Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng cần nguồn nhân lực công nghệ thông tin rất lớn

ĐNA -

Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu: Đến năm 2025 đạt tối thiểu 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân và tạo ra ít nhất 75.000 lao động chất lượng cao; đến năm 2030 đạt tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân và tạo ra ít nhất 115.000 lao động chất lượng cao.

Trong giai đoạn 2022-2025, Đà Nẵng cần tối thiểu 7.500 nhân lực công nghệ thông tin/năm và giai đoạn 2026-2030 cần tối thiểu 8.000 nhân lực công nghệ thông tin /năm.

Khi chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Đà Nẵng sẽ là vấn đề rất cấp bách. Ảnh minh họa: Giờ làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Phát triển Công nghệ thông tin ENOUVO (ảnh được chia sẻ từ ENOUVO).

Ngày 7/11/2022, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký ban hành kế hoạch số 193/KH-UBND “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025”.

Căn cứ các số liệu dự báo của quy hoạch; đến năm 2025 thành phố Đà Nẵng có tối thiểu 4.650 doanh nghiệp công nghệ số và 75.000 nhân lực công nghệ số, hoạt động của các doanh nghiệp tập trung các công ty phát triển công nghệ cốt lõi; phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kỹ thuật số (phần mềm, tự động hóa, thiết kê vi mạch,…); xây dựng, phát triển tích hợp các giải pháp kỹ thuật số; khởi nghiệp.

Đến năm 2030 tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số. Tỷ trọng nhân lực công nghệ số trên tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 10,3% vào năm 2025 (mức trung bình cả nước là 2,83%) và 13,7% vào năm 2030 (mức trung bình cả nước là 4,78%). Trong giai đoạn 2022-2025 cần tối thiểu 7.500 nhân lực công nghệ thông tin/năm và giai đoạn 2026-2030 cần tối thiểu 8.000 nhân lực công nghệ thông tin/năm.

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 cũng phân tích theo nhu cầu của các doanh nghiệp và các khu công nghệ thông tin tập trung, khu Công viên phần mềm, trên địa bàn

Theo đó, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (giai đoạn 1, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), đến năm 2030, thu hút khoảng 20.000 nhân lực làm việc. Trong đó, dự án nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT (đã khánh thành, đi vào hoạt động), hiện chủ đầu tư đang chuẩn bị đầu tư 16 line lắp ráp và 16 line SMT gồm 2 nhà máy, quy mô mỗi nhà máy 8.000 m2, cần 2.000 nhân lực làm việc.

Khu phức hợp sản xuất phần mềm FPT Complex, đang triển khai giai đoạn 3 với tổng diện tích 30.000m2 (tổng cộng 3 giai đoạn gần 90.000m2) đang hướng đến mục tiêu 10.000 nhân lực vào năm 2025 (hiện tại số lượng nhân lực đang làm việc 5.200).

Khu Công viên phần mềm số 2 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2023, bảo đảm nhu cầu làm việc cho khoảng 6.000 nhân lực công nghệ thông tin.

Ngoài ra, Tòa nhà công nghệ cao Viettel (dự kiến khởi công vào cuối năm 2022), đưa vào sử dụng trong năm 2024, thu hút khoảng 2.500 nhân lực làm việc. Bên cạnh đó, còn có các dự án khác đang trong quá trình xúc tiến đầu tư (như: dự án Không gian sáng tạo, tại phường Hòa Xuân quận Cẩm Lệ; dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay, trên địa bàn quận Liên Chiểu; dự án Khu Công nghệ thông tin số 2 (huyện Hòa Vang),…

Khi các khu này được đưa vào khai thác, nhu cầu lớn về nhân lực sẽ rất lớn.
Về nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, bao gồm 24 sở ban ngành, 7 quận huyện, mỗi đơn vị có 1 cán bộ trình độ đại học thực hiện nhiệm vụ chuyên trách công nghệ thông tin; 56 phường xã, 23 cơ quan sẽ phải cán bộ trình độ đại học chuyên ngành; 4 cơ quan bố trí cán bộ trình độ cao đẳng; 2 cơ quan cần cán bộ trình độ trung cấp; 27 cơ quan (hiện) chưa có cán bộ có nhân sự chuyên môn công nghệ thông tin. Ngoài ra 6 cơ quan Trung ương trên địa bàn: Công an, Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế, Kho bạc thành phố, Cục Thống kê cần bố trí ít nhất 1 cán bộ trình độ đại học, riêng Công an thành phố có 1 phòng CNTT (cần 5 nhân sự).

Đồng bộ giải pháp – Linh hoạt nguồn lực phục vụ đào tạo
Theo ông Trần Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng (cơ quan tham mưu kế hoạch phát triển nguồn nhân lực), “trong giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, khi chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số sẽ là vấn đề rất cấp bách. Do vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cần có tầm nhìn dài hạn ngay từ bây giờ, như vậy mới bảo đảm rằng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho thành phố sẽ tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng rất cần cho nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin thành phố, xây dựng thành phố thông minh, vận hành hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố”.

Kế hoạch “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025” cho biết, trước nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, rất cần hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương tại Công văn số 442/VPCP-QHĐP ngày 18/01/2022).

Trong đó, đề án Giáo dục đại học số (bao gồm kiến trúc, mô hình, bộ chỉ số đánh giá) sẽ được thí điểm (xây dựng và tổ chức triển khai) tại Trường Đại học Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Hàn – Đại học Đà Nẵng.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Hàn (VKU) – Đại học Đà Nẵng (ảnh được chia sẻ từ VKU).

Một trong những giải pháp được khuyến khích trong thời gian đến, theo hướng xã hội hóa – sát thực tiến, là các doanh nghiệp (công nghệ thông tin, nội dung số) chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo triển khai mô hình Open Lab. Tại đây, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng là các phòng thí nghiệm, các phòng nghiên cứu, cùng nhiều khóa thực tập, các định hướng triển khai ứng dụng và đặt hàng, phối hợp với các trường đại học để đưa các yêu cầu cùng triển khai nghiên cứu phát triển, giúp cho sinh viên có cơ hội làm quen với môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp.

“Việc tiếp cận, thu thập sinh viên từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sau đó đưa sinh viên tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp và sử dụng họ một cách sớm nhất sẽ đem đến cho doanh nghiệp nhiều kết quả tốt như giảm thiểu thời gian đào tạo sau đại học cho nhân lực mới, tuyển dụng được các sinh viên có nhiều năng lực thông qua thời gian xem xét trong quá trình thực tập”, ông Trần Ngọc Thạch phân tích.

Từ nguồn ngân sách, Thành phố sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực theo Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng cũng sẽ xúc tiến hoàn thiện “Không gian đổi mới sáng tạo tại Khu Công viên phần mềm số 2”, tạo lập môi trường, cơ chế, chính sách thuận lợi và tiếp tục kêu gọi các dự án khởi nghiệp tham gia Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ thông tin thành phố Đà Nẵng. Triển khai các hoạt động kết nối các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quốc tế thông qua các hoạt động trưng bày ý tưởng kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ thông tin khởi nghiệp.
Được biết, đến cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố, ước tính có khoảng 44.000 nhân lực làm việc (trong các ngành dịch vụ và công nghiệp) công nghệ thông tin. Trong đó 20.500 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; lương bình quân đạt 17,8 triệu đồng/người/tháng.

So với nhân lực làm việc trong lĩnh vực điện tử chủ yếu là thâm dụng lao động thì trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số phần lớn là nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng tốt, được đào tạo bài bản, năng động, là các quản trị dự án có kinh nghiệm; có khả năng đề xuất các giải pháp đáp ứng các yêu cầu khi triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, thành phố thông minh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn Đà Nẵng cho biết, vẫn đang thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh, an toàn, an ninh thông tin…. Đặc biệt, nhân lực cho các vị trí lãnh đạo như Trưởng nhóm (Team Leader), Quản trị dự án (Project Manager), Kỹ sư cầu nối (Bridge Engineering)… rất khan hiếm, trong khi nhu cầu doanh nghiệp về lực lượng này rất cao dẫn đến tình trạng chèo kéo, nhảy việc giữa các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thiếu nhân sự giỏi và gắn kết lâu dài./.
Trung Đức