Thứ tư, Tháng mười 16, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Công tác cán bộ nữ của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2023  thực trạng và giải pháp

ĐNA -

Bình Dương là một là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với đặc thù là tỉnh phát triển công nghiệp, phụ nữ chiếm trên 50%, quá trình di cư đã thu hút nhiều phụ nữ ở các tỉnh đến sinh sống và làm việc. Sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ trong và ngoài nước đã đặt ra những thuận lợi và thách thức đan xen cùng những yêu cầu phát triển về trình độ, chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Chính vì vậy, xác định được những rào cản để đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao vị thế, vai trò và sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý của tỉnh Bình Dương 6/2024.

Số dân cơ học tăng cao cùng với sự phát triển nhanh chóng của đô thị hoá nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn phát triển ổn định và ngày càng xuất hiện nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới, tạo tiền đề cho phụ nữ có nhiều cơ hội tiếp cận với việc làm, học nghề, các chính sách vay vốn ưu đãi của nhà nước, của tỉnh để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn tồn tại khi tệ nạn xã hội, thất nghiệp của công nhân, thời tiết thất thường, dịch bệnh, an ninh xung đột giữa các nước trên thế giới …đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân nói chung và cán bộ phụ nữ nói riêng. Sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ trong và ngoài nước đã đặt ra những thuận lợi và thách thức đan xen cùng những yêu cầu phát triển về trình độ, chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Chính vì vậy, xác định được những rào cản để đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao vị thế, vai trò và sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về thực hiện bình đẳng giới
Chủ tịch Hồ Chí Minh việc giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu đấu tranh cơ bản của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, phụ nữ giữ một vai trò hết sức quan trọng trong gia đình cũng như trong xã hội, “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức, dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.  Do vậy chưa giải phóng phụ nữ thì nhiệm vụ cách mạng chưa thể gọi là thắng lợi.

Mặt khác theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc, quan niệm lạc hậu, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ bình đẳng và phát triển, thực hiện chống phân biệt đối xử với phụ nữ là cái gốc, là cơ sở để tạo cơ hội cho phụ nữ tiến bộ, đồng thời nó cũng trở thành vấn đề trung tâm của phát triển. Người còn nói, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy là một thiếu sót của Đảng. Nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo quản lý, theo Người là vì: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm lý xã hội trọng nam khinh nữ, coi thường phụ nữ đã tồn tại rất lâu rồi nên không thể một sớm một chiều có thể xóa bỏ được. Để thay đổi được điều này cần phải có sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức, nhiều người trong xã hội.

Trước hết vai trò của Đảng của Nhà nước, Người chĩ rõ cho các cấp ủy đảng và chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”  . Trong di chúc để lại cho Đảng, nhân dân và con cháu muôn đời sau, Người căn dặn, Đảng ta phải tiếp tục sự nghiệp giải phóng phụ nữ sau khi cuộc cách mạng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ tham gia vào công việc xã hội “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng ngoài vai trò của Đảng, của Nhà nước, bản thân người phụ nữ cũng phải tự giải phóng mình, chị em “phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập” .

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng đã trở thành lý tưởng cách mạng, vừa thể hiện ý thức chính trị, lòng nhân ái vừa thể hiện giá trị văn hóa, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của Người.

Ra mắt Ủy ban Kiểm tra Hội LHPN tỉnh Bình Dương khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026​. Ảnh Internet

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
Thấm nhuần tư tưởng về bình đẳng giới của Hồ Chủ Tịch, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới.

Ngay từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, quyền bình đẳng nam – nữ đã được đề cập tới như là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam “nam nữ bình quyền là 1 trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam”. Cương lĩnh cũng nêu rõ giải phóng phụ nữ phải gắn với giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.

Tiếp theo đó, trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 cũng thể hiện quyền bình đẳng giữa nam nữ tại Điều 9 : “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.

Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt, Đảng luôn chú trọng đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với lực lượng phụ nữ trong xã hội, có phẩm chất, trình độ và năng lực tham gia mọi lĩnh vực của đời sống.

Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 04-NQ/TW về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, Nghị quyết khẳng định: giải phóng phụ nữ, phát triển toàn diện phụ nữ là một trong những nhiệm vụ cách mạng, gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc và giai cấp. Mục tiêu là nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, tăng số lượng, chất lượng cán bộ nữ trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội. Nội dung này sau đó được cụ thể rõ hơn trong Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư TW Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, trong đó, Đảng ta xác định rõ: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý kinh tế – xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị của phụ nữ”. Phụ nữ tham gia quản lý nhà nước là một bảo đảm để các vấn đề về giới được phản ảnh trong quá trình ra nghị quyết, là sự khẳng định về năng lực, trí tuệ của phụ nữ.

Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp .

Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định quan điểm: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tiếp tục tinh thần của các Văn kiện đại hội trước, Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phuk nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội…” .

Đại hội XII tiếp tục hoàn thiện và bổ sung một số giải pháp nhằm lãnh đạo thực hiện bình đẳng giới, coi nhiệm vụ thực hiện bình đẳng giới là một nội dung quan trọng cần tích cực thực hiện. Đại hội xác định phương hướng thực hiện bình đẳng giới: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ”.  Để thực hiện mục tiêu và phương hướng đề ra, Đại hội yêu cầu thực hiện tốt ba nội dung cơ bản là: nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; xác định và thực hiện những yêu cầu cụ thể nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giới; thực hiện các biện pháp thúc đẩy, bảo đảm quyền của phụ nữ trong đời sống xã hội.

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta tiếp tục khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những nhiệm vụ được đặt ra để Đảng, Nhà nước giải quyết các vấn đề về công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.

Những quan điểm trên của Đảng ta đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai, quán triệt và lấy làm kim chỉ nam trong việc thực hiện công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Đó là những cơ sở pháp lý và lý luận vững chắc, tạo nền tảng cho việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị

Thực trạng công tác cán bộ nữ – hướng tới bình đẳng giới của tỉnh Bình Dương
Trong 05 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý của UBND tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW, công tác cán bộ nữ ngày càng được quan tâm. Cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí của phụ nữ và bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, đạt hiệu quả cao. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, kịp thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, các chương trình bồi dưỡng, các lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyên đề góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định; bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội từng bước được bảo đảm. Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn xã hội thường xuyên quan tâm, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác cán bộ nữ vẫn còn gặp những khó khăn, như: nhiều người dân trình độ nhận thức còn hạn chế, ít có thời gian tham gia, tiếp cận các hoạt động hướng đến sự bình đẳng; tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, dẫn đến sự chênh lệnh giới tính; một số phụ nữ trong các gia đình bị bạo lực vẫn mang nặng tâm lý cam chịu, chưa có sự hợp tác với cán bộ nữ ở ấp, khu phố để có biện pháp khi bị bạo hành… Song, với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho công tác cán bộ nữ ngày càng tốt hơn.

Một số thành tựu
Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí tiềm năng của phụ nữ về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới
Phát huy vai trò, hiệu quả công tác tham mưu cấp uỷ của Hội Liên hiệp phụ nữ trong công tác lãnh đạo quản lý, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW; Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo, định hướng các cấp hội phát huy vai trò nòng cốt trong công tác cán bộ nữ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng chương trình, kế hoạch gắn với đại hội Đảng bộ cùng cấp; thường xuyên đổi mới phương thức hoat động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đa dạng hoá hình thức tập hợp, hướng về cơ sở theo phương châm “nơi nào có phụ nữ, nói có có hoạt động Hội” nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ nữ.

Trong những năm qua Hội LHPN thường xuyên tham mưu cấp Uỷ ban nhân dân củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ trong triển khai, tuyên truyền, vận động tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Hội thực hiện các chương trình, kế hoạch về sự tiến bộ của phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động hội gắn với các chính sách chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình và trẻ em, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, bảo đảm sự hỗ trợ phụ nữ phát triển hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, xây dựng tổ chức hội phụ nữ vững mạnh hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, giới và bình đẳng giới. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp và các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới,  nêu gương điển hình tiên tiến, phụ nữ tài năng thời kỳ đổi mới…Trong 5 năm (2018-2023) đã có trên 95% cán bộ nữ chuyên trách cấp tỉnh, huyện và Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ công tác Hội, cơ bản đã đạt chuẩn chức danh theo quy định. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực với hơn 800 lượt cán bộ nữ là Trưởng, phó phòng Ban, nữ lãnh đạo quản lý cấp tỉnh. Với các nội dung như: Tập huấn cho nữ ứng cử viên ứng cử lần đầu; Nói chuyện chuyên đề  “Ý nghĩa của công tác bầu cử, vai trò Hội Liên hiệp phụ nữ trong công tác bầu cử Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Hội nghị trực tuyến công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp trong hệ thống Hội; tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên, đi trực tiếp từng chi, tổ, hội để cùng tham gia mạn đàm tiểu sử sau hiệp thương; Tổ chức lớp công tác đối ngoại cho trưởng Phó phòng, ban và các sở, ngành, đoàn thể; tập huấn cho công tác công chức được quy hoạch trưởng, phó phòng, ban cấp tỉnh về chương trình kế hoạch làm việc của cá nhân đơn vị và tổ chức kĩ năng giao tiếp trong quan hệ quản lý…Tọa đàm nâng cao hiệu quả truyền thông qua mạng xã hội trong hệ thống hội liên hiệp phụ nữ tỉnh 2022, Phối hợp với VPPT Bình Dương tổ chức truyền thông về chuyển đổi số cho cán bộ nữ;  Nói chuyện chuyên đề “vai trò phụ nữ trong bối cảnh hiện đại”. Như vậy, Hội đã tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí tiềm năng của phụ nữ về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới với nhiều hoạt động, nhiều chương trình mang lại những hiệu quả thiết thực.

Công tác xây dựng quy hoạch đội ngữ cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Trong giai đoạn 2018-2023, công tác cán bộ nữ được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp Ủy, Hội đồng nhân dân các cấp, cơ cấu, số lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ đảm bảo tỷ lệ quy định của Trung ương, của tỉnh. Hiện nay từ tỉnh đến 9/9 huyện, thị, thành phố đều có tổ công tác cán bộ nữ. Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. CLB nữ lãnh đạo quản lý (8/9 huyện, thị, thành phố). Ngoài ra Bình Dương có Hội nữ kháng chiến cấp tỉnh và Hội nữ kháng chiến tại 9 quận huyện thị thành phố hoạt động của các hội câu lạc bộ ban liên lạc đều có sự định hướng của Ban Thường vụ hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, có sự gắn kết chặt chẽ với Ban chuyên môn của Tỉnh hội,  tích cực tham gia các hoạt động trong công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại (2023) toàn tỉnh có 12.731 nữ/23.169 cán bộ, công chức, viên chức. Có 455 nữ lãnh đạo, quản lý 54/101 UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 53,46%. Cấp huyện; 5/9 cơ quan đạt tỷ lệ 55,6%; Cấp xã 49/91 cơ quan đạt tỷ lệ 53,85% .

Trước các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Hội LHPN các cấp, nhất là Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, mạn đàm tiểu sử và tập huấn nâng cao năng lực cho các nữ ứng cử viên. Kết quả, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV của tỉnh là 2 nữ/10 đại biểu. Nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 880 nữ/2250 người đạt tỷ lệ 33,82%; Cấp huyện 105 nữ/299 đại biểu. đạt tỷ lệ 35,12%; cấp cơ sở: 752 nữ/2383 đại biểu, đạt tỷ lệ 31,56%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp Uỷ Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là 502 nữ/1645 người, tỷ lệ 30,52% (trong đó cấp tỉnh: 10 nữ/46 người, đạt tỷ lệ 21,74%; cấp huyện 116 nữ/398 người đạt tỷ lệ 29.14%; Cấp cơ sở 376 nữ/1201 người, đạt tỷ lệ 31,31 %). Uỷ ban thường vụ cấp tỉnh có 2 nữ/15 người tỷ lệ 13,33%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp uỷ các cấp ngày càng tăng (tăng 1,84% so với nhiệm kỳ trước). Tỷ lệ phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp tăng 3,65% so với nhiệm kỳ trước, có 2 nữa trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Nhìn chung, so với các giai đoạn trước, giai đoạn 2018-2023, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có xu hướng tăng lên, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới trong chính trị. Tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển và hoàn thiện bản thân, nâng cao vị thế và vai trò trên tất cả mọi lĩnh vực.

Công tác xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới gắn với xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Việc triển khai thực hiện các phong thào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” nhiệm kỳ 2016-2021 và phong chào thi đua “phụ nữ Bình Dương có sức khỏe, có trí thức, sáng tạo, trách nhiệm” nhiệm kỳ 2021-2026 gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị được Hội LHPN các cấp triển khai có hiệu quả bằng nhiều hoạt động thiết thực, hình thức đa dạng. Thông qua các nội dung của phong thào thi đua đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ hiệu quả sau 5 năm thực hiện từ 2018-2023, các cấp hội đã xây dựng nhân rộng được 219 mô hình câu lạc bộ tổ, nhóm, phần việc “Làm theo lời Bác” tiêu biểu lan tỏa trong cộng đồng; 774 gương điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay được phát hiện, giới thiệu, tôn vinh đã khích lệ các tầng lớp phụ nữ tiếp tục phấn đấu hoàn thiện bản thân thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình; Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, tiếp tục chỉ đạo cấp huyện hướng dẫn cấp cơ sở xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ chưa đạt 8 tiêu chí, mỗi cơ sở Hội đăng ký với cấp uỷ, chính quyền thực hiện ít nhất một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình nghĩa tình.

Nhìn chung, công tác cán bộ nữ của tỉnh Bình Dương trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, công tác cán bộ nữ nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác tổ chức, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện chỉ thị số 21, trong tâm là thực hiện một số Nghị quyết, chương trình về phụ nữ. Qua đó, nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên đáng kể.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các ban ngành về triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ ngày càng chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác tham mưu kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho việc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ nữ tham gia Cấp uỷ, HĐND, lãnh đạo, quản lý các cấp được nâng lên so với trước. Hoạt động hội và phong trào phụ nữ đạt được nhiều kết quả khả quan, thiết thực, đóng góp nhiều vào thành tích chung của tỉnh nhà, vì thế tạo được niệm tin trong toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân. Nội dung phương thức hoạt động ngày càng đổi mới phù hợp với tình hình thực tế, thể hiện tốt vai trò đại diện chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ; bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả đã tạo điều kiện giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình ngày càng ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.

Trao tặng 100 triệu đồng từ Quỹ “Mái ấm Công đoàn” cho nữ công nhân Nguyễn Thị Thùy Nhân. Ảnh Internet

Một số khó khăn, thách thức
Mặc dù công tác cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, song nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị, nhất là đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp Uỷ. Bên cạnh những thành tích đã đạt được vẫn còn tồn những khó khăn thách thức đối với công tác cán bộ nữ:

Những khó khăn bất cập trong khung pháp lý, chính sách pháp luật về bình đẳng giới cũng như việc thực hiện các chính sách như:
Thứ nhất, hệ thống chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam chưa toàn diện, chưa cụ thể, gây khó khăn cho công tác phát triển cán bộ lãnh đạo nữ trong hệ thống chính trị. Hiện nay, chúng ta chưa có các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo các cơ quan của Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp. Chúng ta cũng chưa có quy định về tỷ lệ nữ giới trong một số khâu của quá trình cán bộ như khâu tuyển dụng, khâu luân chuyển cán bộ để đảm bảo đạt được tỷ lệ cán bộ nữ ở khâu bổ nhiệm. Hệ thống chỉ tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa mang tính toàn diện dẫn đến tình trạng khó giám sát việc thực hiện bình đẳng giới trong các khâu của quá trình cán bộ.

Thứ hai, quy định khác nhau về độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và nữ giới là quy định chưa đảm bảo tính công bằng. Hiện nay đang có sự khác biệt về độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ (60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam theo lộ trình), trong khi độ tuổi bắt đầu tham gia lao động không có sự phân biệt về giới (người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên). Độ tuổi nghỉ hưu liên quan chặt chẽ đến độ tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, từ đó, dẫn đến bất bình đẳng về cơ hội phát triển nghề nghiệp, khả năng tham chính giữa nam và nữ, trở thành rào cản đối với nữ giới, hạn chế các cơ hội tiếp cận với đào tạo và phát triển, các cơ hội thăng tiến, đề bạt đối với nữ giới ở những vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao.

Thứ ba, Về quy hoạch cán bộ, Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW năm 2022 của Ban Tổ chức Trung ương Hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ quy định khá bình đẳng giữa nam và nữ, tuy nhiên, có những điều khoản quy định còn mang tính chung chung, khó vận dụng. Như “Điều 9 – Về cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở cấp xã và tương đương, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương quy định cụ thể để thực hiện thống nhất cho phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị”. Nhưng quy định chưa định lượng cụ thể về chỉ tiêu sẽ rất khó thực hiện, vì nó phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm chính trị của các cấp uỷ đảng và những người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ ở địa phương, cơ quan/tổ chức.

Những khó khăn liên quan đến việc đảm bảo các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp địa phương
Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Khó khăn trong việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ
Một bộ phận cán bộ nữ hạn chế về năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp; khả năng vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tiễn công tác còn hạn chế; khả năng dự báo, thiếu kinh nghiệm xử lý một số vấn đề mới phát sinh trong thực tế; có lúc, có nơi chưa mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ nông thôn tham gia tổ chức tại các hiệp hội phụ nữ còn thấp.

Những khó khăn liên quan đến định kiến giới và vai trò truyền thống của nữ giới
Việc triển khai các nghị quyết, chính sách, đặc biệt là Chỉ thị số 21 ở một số địa phương còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững đã được quan tâm, song chưa được đầu tư nhiều về các nguồn lực để triển khai xây dựng các mô hình hiệu quả. Hội phụ nữ các cấp đôi lúc chưa mạnh dạn đề xuất với người đứng đầu cơ quan chức năng làm công tác cán bộ về nhân sự cán bộ nữ. Mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, CNH- HĐH đất nước đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội có liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mại dâm, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua.

Khó khăn về kiểm tra, giám sát quá trình thực thi các chính sách về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa quyết liệt, hiệu quả
Để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đưa vào đời sống thì khâu kiểm tra, giám sát quá trình thực thi là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang thiếu một công cụ giám sát thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị một cách hiệu quả. Hằng năm, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đều có công văn gửi các cơ quan trong hệ thống chính trị đề nghị các cơ quan báo cáo về tình hình và số liệu thực hiện bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý nói riêng. Tuy nhiên, các báo cáo này chủ yếu nhằm mục đích tổng kết số liệu để hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới mà Chính phủ cần báo cáo Quốc hội hàng năm. Các báo cáo của các cơ quan, bộ/ ngành và tỉnh/thành về vấn đề này chưa có tính chất giám sát mạnh mẽ. Các cơ quan nào không hoàn thành chỉ tiêu thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cũng chưa phải giải trình và đưa ra giải pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Chưa có một cơ quan nào bị thi hành kỷ luật khi không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm và chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Việc thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát quyết liệt đối với việc thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chưa đạt chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đã được các văn bản của Đảng chỉ ra: “Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác vận động phụ nữ, chưa chủ động nghiên cứu, dự báo và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới phụ nữ”

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ nữ – hướng tới bình đẳng giới tỉnh Bình Dương
Căn cứ vào những khó khăn, thách thức cũng như định hướng của việc thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nêu rõ “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp . Trong những năm tới để hướng tới bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là phụ nữ tham gia chính trị, cần đưa ra các giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới, xoá bỏ những quy định đang hạn chế sự tham gia, tiếp cận cơ hội và thụ hưởng các cơ hội làm lãnh đạo, quản lý đối với nữ giới trong hệ thống chính trị. Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi và hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan tới phụ nữ gia, đình và bình đẳng giới. Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Chăm lo xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện và xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng kiện toàn tổ chức bộ máy đổi mới nội dung phương thức hoạt động của tổ chức hội liên hiệp các cấp đảm bảo thực hiện vai trò nòng cốt của công tác cán bộ nữ. Cần tiếp tục quán triệt mục tiêu quan điểm nhiệm vụ về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức trách nhiệm của các cấp Ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, của cán bộ đảng viên và nhân dân

Thứ hai, bổ sung những hình thức hướng dẫn các phương pháp đạt tỷ lệ chỉ tiêu cán bộ lãnh đạo nữ trong các văn bản liên quan đến công tác cán bộ. Đồng thời thực hiện lồng ghép giới một cách nhất quán trong các khâu của công tác cán bộ bên cạnh việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và các chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ nữ. Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn kỹ năng thực hiện lồng ghép giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế của các bộ, ngành và địa phương, cán bộ tư pháp từ cấp tỉnh đến cấp xã. Cần tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa quyền bình đẳng nam – nữ. Các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cần được cụ thể hoá kịp thời, đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Cần quy định cụ thể nghiêm cấm quan điểm, tư tưởng, hành vi phân biệt, đối xử với phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.

Thứ ba, Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, phát huy trí tuệ, năng lực của phụ nữ, đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan: rà soát, cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đồng thời, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu, làm chủ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại điện tử… để hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công

Thứ tư, bổ sung và tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát cụ thể, các hình thức khen thưởng và kỷ luật vào các văn bản về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và công tác cán bộ. Thường xuyên chỉ đạo, theo dõi việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện bình đẳng giới nhằm kịp thời phát hiện, đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện, chỉ đạo công tác đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, xử phạt thích đáng những cá nhân, tập thể vi phạm trong quá trình thực hiện bình đẳng giới tại địa phương

Thứ năm, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ khách quan với các chỉ số đo lường cụ thể. Bộ tiêu chí này cần đảm bảo người lao động thực hiện đúng các trách nhiệm trong bản mô tả công việc của từng vị trí chức danh cụ thể. Các chỉ số đánh giá mang tính định lượng cao, có thể đo lường cụ thể do đó nâng cao hiệu quả của đánh giá thực hiện công việc.

Thứ sáu, cần tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa quyền bình đẳng nam – nữ. Các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cần được cụ thể hoá kịp thời, đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Cần quy định cụ thể nghiêm cấm quan điểm, tư tưởng, hành vi phân biệt, đối xử với phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương. Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác và phụ và bình đẳng giới để  nâng cao hiệu quả việc thực hiện lồng ghép bình đẳng giới

Như vậy, ta thấy rằng dù tỉnh Bình Dương là một tỉnh đang thời kỳ công nghiệp phát triển mạnh, dân nhập cư đông, có nhiều vấn đề xã hội đạt ra nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, của chính quyền các cấp, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ  trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả ghi nhận, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy được năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ, giúp họ có thể trực tiếp tham gia và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị gắn với xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

Ts.Trần Văn Huấn, Ths. Lê Thị Thuỳ Linh

Danh mục tài liệu tham khảo
Phạm Minh Anh, Vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2013.
Phạm Ngọc Anh (2003), Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và vận dụng nó ở nước ta trong điều kiện hiện nay, Đề tài khoa học cấp bộ, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Trần Thị Vân Anh, Nguyễn Hữu Minh (chủ biên), Bình đẳng giới ở Việt Nam: Phân tích số liệu điều tra, NXB Khoa học xã hội, H.2008.
Ban Luật pháp chính sách Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Công ty Tư vấn đầu tư y tế thực hiện (2007), Một số thuật ngữ về giới và bình đẳng giới, NXB Phụ nữ, Hà Nội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2016), Báo cáo số 32/BC-BLĐTBXH ngày 20/5/2016 về việc sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, Hà Nội.
Báo Nhân dân, thứ 7, ngày 4-3-2017.
Nguyễn Thị Báo (2003), “Quyền bình đẳng của phụ nữ trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình”, Tạp chí Lý luận chính trị.
Nguyễn Thị Báo (chủ biên) (2016), Bảo đảm quyền của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội.
Báo cáo số 457/BC-CP, ngày 9-10-2019, của Chính phủ.
Báo cáo kết quả điều tra thực trạng kinh tế – xã hội 53 dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc.