Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng cần tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, công nghiệp dược, công nghiệp nền tảng

ĐNA -

Sáng nay (30/12/2022), Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp báo, công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 2022. Phát biểu tại họp báo, ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh. “Thành phố cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư; tiếp tục tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh, tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn…”, 

Ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng và bà Nguyễn Thị Kiều Liên – Trưởng phòng, Phòng Thông kê – tổng hợp, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, chủ trì buổi họp báo. -Ảnh trong bài: Trung Đức.

Năm 2022, quỹ đạo phục hồi kinh tế của Đà Nẵng chuyển biến khá tích cực. Nếu 6 tháng cuối năm 2021, kết quả tăng trưởng ở mức âm, thì tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 6 tháng cuối năm 2022, lần đầu tiên đạt mức tăng kỷ lục với 20,77% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Thống kê thành phố, GRDP cả năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021; tăng 15,34% so với năm 2020 và tăng 6,34% so với năm 2019.

Trong mức tăng 14,05% của toàn nền kinh tế trong năm 2022, khu vực dịch vụ đóng vai trò trụ đỡ chính cho tăng trưởng với mức tăng cả năm ước đạt 17,85%, đóng góp 13,31 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm (VA); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,39%, đóng góp 1,49 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm; riêng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,68% so với năm 2021.

Xét trên phạm vi cả nước, về tốc độ phát triển, năm 2022 GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xếp thứ 17/63 về quy mô. So với các tỉnh Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, Đà Nẵng xếp thứ 2/14 địa phương về tốc độ phát triển (sau Khánh Hòa) và xếp thứ 3 về quy mô (sau Thanh Hóa, Nghệ An). So với khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp thứ 4/5 về quy mô.

Trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả tốc độ phát triển và quy mô trong vùng. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 102,6 triệu đồng/người, tăng 13,8%; tương đương 4.313 USD/người, tăng 11,9% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người theo giá so sánh 2010 tăng 11,7% so với năm 2021.

Vai trò trụ đỡ chính cho tăng trưởng
Xét về giá trị tăng thêm trên quy mô nền kinh tế hay chiếm tỷ lệ trong cơ cấu nền kinh tế, khu vực dịch vụ luôn nổi bật với tỷ lệ cao nhất.

Nếu quy mô nền kinh tế toàn thành phố (theo giá hiện hành năm 2022), ước đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021, thì giá trị tăng thêm (VA) ở khu vực dịch vụ tăng 13.638 tỷ đồng; gấp nhiều lần so với khu vực công nghiệp – xây dựng (tăng 2.648 tỷ đồng); hay nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng gần 141 tỷ đồng) hoặc mức tăng 954 tỷ đồng so với năm 2021 đối với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Xét về cơ cấu, trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,95% trên tổng GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,43%; thuế sản phẩm chiếm 9,24% thì khu vực dịch vụ chiếm đến 68,38%.

“Nhìn chung, nhờ sự phục hồi và tăng trưởng vượt trội của khu vực dịch vụ , cơ cấu nền kinh tế thành phố tiếp tục có sự dịch chuyển, xu hướng là mở rộng sang khu vực dịch vụ (thêm 1,62 điểm phần trăm về cơ cấu so với năm 2021). Ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,84 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18 điểm”, ông Trần Văn Vũ phân tích.

Số liệu từ nhiều lĩnh vực dịch vụ của Đà Nẵng đã minh chứng rõ nét hơn, cho nhìn nhận “khu vực dịch vụ luôn là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của thành phố, và khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất và tiếp tục có xu hướng tăng dần qua các năm, tăng trưởng toàn khu vực năm 2022 ước đạt 17,85%”.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng chung gồm có: ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng đến 67,57%), trở thành ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (với 3,38 điểm phần trăm); hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 24,46% (đóng góp 1,57 điểm); sau đó, là vận tải kho bãi (tăng 20,16%, đóng góp 1,82 điểm); ngành bán buôn, bán lẻ (tăng 11,34%, đóng góp 1,38 điểm)…

Năm 2022, có 2 Hãng hàng không mở đường bay trực tiếp Đài Bắc – Đà Nẵng – Đài Bắc. Trong đó, có một hãng với việc mở đường bay trực tiếp Đài Bắc – Đà Nẵng, cũng đồng nghĩa với đường bay đầu tiên (của Hãng) chính thức kết nối đến thị trường Việt Nam.

Được biết, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành năm 2022 ước đạt 20.809 tỷ đồng, tăng 99,3% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 5.942 tỷ đồng, tăng 225,2%; dịch vụ ăn uống đạt 12.600 tỷ đồng, tăng 52,2%; doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch đạt 2.267 tỷ đồng, tăng 575,2% so với năm 2021.

Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2022 ước đạt 3.687 nghìn lượt, tăng 208,5% năm 2021, trong đó khách quốc tế khoảng 481 nghìn lượt, tăng 380,2%; khách trong nước ước đạt 3.205 nghìn lượt, tăng 192,8%. Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm năm 2022 ước đạt 2,21 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,13 ngày/lượt; khách trong nước là 2,22 ngày/lượt. Rõ ràng, lĩnh vực du lịch được phục hồi tích cực, nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn và các sản phẩm dịch vụ du lịch mới được tổ chức, góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước và từng bước khôi phục thị trường khách quốc tế đến với Đà Nẵng.

Doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông năm 2022 ước đạt 16.303 tỷ đồng, tăng 4,35% so với năm 2021, trong đó doanh thu dịch vụ viễn thông ước tăng 0,54%; lập trình máy tính và các dịch vụ liên quan ước tăng 16,05%. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 132 triệu USD, tăng 34% so với năm 2021. Đà Nẵng được công nhận là địa phương có hai năm liên tiếp đứng đầu về chuyển đổi số (năm 2020 và 2021) do Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số công bố vào tháng 8/2022.

Tính từ đầu năm đến 15/12/2022, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 13.869 tỷ đồng, tăng 6 dự án và tăng 79,0% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 12 dự án nằm ngoài Khu công nghiệp, khu công nghệ cao (KCN, KCNC) với tổng vốn đăng ký đạt 9.916 tỷ đồng và 21 dự án trong KCN, KCNC với tổng vốn đạt 3.953 tỷ đồng.

Tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, công nghiệp dược, công nghiệp nền tảng
Cũng theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tăng trưởng kinh tế đạt khá nhưng chưa đồng đều, một số ngành công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, chưa thể phục hồi (Ngành Dệt, chế biến gỗ, sản xuất phương tiện vận tải khác, sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất). Trong khi đó, thu hút FDI đã giảm về số vốn so với cùng kỳ, chủ yếu thu hút vào Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin. Việc triển khai đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp mới vẫn đang chậm tiến độ, chưa đảm bảo hạ tầng sẵn sàng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

“Trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai chưa đảm bảo nhất là khi có các tình huống thiên tai quy mô lớn; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ đã và đang có nguy cơ gia tăng rủi ro thiên tai ….” – Cục trưởng, Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ.

Trong những năm gần đây và nhất là trong năm 2022, một vấn đề rất đáng lưu ý là tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu đã làm cho tần suất, đặc biệt là cường độ của các loại thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường; nguy cơ đối mặt với nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm đang hiện hữu; nhưng trong thực tế, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của bão, lũ;

(Thông tin về công tác phòng, chống, cũng như khắc phục thiệt hại do bão số 5 và mưa, lũ lớn trên địa bàn, ngày 20/10, của UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: tổng thiệt hại được ước tính là gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, huyện Hòa Vang bị thiệt hại 250 tỷ đồng, quận Hải Châu 130 tỷ đồng, quận Liên Chiểu 578 tỷ đồng, quận Cẩm Lệ 180 tỷ đồng, quận Thanh Khê 87 tỷ đồng, quận Sơn Trà hơn 26 tỷ đồng, quận Ngũ Hành Sơn 17 tỷ đồng. Chỉ riêng các trận mưa rất lớn vào tối ngày 14/10/2022, đã gây ngập 52/56 phường, xã thuộc 8 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập; toàn thành phố có đến 70.000 nhà bị ngập; nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng ngập sâu, có nơi ngập đến 2m).

Công bố của Cục Thống kê thành phố cũng lưu ý: Lao động tham gia hoạt động kinh tế tăng cao, tuy nhiên lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn nên năng suất lao động (NSLĐ) không đạt như kỳ vọng. NSLĐ chung toàn nền kinh tế (bao gồm cả thuế sản phẩm) năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 200,6 triệu đồng/người/năm, giảm 0,5% so với năm 2021 và giảm 2,3% sau khi loại trừ yếu tố tăng giá.

So với năm 2019, do tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 thấp hơn hơn tốc độ tăng dân số trung bình (GRDP tăng 6,34%; DSTB tăng 6,93% so với năm 2019) nên GRDP bình quân đầu người tính theo giá so sánh 2010 vẫn chưa thể thoát ra khỏi mức tăng trưởng âm của hai năm 2020 và 20215.

Chuyên gia đề xuất, Đà Nẵng cần sớm có chính sách phát triển mạnh hơn nữa dịch vụ logictics.

Năm 2022 (tính đến 15/12/2022), thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.476 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 22.477 tỷ đồng, tăng 26,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng 26,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 26,0% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương với 2.146 doanh nghiệp.

Nhưng cũng trong năm 2022, có 698 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, rời khỏi thị trường, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động trong năm vẫn tăng khá cao với 3.420 doanh nghiệp, tăng tương ứng 26,0% so với cùng năm 2021.

Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trong nhiều đề xuất, gợi ý tham vấn giải pháp, ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh thêm “Chính quyền và ngành hữu quan cần sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt thành phố cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư; tiếp tục tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh, tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm: Các lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn…”./.
Trung Đức