Thứ ba, Tháng Một 7, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng chọn điểm đột phá nào cho tăng trưởng 2025



ĐNA -

(Đà Nẵng). Chủ trương hình thành trung tâm tài chính khu vực (tại Đà Nẵng) và quốc tế (tại Thành phố Hồ Chí Minh) – Việt Nam đã chính thức được công bố sáng ngày 4/1/2025 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ, ban hành kế hoạch hành động, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: VGP.

Cùng với Khu thương mại tự do (mô hình thí điểm với Đà Nẵng là địa phương được chọn để triển khai), Trung tâm tài chính là mô hình mới rất mới.

TS.Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) Đại học Đà Nẵng chia sẻ: Trung tâm tài chính khu vực Đà Nẵng, được định hướng ứng dụng công nghệ chuyên sâu để phát triển tài chính. Trung tâm tài chính này phải đủ sức cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác trên thế giới như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Ràng buộc này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để tạo ra nhiều giá trị hơn, để có thể đột phá, phát triển bền vững và có đủ sức mạnh, tiềm lực để cạnh tranh.

Về vấn đề này, VKU chúng tôi nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. VKU đã và đang tích cực hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước để cải tiến chương trình đào tạo, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo trong toàn trường. VKU cũng đã thành lập một Trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo Fintech-Hub (chính thức đi vào hoạt động từ ngày 27/09/2024).

TS.Trần Thế Sơn – Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn – Đại học Đà Nẵng: . VKU cũng đã thành lập một Trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo Fintech-Hub (chính thức đi vào hoạt động từ ngày 27/09/2024). Ảnh: T.Ngọc.

Chương trình đào tạo của VKU có những đặc điểm nổi bật, đó là thiết kế phù hợp với nguồn nhân lực có thể tham gia thị trường lao động chất lượng cao toàn cầu, bám sát thực tiễn kinh doanh, tăng cường ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) và các kỹ năng mềm. Chương trình tiếp cận các xu hướng khoa học công nghệ hiện nay như Fintech, một chuyên ngành đáp ứng nguồn nhân lực cho Trung tâm tài chính. Bên cạnh đó, VKU còn đào tạo các chuyên ngành như AI, vi mạch – bán dẫn, và cả kỹ thuật phần mềm ô tô”.

Được biết, Bộ Chính trị, tại thông báo số 47-TB/TW (ngày 15/11/2024), đã có kết luận chính thức về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực (tại Đà Nẵng) và Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện (tại Thành phố Hồ Chí Minh) – Việt Nam.

Về chủ trương và lộ trình, Bộ Chính trị đồng ý từ nay đến năm 2030 lân lượt ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và áp dụng ngay, theo tinh thần “quyết liệt, đồng bộ, nhất quán, trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ để bứt phá; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, triển khai đúng tiến độ, lộ trình các công việc đề ra”. Có 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên sẽ áp dụng thí điểm đối với Việt Nam. Từ 2030 đến năm 2035, triển khai thực hiện đầy đủ các nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Lộ trình hình thành Trung tâm tài chính khu vực và Khu thương mại tự do, những mô hình có tính đột phá cao, chính sách đặc thù và chưa hề có tiền lệ với Việt Nam, còn khá dài. Trước mắt, năm 2025, Đà Nẵng làm gì để bảo vệ chỉ số tăng trưởng, làm nền thàng cho những kiến trưc mới của nền kinh tế ?

Lễ khai trương Trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo Fintech-Hub tại VKU. Ảnh: T.Ngọc.

Năm 2025, Đà Nẵng chọn điểm đột phá nào cho tăng trưởng ?
Năm 2025, thành phố Đà Nẵng xác định là năm “cần tạo ra bứt phá để. Chủ đề năm 2025 là “Tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế”.

Ngày 3/1/2025, tại phiên họp báo, công bố số liệu kinh tế – xã hội Đà Nẵng năm 2024; Cục trưởng Cục Thống kê thành phố, ông Trần Văn Vũ nhấn mạnh rằng, ở góc độ vĩ mô, có một số giải pháp, Đà Nẵng cần phải thực hiện cho năm 2025, để “hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết của HĐND thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025”.

“Du lịch – một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố – đang cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển. Đầu tư xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, khách MICE, golf, du lịch cưới… Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch phải thường xuyên tăng cường tập huấn nâng cao tay nghề, chất lượng dịch vụ cho đội ngũ quản lý và phục vụ của đơn vị nhằm phục vụ du khách một cách tốt nhất”, ông Trần Văn Vũ đề xuất.

Điều này thực tế là đòi hỏi có tính cấp bách Bởi, Đà Nẵng đã là điểm đến của giới khách thượng lưu. Nhiều tỷ phú đã chọn Đà Nẵng để tổ chức đám cưới cho con, kết hợp du lịch cho người thân, đối tác, bạn bè.

Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, doanh thu dịch vụ lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch tăng cao nhất với 29,8% ; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 21,0%; dịch vụ tiêu dùng khác tăng 15,9%; bán lẻ hàng hóa tăng 12,0% so với năm 2023 (Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 136.954 tỷ đồng, tăng 15,0% so với năm 2023).

Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2024 ước đạt 10,9 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 4,1 triệu lượt, tăng 35,3%; khách trong nước đạt 6,7 triệu lượt, tăng 30,7%. Tổng số lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ năm 2024 ước đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 12,8% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 509 nghìn lượt, tăng 31,9%; khách trong nước đạt 885 nghìn lượt, tăng 1,4%; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 77 nghìn lượt tăng 36,4% so với năm trước.

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ. Ảnh: T.Ngọc.

Tác động từ du lịch, doanh thu vận tải đường bộ, đường sắt đạt 10.698 tỷ đồng, tăng 16,2%; đường thủy đạt 61 tỷ đồng, tăng 8,0%; đường hàng không đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 26,1%; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải đạt 12.358 tỷ đồng, tăng 25,9%.Ước tính năm 2024, vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thủy đạt hơn 30 triệu lượt, tăng 12,4% và luân chuyển đạt 966 triệu lượt hành khách (tăng 15,2% so với năm 2023); vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy đạt 53,5 triệu tấn, tăng 16,3% và luân chuyển đạt 5.191 triệu tấn.km, tăng 15,3% so với năm 2023.

Cuối năm 2024 – đầu năm 2025, Đà Nẵng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kèm theo gió mạnh từ đông bắc dài ngày, sóng biển đã dâng cao, xâm thực rất mạnh , gây xói mòn và sạt lở một số bãi biển (dọc theo đường Trường Sa – Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sa).

Điểm bị xâm hại nặng nề nhất là bãi biển Mỹ Khê (phía Đông đoạn đường Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa. Bãi biển này gắn liền với danh xưng “một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới” (tạp chí Forbes thống kê bầu chọn và công bố năm 2005) ; “1 trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á” (Báo Sunday Herald Sun – Australia, tổng hợp bình chọn từ du khách, độc giả về bãi biển Mỹ Khê và công bố).

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, xác nhận bãi biển hành lang phía Đông của thành phố, đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng do tác động {kéo dài} của gió mùa đông bắc và sóng lớn. Tình trạng xâm thực mạnh mẽ này lần đầu tiên xảy ra vào thời điểm cuối năm 2024.

Phương án xử lý và ứng cứu cho bãi biển có tính tình thế là đóng cọc đắp đê cát (lấy cát từ điểm ít bị xói lở, đưa về đổ ở khu vực bị sạt lở); làm tường chắn tạm thời tại các điểm sạt lở (sử dụng bao cát, lưới thép làm rọ, vừa giảm lực tác động khi sóng đánh sâu vào bờ, vừa ngăn không cho sóng biển khi rút, mang theo cát).

Là một đô thị duyên hải, Đà Nẵng có ưu thế lớn về du lịch biển, song rõ ràng, trước các hiện tương nước biển dâng, biến đổi khi hậu, hiện tượng cực đoan của thời tiết, … đã và đang tác động xấu đến ngành kinh tế rất quan trọng của thành phố. Điều này cho thấy, Đà Nẵng phải sớm có phương án “chống chịu” tốt hơn cho hàng lang biển phía Đông của thành phố.

Tình trạng xâm thực các bãi biển đẹp của Đà Nẵng, diễn ra nhiều năm nay, song, đây là lần nghiêm trọng nhất. Ảnh: T.Ngọc.

Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thực sự hấp dẫn
Cục trưởng Trần Văn Vũ nhấn mạnh thêm: Để thu hút các kênh vốn đầu tư, Đà Nẵng phải tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thông qua tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn đọng {nhiều năm}, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong thủ tục hành chính; hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn thành phố mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư; tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố.

Cải thiện các chỉ số thành phần thuộc “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”, nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường thực sự hấp dẫn. Tăng cường thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, điện tử và linh kiện điện tử…

Số liệu do Cục Thống kê Đà Nẵng công bố cho thấy, một số ngành tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng không ổn định, sản phẩm sản xuất và tiêu thụ ở những đơn vị chiếm tỷ trọng lớn phụ thuộc hoàn toàn vào đơn hàng từ Công ty mẹ, điển hình như sản phẩm da và các sản phẩm có liên quan (-10,8%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (-8,4%); sản xuất sản phẩm thuốc lá (-8,8%); … Một số ngành vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, lượng tiêu thụ khá chậm: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-9,9%); sản xuất đồ uống (-11,4%); sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu (- 5,5%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-7,6%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (-11,0%)… Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo dự kiến đến cuối tháng 12 năm 2024 ước tăng 1,5% so với thời điểm cuối năm 2023.

Nguyên nhân cơ bản của một số ngành sản xuất, không tiêu thụ được sản phẩn (hay xuất khẩu) là do sức mua của thị trường thế giới. tuy đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng chưa đáng kể; còn ở trong nước, xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định, tiền lương, thu nhập giảm ngày càng hiện hữu rõ hơn.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, tham dự phiên họp báo, công bố số liệu kinh tế – xã hội Đà Nẵng năm 2024. Ảnh: T.Ngọc.

Khó khăn này cũng phản ảnh qua số lượng doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, xin tạm ngừng và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng lên. Ngược lại, số doanh nghiệp mới gia nhập có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023, mặc dầu nền kinh tế đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan ở một số lĩnh vực. Tính đến ngày 25/12/2024, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 4.051 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 16.029 tỷ đồng; giảm 8,0% về số doanh nghiệp và giảm 27,3% về số vốn so 10 với cùng kỳ 2023; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 0,6%; doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng 3,9% so với cùng kỳ. Có 734 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2023.

“Công tác triển khai đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm so với tiến độ đề ra, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp. Kết quả khảo sát đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do thị trường đầu ra sản phẩm hạn chế; một số doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào…

Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong khi giá tiền thuê đất sản xuất còn khá cao so với nhiều địa phương khác trong vùng và trên cả nước. Đây cũng là một hạn chế để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, giảm bớt áp lực về tài chính, dồn nguồn lực cho đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh nhằm đóng góp cho tăng trưởng chung của cả khu vực công nghiệp và tăng thu ngân sách cho địa phương. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tuy có tăng nhưng còn khá khiêm tốn; tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP chỉ đạt 22,3%, thấp nhất trong cả giai đoạn 2021-2024 và liên tục theo xu hướng giảm trong cả giai đoạn. Điều này cho thấy năng lực mới tăng của các doanh nghiệp còn khá hạn chế, tỷ trọng đóng góp của vốn vào tăng trưởng chưa xứng tầm với quy mô nền kinh tế thành phố.”, lãnh đạo Cục Thống kê thành phố phân tích.

Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng đề nghị cần bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các phương tiện và bến, cảng có quy mô lớn. (Ảnh: Xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Tiến Sa-Đà Nẵng. Ảnh minh họa; T.Ngọc).

Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các phương tiện và bến, cảng có quy mô lớn, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất, nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố.Hỗ trợ tư vấn phát triển Nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp thành phố.

Chính quyền và ngành chức năng thành phốcần tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhân rộng các mô hình theo hướng chuyển đổi tư duy từ tăng sản lượng sang giá trị; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững./.

Trần Ngọc