Cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đã khiến các chính phủ EU tăng lượng biện pháp đối phó theo cấp số nhân để bảo vệ người dân và doanh nghiệp. Theo Tổ chức nghiên cứu Bruegel (Đức), con số viện trợ đã đạt mức 500 tỷ euro. Hiện nay, châu Âu đang ‘đốt’ hàng tỷ USD vào cuộc khủng hoảng năng lượng. Khủng hoảng năng lượng, cạn kiệt khí đốt đang dồn kinh tế một vài nước thành viên EU đến chân tường. Nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển dần sản xuất ra khỏi Liên minh châu Âu.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đắt đỏ
Giá khí đốt và năng lượng tiếp tục tăng cao. Vì vậy, các chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháphạn chế giá điện bán lẻ qua hình thức giảm thuế năng lượng hoặc chiết khấu hóa đơn cho người tiêu dùng.
Theo đó, 27 quốc gia thành viên EU đã chi viện tổng cộng 314 tỷ euro. Ở Anh, số tiền này lên tới 178 tỷ euro. Nhìn chung, những khoản tiền này được sử dụng cho hoạt động quốc hữu hóa các nhà máy, tạo gói cứu trợ hoặc thậm chí là tạo các khoản vay cho các công ty trong lĩnh vực năng lượng. Như vậy, các thành viên EU đã chi viện 450 tỷ euro.
Những biện pháp này chỉ mang tính tạm thời và cần có sự can thiệp cụ thể hơn từ phía các chính phủ. Theo ông Simone Tagliapietra – Nhà nghiên cứu tại Bruegel, các chính phủ cần lên những chính sách với cấu trúc hoạch định. Ông cảnh báo thêm: “Rõ ràng, đây không phải là một tình hình bền vững trên quan điểm tài chính công. Các chính phủ có điều kiện tài chính cao, chắc chắn sẽ xoay sở tốt hơn trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, so với những nước láng giềng có nguồn năng lượng hạn chế trong những tháng mùa đông”.
Chi tiêu không đồng đều
Trên thực tế, mỗi nước EU chi tiêu số tiền khác nhau để đối phó với khủng hoảng năng lượng. Như vậy, nước Đức – nền kinh tế lớn nhất trong EU, là quốc gia chi tiêu nhiều nhất. Hiện nay, khả năng sản xuất công nghiệp của Đức đang suy giảm, do vậy, quốc gia này đang gia tăng nỗ lực để cứu các doanh nghiệp của mình. Berlin cũng đã phân bổ 100 tỷ euro.
Trong khi đó, nước Ý chi 59 tỷ euro, còn Estonia chỉ chi 200 triệu euro. Ngoài ra, để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng tại chính quốc gia của mình, Croatia, Hy Lạp, Ý và Latvia đã chấp nhận giảm hơn 3% GDP của họ.
Đối mặt với tình trạng này, EU đang đề xuất các biện pháp áp dụng ở quy mô Liên minh châu Âu. Vấn đề đặt ra ở đây, là làm sao để đạt được sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả thành viên của EU.
Châu Âu đang ‘đốt’ hàng tỷ USD vào cuộc khủng hoảng năng lượng
Trong nhiều tuần nay, các chính phủ châu Âu gần như đều công bố các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cấm vận Nga của Mỹ và EU.
Tính từ cuối tháng 2/2022 – thời điểm căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các chính phủ đã chi hàng trăm tỷ Euro thông qua một loạt biện pháp nhằm làm dịu bớt tác động của cuộc khủng hoảng: từ việc giới hạn giá khí đốt và điện đến việc giải cứu các công ty năng lượng đang gặp khó khăn và trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình.
Theo giới quan sát, những khoản chi này sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn tới, gây thêm sức ép lên chi tiêu công dù các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tích lũy những khoản nợ khổng lồ để cứu trợ nền kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra tự hào về việc họ sử dụng công quỹ để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng – vốn đã khiến lạm phát tăng vọt, làm tăng chi phí sinh hoạt và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Sau khi công bố các biện pháp mới trị giá 14 tỷ Euro (13,9 tỷ USD) vào tuần trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã nói rằng điều này đưa Italy vào nhóm các quốc gia chi tiêu nhiều nhất ở châu Âu.
Viện Bruegel, một tổ chức tư vấn chính sách hiện đang theo dõi cách chi tiêu của các chính phủ EU trong cuộc khủng hoảng năng lượng – đã xếp Italy là nước chi tiêu nhiều thứ hai ở châu Âu, chỉ đứng sau Đức.
Cụ thể, Rome kể từ tháng 9/2021 đã phân bổ 59,2 tỷ Euro để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước xu hướng giá năng lượng tăng cao. Khoản chi đó tương đương 3,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này
Tại châu Âu, Đức đứng đầu danh sách chi tiêu với 100,2 tỷ Euro (tương đương 2,8% GDP) khi nước này bị ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Nguồn cung này vốn đã giảm dần do nhiều lí do khác nhau, nhưng giới quan sát các chính phủ châu Âu cho rằng đó có thể là hành động trả đũa của Nga đối với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine
Một động thái mới đây nhất của Chính phủ Đức là vào hôm 21/9, khi nước này tuyên bố quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper đang gặp khó khăn.
Cũng theo thống kê của Viện Bruegel, Pháp chi tiêu nhiều thứ ba tại châu Âu với 53,6 tỷ Euro được phân bổ kể từ khi nước này bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc tăng giá điện và khí đốt vào đầu tháng 11/2021. Con số trên tương đương 2,2% GDP của Pháp.
Nhìn chung kể từ tháng 9/2021, các nước EU đã chi ra 314 tỷ Euro cho cuộc khủng hoảng năng lượng. Ông Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại Viện Bruegel đưa ra nhận định con số trên sẽ tăng lên khi giá năng lượng vẫn leo thang.
Dù vậy, ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs dự báo hóa đơn năng lượng của một gia đình châu Âu điển hình có thể lên tới 500 Euro mỗi tháng vào đầu năm sau, so với 160 Euro vào năm 2021.
Khủng hoảng năng lượng, cạn kiệt khí đốt đang dồn kinh tế Đức tới chân tường?
Nhận định về kinh tế Đức, báo Le Monde cho rằng, ngay mùa Thu này, nền kinh tế số một châu Âu sẽ bước vào suy thoái và phải chuẩn bị cho một thập kỷ lao dốc sau thời kỳ những năm 2010 đạt thịnh vượng phi thường. Mô hình kinh tế dựa vào năng lượng và nguyên liệu giá rẻ của Đức đã đạt đến giới hạn. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mới được giao nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo ánh sáng không bị tắt ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Nhưng dù hiện nay, khi người dân Đức đã ý thức về việc tích trữ nến và bếp cắm trại, giống như cách đây không lâu họ đã làm với giấy vệ sinh và mì ống trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thì phát biểu trước Hạ viện mới đây của Bộ trưởng Habeck rằng “chúng tôi hiện đã độc lập với khí đốt của Nga trong một tuần” vẫn có điều gì đó không chắc chắn, khó làm người dân cảm thấy yên lòng. Tình trạng mất điện không phải là vấn đề viển vông kể từ khi Nga đóng cửa đường ống Nord Stream 1 hơn một tuần trước.
Trách nhiệm nặng nề đang đặt lên vai Bộ trưởng Habeck, ông buộc phải cố gắng giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển trong bối cảnh những dự đoán u ám rằng, chi phí năng lượng tăng cao và lạm phát cao, đang và sẽ tiếp tục đẩy kinh tế Đức rơi vào suy thoái vào năm tới. Trong khi, không phải ông, hay nước Đức, mà là Tổng thống Nga Putin mới là người nắm trong tay nguồn năng lượng và khí đốt quan trọng.
Biểu hiện của một vấn đề rất lớn
“Mặc dù chưa chính thức, nhưng tôi vẫn muốn nói rằng chúng tôi đang trong quá trình tổ chức di dời các cơ sở sản xuất ra ngoài Liên minh châu Âu (EU)”. Đó là lời phàn nàn của một chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên sản xuất các loại thủy tinh đặc biệt, đang sử dụng 350 nhân viên và rất nổi tiếng trong một vùng ở nước Đức. Họ đang chuẩn bị “cuốn gói” khỏi Đức và xa hơn nữa là rời châu Âu.
Chủ doanh nghiệp này cho biết: “Giá xăng cao gấp 10 lần so với trước khủng hoảng. Chúng tôi không thể gánh những chi phí này trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Một lò thủy tinh muốn hoạt động phải được giữ nhiệt liên tục ở 1.700°C. Nếu nhiệt độ giảm xuống, nhà máy bị phá hủy và chỉ đơn giản như vậy. Và vì giá xăng ít nhiều giống nhau ở mọi nơi ở châu Âu, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi”. Ông chủ này cho rằng, “mọi chính sách năng lượng của Đức trong những năm gần đây dường như đã thất bại”.
Rất hiếm khi một đại diện của giới doanh nghiệp Đức, đặc biệt là những công ty làm nên “xương sống” của nền kinh tế Đức, lại công khai bày tỏ sự tức giận như vậy. Và tiếc rằng, ông chủ doanh nghiệp này “không phải là người duy nhất” cảm thấy mình đang bị đẩy đến bờ vực thẳm.
Đó là những gì đang diễn ra bên trong nền kinh tế số 1 châu Âu. Có lẽ mô hình kinh tế dựa vào năng lượng và nguyên liệu giá rẻ của Đức đã đạt đến giới hạn?
Đầu tháng Chín, tập đoàn thép ArcelorMittal thông báo đóng cửa hai địa điểm sản xuất bên bờ sông Rhine. Và ba công ty nổi tiếng là nhà sản xuất giấy vệ sinh Hakle, nhà cung cấp ô tô Dr. Schneider và chuỗi cửa hàng giày Görtz lần lượt tuyên bố phá sản.
Cuối tháng Tám, Siegfried Russwurm, Chủ tịch Liên đoàn các nhà công nghiệp Đức (BDI), đã cảnh báo: “Thành phần cốt lõi của công nghiệp Đức đang bị đe dọa”. Đề cập đến mức tiêu thụ khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp giảm 21% trong tháng 7/2022 so với mức một năm trước, ông chỉ rõ đây không phải là điều gì đáng khích lệ, mà nó phản ánh “sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản xuất”. “Đó không phải là một thành công, mà là biểu hiện của một vấn đề rất lớn”.
Điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa đến?
Trong ngắn hạn, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhất trí rằng, Đức sẽ bước vào suy thoái ngay từ mùa Thu này. Ngày 12/9/2022, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo đã hạ 4 điểm dự báo tăng trưởng cho năm 2023, đồng thời quy mô hoạt động sẽ thu hẹp 0,3%.
Trong khi đó, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) công bố dự báo suy thoái 0,7% cho năm 2023.
So với các nước láng giềng châu Âu, Đức trì trệ hơn do tỷ trọng nền kinh tế dành cho ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài hơn. Bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao, sản xuất tại Đức đang ngày càng đình trệ mặc dù vẫn có nhiều đơn hàng. Và tiêu dùng trong nước đang chịu gánh nặng lạm phát, không thể bù đắp cho những thiệt hại này.
Nhưng điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa đến. Bởi sự suy thoái này, lẽ ra phải nhẹ hơn nhiều so với những gì kinh tế Đức phải trải qua trong thời kỳ đại dịch Covid19, chỉ là khúc dạo đầu cho một quãng thời gian dài thích ứng với tình hình toàn cầu mới. Các trụ cột chính của “sản xuất tại Đức”, gồm tự do thương mại và ổn định tương đối về địa chính trị, đã bị đảo lộn.
Nga – nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu của Đức, hiện đã ngừng cung cấp khí đốt. Và Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Đức, đang ngày càng bộc lộ những dấu hiệu đóng cửa. Sau những năm 2010 thịnh vượng phi thường, nước Đức giờ đây đang chờ đợi một bức tranh khác hẳn trong vài năm tới.
Trên mục podcast của nhật báo Handelsblatt trong một số ra cuối tháng Tám, nhà kinh tế học Bert Rürup nhận định: “Đức là người chiến thắng trong làn sóng toàn cầu hóa sau khi Liên Xô sụp đổ và sự gia nhập của Trung Quốc vào nền thương mại thế giới. Nhưng Đức hiện đang bước đến cuối chu trình này”.
Mô hình thành công của Đức, dựa trên việc nhập khẩu với giá rẻ nhiên liệu hóa thạch, nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian, rồi chuyển thành ô tô, máy móc và hóa chất tại trong nước trước khi xuất khẩu đi nơi khác, đã đạt đến giới hạn.
Chuyên gia kinh tế học Michael Hüther, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Đức, cũng thừa nhận trên cùng một podcast: “Tôi ngày càng cảm thấy bi quan về thập kỷ tới. Chúng ta sẽ thấy những căng thẳng rộng khắp về sự thịnh vượng của đất nước trong những năm tới. Chúng ta có thể hài lòng nếu duy trì được sự giàu có ở mức tương đương”.
Khủng hoảng đã làm nổi bật một cách tàn nhẫn những điểm yếu về cơ cấu của kinh tế Đức. Ngoài giá năng lượng có lẽ vẫn duy trì ở mức cao trong một thời gian dài, nền kinh tế số một khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ bị trừng phạt bởi hàm lượng carbon cao trong sản xuất, bộ máy chậm chạp, số hóa thấp và sự cũ kỹ của cơ sở hạ tầng giao thông.
Đức sẽ phải dành một phần đáng kể của cải cho các khoản đầu tư khôi phục khả năng cạnh tranh của mình. Với điều kiện có đầy đủ nhân lực, bởi các thế hệ sinh ra sau chiến tranh bước vào tuổi nghỉ hưu sẽ làm tiêu tan quy mô dân số có khả năng làm việc.
Đối với ông Stefan Kooths, Phó chủ tịch IfW, “việc làm sẽ đạt đỉnh cao vào năm 2023, với 45,6 triệu người ở tuổi lao động. Trung bình mỗi năm, thị trường việc làm Đức sẽ mất đi 130.000 lao động. Nói cách khác, chi phí vận hành của “sản xuất tại Đức” sẽ rất tốn kém trong một thời gian dài.
Gabriel Felbermayr, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Áo, nhận xét: “Các công ty Đức hiện đang có ý định chuyển sản xuất đến những nơi khác bằng cách tổ chức lại các mạch thầu phụ càng tới gần khách hàng càng tốt, chẳng hạn như ở Trung Quốc và Mỹ. Đó là điều rất đáng lo ngại”.
Tuy nhiên, nhìn nhận kinh tế Đức ở một góc độ tươi sáng hơn, Marcel Fratzscher, Chủ tịch viện DIW ở Berlin, đánh giá: “Rất có thể một số công ty sẽ phá sản hoặc phải chuyển địa điểm. Đức sẽ mất 4-5 năm khó khăn, đòi hỏi nhiều vốn và đầu tư, cả ở khu vực nhà nước và tư nhân, cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, khử carbon, kỹ thuật số. Nhưng nếu thành công, Đức có thể có lợi thế cạnh tranh thực sự sau vài năm”.
The Cuong/tổng hợp