Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

  Cung An Định, một kiệt tác kiến trúc Đông Dương ở Huế

ĐNA -

(Huế). Đúng 105 năm trước, bên bờ sông An Cựu “nắng đục mưa trong” xuât hiện một lâu đài đồ sộ, lộng lẫy, được xây dựng theo lối tân kỳ thu hút sự quan tâm trầm trồ của dư luận đất Thần kinh. Lâu đài đó là cung An Định, biệt cung riêng của hoàng đế Khải Định. Sự xuất hiện của cung An Định ở bờ Nam sông Hương là một dấu ấn đặc biệt của dòng kiến trúc Tân- cổ điển (hay kiến trúc Đông Dương, kiến trúc Thuộc địa) tại kinh đô Huế, đánh dấu sự giao thoa, kết hợp giữa hai nền văn minh Đông- Tây ngay trong kiến trúc cung đình Việt Nam.

Cổng chính cung An Định

Cung An Định, một kiệt tác kiến trúc Đông Dương ở Huế
Cung An Định vốn được xây dựng cải tạo trên nền cũ mở rộng của phủ An Định- ngôi phủ được triều đình ban cho hoàng tử Nguyễn Phước Bửu Đảo từ năm 1902. Triều Nguyễn có lệ, khi các hoàng tử, công chúa lấy vợ, lấy chồng thì ban cho phủ đệ riêng, bởi vậy, thịnh thời tại kinh đô Huế có hàng trăm phủ đệ lớn nhỏ. Phủ An Định xưa có quy mô không lớn lắm, được xây dựng theo phong cách truyền thống Huế với nhà rường, bình phong non bộ, vườn cây… Năm 1916, hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định, và năm sau, để lưu lại kỷ niệm về nơi tiềm để của mình, nhà vua đã bỏ tiền riêng mua thêm đất, mở rộng diện tích đến hơn 23.400m2 và xây cung An Định theo phong cách kiến trúc mới. Sau 2 năm kỳ công xây cất, một tòa cung điện đồ sộ nguy nga đã hoàn thành.

Tổng thể và mặt trước cung An Định

Cung An Định tọa lạc ở bờ bắc sông An Cựu, nhìn mặt về phía nam. Bên phải là phủ thờ Kiên Thái Vương, người sinh ra 3 vị vua của triều Nguyễn (Hàm Nghi, Kiến Phúc và Đồng Khánh), tức là ông nội của vua Khải Định. Bên trái là Ngoại từ đường. Từ ngoài vào trong, các công trình kiến trúc của cung An Định được bố rí theo một trục dọc, gồm cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài cùng các công trình phối thuộc, công trình phụ… Tất cả đều xây bằng bê tông sắt thép, gạch hoa mới nhưng vẫn sử dụng nhiều họa tiết trang trí truyền thống đặc trưng kiểu Huế như long, lân, quy, phụng, bát tiên, tứ quý… Đặc biệt, cung An Định vẫn sử dụng một số lượng lớn mảnh sành sứ để trang trí ở cổng chính, đình Trung Lập, nhà hát Cửu Tư Đài, một phong cách trang trí rất đặc trưng của hoàng đế Khải Định, người được mệnh danh là “ông vua mảnh sành”.

Cổng chính của cung nằm ở chính giữa mặt nam, kiến trúc kiểu cổng vòm, trên có vọng lâu, thân và mái cổng được trang trí nhiều họa tiết và câu đối chữ Hán, ghép bằng sành sứ màu, tạo thành một điểm nhấn rất thu hút.

Nội thất sảnh chính Khải Tường Lâu

Đình Trung Lập nằm ngay sau cổng chính, là một ngôi đình bát giác xinh xắn đặt trên nền đài cao hai tầng. Mái đình làm kiểu chồng diêm, chia thành hai lớp, lớp dưới 8 cạnh, lớp trên 4 cạnh, các bờ quyết đắp nổi, trang trí 12 con rồng như bay về 4 phương 8 hướng của vũ trụ. Trong lòng đình đặt bức tượng đồng khắc họa chân dung vua Khải Định mặc võ phục. Đây là bức tượng do một người thợ Quảng Nam đúc theo mẫu tỉ lệ 1/1, tượng đúc tại Huế và làm lễ khánh thành vào tháng 7 năm 1924, trước lễ Tứ Tuần Đại Khánh (sinh nhật lần thứ 40) của nhà vua.

Khác hẳn hai công trình phía trước, lầu Khải Tường là một công trình đồ sộ với dáng vẻ một lâu đài châu Âu thời trung cổ. Tòa lầu chiếm diện tích nên 745m2, gồm 3 tầng, 22 phòng, trong đó tầng 1 gồm 7 phòng, chủ yếu để tiếp khách; tầng 2 có 8 phòng, dùng để ở; tầng 3 gồm 7 phòng, chủ yếu dùng thờ phụng. Gíá trị nổi bật của lầu Khải Tường là nghệ thuật trang trí vẽ trực tiếp lên tường ở trong nội thất và nghệ thuật đắp nổi các phù điêu ở ngoại thất. Đáng chú ý là ở sảnh chính tầng 1 có 6 bức tranh được vẽ trực tiếp lên tường nhà phong cảnh của các lăng tẩm hoàng gia tiền triều, gồm lăng vua Gia Long, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị, lăng vua Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh và lăng vua Kiến Phúc.

Tượng hoàng tử Vĩnh Thụy và bức tranh tường vẽ lăng vua Tự Đức

Nhà hát Cửu Tư Đài có diện tích mặt nền gần 1200m2, xây 2 tầng, mặt quay về hướng bắc, nhưng phía sau liên thông với lầu Khải Tường. Nội thất nhà hát trang trí dày đặc bằng mảnh sành sứ như kiểu điện Khải Thành của lăng vua Khải Đinh khiến công trình có vẻ đẹp lộng lẫy, đa sắc màu. Đây vốn là nơi các hoàng đế Khải Định, Bảo đại tổ chức tiếp tân hay các sự kiện đặc biệt. Đáng tiếc là công trình này đã bị phá hủy vào tháng 2.1947.

Phía sau, ở hai bên là hai dãy nhà ngang dành cho gia nhân, người phục vụ, có cả chuồng để nuôi nhốt thú dữ như hổ, gấu, trăn… Sau cùng là vườn cảnh, hồ nước được bố trí rất thoáng và đăng đối theo kiểu phong cách vườn châu Âu.

Hơn 100 năm đã trôi qua với bao biến động dâu bể, nhưng may mắn thay, cung An Định vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, trừ nhà hát Cửu Tư Đài. Phần lớn các công trình ở đây đã được trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị.

Một số hình ảnh ở cung An Định nơi du khách thường thăm viếng, check in

Cung An Định cũng là nơi từng gắn bó với các nhân vật lịch sử, những ông hoàng bà chúa cuối cùng của triều Nguyễn: Vua Khải Định, vua Bảo Đại, hoàng tử Bảo Long, hoàng hậu Nam Phương, hoàng thái hậu Đoan Huy (bà Từ Cung hay Đức Từ)… Di tích này đã được rất nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước chú ý, chọn làm bối cảnh trong các phim điện ảnh, phim truyền hình. Có những cảnh trong phim đã tạo thành hot trend của giới trẻ sau khi phim phát hành, như vườn Bạch trà trong phim Gái Gìa Lắm Chiêu của đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito… Và sắp tới đây, cung An Định lại được chọn làm bối cảnh quan trọng trong phim Hoàng Hậu Cuối Cùng.

Bởi vậy, cung An Định là một di sản quý, rất xứng đáng để mọi du khách dành thời gian khám phá tìm hiểu khi đến thăm cố đô Huế./.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh trong bài: Nông Thanh Toàn, Bảo Minh, Nhật Bình