Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45

ĐNA -

Theo Bộ Ngoại giao, trong 2 ngày 21-22/8/2024, tại thủ đô Luang Prabang của Lào, đã diễn ra các cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS) dưới sự chủ trì của Lào, nước Chủ tịch ASEAN 2024. Trọng tâm của các cuộc họp lần này là trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ ngày 8-11/10/2024 tại Thủ đô Vientiane của Lào.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam dẫn đầu đã tham dự các cuộc họp.

Theo kế hoạch, chuỗi các hội nghị cấp cao sẽ gồm khoảng 20 hoạt động, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia của Lào, với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực. Đây là chuỗi các hội nghị cấp cao quan trọng nhất trong năm của ASEAN, là dịp để Lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác trao đổi và đưa ra các quyết sách chiến lược củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, cũng như thảo luận nhiều vấn đề quan tâm cả ở khu vực và toàn cầu. Dự kiến khoảng 80 văn kiện sẽ được các lãnh đạo thông qua hoặc ghi nhận. Các nước đánh giá cao công tác chuẩn bị và điều phối của Lào với khối lượng công việc rất lớn cả về tổ chức và nội dung, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với nước Chủ tịch bảo đảm các hội nghị diễn ra thành công, hiệu quả và thực chất.

Tại cuộc họp SOM ASEAN, Trưởng SOM các nước cũng đã dành thời gian trao đổi hợp tác nội khối, hoan nghênh nhiều sáng kiến của Lào mang ý nghĩa thiết thực như Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 3 với chủ đề “Tăng cường nền kinh tế chăm sóc và khả năng tự cường hướng tới Cộng đồng ASEAN sau năm 2025”, Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với chủ đề “Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc năm 2030”, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, gắn kết và lấy người dân làm trung tâm.

Rà soát tiến độ triển khai lộ trình Timor-Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, các nước ASEAN nhất trí cần tiếp tục hỗ trợ Timor-Leste nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chí đề ra trong lộ trình, đặc biệt là việc tham gia các văn kiện pháp lý của ASEAN. Các nước cũng tích cực trao đổi nhiều đề xuất nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho Timor-Leste trong quá trình chuẩn bị gia nhập ASEAN.

Các nước ASEAN đã cơ bản hoàn tất việc bàn giao và tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác Đối thoại trong 3 năm tới (8/2024- 7/2027); sơ bộ thông báo một số ưu tiên, nhất là khai thác tiềm năng hợp tác mới trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, trí tuệ nhân tạo, kết nối và tự cường chuỗi cung ứng, phòng chống tội phạm trên không gian mạng…

Tại các cuộc họp SOM ASEAN+3 và EAS, các nước trao đổi phương hướng triển khai kết quả của các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao tháng 7 vừa qua, nhất trí cần phát huy hiệu quả hơn nữa thế mạnh của các cơ chế này, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

Các nước ASEAN+3 nhất trí triển khai hiệu quả Chương trình công tác ASEAN+3 (2023-2027), tập trung vào nâng cao tự cường chuỗi cung ứng và kết nối khu vực, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đảm bảo ổn định tài chính, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các khuôn khổ hợp tác hiện có như Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiangmai, Giải pháp Tài chính hỗ trợ rủi ro thảm họa, Quỹ Dự trữ Gạo khẩn cấp ASEAN+3…

Các nước EAS đề cao giá trị của đối thoại, tham vấn và hợp tác, nâng cao khả năng thích ứng trước các biến động, nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động EAS (2024-2028) trên cả 16 lĩnh vực, trong đó có phát triển bền vững, hợp tác hàng hải, kết nối, an ninh lương thực…

Các đối tác khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ, hỗ trợ triển khai các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp tại một số điểm nóng ở khu vực và trên thế giới như Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, xung đột tại Ukraine, nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS)

Tại các cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã tích cực cùng các nước rà soát công tác chuẩn bị cho các hội nghị cấp cao sắp tới, khẳng định Việt Nam ủng hộ, hỗ trợ Lào hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, góp phần vào thành công chung của năm Chủ tịch ASEAN 2024.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cùng các nước thảo luận, chia sẻ nhiều ý kiến về tiến trình xây dựng Cộng đồng và quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đặc biệt các biện pháp, sáng kiến nhằm hiện thực hóa chủ đề thúc đẩy kết nối và tự cường ở khu vực. Thứ trưởng khẳng định Việt Nam ủng hộ Timor-Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tham gia ASEAN từ đầu những năm 1990. Thứ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần hỗ trợ, tạo điều kiện và đơn giản hóa hơn nữa các quy trình, thủ tục gia nhập ASEAN cho Timor-Leste.

Hoan nghênh các nỗ lực làm sâu sắc hơn hợp tác ASEAN+3 và EAS, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, hợp tác thực chất thúc đẩy kết nối và tự cường khu vực, tận dụng hiệu quả các xu hướng mới về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực, Thứ trưởng đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường nguyên tắc chung của ASEAN, trong đó có vấn đề Biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, khẳng định mong muốn của Việt Nam cùng các nước duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Hoàng Hạnh