Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng đón nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới đầu tiên: Tư liệu Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn



ĐNA -

Ngày 1/3/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP- Memory of the World Committee for Asia and the Pacific – KÝ ỨC THẾ GIỚI KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG), Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn di sản thế giới đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.

Bà Miki Nozawa, Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng công nhận Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là “Di sản tư liệu” thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đến Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương. Ảnh: T.Đ.

“Ký ức hình thành nên bản sắc chúng ta. Ký ức ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu về bản thân và môi trường xung quanh, cách chúng ta giải thích các luồng thông tin và đưa ra quyết định. Ký ức không chỉ là quá khứ, ký ức đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu hiện tại và dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Di sản văn hóa của chúng ta ảnh hưởng đến ký ức của tập thể chúng ta. Di sản tư liệu bao gồm lượng thông tin khổng lồ đã được tạo ra và lưu trữ theo nhiều cách khác nhau và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ý nghĩa của chương trình Ký ức thế giới của UNESCO – một sáng kiến quốc tế nhằm bảo vệ di sản tư liệu của nhân loại, chống lại chứng mất trí nhớ tập thể, sự xao nhãng, sự tàn phá qua thời gian, do điều kiện khí hậu, cũng như sự hủy hoại có chủ ý”, bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhấn mạnh trong phát biểu tại sự kiện.

Ma Nhai là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm, có nội dung rất đa dạng, phong phú về thể loại văn học. Mỗi bia ma nhai có sự khác nhau về hình thức, nội dung, nhưng hội đủ các yếu tố của của một tác phẩm nghệ thuật độc đáo: Được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, thể hiện kỹ thuật chạm khắc đá truyền thống (của những bậc tiền bối nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước), trao truyền kinh nghiệm qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.

Hệ thống Ma Nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu. Tác giả các bài văn khắc này là các vị vua, quan lại triều Nguyễn, các vị cao tăng, trí thức, tao nhân mặc khách, … những tâm hồn giàu cảm xúc, uyên bác, và tài hoa thi ca.

Nguồn di sản tư liệu này có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều lĩnh vực của địa phương (Quảng Nam, Đà Nẵng) cũng như đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến, bao gồm lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa – giáo dục.
Đặc biệt, từ nội dung bia ma nhai, chúng ta có thể tìm hiểu về quá trình giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các nước Đông Á từ thế kỷ XVII, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam từ thời trung đại được kế thừa cho tới ngày hôm nay.

“Mang nhiều giá trị vượt ra ngoài ranh giới quốc gia, Ma Nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng đã được vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến: Mỗi bia ma nhai có sự khác nhau về hình thức, nội dung, nhưng hội đủ các yếu tố của của một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ảnh: T.Đ.

“Bộ sưu tập Ma Nhai Ngũ Hành Sơn lưu giữ những ký ức về giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực; vai trò của của phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế thế kỷ XVII.
Việc ghi danh trong danh mục MOWCAP chính là ghi nhận ý nghĩa và tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn như ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo, tính xác thực, đồng thời có tính đến sự nhạy cảm về giới của các đề cử được gửi đến để đánh giá”, Bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định.

“Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2022, là kết quả của những nỗ lực và trách nhiệm cao của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam, đặc biệt phải nói tới vai trò của cộng đồng người dân có di sản và sự quyết tâm bảo vệ di sản của Thành phố Đà Nẵng.

Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản – Trung Hoa – Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng – loại di sản tư liệu này có số lượng ghi danh khiêm tốn trong các Danh sách Di sản tư liệu khu vực, thế giới và là đầu tiên ở Việt Nam, khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam và lan toả các giá trị Việt Nam còn đang tiềm ẩn đối với bạn bè, đồng nghiệp khu vực và trên thế giới”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Hoàng Đạo Cương, khẳng định.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bên trái) trao bằng công nhận Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đến ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Đ.

Từ năm 2019, nhìn nhận được những giá trị lớn, quý hiếm, độc đáo của hệ thống di sản tư liệu này, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định xây dựng hồ sơ đề cử Unesco ghi danh di sản tư liệu. Kết quả, vào ngày 26 tháng 11 năm 2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Quá trình nghiên cứu, thu thập dữ liệu và lập hồ sơ trình Unesco và đã bảo vệ thành công hồ sơ “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn”; thành phố Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, đóng góp trí tuệ, nhiều công sức từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại Giao, Văn phòng Unesco tại Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban quốc gia Unesco, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới, Cục Di sản văn hóa, các Bộ, ban, ngành hữu quan, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Đây là niềm vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Thêm một di sản văn hóa vô giá mà cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp, gìn giữ, trao truyền lại cho cháu con được vinh danh, được cam kết giữ gìn để tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại. Đây đồng thời cũng là điểm nhấn giúp giới thiệu quảng bá các giá trị văn hoá dân tộc, điểm đến du lịch của địa phương đến cộng đồng trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến bày tỏ thêm.

Bài thơ thất ngôn của Quảng Nam Bố Chánh Sứ Nam Châu Lê văn Đạo ca ngợi cảnh sắc Động Huyền Không – Ngũ Hành Sơn (1889). Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng.

Với bằng công nhận là “Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, năm 2022; dù chỉ trải dài trên một diện tích hơn 1Km2; nhưng danh thắng Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng, trở thành vùng đất mang trên mình nhiều di sản hiếm: Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chính thức có quyết định công nhận Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1820/QĐ-TTg, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9), trong đó, có di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Năm 2021, “Lễ hội Quán Thế m Ngũ Hành Sơn” được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể”, tại quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021. Trước đó, năm 2000, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xếp hạng Lễ hội nói trên “là 1 trong 15 lễ hội có quy mô lớn nhất trên cả nước”.

Như vậy, danh thắng Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng đã có đến 4 bằng công nhận di sản, trong đó bao gồm 3 di sản cấp quốc gia ( với 2 di sản văn hóa phi vật thể) và 1 di sản cấp khu vực (châu Á – Thái Bình Dương) của thế giới.

Du khách bất ngờ với những Ma Nhai trong Tàng Chơn Động. Ảnh: T.Ngọc.

“Bộ sưu tập Ma Nhai Ngũ Hành Sơn lưu giữ những ký ức về giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực; vai trò của của phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế thế kỷ XVII.

Việc ghi danh trong danh mục MOWCAP chính là ghi nhận ý nghĩa và tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn như ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo, tính xác thực, đồng thời có tính đến sự nhạy cảm về giới của các đề cử được gửi đến để đánh giá”, Bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định.

Cũng tại sự kiện, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã chính thức giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn, cùng các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn danh thắng Ngũ Hành sơn nói chung và Ma nhai Ngũ Hành Sơn nói riêng với định hướng bền vững, lâu dài và hiệu quả.

Trong đó, ưu tiên chú trọng thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”; Tổ chức, kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các ma nhai. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản ma nhai một cách bền vững, khoa học và hiệu quả, mang tính thực tiễn cao. Và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng. Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để học tập và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu bia ma nhai.

Ma Nhai Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật – Đông Hoa Nghiêm – Canh Thìn (1640). Ghi lại việc trùng tu tôn tạo chùa trên núi Phổ Đà (Ngũ Hành Sơn) và chùa Bình An (ở dưới núi này). Danh sách đóng góp của Thiện Nam – Tín Nữ rất nhiều, trong đó có cả người Nhật, người Trung Hoa, … Những người Nhật, người Trung Hoa này phần nhiều đến giao thương và sau đó sinh sống ở Hội An lúc ấy. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tăng cường truyền thông, quảng bá giá trị di sản tư liệu bia ma nhai một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua nhiều hoạt động, phương thức đa dạng nhằm nâng cao ý thức của người dân và du khách; tăng cường giới thiệu tư liệu quý này vào trường học, qua đó giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt chú trọng nhiệm vụ giáo dục, truyền thông trong cộng đồng nhằm phát huy vai trò của chủ thể quan trọng này trong việc bảo vệ, phát huy di sản.

Được biết, Chương trình Ký ức thế giới là 1 trong 3 sáng kiến của UNESCO nhằm bảo vệ và nâng cao nhận thức về di sản tư liệu nói riêng và di sản văn hóa toàn cầu nói chung, hai sáng kiến trước đó là: Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 và Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003. Trong đó, “Di sản tư liệu phản ánh ký ức quốc gia và bản sắc của mỗi quốc gia đó, và di sản tư liệu góp phần xác định vị thế của quốc gia trong cộng đồng quốc tế”.

Du khách hài lòng với trải nghiệm thăm Động Âm phủ (danh thắng Ngũ hành Sơn – Đà Nẵng). Ảnh: T.Đ.

Từ năm 1993 đến nay, UNESCO đã ghi danh 32 di sản của Việt Nam vào các danh sách “Di sản khu vực và thế giới”, gồm: 8 Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới; 14 Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 9 di sản thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, trong đó có 6 Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 3 Di sản tư liệu thế giới. Đây là sự ghi nhận của thế giới đối với những nỗ lực của Việt Nam đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trong sự phát triển bền vững và giao lưu, hội nhập văn hoá.

“Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm lớn lao phải thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị “Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn” xứng tầm với vị thế của một di sản tư liệu thế giới. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về hệ thống ma nhai đến cộng đồng trong nước và quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới đầu tiên của Đà Nẵng mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa; góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng không chỉ là thành phố phát triển về kinh tế, mà còn là thành phố có ký ức và bề dày lịch sử – văn hóa; đồng thời tạo cơ sở, nền tảng vững chắc, tiến tới một ước nguyện lớn: Thành phố Đà Nẵng sẽ đệ trình UNESCO công nhận Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản văn hóa thế giới”, ông Nguyễn Hòa – Chủ tịch UBND Quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ./.

Trung Đức