Thứ Ba, Tháng 4 15, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Cuộc tấn công của Nga đã khiến Pháp và nhiều nước châu Âu choáng váng



ĐNA -

Theo trang tin News.ru (Nga), cuộc tấn công của Nga trong ngày 6/4/2025 vào các mục tiêu quân sự ở Kiev đã gây thiệt hại lớn cho Ukraine, công tác dọn dẹp đống đổ nát vẫn đang tiếp diễn. Cuộc tấn công của Nga đã khiến không chỉ Pháp mà còn nhiều nước châu Âu choáng váng.

Cuộc tấn công của Nga đã khiến Pháp và nhiều nước châu Âu choáng váng.

Nga đánh lớn chưa từng có, nhắm thẳng “quân Pháp và NATO”
Kiev đã hứng chịu số vụ không kích kỷ lục trong một đêm do Không quân Nga thực hiện hàng loạt đòn tấn công chính xác.

Theo kênh truyền hình Tsagrad TV (Nga), đợt tấn công với quy mô như vậy là chưa từng có kể từ khi Chiến dịch Quân sự Đặc biệt (SVO) bắt đầu. Xe cứu thương và lực lượng SBU (An ninh Ukraine) xuất hiện khắp nơi.

Ông Sergey Lebedev, điều phối viên phong trào phản kháng thân Nga cho hay, “5 đợt tấn công trong thành phố: 2 cơ sở công nghiệp sản xuất quân dụng bị phá hủy cùng xưởng lắp ráp UAV, bãi tập kết xe quân sự ngoài trời. Các đòn đánh nhắm vào các quận Obolon, Darnytskyi và Solomianskyi của Kiev”.

Cũng theo ông Lebedev, một loạt xưởng chế tạo động cơ UAV và hệ thống điều khiển tàu không người lái, cùng các phương tiện quân sự ngoài trời của Ukraine cũng bị đánh bom. Đáng chú ý, một căn cứ có sự hiện diện của huấn luyện viên quân sự nước ngoài cũng trúng đạn.

“Tại quận Boryspil: 2 đợt tấn công vào căn cứ huấn luyện pháo thủ. Huấn luyện viên là quân nhân NATO. Nhiều người bị thương, số thương vong đang được xác minh. Ở quận Obukhiv: kho chứa máy bay không người lái và nơi huấn luyện điều khiển UAV bị tấn công”

Ông nhấn mạnh, có tới 3 đợt tấn công nhắm vào vùng ven Kiev, trong đó một đợt “trúng lực lượng đặc nhiệm nói giọng Tây Ukraine, khoảng 100 người.

Tại Bila Tserkva: 1 đợt tấn công nhắm vào thành phố, 1 vào ngoại ô trúng căn cứ huấn luyện. Bên trong thành phố này, cơ sở lắp ráp trực thăng nhập từ Pháp được cho là đã trúng tên lửa Nga”.

Trong khi đó, chính trị gia Ukraine Oleg Tsarev tiết lộ, hậu quả các cuộc tấn công của Nga nghiêm trọng đến mức công tác dọn dẹp đống đổ nát ở Obolon phải kéo dài đến ngày 9/4.

Trước đó, Nga nhiều lần cáo buộc Pháp, và một số nước trong NATO đã đưa binh sĩ chính quy, lính đánh thuê và cả cố vấn quân sự tới Ukraine, với quy mô lên tới hàng trăm người.

Pháp choáng váng, châu Âu do dự trước kế hoạch đưa quân đến Ukraine
Theo News.ru, cuộc tấn công của Nga đã khiến không chỉ Pháp mà còn nhiều nước châu Âu choáng váng. Điều này được cho là lý do khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu kêu gọi Moscow “ngừng trì hoãn đàm phán và chấp nhận ngừng bắn vô điều kiện ở Ukraine” ngày 6/4.

Sau phát ngôn của ông Macron, một số cư dân mạng Pháp “chế giễu” rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến Tổng thống Pháp phải chùn bước.

Theo kênh tin tức “Resident” (Ukraine), châu Âu một mặt muốn kéo dài xung đột, nhưng một mặt cũng bắt đầu do dự hơn với kế hoạch đưa quân tới Ukraine. “Nếu thực sự muốn đưa quân gìn giữ hòa bình, họ đã làm từ 2022. Giờ chỉ toàn nói về hợp tác quốc phòng, đầu tư — nhưng không có kế hoạch rõ ràng” – Resident bình luận.

Trong khi đó, News.ru dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Putin đã nhận rõ ý đồ của phương Tây nên tiếp tục tấn công cơ sở của Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU). Đêm 9/4, nhiều mục tiêu quân sự và dân sự-quân sự ở Kharkiv, Dnipro và Odesa tiếp tục bị tấn công.

“Tại Kharkiv: Đợt tấn công thứ nhất nhắm vào khu quân sự ở làng Rogan. Đợt thứ hai trúng nhà máy kẹo ASAL — từ 2023, AFU dùng nơi này để ngụy trang trang thiết bị.

Ở Dnipro: Mục tiêu là trung tâm hậu cần và nhà máy Dnipro Press Steel — nơi sửa chữa xe bọc thép phương Tây từ 2024. Tại Apostolove, câu lạc bộ hàng không cũng bị nhắm mục tiêu — Đây là nơi AFU dùng để sửa chữa phương tiện và máy bay” – News.ru cho hay.

24 nước từ chối điều quân tới Ukraine.
Theo cập nhật mới nhất ngày 10/4 của hãng thông tấn AFP (Pháp), hiện chỉ có 6 nước trong “liên minh tình nguyện” sẵn sàng đưa quân tới Ukraine, trong đó có Anh, Pháp. Trong khi đó, liên minh này là tập hợp của 30 quốc gia.

AFP cho biết, đối với nhiều nước châu Âu, việc họ chưa nắm rõ chiến lược của Mỹ trong việc giải quyết xung đột đã trở thành “một vấn đề nghiêm trọng” khi thảo luận các kế hoạch về Ukraine.

Nhiều tuần qua, London và Paris đã lên kế hoạch để đưa hàng nghìn quân sang Ukraine, nhằm đảm bảo an ninh nếu hai bên ngừng bắn trong tương lai. Thế nhưng giờ đây, nhiều nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận rằng khả năng triển khai lực lượng này rất thấp.

Một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ: “Họ đang lùi lại, không còn mặn mà với việc đưa quân trên bộ tới (Ukraine) nữa, mà tìm cách điều chỉnh kế hoạch sao cho khả thi hơn”.

Một người khác bình luận thẳng thắn: “Thời điểm Ukraine ở vị thế tốt hơn, ý tưởng gửi quân nghe rất hấp dẫn. Nhưng giờ tình hình chiến sự xấu đi, lại thêm chính quyền Mỹ không ủng hộ, nên chẳng mấy ai hào hứng nữa”.

“Các biện pháp bảo đảm an ninh giống như một bữa tiệc buffet xuyên lục địa với hàng nghìn món ăn phụ.

Cuối cùng, tất cả sẽ phụ thuộc vào mức độ chân thành của lệnh ngừng bắn, và tôi không lạc quan” – Một quan chức châu Âu nói.

Một số nước châu Âu phản đối triển vọng gửi quân đội nếu không có sự đảm bảo chắc chắn từ Mỹ và một sự chấp thuận rõ ràng từ cộng đồng quốc tế. Họ lo ngại về chi phí, sự thiếu hụt nhân lực, trang thiết bị, và cuối cùng là nguy cơ phải đối đầu với Nga.

Minh Châu