Thứ bảy, Tháng mười một 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cuộc chiến năng lượng Nga – châu Âu, vũ khí mạnh nhất trong tầm tay của Tổng thống Putin

ĐNA -

Ngoài khả năng hạt nhân, năng lượng là một trong những vũ khí mạnh nhất trong tầm tay của Tổng thống Putin. Và ông đang sử dụng “con át chủ bài này”.

Cuộc chiến năng lượng Nga – châu Âu, vũ khí mạnh nhất trong tầm tay của Tổng thống Putin

Các nhà kinh tế học từng dự đoán, nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng để buộc Tổng thống Putin chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nhưng đã gần 4 tháng trôi qua kể từ khi chiến sự bùng phát, Nga vẫn đứng vững.

Tổng thống Putin ngày 7/6/2022 tuyên bố lạm phát tại Nga đã chậm lại còn tỷ lệ thất nghiệp vẫn trong tầm kiểm soát. Giá xăng dầu tăng cao khiến Nga thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc xuất khẩu nhiên liệu, trong khi châu Âu vật vã đối phó với cơn bão giá và sự thiết hụt nguồn cung năng lượng.

Quan hệ đôi bên cùng có lợi

Trước khi xung đột bùng phát tại Ukraine, quan hệ giữa Nga và châu Âu được mô tả là “quan hệ cộng sinh”. Nga không thể tìm kiếm được một thị trường năng lượng nào rộng lớn và quan trọng như châu Âu, còn EU không có đủ khả năng để tìm nguồn cung thay thế cho việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá sang châu Âu chiếm 60% doanh thu của Nga, 45% ngân sách và 14% GDP. Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhiên liệu của Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% sản lượng dầu và 45% sản lượng than đá.

Sự cân bằng này về cơ bản giống như một thỏa thuận “cùng có lợi” nếu hai bên tiếp tục hợp tác và “cùng thua” nếu một trong hai bên cố gắng hủy bỏ. Nhận ra lỗ hổng về chiến lược cũng như sự phụ thuộc quá lớn vào năng lượng Nga, châu Âu đang từng bước tìm cách thoát khỏi thế bế tắc để cố gắng giành chiến thắng trong thế trận tiếp theo.

Vào ngày 3/6/2022, EU chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ từ nước này. Theo đó, EU sẽ dần dần ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển trong vòng 6 tháng, và loại bỏ nhập khẩu dầu tinh chế của Nga trong vòng 8 tháng tới. Tuy nhiên, gói trừng phạt mới sẽ tạm thời miễn trừ cho các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào dầu Nga qua đường ống, cho phép họ tiếp tục nhận dầu thô chuyển từ Nga. Lệnh cấm này nối tiếp lệnh cấm nhập khẩu than đá Nga được đưa ra hồi tháng 4, cũng như cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh này.

Giới phân tích cho rằng, một thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ trên toàn EU sẽ rất khó đạt được, dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra đảm bảo rằng 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào EU sẽ bị cắt giảm vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải có sự cam kết không ràng buộc của Ba Lan và Đức về ngừng mua dầu mỏ qua đường ống dẫn của Nga vào cuối năm 2022. Đây có lẽ là điều không tưởng.

Nhưng dầu mỏ không phải là mắt xích quá quan trọng trong chiến lược trừng phạt của EU. Yếu tố quyết định ở đây là khí đốt. Lệnh cấm nhập khẩu khí đốt chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại lớn cho Nga nhưng cũng khiến EU điêu đứng. Dù tiến hành rất nhiều cuộc thảo luận, châu Âu dường như không có khả năng thực hiện các bước cứng rắn nhằm cắt đứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Trong khi châu Âu đau đầu tìm kiếm lệnh trừng phạt mới, thì Tổng thống Nga Putin đã tung “đòn phủ đầu” trong lĩnh vực khí đốt. Cuối tháng 4, Nga đã dừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria. Đường ống dẫn khí đốt Yamal vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga qua Ba Lan đến Đức cũng “nằm im” trong hơn một tháng nay. Kể từ đầu tháng 6, Nga đã tiếp tục giảm xuất khẩu khí đốt sang phần còn lại của châu Âu. Mới nhất hôm 14/6, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga thông báo rằng họ đang cắt giảm hơn 40% lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.

Xét theo quan điểm của Tổng thống Putin, việc cắt giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu sẽ khiến kinh tế Nga bị tổn thương, nhưng không nghiêm trọng bằng hậu quả mà châu Âu đang phải gánh chịu.

Các kho chứa khí đốt của châu Âu hiện chỉ được lấp đẩy ở mức 52% – mức thấp đáng lo ngại. Trong bối cảnh Nord Stream 1 chỉ hoạt động ở mức 45% công suất hiện tại, các nhà phân tích dự đoán rằng các kho dự trữ ở châu Âu sẽ không vượt quá 69% cho đến đầu tháng 11/ 2022. Điều này sẽ khiến châu lục đối mặt với nhiều rủi ro vào đầu năm 2023 khi mùa Đông đến và các nguồn nhiên liệu thay thế khan hiếm.

Hiện tại, mức tiêu thụ điện gia tăng ở châu Âu do tình trạng nắng nóng cùng với sự biến động của thị trường năng lượng sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Italy đang xem xét ban bố tình trạng “báo động” cho phép nước này phân bổ khí đốt tự nhiên. Các quốc gia khác tại châu Âu nhiều khả năng sẽ phải thực hiện bước đi tương tự. Cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khiến châu Âu không thể tạo ra mặt trận thống nhất đối phó Nga.

Ông Serhiy Makagon – người đứng đầu công ty điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Ukraine cho rằng, việc cắt giảm xuất khẩu khí đốt là hành động “gây leo thang căng thẳng” của Nga. Ông mô tả cuộc chiến năng lượng “đang trở nên nóng hơn” và dự đoán Điện Kremlin có thể cắt đứt hoàn toàn việc xuất khẩu năng lượng sang EU. Nhiều chuyên gia không đồng tình với quan điểm này, cho rằng, việc cắt đứt xuất khẩu năng lượng sẽ gây tổn hại rất lớn về mặt kinh tế đối với Nga, thậm chí phá hủy ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên của nước này.

Theo các nhà phân tích, biện pháp trả đũa về năng lượng của Điện Kremlin đối với châu Âu chỉ giống như “phát súng cảnh báo sớm”. Có nhiều bằng chứng cho thấy ông Putin muốn hạ nhiệt tình hình. Nhưng vấn đề còn phụ thuộc vào các động thái của châu Âu.

Thanh Vân (Nguồn Báo Nga)