Quảng Ngãi xác định kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, khai thác triệt để lợi thế thương mại nhằm tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị của sản phẩm.
Bức tranh nhiều màu sắc
Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là địa phương vừa có đồng bằng, miền núi, biển, hải đảo và đặc biệt là có hệ thống cảng biển nước sâ rất thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp. Chính vì những thuận lợi đó, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ngãi.
Nếu như giá trị sản xuất công nghiệp năm 1989 của Quảng Ngãi chỉ đạt 601 tỷ đồng, thì đến năm 2023 đạt hơn 134 nghìn tỷ đồng và kế hoạch năm 2024 ước đạt 136.569 tỷ đồng, tăng gấp gần 227 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,8%/năm.
Đặc biệt, từ năm 2009, khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt động đã tạo bước đột phá và giữ vai trò chủ lực ngành công nghiệp của tỉnh. Năm 2019, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất với công suất 44 triệu tấn sản phẩm/năm đi vào hoạt động; theo đó, giai đoạn 2019-2024, ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế đầu tàu của tỉnh Quảng Ngãi.
Những năm đầu tái lập tỉnh, nền kinh tế Quảng Ngãi chủ yếu là nông nghiệp, chỉ có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với 90% là hộ cá thể. Trong đó, chủ yếu sản xuất là các sản phẩm truyền thống, sản lượng nhỏ, giá trị thấp như đường, phân bón, gạch nung, nước mắm, nông cụ… Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, tiêu biểu như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy sản xuất thiết bị điện GE, các thiết bị điện tử… cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu tới hơn 30 nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm, các sản phẩm chế biến thủy sản, may mặc, tinh bột mì, dăm gỗ, vật liệu xây dựng, giày da, sợi bông,,… sản lượng ngày càng tăng, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Quảng Ngãi đã xây dựng thành công các Khu Công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Khu công nghiệp đô thị VSIP và 18 Cụm công nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, hình thành và phát triển thành công của Khu Kinh tế Dung Quất với định hướng là phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển.
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp đạt trên 45%
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg, Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước. Khi đó, tỉnh đạt thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Quảng Ngãi đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp đạt 8,25 – 9,25%/năm; tỷ trọng công nghiệp chiếm khoảng 36,5 – 37,5% trong tổng doanh thu toàn tỉnh. Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8,5-9,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp trong tổng doanh thu toàn tỉnh đạt trên 45%.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Quảng Ngãi xác định kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, khai thác triệt để lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị của sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân từ 7-7,5%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân từ 8,5-9%/năm.
Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp. Từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng vừa và cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp, triển khai thực hiện sắp xếp, phân bố không gian phát triển công nghiệp, đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất lợi thế của tỉnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, vùng động lực công nghiệp bao gồm huyện Bình Sơn – hạt nhân là Khu kinh tế Dung Quất và một phần huyện Trà Bồng, huyện Sơn Tịnh; các khu, cụm công nghiệp ngoài vùng động lực giữ vai trò vùng đệm, hỗ trợ cho vùng động lực về phát triển công nghiệp. Tăng cường tính liên kết với các tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và liên vùng để tạo lập không gian phát triển mới đối với các ngành công nghiệp và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.
Phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp theo lợi thế so sánh của tỉnh nhằm thúc đẩy hội nhập của doanh nghiệp Quảng Ngãi vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu có hiệu quả.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành. Hình thành và nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia.
Nguyễn Sơn