Đà Nẵng cần tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, đầu tư hoàn thành đối với các công trình văn hóa, đặc biệt là các công trình văn hóa cấp thành phố trọng điểm, xứng tầm là trung tâm của văn hóa cho khu vực miền Trung.
Chiều 17/6/2022, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, do Phó Trưởng Ban Trần Thanh Lâm làm Trưởng đoàn đã làm việc với thành ủy Đà Nẵng về kiểm tra, khảo sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị kết luận văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Bên cạnh những điểm mạnh của Đà Năng về phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở và chỉnh trang đô thị. Đà Nẵng còn được biết đến là địa phương ban hành nhiều chính sách nhằm hiện thực hoá các mục tiêu an sinh bền vững. Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 10/8/2009 của Ban Thường vụ thành ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố và Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/10/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố; công tác giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách.
Về các thiết chế văn hóa, Đà Nẵng có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp Thành phố và 39 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Trong giai đoạn 2016- 2020, Thành phố đã đầu tư 250 tỷ đồng để trùng tu 35 di tích xếp hạng, đồng thời, ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.
Các bảo tàng có nhiều phương thức hoạt động, thu hút khách tham quan, diện mạo ngày càng thay đổi chuyên nghiệp phục vụ công chúng. Ngoài ra, Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách hỗ trợ để khuyến khích xây dựng các bảo tàng tư nhân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư thường trực thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập của Thành phố đó là nguồn lực đầu tư cho văn hóa thời gian qua có tăng nhưng chưa đồng bộ, các dự án còn kéo dài, kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp của ngành văn hoá thể thao còn khó khăn.
“Thành phố vẫn thiếu các công viên, quảng trường văn hóa có quy mô xứng tầm phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa. Một số thiết chế văn hóa vẫn chưa khai thác hết hiệu quả công năng đã được đầu tư. Đa số các trung tâm văn hóa và thể thao xã, phường tần suất hoạt động thấp, nội dung, hình thức hoạt động đơn điệu, chưa hiệu quả”, Phó Bí thư thành ủy Đà Nẵng cho hay.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Theo đó thành phố sẽ rà soát quỹ đất xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Tập trung đầu tư hoàn thành đối với các công trình văn hóa, đặc biệt là các công trình văn hóa cấp thành phố trọng điểm, động lực phát triển thành phố, đầu tư thỏa đáng cho văn học-nghệ thuật với tư cách là lĩnh vực đặc thù của văn hóa.
Tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra những giá trị văn hóa mới của địa phương để làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân Đà Nẵng, cũng như làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cần có cơ chế, chính sách để phát huy năng lực sáng tạo và phát huy văn hóa quần chúng, đồng thời phải tạo điều kiện đưa văn hóa truyền thống về với quần chúng, để mọi người được hưởng thụ, thưởng thức các giá trị văn hóa.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá cao việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Đà Nẵng. Đặc biệt Thành phố có nhiều cách làm sáng tạo, các hoạt động văn hóa phù hợp với điều kiện kinh tế, tạo nét riêng và mang thương hiệu của Đà Nẵng.
Ông Trần Thanh Lâm đề nghị, thời gian tới Đà Nẵng tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các văn bản, chủ trương của Đảng; quan tâm xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, gắn với tinh thần chỉ thị số 05-CT/TW. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh triển khai phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với phát triển thị trường dịch vụ, đóng góp tích cực phát triển kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; quan tâm đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa, nhất là đội ngũ trẻ.
Về các kiến nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ kiến nghị Chính phủ để tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương, trong đó có Đà Nẵng triển khai hiệu quả trên lĩnh vực văn hóa.
PV Chy Lê