Ngày 05/07/2025, kênh truyền hình RT DE (phiên bản tiếng Đức của Nga) đăng tải bài viết với tiêu đề “Trung Quốc rút ngắn hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc một ngày ‒ Căng thẳng gia tăng”. Bài viết phản ánh những dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, đặc biệt sau chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới Brussels và Berlin. Đáng chú ý, Bắc Kinh đã quyết định rút ngắn một ngày trong chương trình hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Sau chuyến công du châu Âu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Trung Quốc được cho là đang xem xét rút ngắn một ngày trong chương trình hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7, theo thông tin từ Bloomberg. Trong tuần qua, ông Vương đã có các cuộc gặp tại Brussels, Berlin và Paris, làm rõ những căng thẳng âm ỉ trong quan hệ Trung Quốc – EU.
Tại Brussels, trong các cuộc hội đàm với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Kaja Kallas và Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul, bất đồng sâu sắc đã lộ rõ. Giới chức châu Âu thể hiện lập trường cứng rắn, cho rằng EU có đủ vị thế để gây sức ép lên Bắc Kinh trong các vấn đề chiến lược.
Bắc Kinh không mong muốn Nga thất bại trong Chiến dịch Quân sự đặc biệt
Một trong những chủ đề gây tranh cãi là vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột Ukraine. Dù phủ nhận cáo buộc hỗ trợ Nga, ông Vương Nghị được cho là đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh không mong muốn một thất bại của Moskva trong cuộc chiến này, một tuyên bố được đánh giá là đáng chú ý trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Trong cuộc gặp tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul đã yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm, nguồn nguyên liệu chiến lược quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp châu Âu. Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lập luận rằng việc kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu thô có liên quan đến sản xuất vũ khí là “thông lệ chung trên thế giới”, và được áp dụng “vì lợi ích của hòa bình và ổn định toàn cầu”.
Đáng chú ý, ông Vương đã phản bác bằng chính những lý lẽ mà phía Đức từng sử dụng để biện minh cho việc gây sức ép ngăn Trung Quốc cung cấp các sản phẩm có khả năng sử dụng kép cho Nga. Sự đối chiếu này cho thấy một thông điệp gián tiếp nhưng rõ ràng: Trung Quốc đang xem ai là bên thúc đẩy leo thang trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Bắc Kinh tiếp tục duy trì lập trường ủng hộ giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine, trong khi theo đánh giá từ phía Trung Quốc, các sáng kiến hòa bình cụ thể từ phía EU và Đức hiện vẫn chưa được đưa ra.
Trung Quốc rút ngắn hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc một ngày ‒ Căng thẳng gia tăng
Hội nghị thượng đỉnh EU–Trung Quốc ban đầu được lên lịch diễn ra trong hai ngày 24 và 25 tháng 7. Theo kế hoạch, ngày 24 sẽ diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh kinh tế, dự kiến tổ chức vào ngày 25/7 tại thành phố Hợp Phì, miền đông Trung Quốc đã bất ngờ bị hủy bỏ. Động thái này làm dấy lên thêm lo ngại về mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Brussels, trong bối cảnh hai bên vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc về thương mại, an ninh và chính sách đối ngoại.
Kể từ khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu áp dụng các biện pháp thuế quan trừng phạt trong nhiệm kỳ của mình, quan hệ giữa EU và Trung Quốc từng ghi nhận một giai đoạn ngắn xoa dịu. Cả hai bên khi đó cùng đối mặt với áp lực gia tăng từ Washington, tạo ra một khoảng trống hợp tác chiến lược tạm thời.
Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã một lần nữa làm gia tăng căng thẳng khi thẳng thắn chỉ trích Bắc Kinh. Bà tuyên bố Trung Quốc – chứ không phải chính sách thuế quan của ông Trump – mới là “vấn đề lớn” mà EU phải đối mặt.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, các dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ kinh tế EU–Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn. Tháng trước, một cuộc đối thoại thương mại cấp cao và diễn đàn hợp tác kỹ thuật số song phương đã bị hủy bỏ. Phía EU chủ động rút lui khỏi đối thoại thương mại, viện dẫn lý do không đạt được bất kỳ tiến triển thực chất nào trong các vấn đề tồn đọng, đặc biệt là tiếp cận thị trường và cạnh tranh công bằng.
Căng thẳng gia tăng cũng gắn liền với các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm mà Trung Quốc áp đặt. Hệ quả là nhiều chuỗi cung ứng công nghiệp then chốt tại Đức – nền kinh tế đầu tàu của EU – đã ghi nhận sự gián đoạn rõ rệt trong hoạt động sản xuất, gây lo ngại sâu sắc trong giới doanh nghiệp và hoạch định chính sách châu Âu.
Diễn biến gần đây cho thấy quan hệ EU–Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn đầy thách thức, với sự kết hợp của căng thẳng ngoại giao, bất đồng thương mại và mâu thuẫn trong quan điểm chiến lược. Việc Bắc Kinh hủy bỏ một phần chương trình hội nghị thượng đỉnh, cùng với những gián đoạn trong hợp tác kinh tế, là tín hiệu rõ ràng cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa hai bên. Trong khi EU thể hiện lập trường cứng rắn hơn, Trung Quốc cũng đang chủ động điều chỉnh cách tiếp cận, vừa phản ứng, vừa định hình lại vị thế của mình trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, dù đã bị rút ngắn vẫn là phép thử quan trọng cho khả năng kiểm soát bất đồng và giữ vững đối thoại chiến lược giữa hai đối tác kinh tế lớn hàng đầu thế giới.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://dert.site/international/249906-china-kuerzt-eu-china-gipfel/