Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng, địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo

ĐNA -

(Đà Nẵng). Sáng nay 26/1/2024, đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng), theo theo quyết định số 2941/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.

“Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên của cả nước, thành lập riêng một cơ quan. một trung tâm đảm nhận chức năng nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo” – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh trao quyết định bổ nhiệm, và tặng hoa chúc mừng Giám đốc DSAC, ông Lê Hoàng Phúc (nguyên Phó Trưởng ban, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư (IPA) Đà Nẵng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng). Ảnh trong tin: T.Ngọc.

Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (tên viết tắt tiếng Anh là DSAC), buổi đầu có bộ máy tinh gọn gồm Ban Giám đốc, 2 phòng chuyên môn (Phòng Hành chính và Đào tạo; Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế). DSAC có 3 chức năng chính: Đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bản dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Giám đốc DSAC là ông Lê Hoàng Phúc – Nguyên Phó Trưởng ban, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư (IPA) Đà Nẵng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố, DSAC có trách nhiệm: Tham mưu, tư vấn Sở Thông tin và Truyền thông, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vì mạch của thành phố Đà Nẵng”; Phối hợp xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trên lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo; Chủ trì (hoặc phối hợp trong và ngoài nước) triển khai nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học, dự báo hoạt động, kết nối cung – cầu của thị trường nhân lực, giải pháp ứng dụng đối với lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo; Chủ trì (hoặc phối hợp các trường, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế), tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận về lĩnh vực bản dẫn, vì mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định của pháp luật.

DSAC cũng là cơ quan tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo đến sinh sống, làm việc, đầu tư tại Đà Nẵng; Cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, tươm tạo và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (dưới dạng “spin-off” hoặc “start-up”) liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định pháp luật; Phối hợp tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ quốc tế về bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định”; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo; …

Giai đoạn 2024-2025, Trung tâm DSAC tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính như sau: Hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho Trung tâm DSAC; Đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng; Triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; Hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các Doanh nghiệp.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng, mô hình cung cấp dịch vụ của DSAC là rất phù hợp. Do đặc thù, giai đoạn đầu, ngân sách nhà nước cần đầu tư 100%; về sau, khi đã hoạt động, vận hành ổn định, ngân sách bảo đảm 80% chi phí, phần còn lại, qua  cung cấp dịch vụ DSAC huy động 20% bù đắp nguồn kinh phí sự nghiệp.

Tạo dựng hệ sinh thái đồng bộ, phát triển ngành vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh: Phải tạo dựng hệ sinh thái đồng bộ và phát triển về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cho Đà Nẵng.

Phát biểu giao nhiệm vụ cho DSAC, Chủ tịch UBND thành phố, ông Lê Trung Chinh lưu ý: Trong hợp tác quốc tế, hỗ trợ thu hút đầu tư, Trung tâm DSAC cần phát huy vai trò hỗ trợ tích cực cho công tác xúc tiến đầu tư của thành phố, thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư, từng bước tạo dựng hệ sinh thái đồng bộ và phát triển về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố. Thành phố kỳ vọng Trung tâm DSAC sẽ trở thành một đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước.

DSAC cần chủ động, phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Intell triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo giảng viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024, làm tiền đề để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn của các tập đoàn quốc tế về thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Đối với đào tạo, bồi dưỡng, cần xác định rõ bài toán cung cầu, xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể với các trường Đại học trong liên minh đào tạo về thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo nhằm đề xuất, triển khai các giải pháp hiệu quả, chất lượng. Từ năm 2025 trở đi, DSAC xây dựng lộ trình hợp tác với các đối tác lớn để triển khai bồi dưỡng các lớp chuyên sâu công nghệ lõi để từng bước hình thành nên các doanh nghiệp start-ups, spin-off trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng.

Lãnh đạo TP, Bộ Thông tin – Truyền thông tặng hoa tri ân các Trường Đại học và Cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố, đã có nhiều đóng góp, trong chuẩn bị nguồn nhân lực làm việc trong ngành vi mạch, và chuyên ngành liên quan.

Chủ tịch Lê Trung Chinh cũng yêu cầu Trung tâm DSAC khẩn trương tham mưu cho chính quyền thành phố, dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo gồm: Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”; Nghị quyết của HĐND thành phố về các cơ chế chính sách cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm về vi mạch, trí tuệ nhân tạo gắn với các hình thức thu hút làm việc ngắn hạn, dài hạn, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo tại thành phố…; Tham mưu nội dung chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng trong Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù thành phố Đà Nẵng (hoàn thành trong Quý II năm 2024).

“Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm DSAC nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho Trung tâm DSAC trong tháng 2/2024; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cho Trung tâm DSAC đáp ứng được yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thiết kê vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Xây dựng lộ trình đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2 thành phố Đà Nẵng, phấn đấu đưa vào sử dụng trong quý II năm 2024.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng là bộ máy chuyên trách, được ra đời cùng với tinh thần khẩn trương hình thành hệ thống các chính sách đi cùng ; là một trong những hoạt động cụ thể hóa quyết tâm chính trị của thành phố trong thực thi nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, đó là tận dụng được các cơ hội lớn để phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo”, Chủ tịch Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Ngay sau Lễ công bố đã diễn ra tọa đàm, chủ đề: “Đà Nẵng và Chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo”./.

T.Ngọc