Thứ ba, Tháng Một 14, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung



ĐNA -

Hôm nay, ngày 12/9/2023, Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng đã chính thức khai mạc. Đây cũng là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Đà Nẵng. “Là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam, Đà Nẵng đóng vai trò hạt nhân, quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 6 tháng đầu năm 2023, xét về cơ cấu ngành kinh tế của Đà Nẵng, nhóm ngành công nghiệp chiếm 14,2%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 12,2% trong GRDP toàn ngành kinh tế.

Nghi thức cắt băng khai mạc Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng 2023. Ảnh: T.Ngọc

Tổng Lãnh sự các quốc gia Hàn Quốc, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa nhân dân Lào, Liên bang Nga, Nhật Bản; Phó lãnh sự danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng và nhiều khách quốc tế; lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp, công ty thiết kế chế tạo, sản xuất công nghiệp lớn, .. đã có mặt tại hội chợ.

Thành phố Đà Nẵng với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Bộ Công Thương cho rằng, Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Hội chợ nhất định là một hoạt động kết nối có ý nghĩa, mang lại nhiều hiệu quả tích cực và rõ nét, nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo tính lan tỏa tới cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và toàn quốc”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Các đoàn ngoại giao tham dự phiên khai mạc hội chợ

Hội chợ triển lãm Công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 14/9/2023 với quy mô lớn (hơn 160 gian hàng của hơn 120 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước); hội chợ tạo môi trường kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, hợp tác, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp chế biến chế tạo sản phẩm với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài để tạo động lực kích thích phát triển, mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành trong cả nước.

“Hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ưu tú của Việt Nam đang hoạt động tại khu vực Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung có thể tham gia vào “chuỗi cung ứng doanh nghiệp toàn cầu”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhìn nhận.

Phó Lãnh sự danh dự Tây Ban Nha tại Đà Nẵng José Sánchez-Barroso González tham quan một gian triển lãm tại hội chợ. Ảnh: T.Ngọc.

Công nghiệp hỗ trợ – mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu
“Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo môi trường kết nối giao thương trực tiếp, thúc đẩy liên kết, hợp tác, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp chế biến chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh tại thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên với doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia”, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh thêm.

Lãnh đạo thành phố cũng khẳng định “xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, đã đưa sự hợp tác và phát triển của các quốc gia trên thế giới lên một cấp độ hoàn toàn mới.

Trên cơ sở các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về kinh tế thương mại, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách tham gia vào nền kinh tế thế giới thông qua mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trong đó sản xuất, cung ứng hàng hóa từ công nghiệp hỗ trợ là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tặng hoa tri ân các đơn vị tài trợ. Ảnh: T.Ngọc.

Trong những năm qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố.

“Ngày 30/10/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và UBND thành phố đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch Lê Trung Chinh cho biết.

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm, nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo bên lề được tổ chức. Đó là hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Đà Nẵng năm 2023; hội thảo giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp.

Nghi thức ký kết biên bản ghi nhớ “Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung”. Ảnh: Samsung Vietnam.

Đặc biệt, tại hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ tại tại thành phố Đà Nẵng năm 2023, diễn ra các hoạt động ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam về hợp tác triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung; biên bản ghi nhớ giữa Hội Cơ khí thành phố Đà Nẵng và Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường quan hệ, hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

“Tôi cho rằng buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương và thành phố Đà Nẵng ngày hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện việc cam kết mở rộng hỗ trợ dự án xây dựng nhà máy thông minh tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung” – ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ.

Được biết, từ năm 2022, các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ công ty mẹ của Samsung (trong mảng xây dựng nhà máy thông minh), được tuyển chọn, đã và đang tích cực chuyển giao công nghệ trong mảng nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp Việt Nam tại miền Bắc và miền Nam.

“Thêm vào đó, chúng tôi đang triển khai chương trình đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu, một lĩnh vực gốc rễ của ngành công nghiệp quốc gia”, ông Choi Joo Ho cho biết thêm.

Thiết bị hàn tự động được nhiều đại biểu quan tâm. Ảnh: T.Ngọc.

Năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP Việt Nam đạt khoảng 30%
Tại Việt Nam, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đã đang nhận được sự quan tâm đặc biệt và chú trọng phát triển của Đảng và Chính phủ. Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nêu rõ “công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Nghị quyết số 29/NQ-TW, ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), tiếp tục xác định “phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%.

Thiết bị hỗ trợ lái tàu do Công ty TNHH Thiết bị kỹ thuật Đà Nẵng chế tạo đã được lắp đặt (mỗi năm) hàng trăm sản phẩm trên các tàu đánh bắt xa bờ, thay vì phải nhập ngoại. Ảnh: T.Ngọc.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải “Một trong những giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu trên là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ”.

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các đại biểu, tham quan gian trưng bày sản phẩm tái chế, doanh nghiệp đã ngày càng ý thức cao hơn về kinh tế tuần hoàn. Ảnh: T.Ngọc.

T.Ngọc