Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

“Công nghệ xanh – Tương lai xanh” – xu thế kết nối, phát triển thị trường khoa học công nghệ của Đà Nẵng

ĐNA -

Chuỗi sự kiện kết nối phát triển thị trường khoa học và công nghệ (Đà Nẵng) 2023, chủ đề “Công nghệ xanh – Tương lai xanh” đã diễn ra trọn ngày hôm nay, 11/8/2023. Đây cũng là sự kiện có quy mô lớn nhất trong khởi nghiệp và kết nối phát triển thị trường khoa học và công nghệ (với 1 Triển lãm công nghệ và 2 phiên hội thảo khoa học), tại Tòa nhà Vietnam Innovation Hub – 179 Trần Hưng Đạo, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, kể từ khi tòa nhà này đi vào hoạt động (tháng 5/2023) đến nay.

“Công nghệ xanh – Tương lai xanh” – xu thế kết nối, phát triển thị trường khoa học công nghệ của Đà Nẵng

“Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng mong muốn hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng tạo ra những giá trị thực tế, những ứng dụng đáng giá và những sản phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng thông qua chuyển giao công nghệ và tri thức”, ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng. Ảnh trong bài: T.Ngọc.

Sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của đại diện các tổ chức/doanh nghiệp khoa học – công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp; các sở, ban, ngành; các hội/hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất (cơ khí, nông nghiệp, thủy sản, công nghệ thông tin) và các trường đại học, cao đẳng.

“Thị trường khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; cũng như, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ, cũng như, làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng thời gian qua đang ngày càng tăng cao.

“Phát triển thị trường khoa học công nghệ là giải pháp giúp chuyển hóa “tri thức công nghệ” thành “giá trị kinh tế”, tạo ra động lực tăng trưởng mới”, Thạc sỹ Nguyễn Viết Toàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, cùng các chuyên gia, nhà khoa học vẫn kiên trì tiến hành phân tích thực trạng nguồn cung – cầu công nghệ, các tổ chức trung gian phát triển thị trường khoa học công nghệ; xác định các hạn chế, nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục để phát triển mạnh mẽ thị trường này, tăng lượng giao dịch chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, hàng hóa hhoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển các tổ chức trung gian để tư vấn kết nối các bên cung, cầu về công nghệ.

Bởi Đà Nẵng đã và đang có tiềm năng lớn trong nghiên cứu phát triển, có nguồn cung chính cho thị trường khoa học công nghệ thành phố. Đó là 21 doanh nghiệp khoa học công nghệ (tiêu biểu) đã có nhiều kết quả khoa học công nghệ và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như, đã đạt các giải thưởng lớn về khoa học công nghệ”, Thạc sỹ Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng, cho biết.

Với mục tiêu kết nối cung-cầu công nghệ, triển lãm thu hút nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, các địa phương bạn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Cà Mau, Bình Thuận,…từ những startup tiềm năng đến các công ty công nghệ đã có thương hiệu bền vững.

Không chỉ có doanh nghiệp công nghệ thông tin, quen thuộc với các sản phẩm phần cứng, phần mềm hay giải pháp; triển lãm tạo cơ hội hợp tác đa ngành. Từ cơ khí, tự động hóa, năng lượng, đến sản xuất thủ công mỹ nghệ cùng nhiều lĩnh vực khác. Mục đích không gì khác hơn là phát triển thị trường khoa học công nghệ, giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu và khả năng đầu tư, chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh hợp tác, kết nối cung – cầu công nghệ, góp phần thúc đẩy khả năng ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực của đời sống và hoạt động kinh tế.

Đặc biệt thúc đẩy đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và hướng đến mở rộng kết nối giữa thành phố Đà Nẵng với các tỉnh/thành khác trong khu vực và cả nước.

“Sự kết nối và phát triển mạnh mẽ giữa các thành tố của thị trường khoa học công nghệ là vô cùng cần thiết cho phát triển kinh tế. trong thời gian đến.

Khách mời tham gia hội thảo

Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển thị trường khoa học công nghệ tại thành phố Đà Nẵng. Thực tế lâu nay, nhu cầu đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin là cao hơn hẳn so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, qua khảo sát, Trung tâm chúng tôi cũng nhìn nhận: Các lĩnh vực sản xuất khác (của Đà Nẵng), như cơ khí, tự động hóa, chế biến thủy sản, nông nghiệp… cũng có mong muốn rất lớn trong áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu suất sản xuất. Cũng chính vì vậy, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã quyết tâm đầu tư tổ chức sự kiện kết nối phát triển thị trường khoa học công nghệ 2023 với chủ đề “Công nghệ  xanh – Tương lai xanh”, cùng nhiều hoạt động khác”, Thạc sỹ Nguyễn Viết Toàn chia sẻ thêm.

Triển lãm hướng đến mở rộng kết nối giữa thành phố Đà Nẵng với các tỉnh/thành khác trong khu vực và cả nước, mở rộng thị trường cho nhiều sản phẩm (trong ảnh là hàng lưu niệm) ứng dụng công nghệ.

Hội thảo khoa học “Tiềm lực phát triển thị trường khoa học công nghệ – Cơ chế và giải pháp công nghệ mới hỗ trợ cho doanh nghiệp Đà Nẵng” với chủ đề “Công nghệ xanh – Tương lai xanh”, được ghi nhận là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các chuyên gia và người nghe, tạo nên tinh thần đồng thuận hướng tới tương lai bền vững. Muốn vậy, từ nhiều phía phải có chung tầm nhìn hòa hợp giữa công nghệ, tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Ban tổ chức đã chọn 6 tham luận trình bày tại phiên làm việc chung gồm “Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và một số tiềm lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng” của Thạc sỹ Nguyễn Viết Toàn – Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng; “Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng với hoạt động kết nối hợp tác phát triển thị trường khoa học và công nghệ” của  TS. Phạm Châu Huỳnh – Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học Đà Nẵng; “AhaFast – Hành trình xây dựng nền tảng công nghệ số kết hợp kinh tế xanh”, diễn giả: ông Nguyễn Tuấn Minh – Trưởng dự án Ahafast tại Đà Nẵng; “Kinh tế xanh: Cơ hội & Thách thức – Góc nhìn  từ một doanh nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng” – ông Trần Anh Đông, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp điều khiển và  tự động hoá CAS; Công nghệ sản xuất vải từ bẹ chuối và lá dứa – thực trạng và giải pháp xanh cho ngành dệt may”, người trình bày: TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa học Vật liệu, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh – Trưởng làng Công nghệ sinh thái (Ecotech), Techfest Việt Nam, đồng Trưởng làng Ecotech, Techfest Việt Nam; “Tín chỉ carbon – sự hiểu biết của doanh nghiệp và hành lang pháp lý”, của ThS. Lê Vũ Tiến, Phó giám đốc trung tâm dịch vụ và đổi mới công nghệ (Costi).

Tác giả Trần Anh Đông, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp điều khiển và  tự động hoá CAS, chia sẻ kinh nghiệm qua báo cáo “Kinh tế xanh: Cơ hội & Thách thức – Góc nhìn  từ một doanh nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng”.

Đây là những tham luận, nghiên cứu chuyên sâu về cách áp dụng công nghệ để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, với giải pháp đa dạng (sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên hiệu quả), đến xây dựng các hệ thống thông minh giám sát và quản lý môi trường.

Với chủ đề “Chuyển giao công nghệ – Chuyển giao tri thức”, hội thảo “Kết nối chuyển giao công nghệ nhập khẩu cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, tập trung chia sẻ các nội dung chính về chương trình hỗ trợ và cho vay; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng dụng công nghệ và góc nhìn từ chính các doanh nghiệp. Cung với phiên hội thảo, còn có hoạt động trưng bày giới thiệu một số ứng dụng, sản phẩm, mô hình công nghệ nhập khẩu (cần thiết và phù hợp với nền kinh tế) và khả năng chuyển giao theo nhu cầu giữa tổ chức (nhập khẩu) với doanh nghiệp (cần khai thác theo nhu cầu sản xuất).

Sau sự kiện này, trong khoản thời gian cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng dự kiến, tổ chức một đoàn công tác kết nối, đến các địa phương khác để quảng bá sản phẩm. Đối tượng chính tham gia hành trình thị trường này là doanh nghiệp Đà Nẵng có nhu cầu chuyển giao công nghệ, giải pháp cho tỉnh, thành phố bạn.

Tòa nhà Vietnam Innovation Hub – 179 Trần Hưng Đạo, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đi vào hoạt động từ tháng 5/2023. Đây sẽ là nơi diễn ra nhiều hoạt động về khởi nghiệp, về thị trường khoa học và công nghệ Đà Nẵng.

Công nghệ và giải pháp chuyển giao nêu trên, đã phản ảnh quá trình tổ chức/doanh nghiệp (hoạt động tại địa bàn Đà Nẵng) đã nghiên cứu và đưa ra công nghệ (hay giải pháp) phù hợp, đã có đơn vị sản xuất ứng dụng công nghệ vào hỗ trợ sản xuất và đạt hiệu quả khả quan.

“Thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng tiên tiến phục vụ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương. Hội thảo hôm nay không chỉ đơn thuần là một diễn đàn trao đổi thông tin, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng môi trường hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý. Chúng ta cùng nhau tạo ra cơ hội để những kiến thức từ nghiên cứu có thể được chia sẻ và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo môi trường, khuyến khích tổ chức, cơ quan nghiên cứu đổi mới, tạo ra các giải pháp mới và áp dụng chúng vào thực tiễn để giải quyết những thách thức đang đặt ra.

Sở Khoa học và Công nghệ chúng tôi mong muốn hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp , tạo ra những giá trị thực tế, những ứng dụng đáng giá và những sản phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng thông qua sự chuyển giao công nghệ và tri thức. Đó là sự gắn kết sâu sắc giữa kiến thức và thực tế, giữa nghiên cứu và ứng dụng, giữa cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng xã hội”, ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng nhấn mạnh.

T.Ngọc