Sau khi có kết quả trưng cầu dân ý ngày 17/3/2014, cơ quan lập pháp của Crimea đã ra tuyên bố độc lập, trong đó nêu: “Hội đồng tối cao của nước Cộng hòa tự trị Crimea tuyên bố Crimea là một quốc gia độc lập, có chủ quyền” với tên gọi “Cộng hòa Crimea” và thủ phủ là Sevastopol. Đồng thời, chính quyền Crimea nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký nghị quyết công nhận chủ quyền và độc lập của Cộng hòa Crimea theo nguyện vọng của người dân Crimea. Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea.
Một cấu trúc hành chính khu vực điển hình kiểu Nga đã được thiết lập tại Crimea kể từ khi bán đảo này được sáp nhập.Cờ Nga được treo trên các tòa nhà chính phủ ở Crimea. Đồng rúp thay thế đồng Hryvnia (Ukraine). Kinh tế Crimea hội nhập với kinh tế Nga, trong khi quân sự cũng được tăng cường.
Tiền đồn đầu tiên của sức mạnh quân sự Nga
Với vai trò chiến lược quan trọng của Crimea, Nga lập tức tăng cường sức mạnh quân sự cho bán đảo này ngay sau khi sáp nhập. Ngoài sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen tại căn cứ hải quân Sevastopol, Moscow còn tăng cường vũ khí và binh sĩ ở đây.
Theo kế hoạch chiến lược giai đoạn 2020-2025, Bộ Quốc phòng Nga dự tính triển khai tổng cộng 43.000 binh sĩ tới Crimea. Con số này gấp 3 lần con số trước thời điểm sáp nhập năm 2014. Nga còn tiếp tục nâng cấp và triển khai các khí tài quân sự mới tại bán đảo này. Toàn bộ các sân bay, con đường chiến lược quân sự, và tàu thuyền đều đã và đang trong quá trình tái thiết toàn diện.
Một số cuộc tập trận của Nga ở Biển Đen vào tháng 8/2016 cho thấy nếu căng thẳng leo thang, Crimea có thể sẽ là tiền đồn đầu tiên của sức mạnh quân sự Nga. Moscow có kế hoạch triển khai trung đoàn máy bay ném bom tầm xa với phạm vi hoạt động trải rộng khắp Tây Âu. Nga còn củng cố lực lượng của hạm đội Biển Đen ở Sevastopol bằng cách bổ sung một số tàu tên lửa, tàu ngầm và tàu khu trục mới.
Không quân Nga cũng được mở rộng và phát triển. Các sân bay quân sự mới được mở trên khắp Crimea. Nhiều máy bay chiến đấu mới được triển khai. Không phận Crimea còn được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa đất đối không S-400. Sau khi sáp nhập, Nga có thể triển khai các đơn vị xe tăng và lực lượng mặt đất tới Crimea.
Ngoài ra, nhiều quân nhân Ukraine ở Crimea quyết định gia nhập lực lượng vũ trang Nga. Như vậy, Moscow không chỉ có sự phục vụ của các chuyên gia được đào tạo bài bản mà còn sở hữu cả các căn cứ quân sự ở Crimea.
Tất cả những điều này giúp củng cố đáng kể sự hiện diện quân sự của Nga ở khu vực Biển Đen và biến Crimea thành “Tiền đồn đầu tiên của sức mạnh quân sự Nga” của Moscow. Minh chứng rõ ràng là khi thực hiện chiến dịch không kích ở Syria, Nga đã sử dụng Crimea làm trung tâm chính cho các hoạt động quân sự.
The Cuong