày như là giải pháp giúp giảm sự phụ thuộc và gia tăng sự độc lập cho người cao tuổi (Iwasaki, 2013) [20, p.73-78]. Từ đó, thị trường công nghệ dành cho người cao tuổi hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển vượt bậc bởi nhu cầu của họ và xã hội ngày càng tăng cao (Kohlbacher & Hang, 2011) [23, p.82-101]. Cùng quan điểm này, trong một số nghiên cứu của mình, Baeker và các cộng sự (2014) [23, p.82-101], Keranen và các cộng sự (2017) [22, p. 29] hay Pullum và Akyil (2017) [37, p.158-163] đều cho rằng, sử dụng IT và cung cấp thông tin có thể giúp người cao tuổi vượt qua được khó khăn trong cuộc sống hiện đại, giảm sự cô lập, sự cô đơn và có được một cuộc sống chất lượng hơn.

Các cơ quan quản lý cũng như các chủ thể có trách nhiệm khác cũng đồng tính với các kết quả nghiên cứu trên đây (Mostaghel, 2016) [30]. Chính phủ nhiều nước đã triển khai các dự án đưa công nghệ hỗ trợ cho cuộc sống của người cao tuổi nhằm từng bước thích ứng tốt hơn với già hoá dân số. Điển hình là các quốc gia như Anh, Thuỵ Điển, Bồ Đào Nha, Ireland (Magnusson & Hanson, 2003) [28], Nhật Bản (Iwasaki, 2013), Hoa Kỳ (Cooper & Cronin, 2000) [8], Italia (Lattanzio et al., 2014) [25],…

Trong đại dịch COVID-19, vai trò của IT đối với an sinh xã hội của người cao tuổi tiếp tục được thể hiện rõ nét trong nhiều nghiên cứu và ở góc độ thực tiễn. Sau 3 năm diễn ra, COVID-19 đã gây ra thảm hoạ sức khoẻ toàn cầu và người cao tuổi là đối tượng chịu tác động trầm trọng hơn cả (Kasar & Karaman, 2021) [24]. Số người cao tuổi (đặc biệt trên 80 tuổi) có nguy cơ tử vong nhiều hơn (WHO, 2020) [48]. Chiến lược ứng phó với đại dịch như giãn cách xã hội, phong toả nghiêm ngặt,… của các quốc gia khiến tương tác, giao tiếp xã hội, tiếp nhận sự hỗ trợ xã hội (Gerst-Emerson & Jayawardhana, 2015) [10], (Armitage & Nellums, 2020) [2]; các hoạt động tâm lý (Mukhtar, 2020) [31] cũng như hoà nhập xã hội (Adams et al., 2004) [1] của người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ở Việt Nam, đến nay có hơn 1 triệu ca nhiễm, 23.082 ca tử vong (Bộ Y tế, 2021) [5]. Làn sóng thứ 4 của COVID-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay với các biến chủng mới đã tác động phức tạp và nguy hiểm đến mọi mặt đời sống xã hội (Nguyễn Phú Trọng, 2021) [32], nhất là các nhóm yếu thế (The Lancet, 2020) [42], trong đó có người cao tuổi. Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng bậc nhất cả nước nhưng đang trở thành địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất với hơn 444 nghìn ca nhiễm, chiếm gần 1/2 số ca nhiễm toàn quốc và có 17.159 ca tử vong (Bộ Y tế, 2021) [5]. Đại dịch lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của khoảng 13 triệu dân, trong đó có hơn 841 nghìn người cao tuổi ở Thành phố; khiến chính quyền phải quyết định tái lập dãn cách toàn xã hội lần thứ 2 từ ngày 9/7/2021 đến hết ngày hết 30/9/2021. Đến nay, dù làn sóng thứ 4 đại dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đã được kiểm soát, bắt đầu cuộc sống “bình thường mới” nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm đang có chiều hướng gia tăng trở lại.

Để giải quyết trạng thái khủng hoảng nêu trên, IT hiện đại được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới giúp đảm bảo an sinh bền vững cho người cao tuổi trong tương lai và trước mắt là đại dịch, hậu đại dịch. Nhiều nghiên cứu cho rằng cần tận dụng nhiều hơn các cơ hội về công nghệ (Armitage & Nellums, 2020; Berg-Weger & Morley, 2020) [2], [4], hay việc sử dụng các phương thức liên lạc miễn phí như Facebook, Whatsapp, Telegram, Google, Twitter và Skype,… có lợi nhiều hơn cho người cao tuổi, nhất là duy trì hoạt động xã hội cần thiết trong đại dịch (Kasar & Karaman, 2021) [24, p.9-16]. Một số nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh những can thiệp về mặt y khoa hiện đại như Smith (2020) [15]; Yao và cộng sự (2020) [49]; Lima và cộng sự (2020) [26]; Daoust (2020) [9], dựa trên nền tảng kỹ thuật số (Girdhar et al., 2020) [12] để giúp người cao tuổi vượt qua khủng hoảng do COVID-19.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác thì có quan điểm ngược lại. Họ cho rằng, người cao tuổi không tin rằng việc sử dụng IT có thể giúp người cao tuổi cải thiện chất lượng cuộc sống (Skymne et al., 2012) [40, p.194-203]; người cao tuổi chưa thể hoà nhập với xã hội thông tin (Iwasaki, 2013) [20, p.73-78] hay người cao tuổi chưa được chuẩn bị đầy đủ hiểu biết, kỹ năng cần thiết để ứng dụng công nghệ trong đời sống của họ (Heart & Kalderon, 2013) [14],… Các quan điểm và kết quả nghiên cứu này tuy trái chiều nhưng có giá trị, làm phong phú cho các nghiên cứu về vai trò của IT trong đảm bảo an sinh xã hội đối với người cao tuổi. Đấy như là những giả thuyết cũng cần được kiểm chứng bằng các nghiên cứu ở quy mô, mức độ và phạm vi cũng như trong bối cảnh và điều kiện khác nhau và ít nhất trong bài viết này cũng sẽ trả lời phần nào cho các giả thuyết ấy.

Thông qua việc tìm hiểu và khảo nghiệm các nghiên cứu về ứng dụng IT trong đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bài viết này rút ra một số nhận xét:

Các nghiên cứu về ứng dụng IT đối với người cao tuổi còn tương đối ít, mới ở giai đoạn đầu (Nikou, 2015) [33, p.294-304] và ở Việt Nam vẫn còn khoảng trống rất lớn (Tổng cục Thống kê, 2021) [43, p. 36]. Sự hiểu biết cũng như sự quan tâm [46, p.30] của giới nghiên cứu, nhà quản lý, hoạt động thực tiễn về áp dụng công nghệ trong đời sống người cao tuổi chưa được nhận thức sâu sắc, đầy đủ (Melkas, 2011) [29].

Các nghiên cứu về chủ đề này chủ yếu tập trung vào phân tích, đánh giá các tác nhân ảnh hưởng đến khả năng sử dụng công nghệ của người cao tuổi, chi phí của các loại hình công nghệ hỗ trợ người cao tuổi (Mostaghel, 2016) [30]. Melkas (2011) [29] cho rằng, kỹ năng, kiến thức của người dùng công nghệ (trong đó có người cao tuổi) có vai trò quan trọng để họ quyết định tiếp cận và trải nghiệm nó. Cesta và cộng sự (2011) [7], Boström và cộng sự (2013) [6] và Mostaghe (2016)  [30] nhấn mạnh thêm, sự chấp thuận của người cao tuổi là yếu tố then chốt quyết định đến thành công của chính phủ, nhà cung cấp công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và những người đóng vai trò quan như gia đình, trung tâm chăm sóc, bảo trợ, viện dưỡng lão,… trọng khác trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thực trạng về thái độ, nhận thức, khả năng hoà nhập và trải nghiệm thực tế của người cao tuổi với các loại hình công nghệ thông tin hiện đại trong đời sống của họ vẫn chưa được đề một cách cập phổ biến.

Đặc biệt, những chiều cạnh xã hội quan trọng nhưng ít được quan tâm trong các nghiên cứu về chủ đề này. Ít nghiên cứu đề cập đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng công nghệ cần thiết trong đời sống của người cao tuổi (Armitage & Nellums, 2020) [2]; những bất lợi về mặt xã hội (Donovan & Blazer, 2020) [9] của người cao tuổi ở các nhóm xã hội thiệt thòi hơn (người cao tuổi bị suy giảm nhận thức, người cao tuổi ở nông thôn, người cao tuổi có điều kiện kinh tế khó khăn hơn, sức khoẻ yếu hơn và nhận thức suy giảm,… so với người cao tuổi ở nhóm khác) khi tiếp cận, sử dụng IT trong đời sống của họ; vai trò của các thiết chế cổ truyền như gia đình, thân tộc và người thân,… có nguy cơ bị suy giảm, xói mòn khi người cao tuổi ưa chuộng công nghệ hơn (Hoang (2), 2020) [17].

Từ những khoảng trống trong các nghiên cứu trước và mục đích của tác giả, bài viết tập trung phân tích, trả lời 2 câu hỏi nghiên cứu quan trọng: (1). Người cao tuổi đã trải nghiệm và sử dụng tính năng của các loại IT trong đại dịch ra sao? và (2). Người cao tuổi có thái độ, quan điểm như thế nào về vai trò của IT để đảm bảo an sinh xã hội cho họ trong đại dịch COVID-19?

Ở phần tiếp theo, bài viết sẽ đề cập đến phương pháp nghiên cứu, những kết quả và bàn luận chủ yếu nhằm trả lời 2 câu hỏi nghiên cứu đã được xây dựng ban đầu.

Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính, cụ thể:

Phương pháp nghiên cứu định lượng,
Quy mô và đặc điểm mẫu khảo sát: Kỹ thuật khảo sát bằng bản hỏi được thiết kế theo nghiên cứu cắt ngang. Có 128 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh được mời tham gia cuộc khảo sát này. Người cao tuổi được chọn ngẫu nhiên, có chủ đích dựa trên một số đặc điểm nhân khẩu phù hợp với tính chất và mục đích của cuộc nghiên cứu.

Sau khi xử lý dữ liệu, người cao tuổi ở độ tuổi từ 60 – 65 tuổi (50%), từ 66 – 70 tuổi (31,3%) và trên 70 tuổi (18,7%); cụ ông (56,2%) và cụ bà (43,8%); sống ở thành thị (50%) và ở nông thôn (50%). Hiện tại, họ chủ yếu sống chung với người thân trong thân tộc như vợ/ chồng, con cái, anh, chị, em, cháu (75,2%); sống riêng một mình (18,8%) và với bạn bè (6,3%). Học vấn của người cao tuổi được khảo sát ở bậc tiểu học và trung học (31,3%), trung cấp và cao đẳng (18,8%) và đại học, sau đại học (50%); người cao tuổi dù hết tuổi lao động theo luật định nhưng vẫn tiếp tục làm các công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau (56,2%), trong khi đó số người cao tuổi chọn nghỉ ngơi, không tiếp tục làm việc khi đã hết tuổi lao động (43,8%).

Công cụ thu thập dữ liệu: Bản hỏi có 16 câu hỏi, được chia thành 2 phần. Phần 1: Một số thông tin đặc điểm nhân khẩu học của người cao tuổi (06 câu hỏi). Phần thứ 2: Một số câu hỏi về nhận thức, quan điểm và thực trạng việc ứng dụng, trải nghiệm IT của người cao tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh trong đại dịch COVID-19 (10 câu hỏi). Các câu hỏi được thiết chủ yếu ở dạng câu hỏi mở, câu hỏi đóng, câu hỏi dạng thang đo Likert 3 mức độ.

Quá trình thu thập và phân tích dữ liệu: Dữ liệu được khảo sát trực tiếp trong 15 ngày, từ ngày 02/11/2021 đến 17/11/2021 ở các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc tiếp cận người cao tuổi để khảo sát được thực hiện bằng 2 cách. Cách thứ 1: Thông qua Hội Người cao tuổi các cấp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả trình bày mục đích nghiên cứu và đề xuất, yêu cầu cần được hỗ trợ trong thu thập dữ liệu. Tác giả được Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi giới thiệu gặp mặt nhiều người người cao tuổi là thành viên của tổ chức này để tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu. Cách thứ 2: Tác giả trực tiếp đi thực địa, trò chuyện và mời ngẫu nhiên người cao tuổi trả lời phiếu khảo sát. Người cao tuổi ở 2 cách tiếp cận này đều được thông tin đầy đủ về ý nghĩa của cuộc nghiên cứu, hướng dẫn cách thức trả lời bản hỏi theo đúng như suy nghĩ và thực tế trải nghiệm của họ. Mỗi người cao tuổi có từ 20 – 30 phút để suy nghĩ và hoàn thành 16 câu hỏi trong bản hỏi. Kết quả trả lời được cam kết bảo mật và chỉ phục vụ nghiên cứu khoa học.

Dữ liệu sau khi được thu về, tác giả tiến hành rà soát nhằm phát hiện phiếu không hợp lệ. Số phiếu hợp lệ là 128. Sau đó, tác giả mã hoá các biến trên bản hỏi, dựng khung nhập liệu, nhập liệu và xử lý dữ liệu trên phần mềm SPSS, phiên bản 25.0.

Về kỹ thuật phân tích dữ liệu định lượng: Ngoài kỹ thuật phân tích thống kê mô tả, bài viết dùng kiểm định Chi-square để kiểm tra giả thuyết về tương quan (mối liên hệ) giữa hai biến định tính với nhau. Kiểm định T-Test và ANOVA để kiểm tra giả thuyết khác biệt về giá trị trung bình giữa biến định lượng với giá trị trung bình của cách nhánh ở biến định tính. Các lại kiểm định này đều có ý nghĩa khi giá trị p-value nhỏ hơn 0,05.

Đối với câu hỏi dạng thang đo Likert, tác giả kiểm tra độ phù hợp, nhất quán của các nội dung thành phần (biến quan sát) đối với tập hợp biến bằng hệ số Crobach α và tiến hành kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá.

Dữ liệu thứ cấp: Bài viết sử dụng một số kết quả có liên quan đến chủ đề này từ bộ dữ liệu điều tra 6.050 người cao tuổi sống ở 654 xã/ phường của 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam do Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD) tiến hành năm 2018. Dữ liệu này được công bố chính thức trong cuốn sách: “Người cao tuổi và sức khoẻ Việt Nam” do Nhà xuất bản Lao động xuất bản vào tháng 02 năm 2021. Đây là nghiên cứu dọc đầu tiên về già hoá tại Việt Nam do PHAD tiến hành và được sự tài trợ của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Ngoài ra, bài viết còn sử dụng dữ liệu trong một số báo cáo chính thức cấp quốc gia về già hoá dân số của Tổng cục Thống kê Việt Nam và báo cáo tư vấn chính sách do một số tổ chức quốc tế thực hiện giai đoạn 2019 – 2021.

Một số kết quả chủ yếu
Ở phần này, tác giả tập trung trả lời 2 câu hỏi nghiên cứu đã được đặt ra ngay từ đầu thông qua các kỹ thuật phân tích dữ liệu định lượng từ 128 người cao tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ứng dụng và trải nghiệm IT của người cao tuổi trong đại dịch COVID-19
Cách thức tiếp cận thông tin về đại dịch COVID-19 của người cao tuổi

Theo Bảng 1, người cao tuổi tiếp cận thông tin hướng dẫn y tế, phòng, chống dịch bệnh và sự hỗ trợ cần thiết khác trong đại dịch bằng nhiều hình thức khác nhau, cả hai hình thức truyền thống và hình thức mới, hiện đại. Kết quả cho thấy, người cao tuổi tiếp nhận thông tin về đại dịch qua ứng dụng IT như báo mạng/ báo điện tử (75%), thông qua ứng dụng Zalo hoặc Facebook (56,3%) và qua đài truyền hình địa phương hoặc quốc gia (62,5%), người thân và bạn bè (62,5%).

Bảng 1. Hình thức tiếp cận thông tin của người cao tuổi trong đại dịch.

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả.

Phân tích mối tương quan giữa việc tiếp cận thông tin COVID-19 bằng hình thức “đài truyền hình địa phương hoặc quốc gia” (ký hiệu: TPF) và “báo mạng/ báo điện tử” (ký hiệu: EMF) của người cao tuổi theo độ tuổi, giới tính, nơi sống, kết quả là:

– Đội tuổi ở người cao tuổi có mối liên quan về mặt thống kê của việc sử dụng 2 hình thức TPF và EMF để tiếp cận thông tin trong đại dịch (p= 0,00). Càng lớn tuổi, người cao tuổi càng ít tiếp nhận thông tin về dịch bệnh cả hình thức TPM và rõ nét nhất là đối với hình thức hiện đại – EMF.

– Giới tính của người cao tuổi chỉ có mối tương quan về mặt thống kê đối với việc họ sử dụng hình thức EMF để tiếp cận thông tin về đại dịch (p= 0,014). Cụ ông dường như ít sử dụng hình thức EMF hơn so với cụ bà để tiếp cận thông tin về đại dịch COVID-19. So với cụ bà, cụ ông sử dụng hình thức truyền thống nhiều hơn như qua báo in, qua tổ trưởng tổ dân phố, thông báo được dán ở nơi ở,… để lấy thông tin. Trong khi đó, việc sử dụng hình thức TPM không cho thấy mối liên hệ nào với tuổi tác (p= 0,066).

– Người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn và thành thị không có mối liên quan nào về mặt thống kê đối với việc sử dụng hình thức TPF hay EMF để tiếp nhận thông tin về COVID-19 (p> 0,05).

Biểu đồ 1 cho biết tần suất và đánh giá chất lượng của người cao tuổi đối với của các hình thức tiếp cận thông tin được liệt kê ở Bảng 1. Kết quả là, có 86,7% người cao tuổi “thường xuyên sử dụng” sử dụng các hình thức tiếp cận thông tin này; tính kịp thời (60%), tính hữu ích (53,3%) hay tính thuận tiện, dễ dàng (60%).

Biều đồ 1. Đánh giá của người cao tuổi về tiếp cận thông tin trong COVID-19. (đơn vị tính: %)

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả.

Người cao tuổi vượt qua khủng hoảng tinh thần và vai trò của công nghệ thông tin trong đại dịch
Để phân tích trạng thái tinh thần của người cao tuổi trong đại dịch, ban đầu, bài viết xây dựng 12 biến thành phần trên thang đo Likert 3 mức độ (“1. Không xuất hiện”; “2. Lúc có, lúc không” và “3. Có xuất hiện”). Sau 2 lần kiểm định độ tin cậy, 8 biến thành phần ký hiệu từ P1 đến P8 (ở Bảng 2) là phù hợp, có thể đo lường và phản ánh tốt trạng thái tinh thần người cao tuổi (hệ số Crobach α = 0,874) [34], [35].

Bảng 2. Trạng thái tinh thần của người cao tuổi trong đại dịch.

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả. Ghi chú: Mean từ 1,00 đến 1,67: “Không xuất hiện”; Mean từ 1,68 đến 2,33: “Lúc có, lúc không xuất hiện” và Mean từ 2,34 đến 3,0: “Có xuất hiện”.

Bảng 2 cho thấy, trong đại dịch COVID-19, trạng thái tinh thần tích cực và tiêu cực đều xuất hiện, tồn tại trong đời sống của người cao tuổi. Tuy nhiên, tinh thần tích cực là chủ yếu, xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt là “P3. Lạc quan” và “P9. Hạnh phúc” (mean = 2,44); “P4. Hi vọng” và “P5. Vui vẻ” (mean = 2,38). Trong khi đó, trạng thái “P2. Lo lắng” (mean = 2,13) và “P6. Buồn bã” (mean = 2,00) có xuất hiện nhưng không thường xuyên trong đời sống của người cao tuổi.

Phân tích nhân tố khám phá 8 biến thành phần từ P1 đến P8, bài viết khái quát được 2 nhân tố điển hình, có thể đại diện, giải thích được 78,96% ý nghĩa của toàn bộ mô hình về trạng thái tâm lý người cao tuổi trong đại dịch này. Cụ thể: nhân tố 1 – “trạng thái lạc quan” (ký hiệu: AP) và nhân tố 2 – “trạng thái “buồn bã” (ký hiệu: BP). Như vậy, nhân tố AP và nhân tố BP chính là 2 nhân tố phản ánh trạng thái tâm lý chủ đạo nhất nhưng trái ngược nhau của người cao tuổi trong đại dịch này.

Bài viết kiểm định T-Test giữa AP và BP với các nhóm xã hội của người cao tuổi phân theo giới tính (cụ ông/ cụ bà), nơi sống (thành thị/ nông thôn) và kiểm định ANOVA của AP và BP với người cao tuổi ở 3 độ tuổi khác nhau (60 – 65 tuổi, 66 – 70 tuổi và 71+). Kết quả là, trạng thái lạc quan (AP) có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê giữa cụ ông và cụ bà (p= 0,00) nhưng lại không có sự khác biệt nào giữa người cao tuổi sống ở thành thị và nông thôn (p= 0,237). Trạng thái tâm lý buồn bã (BP) có sự khác biệt đáng kể ở người cao tuổi từ 60 – 65 tuổi và người cao tuổi ở nhóm 71+ (p= 0,00). Nhóm người cao tuổi có tuổi đời càng cao càng có tần suất xuất hiện trạng thái buồn bã nhiều hơn so với nhóm người cao tuổi ít tuổi hơn.

Bài viết phân tích tiếp những biện pháp được người cao tuổi lựa chọn áp dụng để vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực trong đại dịch (xem Bảng 3).

Bảng 3. Một số biện pháp giúp người cao tuổi vuợt qua tâm lý tiêu cực.

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả.

Để vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực như BP, người cao tuổi có 3 giải pháp để lựa chọn: (1). Tự mình tìm cách giải quyết như tự động viên, trấn an mình (86,7%); (2). Tìm đến sự trợ giúp của người thân như gọi điện thoại tâm sự (73,3%) và (3). Tìm kiếm sự trợ giúp thông qua các ứng dụng IT hiện đại, phổ biến hiện nay như đọc thông tin trên Internet (66,7%), giao lưu trên mạng xã hội (46,7%)…

Người cao tuổi ứng dụng IT để bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ trong đại dịch
Bảng 4 cho thấy, tỉ lệ khá thấp người cao tuổi tiếp cận và sử dụng các loại IT hiện đại do các cơ quan quản lý nhà nước thiết kế để phòng, chống đại dịch COVID-19. Nhiều ứng dụng được chính quyền khuyến khích hoặc bắt buộc công dân phải tải về và sử dụng khi tham gia các hoạt động công cộng, di chuyển trong thành phố như: “PC-Covid quốc gia” (31,3%), “thẻ xanh COVID-19 dạng điện tử” (25,0%), “sổ sức khoẻ điện tử” (18,8%), “Ứng dụng VN-eID” (6,3%),… nhưng có vẻ người cao tuổi ít sử dụng chúng.

Các kênh cung cấp thông tin chính thông trên môi trường Internet như “thông tin trên trang báo điện tử và hệ thống Zalo” (25,0%), “Cổng thông tin tin điện tử của Bộ Y tế về đại dịch COVID-19 (covid-19.gov.vn)” (18,8%), Chương trình Livestream trên Fanpage: “Dân hỏi – Thành phố trả lời” (6,3%),… cũng có ít người cao tuổi tương tác, tiếp cận và sử dụng.

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả.

Bảng 4. Tình trạng sử dụng IT để bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ trong đại dịch COVID-19.
Để lý giải một phần nguyên nhân của thực trạng này, bài viết khảo sát ý kiến của người cao tuổi về những khó khăn, trở ngại khi họ sử dụng, trải nghiệm các ứng dụng IT trực tuyến nêu trên. Nhiều lý do được người cao tuổi đưa ra là: “chưa quen với cách sử dụng” (50%), “ứng dụng trực tuyến chưa hoàn thiện, bị lỗi khi dùng” (43,8%), có xuất hiện “thông tin giả, xấu, độc, trái pháp luật” (43,8%) hay có “hành vi ứng xử thiếu văn hoá” (25%) và một số lý do khác có tỉ lệ thấp hơn.

Thái độ và quan điểm của người cao tuổi tại về vai trò của IT để đảm bảo an sinh xã hội trong đại dịch COVID-19
Thái độ và quan điểm có tinh dẫn dắt, chi phối hành vi của sử dụng IT của người cao tuổi như nhiều nghiên cứu đã đề cập. Kết quả khảo sát, 100% người cao tuổi được hỏi cho rằng, họ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các trang mạng xã hội hoặc ứng dụng kỹ thuật số hiện đại ngay cả khi đại dịch COVID-19 còn kéo dài hoặc hâu đại dịch, khi cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Biểu đồ 1. Quan điểm và nhận thức của người cao tuổi về vai trò của IT đại dịch COVID-19 (đơn vị tính: %).

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả.

Khảo sát quan điểm và thái độ của người cao tuổi về việc áp dụng IT hiện đại để đảm bảo an sinh xã hội của họ trong đại dịch, kết quả được mô tả ở Biểu đồ 2. Biểu đồ 2 cho thấy, có 100% người cao tuổi đồng ý rằng áp dụng IT trong đại dịch COVID-19 đã giúp họ có cuộc sống “thuận tiện hơn”, 73,3% ý kiến cho rằng “vui vẻ hơn” và 53,3% ý kiến “hài lòng hơn”. Các tác động ngược chiều của IT đối với cuộc sống người cao tuổi tuy có nhưng có tỉ lệ khá thấp, ví dụ như việc sử dụng công nghệ càng làm họ “nhớ về quá khứ, cuộc sống ngày xưa nhiều hơn” (13,3%), hay nó khiến họ “mất tự do hơn” (6,7%).

Như vậy, phần đa trong số 128 người cao tuổi được chọn khảo sát trong nghiên cứu này đã có nhận thức rất rõ ràng và khẳng định áp dụng IT có vai trò tích cực trong việc cải thiện đời sống thể chất, tinh thần và nhiều phương diện khác của họ trong đại dịch dù thực tế, họ đang có khá nhiều rào cản, khó khăn (yếu tố chủ quan lẫn khách quan) khi tiếp cận, sử dụng các loại công nghệ hiện đại này.

Những kết quả nghiên cứu và khám phá quan trọng ở phần này cũng cần được bàn luận và lý giải đa chiều, cụ thể hơn ở phần tiếp sau của bài viết.

Một vài bàn luận
Ở phần này, tác giả tập trung bàn luận một để làm sâu sắc thêm một số khám phá, kết quả quan trọng đã được nghiên cứu, cụ thể:

Hình thức tiếp cận thông tin trong đại dịch: Sự giao thoa đa dạng nhưng hợp lý giữa hình thức truyền thống và hiện đại
Kết quả khảo sát này là tương đối phù hợp với thực tế hiện nay. Quá trình chuyển đổi số với 3 trụ cột gồm chính phủ số (chính quyền số), kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam mới chính thức được khởi động từ năm 2020. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiêu biểu trong cả nước mới chỉ bắt đầu xây dựng đô thị thông minh, thành phố sáng tạo từ khoảng năm 2015 với nền tảng là công nghệ thông tin hiện đại nhưng hành trình này còn nhiều khó khăn do trình độ và nhận thức của xã hội.

Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển công nghệ thông tin và cũng là thị trường sử dụng công nghệ hàng đầu thế giới. Theo WeAreSocial & Hootsuite (2021) [47], Việt Nam hiện có 70,3% dân số sử dụng Internet (tương đương khoảng 68 triệu người) trong khi tỉ lệ này của thế giới chỉ 59,5%, khoảng 154 triệu thuê bao điện thoại di động, 72 triệu người dùng mạng xã hội, thời gian sử dụng Internet: 6 giờ 47 phút/ ngày, tivi và video trực tuyến: 2 giờ 40 phút/ ngày và mạng xã hội: 2 giờ 21 phút/ ngày,…

Tuy vậy, chỉ có  khoảng 6,4% dân số là người cao tuổi có thể dùng mạng xã hội và theo kết quả nghiên cứu mới đây của PHAD (2021) [36] chỉ khoảng 12,7% người cao tuổi có thể truy cập Internet đồng thời xu hướng người cao tuổi càng lớn tuổi họ càng ít sử dụng các loai công nghệ hiện đại để hoà nhập xã hội.

Tóm lại, việc 128 người cao tuổi lựa chọn cách tiếp cận dung hoà giữa các hình thức tiếp cận thông tin phòng chống COVID-19 bằng cả hình thức hiện đại và truyền thống là phù hợp với sự dịch chuyển bối cảnh chuyển đổi số của quốc gia, Thành phố; phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lý của bản thân người cao tuổi cũng như hiện trạng về nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin trong đời sống của họ. Kết quả này cũng cho thấy sự thích ứng xã hội linh hoạt với đại dịch của người cao tuổi Thành phố ở chiều cạnh sử dụng công nghệ; đồng thời, giúp chúng ta dự báo xu hướng khó chối bỏ việc tiếp cận và sử dụng IT phục vụ đời sống của người cao tuổi khi mà quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng như vai trò ngày của công nghệ trong đời sống hằng ngày và cả tình huống khủng hoảng ngày càng được thể hiện rõ ràng.

Địa bàn sinh sống ở thành thị hay nông thôn chưa phải là yếu tố quyết định đến việc tiếp cận thông tin COVID-19 bằng hình thức truyền thống hay hiện đại
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội và chính trị quan trọng, phát triển bậc nhất của Việt Nam. So với nhiều tỉnh, thành phố khác của cả nước, nơi đây có mức sống và điều kiện sống ở mức cao hơn hẳn.  Khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn ở địa phương này đang được rút ngắn, thu hẹp dần bằng nhiều chính sách của chính quyền. Hình thức tiếp cận thông tin truyền thống như thông qua tổ chức tự quản cơ sở, đài truyền hình, đài phát thanh, tivi, radio, loa phóng thanh, hay từ mạng lưới xã hội thân thuộc. Hình thức sử dụng công nghệ số hiện đại thông qua Internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy vi tính, truyền hình trực tuyến…

Vài năm gần đây, Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thông minh với nền tảng là chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông Internet, chương trình xây dựng nông thôn mới và sự cải thiện về trình độ dân trí của toàn dân khiến người cao tuổi ở khu vực nông thôn và thành thị (trong đó có người cao tuổi) có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận công bằng, bình đẳng hơn về thông tin, nhất là trong đại dịch COVID-19 dù ở hình thức truyền thống hay hiện đại với sự hỗ trợ của IT. Kết quả này tuy tương đối khác biệt nhưng lại là sự bổ sung cần thiết vào các nghiên cứu của Armitage & Nellums (2020) [2] hay Donovan & Blazer (2020) [9] khi bàn về bất bình đẳng và bất lợi về mặt xã hội khi người cao tuổi tiếp cận, sử dụng công nghệ trong đại dịch này.

Tuổi tác: Rào cản cố hữu khi người cao tuổi tiếp cận, sử dụng IT trong đại dịch
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi tác càng cao, người cao tuổi càng có xu hướng ít tiếp nhận thông tin từ xã hội và hiển nhiên, việc sử dụng công nghệ để tương tác xã hội cũng giảm sút. Điều này có vẻ phù hợp với kết quả nghiên cứu của Iwasaki (2013) [20, p.73-78] khi cho rằng người cao tuổi chưa thể hoà nhập với xã hội thông tin hiện đại. Nghiên cứu của PHAD (2021) [36, p.45] tiến hành từ năm 2018 và công bố chính thức năm 2021 cũng cho thấy rằng, trong số 6.050 người cao tuổi Việt Nam được khảo sát, khả năng truy cập, số giờ trung bình/ngày để truy cập Internet, mạng xã hội, điện thoại di động riêng, máy tính bảng riêng hay máy tính bảng,… đều giảm rõ rệt khi tuổi tác càng lớn. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ xuất phát từ sự suy giảm về mặt sinh học khiến cơ thể người cao tuổi “suy tàn” một cách rõ rệt (Simone De Beauvoir, 1973:29) [39], hay sự giảm sút theo độ tuổi về “khả năng cảm giác – nếm, nhìn, sờ, gừi và nhất là nghe…” (John J. Macionis, 20:423) [21] được công bố khá sớm ở nửa cuối thế kỷ XX.

IT: Công cụ mới giúp người cao tuổi dần vượt qua trạng thái tiêu cực trong đại dịch
Kết quả nghiên cứu của bài viết cho thấy, trong số 3 cách thức để giải toả trạng thái tâm lý tiêu cực, lựa chọn sự trợ giúp của IT đang dần có vai trò quan trọng đối với người cao tuổi. Kết quả này hoàn toàn phù hợp và là cung cấp bằng chứng bổ sung cho nhiều luận điểm để khẳng định vai trò ngày càng lớn của công nghệ thông tin, số hoá để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi cả trong đại dịch COVID-19 vốn được chứng minh trong nghiên cứu của Armitage & Nellums, (2020) [2], Berg-Weger & Morley (2020) [4], Kasar & Karaman (2021) [24],… hay ngay trong chính cuộc sống thường nhật của người cao tuổi vốn đã được tìm thấy trong các nghiên cứu của Keraaen và các cộng sự (2017) [22] hay Pullum & Akyil (2017) [37].

Nhiều khó khăn, rào cản để người cao tuổi tiếp cận và sử dụng IT trong đại dịch
Bài viết cho thấy, người cao tuổi có nhiều kháo khăn, rào cản để có thể tiếp cận và sử dụng IT nhằm theo dõi và bảo vệ sức khoẻ bản thân họ trong đại dịch. Một số lý do đã được nhắc đến trong phần kết quả nghiên cứu như: “chưa quen với cách sử dụng”, “ứng dụng trực tuyến chưa hoàn thiện, bị lỗi khi dùng”, có xuất hiện “thông tin giả, xấu, độc, trái pháp luật”, có “hành vi ứng xử thiếu văn hoá”,… Nghiên cứu của PHAD (2021) [36, p.145] đã được công bố cho thấy, có 53% không ai hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi sử dụng các loại IT khi họ gặp khó khăn trong sử dụng. Các nghiên cứu của Heart & Kalderon (2013) [14] cũng chỉ ra sự khó khăn do thiếu hụt hiểu biết, kỹ năng cần thiết của người cao tuổi để ứng dụng IT trong đời sống của người cao tuổi; hay sự thiếu hiểu biết cũng như sự quan tâm chưa tương xứng của giới nghiên cứu, nhà quản lý, hoạt động thực tiễn (Melkas, 2011; VNCA & UNFPA, 2019:30) [29], [46, p.30] đã khiến hành trình để người cao tuổi thích ứng tốt hơn với công nghệ và để công nghệ phục vụ trở lại cuộc sống của họ vẫn còn nhiều thử thách.

Vai trò của IT trong đảm bảo an sinh xã hội: Sự thừa nhận và khẳng định từ  ý kiến người cao tuổi
Đây là kết quả nghiên cứu quan trọng nhưng còn nhiều tranh cãi. Những người cao tuổi được mời tham gia cuộc khảo sát đều nhận thức rõ ràng và thừa nhận vai trò tích cực của IT trong việc cải thiện an sinh cho cá nhân họ trong đại dịch. Như tác giả giới thiệu ngay từ phần đầu bài viết, về vấn đề này hiện nay có hai khuynh hướng khá tương phản nhau.

Khuynh hướng bác bỏ kết quả này thể hiện trong quan điểm của Skymne và các cộng sự (2012) [40] khi cho rằng, người cao tuổi không tin công nghệ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Heart & Kalderon (2013) [14] thì cho rằng do chưa được chuẩn bị đầy đủ hiểu biết, kỹ năng nên khả năng ứng dụng IT trong đời sống của người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Khuynh hướng còn lại khẳng định vai trò của công nghệ và sự cần thiết của nó trong đời sống người cao tuổi.

Ở bài viết này, thông qua khảo sát 128 người cao tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đã chứng minh, người cao tuổi hoàn toàn có thái độ và sự ủng hộ tích cực đối với vai trò và tiện ích mà IT hiện đại mang lại trong đại dịch và có thể hậu đại dịch. Ở phần nghiên cứu về tiếp cận và trải nghiệm IT của người cao tuổi như việc tiếp nhận thông tin, vượt qua trạng thái khủng hoảng tinh thần và việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cá nhân, nghiên cứu cho thấy xu hướng tham gia tích cực, ngày càng chặt chẽ của người cao tuổi. Những khó khăn và rào cản về mặt sinh học, sự khác biệt về bối cảnh xã hội, năng lực, kỹ năng cá nhân,… tuy có tác động tiêu cực đến khả năng sử dụng IT nhưng điều đó không cho thấy thái độ xem nhẹ hoặc chối bỏ vai trò của công nghệ trong đời sống của người cao tuổi. Kết quả này là sự bổ sung hợp lý, cần thiết cho các khuynh hướng bác bỏ kết quả nghiên cứu của bài viết nay, đồng thời cũng là sự giải đáp một cách tương đối cho 2 câu hỏi nghiên cứu đã được đặt ra ngay từ đầu.

Kết luận
Già hoá dân số đã và đang trở thành hiện thực của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh như vậy, nghiên cứu cứu về ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi dù có tính cấp bách những vẫn còn nhiều khoảng trống lớn cả về học thuật và thực tiễn. Thông qua một cuộc điều tra xã hội học, bài viết đã phân tích việc ứng dụng và trải nghiệm IT của 128 người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đại dịch COVID-19. Ngoài ra, thái độ và quan điểm của người cao tuổi về vai trò của IT trong đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân họ trong đại dịch cũng là vấn đề bài viết quan tâm nghiên cứu.

Kết quả cho thấy, người cao tuổi được khảo sát từng bước làm quen và sử dụng các ứng dụng IT để tiếp nhận thông tin phòng, chống COVID-19, trợ giúp xã hội bên cạnh một số hình thức truyền thống. Ngoài ra, các ứng dụng IT như gọi điện thoại di động, sử dụng Internet hay mạng xã hội,… ngày càng được người cao tuổi sử dụng và kỳ vọng như một công cụ quan trọng hỗ trợ họ vượt qua các trạng thái tâm lý tiêu cực như buồn bã, lo lắng bên cạnh các biện pháp khác. Đặc biệt, người cao tuổi ít sử dụng các ứng dụng, phần mềm được nhà nước thiết kế và khuyến cáo hoặc được yêu cầu sử dụng như là cách thức để bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người dân và bản thân họ. Tuy nhiên, để lý giải thực trạng này cũng cần xem xét tổng hợp các nguyên nhân như từ bản thân người cao tuổi, các cơ quan quản lý, xây dựng phần mềm và bởi nguyên nhân khách quan khác. Nghiên cứu cho thấy, rào cản lớn nhất để người cao tuổi tiếp cận và sử dụng IT trong đại dịch do họ “chưa quen” sử dụng IT và bởi việc nghi ngờ tính tiện lợi, hữu dụng của các ứng dụng này. Nghiên cứu cũng cho thấy, người cao tuổi nhận thức rõ ràng về các tiện ích và vai trò tích cực mà IT mang lại cho cuộc sống của họ trong đại dịch. Từ đó, họ bày tỏ thái độ ủng hộ tích cực đối với việc ứng dụng và trải nghiệm IT nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong và hậu đại dịch.

Ở góc độ thực tiễn, bài viết mang nhiều hàm nghĩa cần thiết không chỉ đối với chính bản thân người cao tuổi mà còn đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ chăm sóc người cao tuổi và những chủ thể khác có liên quan. Nhà quản lý và hoạch định chính sách cũng cần cân nhắc điều chỉnh và ban hành chính sách mới để tận dụng hữu hiệu vai trò của công nghệ số trong giải quyết thách thức cho hệ thống an sinh xã hội dành cho người già vốn đang ngày càng căng thẳng ở Việt Nam như sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi được ban hành từ năm 2010, ban hành chính sách thích ứng xã hội dành cho người cao tuổi trong kỷ nguyên số hoá,… Hội Người cao tuổi các cấp, các tổ chức xã hội, câu lạc bộ Người cao tuổi, gia đình,… cần đồng hành trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện để người cao tuổi cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững thông qua tiếp cận và sử dụng IT. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy dự án phụng sự cộng đồng để hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, ứng dụng IT trong đời sống hằng ngày cho người cao tuổi thông qua khoá tập huấn, mô hình lớp học gần gũi, linh hoạt,… cũng là ý tưởng nghiên cứu cần được quan tâm triển khai.

Bài viết có thể còn một số hạn chế trong nghiên cứu như kỹ thuật điều tra, thu thập dữ liệu, quy mô và tính đại diện của mẫu cho đến cách lập luận và luận cứ đưa ra trong phần bàn luận. Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả nghiên cứu đã trả lời thoả đáng 2 câu hỏi nghiên cứu lớn; đồng thời, góp phần bổ sung vào khoảng trống nghiên cứu về chủ đề này ở Việt Nam và làm sáng tỏ hơn kết quả của nhiều nghiên cứu trước đó về ứng dụng IT nhằm đảm bảo an sinh cho người cao tuổi trong trạnh thái bình thường và tình huống khủng hoảng mà COVID-19 là một ví dụ điển hình./.

TS.Bùi Nghĩa và Th.s Nguyễn Hữu Hoàng

Tài liệu tham khảo
1.Adams KB et al (2004) Loneliness and depression in independent livingretirement communities: Risk  and  resilience  factors. Aging  Ment  Health 8:475-485. doi: 10.1080/13607860410001725054

2.Armitage R & Nellums LB (2020) COVID-19 and the consequences of isolating the elderly. Lan-cet Public Health 5(5):e256. doi: 10.1016/S2468-2667(20)30061-X
3.Baecker, R et al (2014) Technology to Reduce Social Isolation and Loneliness. ACM No. 978-1-4503-2720- 6/14/10
4.Berg-Weger M & Morley JE (2020) Editorial: loneliness and socialısolation in older adultsduring the COVID-19 Pandemic: implications for gerontological .Social Work. J NutrHealth Aging 24(5):456-458. doi: 10.1007/s12603-020-1366-8
5.Bộ Y tế (2021) Trang thông tin về dịch bện viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bộ Y tế. link: https://ncov.moh.gov.vn/, ngày truy cập: 14/11/2021
6.Boström, M et al (2013) Older persons have ambivalent feelings about the use of monitoring technologies. Information Technology and Disabilities 25(2), 117–125
7.Cesta, A et al (2011) Monitoring elderly people with the robocare domestic environment: Interaction synthesis and user evaluation. Computational Intelligence 27(1), 60-82
8.Cooper, J., & Cronin, J. J. (2000) Internal marketing: A competitive strategy for the longterm care industry. Journal of Business Research 48(3), 177-181
9.Daoust, J. F. (2020) Elderly people and responses to COVID-19 in 27 Countries. PloS one 15(7), e0235590. doi:10.1371/journal.pone.0235590
10.Gerst-Emerson K & Jayawardhana (2015) J. Loneliness as a public health issue: the impact ofloneliness on health care utilization among older adults. Am J Public Health 105(5):1013–1019. doi: 10.2105/AJPH.2014.302427
11.Gilly, M. C., & Zeithaml, V. A (1985) The elderly consumer and adoption of technologies. Journal of Consumer Research 12(3), 353-357
12.Girdhar, R et al (2020) Managing mental health issues among elderly during COVID-19 pandemic. J. Geriatr. Care Res 7(1), 32-35
13.Harold J. Leavitt & Thomas L. Whisler (1958) Management in the 1980’s, Harvard Business Review, pp 11
14.Heart, T., & Kalderon, E. (2013) Older adults: Are they ready to adopt health-related ICT? International Journal of Medical Informatics 82(11), e209–e231.
15.Henning-Smith, C (2020) The unique impact of COVID-19 on older adults in rural areas. Journal of Aging & Social Policy 32(4-5), 396-402. doi:10.1080/08959420.2020.1770036
16.Hoang (1), N. H (2021) Management of Vietnam’s Social Development in the Digital Social Context and Super Smart Society. VNU Journal of Science: Policy and Management Studies 37(3)
17.Hoang (2), N. H (2020) Formation and  Development  of  Policies  to  Facilitate  the  Improvement of Elderly Persons in Vietnam. Contemporary Problems of Social Work Vol. 6. No. 4  (24): 67-73. doi: 10.17922/2412-5466-2020-6-4-67-7
18.Hoang (3), N. H (2021) “Digital Society”,  “Super  Smart  Society”:  Some  Impacts  on  Management  and  Society  in  Vietnam. Contemporary  Problems  of  Social  Work Vol.  7.  No.  1  (25):  99-106.  doi: 10.17922/2412-5466-2021-7-1-99-106
19.Hội Người cao tuổi Việt Nam (2020) Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020. Hà Nội, pp 1
20.Iwasaki, N (2013) Usability of ICT applications for elderly people in disaster reduction. Journal of E-Governance 36(2), 73-78
21.John J. Macionis (1987) Xã hội học. Trần Nhật Tân dịch, Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành, 2004, pp 423
22.Keranen, N.S et al (2017) Use of Information and Communication Technologies among Older People with and without Frailty: A Population Based Survey. Journal of Medical Internet Research No. 19(2): 29
23.Kohlbacher, F., & Hang, C (2011) Applying the disruptive innovation framework to the silver market. Ageing International 36(1): 82-101
24.Kumar, C. S., George, S., & Augustine, A (2020) Treatment of late-life depression. J. Geriatr. Care Res 7(1): 9-16
25.Lattanzio, F et al (2014) Advanced technology care innovation for older people in Italy: Necessity and opportunity to promote health and wellbeing. Journal of the American Medical Directors Association 15(7): 457-466
26.Lima, C. K. T et al (2020) The emotional impact of Coronavirus 2019-nCoV (new Coronavirus disease). Psychiatry research 287: 112915. doi:10.1016/j.psychres.2020.112915
27.Longley, D., & Shain, M (1988) Dictionary of information technology. Macmillan International Higher Education, pp 164
28.Magnusson, L., & Hanson, E. J (2003) Ethical issues arising from a research, technology and development project to support frail older people and their family carers at home. Health & Social Care in the Community 11(5):431-439
29.Melkas, H (2011) Effective gerontechnology use in elderly care work: From potholes to innovation opportunities. The silver market phenomenon. Springer
30.Mostaghel, R (2016) Innovation and technology for the elderly: Systematic literature review. Journal of Business Research 69(11):4896-4900
31.Mukhtar S (2020) Psychological health during the coronavirus disease 2019 pandemicoutbreak. Int J Soc Psychiatry 66(5):512-516. doi: 10.1177/0020764020925835
32.Nguyễn Phú Trọng (2021) Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 khoá XIII. Đài Truyền hình Việt Nam. link: https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-3-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-2021070817531494.htm, ngày truy cập: 09/7/2021
33.Nikou, S. (2015) Mobile technology and forgotten consumers: The young-elderly. International Journal of Consumer Studies 39(4):294-304
34.Nunnaly, J (1978) Psychometric Theory. New York. McGraw-Hill
35.Peterson, R (1994) A Meta-Analysis of Cronbach’s Coefficient Alpha. Journal of Consumer Research No. 21 Vol.2:38-91
36.PHAD (2021) Người cao tuổi và sức khoẻ tại Việt Nam. Nhà xuất bản Lao động. Việt Nam
37.Pullum, E. & R.C. Akyil (2017) Loneliness and Social Isolation among Elderly People. Meandros Medical and Dental Journal No. 18:158-63
38.Quốc hội Việt Nam (2006). Luật Công nghệ thông tin.
39.Simone De Beauvoir (1973) Tuổi già (tập 1). Nguyễn Trọng Bình dịch, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. 1998, pp. 29
40.Skymne, C et al (2012) Getting used to assistive devices: Ambivalent experiences by frail elderly persons. Scandinavian Journal of Occupational Therapy 19(2):194-203
41.Talevi, D et al (2020) Mental health outcomes of the CoViD-19 pandemic. Rivista di psichiatria 55(3):137-144
42.The Lancet (2020) Redefining vulnerability in the era of COVID-19. The Lancet 395 (10230):1089. doi: 10. 1016/S2214-109X(20)30116-9
43.Tổng cục Thống kê Việt Nam (2021) Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Già hoá dân số và người cao tuổi ở Việt Nam. Nhà xuấ bản Thống kê, Hà Nội, pp 36
44.UNFPA (2011) Già hoà dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự bào và một số khuyến nghị chính sách, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam. Hà Nội, pp 6
45.United Nations (2009) World population ageing [online]. New York. Available:
http:// www.un.org/esa/population/publications/WPA2009/WPA2009_WorkingPaper.pdf
46.VNCA & UNFPA (2019) Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hoá dân số ở Việt Nam. Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, pp 30.
47.WeAreSocial & Hootsuite (2021) Digital 2021: Global Overview Report. DataReportal
48.WHO (2021) COVID-19 strategy up date.World Heal Organ.2020. [cited 04 January 2021]. Available from:https://www.who.int/publications-detail/covid. 19-strategy-update—14-april-2020)
49.Yao, H et al (2020) Rethinking online mental health services in China during the COVID-19 epidemic. Asian journal of psychiatry 50:102015. doi:10.1016/j.ajp.2020.102015.