(Đà Nẵng). Chiều nay (15/4/2025), Hội Y học thành phố Đà Nẵng, Sở Du Lịch, Sở Y tế và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề Du lịch y tế (Medical Tourism/ Medical Travel). Đây là hội thảo đầu tiên, sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định (số 1060/QĐ-UBND, ngày 31/3/2025) ban hành “Kế hoạch phát triển du lịch y tế trên địa bàn thành phố Đà Nang giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

BS CKII.Th.s. Ngô Thị Kim Yến – Chủ tịch Hội Y học thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, các hình thức du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe – đặc biệt là Du lịch y tế – đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Đây không chỉ là một mô hình kinh tế sáng tạo, mà còn là một giải pháp tích hợp nhiều lợi ích: nâng cao sức khỏe cộng đồng, gia tăng nguồn thu từ khách du lịch, thúc đẩy đầu tư y tế và quảng bá hình ảnh địa phương một cách hiệu quả.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có, Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch y tế hàng đầu khu vực miền Trung và cả nước.
Thành phố hội tụ hệ thống y tế phát triển, đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao, cùng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, du lịch hiện đại. Đồng thời, cũng sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đặc sắc và môi trường sống trong lành – những yếu tố quan trọng tạo nên sức hút cho loại hình du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường, Du lịch y tế được giới chuyên môn, nhiều Bác sỹ và cơ quan hữu trách thành phố Đà Nẵng quan tâm cách đây đã hơn 10 năm, và cũng đã có những bước đi để manh nha hình thành sản phẩm. Tuy nhiên đây là loại hình sản phẩm có tính đặc thù cao, đòi hỏi phải được đầu tư chiều sâu và đồng bộ trên nhiều mặt.
Chẳng hạn người làm trong ngành Y tế cũng phải có kỹ năng làm du lịch; người làm trong ngành Du lịch cũng phải có kiến thức nhất định đến gói sản phẩm, có như vậy mới tiếp thị, lưu thông được sản phẩm, làm hài lòng khách hàng. Cả hai ngành cùng liên kết phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng thì hiệu quả mới cao, thuyết phục người sử dụng chấp nhận chi trả phải chăng để có mặt ở điểm đến Đà Nẵng, vừa nghỉ dưỡng, du lịch, kết hợp khám chữa bệnh.
Một thuận lợi mà tự nhiên rất ưu đãi cho Đà Nẵng, đó là thành phố có cả biển, núi và sông, những giá trị rất cốt lõi cùng hạ tầng lưu trú đa dạng, phù hợp cho nhu cầu nghỉ dưỡng, điều trị hồi phục. Y học cổ truyền Đà Nẵng cũng đã có những bước tiến trong điều trị, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng cũng đã tiếp cận nhiều tiến bộ mới trong điều trị, kể cả can thiệp chuyên khoa chuyên sâu, đầu tư trang thiết bị rất hiện đại. Có thể kết hợp hài hòa Đông Tây y trong điều trị, chăm sóc. Có thể kết hợp vừa tổ chức khám chữa bệnh, điều trị cho nhân dân, vừa triển khai các gói sản phẩm đặc thù cho du khách.
Hẳn nhiên để đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến kết hợp du lịch với khám chữa bệnh là một hành trình khó nhọc, cần đầu tư trên nhiều mặt, trong đó, tiên quyết vẫn là đầu tư cho con người, cho hạ tầng kỹ thuật y tế, trang thiết bị. Với những gì có được đến thời điểm này, Đà Nẵng xem như đã đặt nền móng cho một dòng sản phẩm mới: Du lịch y tế. Và việc nghĩ đến Du lịch y tế cũng rất đúng thời điểm, bởi xu hướng hiện nay trên toàn cầu, trước nhiều biến động và tác động, con người đã quan tâm nhiều hơn đến bản thân, đến sức khỏe.

Tất yếu, còn nhiều việc phải làm và phải học rất nhiều từ các nước đi trước
Theo nghiên cứu của Th.s.BS Ngô Đức Hải – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Thiện Nhân Hospital, du lịch y tế (Medical Tourism) là khái niệm đã được định nghĩa và phân tích trong nhiều công trình học thuật và được đề cập nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế. Đó là hành vi “di chuyển xuyên biên giới của người bệnh, nhằm tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn hoặc rẻ hơn, thường kết hợp với các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng”. Loại hình du lịch này xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe với chi phí hợp lý hơn, chất lượng dịch vụ cao hơn hoặc tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại mà trong nước không có.
Khách du lịch y tế thường đi du lịch nước ngoài để tìm các dịch vụ không có sẵn, quá đắt hoặc không đạt tiêu chuẩn mong muốn của họ ở quốc gia của họ. Những dịch vụ này có thể’ bao gồm từ các yêu cầu đơn giản như kiểm tra sức khoẻ, nghỉ dưỡng chữa lành, đến các phương pháp điều trị phức tạp như điều trị ung thư hoặc liệu pháp tế bào gốc…
Theo Carrera & Bridges (2006), du lịch y tế là sự giao thoa giữa hai lĩnh vực: hệ thống chăm sóc sức khỏe (health system) và hệ sinh thái du lịch (tourism ecosystem), đòi hỏi sự điều phối đa ngành giữa y tế, khách sạn – nghỉ dưỡng, vận tải, công nghệ thông tin và tài chính bảo hiểm. Mô hình phát triển du lịch y tế hiệu quả cần có các yếu tố cơ bản như hạ tầng y tế đạt chuẩn quốc tế; đội ngũ y bác sĩ có năng lực chuyên môn và khả năng ngoại ngữ; chuỗi dịch vụ hậu cần, vận chuyển, chăm sóc sức khỏe trọn gói; chính sách thị thực, bảo hiểm y tế thuận lợi; và hệ thống tiếp thị – truyền thông y tế xuyên biên giới.

“Du lịch y tế không dừng lại ở dịch vụ y khoa thuần túy, mà mở rộng sang các dịch vụ phụ trợ như lưu trú y tế, phục hồi chức năng, chăm sóc hậu phẫu, tư vấn dinh dưỡng, du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe và du lịch trị liệu. Điều này tạo ra giá trị cộng hưởng và thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ cao cấp tại điểm đến.
Trên thế giới, ngành công nghiệp du lịch y tế đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn cho nhiều quốc gia. Ước tính, doanh thu toàn cầu từ ngành này đạt hơn 100 tỷ USD/năm và tăng trưởng đều đặn khoảng 15-20% mỗi năm. Các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Mexico, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. là những điể’m đến hàng đầu nhờ chất lượng dịch vụ y tế cao, chi phí hợp lý, và dịch vụ du lịch phong phú”, Th.s.BS Ngô Đức Hải nhấn mạnh thêm.
Tại khu vực Đông Nam Á, du lịch y tế được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển y tế và du lịch. Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. hiện là những nước dẫn đầu khu vực về du lịch y tế, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.
Trong đó, nhiều năm nay, Singapore đã khẳng định mình là một trong những điểm đến hàng đầu cho du lịch y tế, thu hút bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao. Vào năm 2024, Singapore đã chào đón khoảng 646.000 bệnh nhân quốc tế, tạo ra doanh thu ước tính 270 triệu đôla Mỹ.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp du lịch y tế còn khá mới mẻ nhưng thật sự rất có tiềm năng. Thực tế có rất nhiều công dân các nước quan tâm đến việc nghỉ dưỡng chữa lành tại các địa phương ở Việt Nam…Một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh. Các bệnh viện lớn tại Việt Nam cũng đã tiếp nhận khám và điều trị cho khá nhiều bệnh nhân đến từ Cambodia, Laos. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến uy tín, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm và phải học rất nhiều từ các nước đi trước, nhất là về chất lượng sản phẩm y tế cạnh tranh, đảm bảo sự đồng bộ, cơ sở hạ tầng và quảng bá hình ảnh quốc tế.

Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để triển khai Du lịch y tế
BS CKII Trần Thanh Thủy – Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Việc tích hợp giữa dịch vụ y tế chất lượng cao và hoạt động du lịch nghỉ dưỡng đang trở thành một xu hướng tất yếu. Đà Nẵng nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng hiện đại và mạng lưới y tế ngày càng phát triển, thành phố đã khẳng định là một điểm đến du lịch, được kỳ vọng sẽ là điểm đến du lịch y tế hàng đầu tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Trong thực tế, nhiều bệnh viện và phòng khám quốc tế tại Đà Nẵng đã tiếp nhận và điều trị cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại thành phố và du khách có nhu cầu chăm sóc y tế trong quá trình du lịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm – Phòng Quản lý Lữ hành – Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, về mô hình phát triển Du lịch y tế, Đà Nẵng sẽ xác lập Y tế chất lượng cao, chi phí hợp lý, và trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng đặc trưng của Đà Nẵng. Trải nghiệm sức khỏe toàn diện, khám chữa bệnh, đi đôi với phục hồi, nghỉ dưỡng, có cả trải nghiệm văn hóa địa phương.
Và tùy theo thị trường, sẽ có sản phẩm phù hợp. Đơn cử như khách từ thị trường Úc, Mỹ và Việt Kiều kết hợp về quê, thăm thân, khám chữa bệnh (Medical travel) sẽ có các gói kiểm tra sức khỏe định kỳ, nha khoa, phẫu thuật chỉnh hình, kể cả IVF. Khách từ châu Âu (Đức, Pháp), thường nghỉ dưỡng, chăm lo phục hồi thể lực có sự hỗ trợ của y học. Ngoài ra, còn chú ý đến du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (có thu nhập cao) hay khách từ Lào, Campuchia, Myanmar (thuận lợi về giao thông, đi lại).

Về tiến độ, trong năm nay sẽ thực hiện khảo sát và đánh giá thị trường; hình thành một số nhóm sản phẩm chuyên dụng. Đơn cử như gói Khám sức khỏe và Nghỉ dưỡng biển (phù hợp khách Nhật-Hàn-Úc và Việt kiều) ; Thẩm mỹ y tế kết hợp phục hồi sức khỏe (Phù hợp: khách Đông Bắc Á, Việt kiều, khách Châu Á), và Nha khoa, mắt (chuẩn quốc tế), trải nghiệm biển (khách Úc, Mỹ, Lào, Campuchia, rất ưa chuộng). Bắt tay thiết lập hệ thống các bệnh viên đạt và đủ chuẩn (quốc tế), bước đầu định vị du lịch y tế Đà Nẵng.
Năm 2026, bắt đầu phát triển các nhóm sản phẩm chuyên dụng, tiếp cận và khai thác thị trường. Đây cũng là năm hoàn thiện và nâng cao đội ngũ phục vụ. Năm 2027,sẽ mở rộng thêm các nhóm sản phẩm có lợi thế, tiến hành phát triển đến các thị trường tiềm năng và tủy tình hình, điều chỉnh phù hợp với thị trường với thực tế.
Bà Nguyễn Phương Thảo – BS.CKI. Trưởng đơn vị Du lịch sức khỏe, Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh thêm: có nhiều loại hình phù hợp, khi triển khai Du lịch y tế trên địa bàn, đó là : Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền; Du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền; Du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền; Du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa và Du lịch học thuật y dược cổ truyền.
BS.CKI. Nguyễn Phương Thảo cho biết, từ năm 2024, UBND thành phố đã có kế hoạch (số 223/KH-UBND ngày 4/11/2024), phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền, phục vụ khách du lịch tại Đà Nẵng (giai đoạn 2024-2030).

BS CKII Trần Thanh Thủy – Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, từ nay đến năm 2030, mục tiêu ngành Y tế thành phố đề ra là mỗi năm (trong giai đoạn 2025 – 2030) đào tạo ít nhất 5% nhân viên y tế về ngoại ngữ, kỹ năng, giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống với du khách nước ngoài.
Ngay trong năm 2025, 100% khu nghỉ dưỡng, khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có kết nối với đầu mối, mạng lưới cơ sở y tế. Đến cuối năm 2026, ít nhất 80%, phấn đấu 100% khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có xây dựng tổ, nhóm y tế được tập huấn bồi dưỡng.
Cũng vào cuối năm 2026, triển khai ít nhất 5 gói dịch vụ kết hợp giữa khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và du lịch, du lịch nghỉ dưỡng; đạt 10 gói dịch vụ du lịch y tế từ quý II/2028 và 15 gói dịch vụ du lịch y tế từ quý II/2030.

Trần Ngọc