Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Đi tìm giải pháp bền vững cho vấn đề xử lý chất thải rắn xây dựng

ĐNA -

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 đặt ra mục tiêu và yêu cầu rất cao trong quản lý, xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung, CTR xây dựng (XD) nói riêng. Nhưng hiện nay, hiện tượng đổ trộm chất thải ở Đà Nẵng và trên cả nước đang là vấn đề luôn nóng và gây bức xúc, chưa thể giải quyết cơ bản “một sớm một chiều”.

Khối lượng CTRXD hiện tại của Đà Nẵng khoảng từ 1.500 – 2.500 tấn/ngày và dự báo còn tăng rất cao. Chiếm hơn 50% CTRXD là bê tông, khối xây, gạch vỡ …

Đối với CTRXD, hình ảnh hàng đống, đến cả núi xà-bần (vữa khô, gạch vỡ, đá, gốm sứ, kim loại, …), có khi là cả khối bê tông được đổ trộm ở khu vực ít dân cư, lô đất trống hay các khu vực ven hồ, ao… vẫn đập vào mắt cộng đồng. Xà-bần bê tông đi đến đâu là kéo theo tác nhân gây ô nhiễm môi trường, rơi vãi trên đường công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, tạo tiền lệ hình thành nên thói quen rất xấu cho cộng đồng. Nhưng để thu dọn phải tốn kinh phí, nhân lực, phương tiện.

Dù đã có hẳn một quy định xử phạt hành vi đổ trộm xà-bần (Nghị định 155/NĐ-CP ngày 18/11/2015) nhưng do thiếu nhân sự, phương tiện, và cả yếu tố thời gian, nên cơ quan chịu trách nhiệm cũng không đủ sức để thực hiện thường xuyên các hoạt động kiểm tra, giám sát hành vi đổ trộm và xử phạt.

Với Đà Nẵng – cũng như hàng loạt đô thị trên cả nước- , mục tiêu xử lý CTRXD luôn là bài toán khó có lời giải như mong muốn.

TS.KTS Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. Ảnh trong bài: Trung Đức.

Chia sẻ tại hội thảo “Quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố”, vừa diễn ra sáng nay (24/6/2022), TS.KTS Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết:

Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2017 về Quản lý chất thải và năm 2019 về CTR sinh hoạt, lượng CTRXD tại các đô thị lớn (trong đó có thành phố Đà Nẵng) chiếm từ 15%-25% tổng lượng CTR đô thị phát sinh. Tuy nhiên, giải pháp phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng, CTRXD phát sinh phần lớn đổ thải tại các bãi tập kết, lô đất trống hoặc được đổ tại các bãi chôn lấp. Trong khi các thành phần chính từ CTRXD (đất, gạch, bê tông,..) có thể được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả và kinh tế trong xây dựng và cở sở hạ tầng, nhờ đó trực tiếp giảm thiểu lượng CTRXD phải chôn lấp”.

Một số liệu do Nhóm Nghiên cứu dự án SATREPS khảo sát và đưa ra cho thấy, mỗi ngày thành phố (Đà Nẵng), cần chỗ chứa cho khoảng 500m3 CTRXD. Nếu chôn lấp thì mỗi năm cần khoảng 1,7 ha cho việc chôn lấp. Nếu chứa tạm ở các bãi thì cần khoảng 11 – 22ha đất mỗi năm cho việc chứa tạm CTRXD. Hiện trạng là 75% lượng CTR XD phát sinh đang chứa tạm (20.000 VND/m3 ~ 15.000 VND/T) hoặc đổ trộm ra môi trường, lượng rác này được đưa đến các bãi đổ trộm, đổ tạm đều ít được tái chế. Chỉ mới “tận thu” và tái chế: Kim loại 46% ; Gỗ 19% và Nhựa 18%.

Dự án SATREPS (Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam) thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển bền vững giữa JICA và Tổ chức khoa học công nghệ Nhật Bản (JST).

Tại Việt Nam, dự án được Trường Đại học Xây dựng chủ trì thực hiện, trong thời gian 5 năm (2018-2023).

Một thỏa thuận hợp tác cùng thực hiện dự án SATREPS, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng chính thức ký kết với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. SATREPS được thực hiện tại Đà Nẵng từ năm 2020 – 2025 với 3 giai đoạn (2020 -2021; 2021 – 2022; 2022 – 2025).

Đổ trộm xà-bần, CTRXD khác là vấn nạn gây ô nhiễm môi trường, tốn kém chi phí trong xử lý mà các đô thị còn phải đối mặt dài dài

Thiếu cả cơ chế, chính sách lẫn vốn đầu tư.

“Việc xử lý CTRXD ở Đà Nẵng hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chúng tôi chưa có công nghệ phân loại, xử lý, tái chế CTRXD, nên thực tế đã chưa nâng cao giá trị của CTRXD. Ngay như phương thức vận hành tại vị trí tập kết vẫn còn mang tính tạm thời, các giải pháp bảo vệ môi trường chưa đảm bảo, người dân phản ánh, than phiền rất nhiều. Ngay như vị trí tập kết CTR XD hiện tại cũng chưa đúng quy hoạch, chưa đảm bảo khoảng cách ly và có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giao thông ở khu vực có bãi tập kết CTRXD. Bất cập hiện nay là đơn giá để đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành, vẫn chưa (được cơ quan thảm quyền) ban hành” – ông Đặng Quang Vinh – Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ Môi trường Đà Nẵng.

Cơ quan tham vấn (Nhóm nghiên cứu dự án SATREPS) trong báo cáo “đề xuất các giải pháp quản lý bền vững và thúc đẩy tái chế CTRXD tại thành phố Đà Nẵng” chia sẻ thêm nhìn nhận rằng: Ngành chức năng vẫn chưa có trong tay các công cụ chính sách, pháp lý để hạn chế chôn lấp, thúc đẩy tái chế hay thực hiện phân loại đúng quy trình tại nguồn đối với CTRXD. Trong khi đó, chi phí đầu tư công nghệ tái chế lại khá cao, đưa đến nhiều khó khăn trong kêu gọi đầu tư đối với nhóm dự án này.

Từ phải sang: ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; các chuyên gia Nhật đến từ Đại học SAITAMA, Điều phối viên của JICA.

Giải pháp trước mắt là quy hoạch quản lý và quy hoạch các vị trí bãi trung chuyển-xử lý CTR. Ngay tại địa bàn Đà Nẵng, đã có 4 bãi tập kết tạm thời CTRXD được đưa vào sử dụng (2 bãi ở quận Sơn và 2 bãi ở quận Liên Chiểu). 4 bãi này thời gian qua đã tạo nguồn nguyên vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng, giảm thiểu được tình trạng và giảm thiểu số điểm ô nhiễm môi trường.

Hội thảo “Quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố” (do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức) diễn ra hôm nay 24/6/2022, trở thành diễn đàn mở, để Đà Nẵng được chia sẻ và đón nhận kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, ý kiến tham vấn chuyên ngành từ các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị để xây dựng các định hướng, các giải pháp cụ thể.

“Chúng tôi mong muốn hoàn thiện hệ thống quản lý CTRXD phù hợp với thực tiễn và mục tiêu đề ra, bởi đây cũng là thành tố rất quan trọng, tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng “phát triển theo hướng đô thị sinh thái”, đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như tại đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030” – TS.KTS Tô Hùng cho biết.

Tại hội thảo, Nhóm Nghiên cứu dự án Satreps cũng đã đề xuất “Mô hình công nghệ tái chế CTRXD & ứng dụng vật liệu tái chế trong thi công mặt đường thấm nước” và nhiều đề xuất khác.

Đây cũng là lần thứ hai, Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng, phối hợp với đối tác và cũng là cơ quan tham vấn, mở hội thảo chuyên đề về xử CTR (lần đầu, diễn ra vào ngày chiều 26/11/2021).

Cách đây 6 năm, từ năm 2016, lúc đó theo thẩm quyền của mình, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã có tham mưu trình Chính quyền thành phố. Và UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch CTR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó (mục tiêu gần) đến năm 2030: 100% tổng lượng CTRXD phát sinh được thu gom và xử lý, với 80% được thu hồi và tái chế, tái sử dụng (QĐ số 9019/QĐ-UBND ngày 28/12/2016) – ông Đặng Quang Vinh – Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ Môi trường Đà Nẵng, chia sẻ báo cáo hiện trạng phát sinh chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đến năm 2018, HĐND thành phố Đà Nẵng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về quản lý chất thải rắn của thành phố đến năm 2025, theo đó mục tiêu đề ra phải giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do CTR rắn gây ra; nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, thu hút các thành phần từ khu vực tư nhân trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Tuy nhiên, cho đến nay, CTRXD vẫn là vấn đề vô cùng phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương và cũng là vấn đề đã được các cử tri hết sức quan tâm. Các đề xuất mô hình quản lý cũng như các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý CTRXD khả thi, nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRXD gây nên, vẫn luôn được nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội mong đợi./.
Thế Cương – Trung Đức – CQĐD.TCĐNA.MTTN