Thứ năm, Tháng mười 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng cần xây dựng kịch bản nào để ứng phó rủi ro, khủng hoảng kinh tế ?

ĐNA -

Năng lực và các điều kiện để sẵn sàng ứng phó với rủi ro, khủng hoảng lên mức độ tăng trưởng nền kinh tế thành phố Đà Nẵng trong những năm qua (đặc biệt là trong đại dịch Covid 19 vừa qua; tác động của thiên tai gần đây) như thế nào ? Đâu là những định hướng lớn (trong phát triển bền vững) và các giải pháp cụ thể, nhằm tăng cường năng lực ứng phó với rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố trong tương lai?. Đó là những vấn đề cốt lõi được đặt ra tại một hội thảo vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

Ngày 26/10/2022, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng”. Đồng phối hợp tổ chức hội thảo, còn có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Khoa học Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Đà Nẵng; Học viện chính trị Khu vực III; Viện Khoa học xã hội vùng Trung Trung Bộ; đặc biệt là nhiều trường Đại học trên địa bàn Đà Nẵng.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao khả năng chống chịu cho các ngành kinh tế, thành phố Đà Nẵng cần sớm có kịch bản chủ động, trong đó ưu tiên chú ý 2 “trụ đỡ” quan trọng là chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các ngành kinh tế mũi nhọn và chuyển đổi số nền kinh tế. Ảnh minh họa và ảnh trong bài: T.N.

Bối cảnh chung của những rủi ro và khủng hoảng
Theo PGS.TS.Đào Hữu Hòa – Tổng thư ký Hội khoa học Kinh tế Đà Nẵng, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, “chúng ta đang ở vào những năm đầu thập kỷ thứ 3 của thế kỷ thứ 21 và đang chứng kiến nhiều biến chuyển to lớn có tác động sâu sắc đến cuộc sống, suy nghĩ và tình cảm của toàn nhân loại.

Nếu như trong quá khứ, số phận con người hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, hoàn cảnh đó (có khi) vừa bị thu hẹp, vừa chậm thay đổi; thì nay, chính con người đã trực tiếp hay gián tiếp làm thay đổi hoàn cảnh đó, góp phần tạo ra hoàn cảnh mới ngày càng rộng mở hơn, thay đổi nhanh chóng hơn. Và cũng chính sự đổi nhanh chóng và sâu rộng đó, đã dẫn đến làm thay đổi các quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với tự nhiên làm phát sinh nhiều rủi ro và khủng hoảng hơn”.

Những thách thức khủng hoảng lớn mà nhân loại đã và đang phải đối phó, giải quyết để tồn tại và phát triển, được “chỉ tên, điểm mặt” tại hội thảo, gồm: biến đổi khí hậu toàn cầu; di dân quy mô lớn đang diễn ra ở phạm vi rộng; cạnh tranh giữa các nước lớn trong đó có sự vươn lên của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… và sự suy giảm vai trò của các siêu cường truyền thống; bạo lực và khủng bố ngày càng gia tăng nghiêm trọng (trong đó, bạo lực trong giới trẻ nổi lên và gây ra những quan ngại đến mức đáng báo động; đặc biệt, bạo lực, bạo hành đến mức phi nhân tính giữa người lớn với trẻ nhỏ – TN).
Đó cũng là, sự bùng nổ của xã hội tri thức (và tác động mạnh mẽ của những trào lưu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) , dẫn đến nhiều thách thức và tiềm ẩn nguy cơ đối với một bộ phận lớn lao động do bị tụt hậu, bị đào thải kéo theo sự bất bình đẳng gia tăng. Đáng chú ý, có cả dịch bệnh và nguy cơ khủng bố sinh học toàn cầu. Trong đó, dịch bệnh mang đến những hậu quả thảm khốc cho cuộc sống con người, làm thay đổi cách suy nghĩ, tình cảm và phong cách sống khiến những giá trị truyền thống có thể bị thay đổi (lấy ví dụ tiêu biểu nhất là đại dịch COVID-19 trong các năm 2019 (bùng phát vào dịp cuối năm), 2020 và 2021, kéo dài sang 2022 ở một số quốc gia).

PGS.TS.Đào Hữu Hòa – Tổng thư ký Hội khoa học Kinh tế Đà Nẵng, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

Rủi ro, khủng hoảng từ góc nhìn thu hẹp: COVID-19, vấn đề an ninh phi truyền thống và mức độ tác động đến kinh tế thành phố Đà Nẵng
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng sớm nhấn mạnh:
“Đại dịch COVID-19 cũng như những diễn biến bất thường của thiên tai thời gian vừa qua khiến nền kinh tế thành phố Đà Nẵng suy giảm tăng trưởng chưa từng có. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng chỉ đạt 61,67 nghìn tỷ đồng và lần đầu tiên tăng trưởng xuống mức âm 8,2% (so với năm 2019) sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển.

Đến năm 2021, GRDP thành phố có cải thiện, tăng 0,18% so với năm 2020; quy mô GRDP của thành phố năm 2021 chỉ tương đương khoảng 91,98% của năm 2019. Nếu kinh tế thành phố không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 7,71% thì GRDP năm 2021 lớn hơn GRDP năm 2019 là 15,42%.Những số liệu trên có thể thấy rằng Thành phố Đà Nẵng nằm trong nhóm địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và dễ bị tổn thương nhất bởi các biến cố thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài tác động tiêu cực đối với kinh tế, các biến cố thiên tai, dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hằng ngày của người lao động và hộ gia đình trên địa bàn thành phố, làm thay đổi nhiều mặt của đời sống, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu, đầu tư của hầu hết người dân thành phố.

Trong bối cảnh đó, một câu hỏi quan trọng cần giải quyết là làm thế nào để quản trị khủng hoảng, ứng phó rủi ro ở gốc độ kinh tế địa phương, doanh nghiệp? Làm thế nào để xây dựng được các kịch bản để nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho thành phố Đà Nẵng? Đó cũng chính là lý do mà các nhà khoa học, các nhà quản lý kinh tế đang sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng, trong cả nước và quốc tế góp mặt tại hội thảo, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và kiểm soát khủng hoảng nói riêng, cũng như các vấn đề quản lý kinh tế khác đang được đặc biệt quan tâm.

Phân tích sâu qua lăng kính “các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và mức độ tác động đến kinh tế thành phố Đà Nẵng”, các tác giả TS. Hoàng Văn Long và ThS. Đoàn Thị Ngọc Hà (Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng), ThS.Trần Thị Phương Thảo (trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng), chỉ ra thêm rằng:

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm suy thoái nặng nề kinh tế thành phố trong năm 2020 (tốc độ tăng trưởng -9,77%). Đà Nẵng là 1 trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức tăng trưởng âm (Khánh Hòa -10,52%, Đà Nẵng -9,77%, Quảng Nam -9,96%, Bà Rịa – Vũng Tàu -4,91%, Quảng Ngãi -1,02%). Sang năm 2021, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nên thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp cấp bách để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Vì vậy, chủ đề năm 2021: “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% và nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội khác đã không thể hoàn thành như kế hoạch Nghị quyết đã đề ra; khả năng phục hồi kinh tế trở lại trạng thái so với trước khi có dịch Covid-19 chưa thể thực hiện được trong năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng 0,18%, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

TS. Hoàng Văn Long (Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng), thay mặt nhóm tác giả trình bày tham luận “Đánh giá tác động từ cú sốc, áp lực các vấn đề an ninh phi truyền thống đến phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: Nghiên cứu trường hợp của đại dịch covid-19”.

Qua phân tích tác động của các cú sốc, áp lực của những vấn đề an ninh phi truyền thống đến các khu vực kinh tế thành phố Đà Nẵng; Nhóm tác giả nhận thấy tác động của các đe dọa an ninh phi truyền thống thông qua nghiên cứu điển hình COVID-19 đến các khu vực kinh tế của thành phố là “nghiêm trọng và không đồng đều” giữa các khu vực kinh tế.
Sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài là khá lớn, đặc biệt là khu vực Công nghiệp và Xây dựng, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu chủ động về nguồn cung cũng như ảnh hưởng nặng nề đến việc xuất khẩu. Với cơ cấu kinh tế thiên về khu vực dịch vụ (Dịch vụ – Công nghiệp và xây dựng – Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm – Nông, lâm nghiệp và thủy sản), đây lại là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và sự hồi phục phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài (đặc biệt là lĩnh vực du lịch).
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực và nâng cao khả năng chống chịu cho các khu vực kinh tế những vấn đề đặt ra cho thành phố Đà Nẵng là: Thu hút nhân lực trở lại làm việc sau covid-19, Chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các nghành kinh tế mũi nhọn, Chuyển đổi số nền kinh tế và tăng cường phòng chống những nguy cơ, hiểm họa về y tế, sức khỏe. Hàm ý chính sách đối với thành phố Đà Nẵng cần đặc biệt lưu ý 2 nội dung: Xây dựng phương áp, kịch bản ứng phó với các cú sốc, rủi ro về an ninh y tế (1) và Nâng cao khả năng chống chịu của các khu vực kinh tế trước và cú sốc, áp lực từ các vấn đề an ninh phi truyền thống khác tương tự như là: an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh hàng không và an ninh mạng (2).

Một kịch bản chung cho ứng phó rủi ro, khủng hoảng kinh tế
Là diễn đàn trao đổi kiến thức và kinh nghiệm của các học giả, cán bộ nghiên cứu và đội ngũ Giảng viên, hội thảo khoa học quốc gia về “Thực trạng và Giải pháp nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng” đã bàn sâu các chủ đề: Cơ sở lý thuyết về quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng, ứng phó rủi ro trong nền kinh tế quốc gia, kinh tế địa phương; Quản lý rủi ro và ứng phó rủi ro trong các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Đà Nẵng trong bối cảnh hậu Covid-19; Nâng cao năng lực cảnh báo sớm, quản lý rủi ro cho tài chính Việt Nam, Đà Nẵng và Hàm ý ứng phó; Ứng dụng các mô hình kinh tế lượng để nghiên cứu tác động của ứng phó rủi ro đến hoạt động kinh tế, tài chính …;

Lượng mưa trút xuống Đà Nẵng chưa từng có chỉ trong 3 giờ của buổi tối 14/10/2022 (do ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới, suy yếu từ bão SONCA), đã gây nên tình trạng ngập sâu và ngập trên diện rộng trong lịch sử thiên tai của địa phương này. Sau khi nước rút, thiệt hại được ghi nhận là rất lớn. Trong ảnh: Trận lũ phá hỏng một bãi biển đẹp của Đà Nẵng

Ngoài ra, còn có tham luận “mang tính thời sự cao” về kinh nghiệm ứng phó rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, tài chính… của các nước phát triển và bài học cho Việt Nam, Đà Nẵng (các tham luận chuyên sâu như: Nâng cao tính bền vững trong hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam của hai tác giả TS. Nguyễn Lan Anh, ThS.Lê Thùy Dung (trường Đại học Kinh tế Nghệ An); Nâng cao năng lực chống ngập lụt đô thị tại thành phố Đà Nẵng bằng giải pháp Low Impact Development (LID): Nghiên cứu trường hợp khu đô thị Hòa Xuân, của ThS. Lê Hoàng Nghĩa, TS. Hoàng Hồng Hiệp (Viện KHXH Vùng Trung Bộ – Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam), hay tham luận: Ngập lụt đô thị – Nghiên cứu trường hợp thành phố Đà Nẵng); và đặc biệt, các tác giả đã đề xuất những nhóm giải pháp, chính sách mang tính đặc thù cao, hỗ trợ và húc đẩy năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng của doanh nghiệp (Đà Nẵng, cũng như trên cả nước).
“Với tinh thần khoa học, sự khách quan và trách nhiệm đối với cộng đồng, các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng tất cả các chuyên gia trong và ngoài nước đã và đang góp sức, để có được tiếng nói chung, làm rõ các yêu cầu cấp thiết của phát triển bền vững.

Đó là công cụ và phương pháp nào có thể sử dụng để đo lường “Năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng”? Các chiến lược, các công cụ và giải pháp nào có thể sử dụng để ứng phó khi xuất hiện rủi ro, khủng hoảng? Đánh giá kỹ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến “Năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng” của nền kinh tế một địa phương, một vùng miền, hay rộng hơn? Tập hợp, phân tích và chia sẻ kinh nghiệm, bài học ứng phó với rủi ro, khủng hoảng về kinh tế của các quốc gia, địa phương trong và ngoài nước.

Đặc biệt, với thành phố Đà Nẵng, yêu cầu cần chỉ rõ ra những tác động của đại dịch Covid 19 đến nền kinh tế; đánh giá đầy đủ những thành công, tồn tại hạn chế trong sử dụng các công cụ, triển khai các giải pháp ứng phó với rủi ro, khủng hoảng thời gian qua; đánh giá đúng năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng của nền kinh tế thành phố. Và cái cần nhất là các nghiên cứu tâm huyết đã gợi ý, đề xuất về phương hướng, về giải pháp cần thực hiện, nhằm tăng cường năng lực ứng phó rủi ro, khủng hoảng cho nền kinh tế của Đà Nẵng trong tương lai”, PGS.TS.Đào Hữu Hòa – Tổng thư ký Hội khoa học Kinh tế Đà Nẵng, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, nhìn nhận./.
Trung Đức