Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Đà Nẵng: Giám sát tác động môi trường, phát triển kinh tế, xã hội theo xu hướng xanh

ĐNA -

“Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới, tác động đến quy trình giám sát, đánh giá, đăng ký và cấp giấy phép môi trường, kể cả hoạt động hậu kiểm sau khi cấp phép.

Khi đưa Luật vào thực tiễn, không tránh khỏi các vướng mắc, phát sinh. Công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ những người trực tiếp vào tham gia vào quy trình, đối với một Luật mới đã có hiệu lực, càng có ý nghĩa rất quan trọng” – Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng, ông Đặng Quang Vinh chia sẻ.

Đánh giá chất lượng nước thải trước và sau xử lý tại một Trạm xử lý ở Đà Nẵng. Với mục tiêu xây dựng Thành phố môi trường, Đà Nẵng chọn mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội theo xu hướng xanh. -Ảnh trong bài: Trung Đức.

Sáng nay (12/7/2022), Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã khai mạc lớp tập huấn công tác thẩm định hồ sơ môi trường theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đây là hoạt động tập huấn lần thứ hai (trước đó, đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến).

Các nội dung tập huấn lần này gồm: Quy định của pháp luật về thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, gắn với phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Đây là một trong nhiều điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, kiểm soát rất chặt dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao, nhưng lại gắn với giảm thủ tục hành chính sau khi đã phân nhóm dự án.

Các Luật Bảo vệ môi trường trước đây chủ yếu căn cứ vào tiêu chí mức độ tác động xấu đến môi trường và diện tích sử dụng đất để phân loại dự án đầu tư.

Báo viên đến từ Vụ Thẩm định, đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường: Thạc sỹ, Phó Vụ trưởng Phạm Anh Dũng, đã trao đổi chuyên đề đầu tiên.

“Tiếp cận phương pháp quản lý môi trường đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc; Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rất rõ về quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đặc biệt là yếu tố nhạy cảm về môi trường” – Thạc sỹ Phạm Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định, đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.

Một đơn cử, là Luật Bảo vệ môi trường 2020không khuyến khích các dự án chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, tác động đến các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn. Với việc áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ xây dựng chiến lược, quy hoạch đến thực hiện dự án đầu tư; dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm (theo tiêu chí về môi trường và xác định yếu tố nhạy cảm về môi trường): có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; có nguy cơ; ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp. Luật cũng quy định: chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Như vậy, các hạn chế, bất cập của pháp luật được khắc phục, đó là giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian và cả chi phí, nhân lực cho nhiều nhà đầu tư. Khi dự án không thuộc Nhóm I, sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, Luật gồm 16 Chương, 171 Điều. So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những điểm mới mang tính đột phá rõ nét.

Luật tạo hành lang pháp ly áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (với các bước rất nghiêm ngặt, từ đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đến đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường nếu dự án phát sinh chất thải).

Nếu dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường sẽ được cấp Giấy phép môi trường ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi và tổ chức hậu kiểm (thông qua thanh tra, kiểm tra) khi dự án đi vào hoạt động hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) ngay tại UBND cấp xã/phường. Luật mới cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào chung một giấy phép môi trường, bãi bỏ các giấy phép có liên quan.

Với đặc thù của một thành phố biển – một điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ yếu tố biển, Đà Nẵng cũng sẵn sàng phương án ứng phó khi có sự cố tràn dầu (trong ảnh: Một đợt diễn tập phối hợp các lực lượng, ứng phó sự cố dầu tràn)

Do vậy, chương trình tập huấn còn có các nội dung: Quy định của pháp luật về thực hiện cấp giấy phép môi trường và đăng ký môi trường. Tập huấn về đăng ký môi trường và công khai hồ sơ giấy phép môi trường; cập nhật dữ liệu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia.

Kéo dài đến ngày 14/7, chương trình tập huấn còn có các nội dung: Quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác kiểm tra việc thực hiện nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường của các dự án, cơ sở sau khi được phê duyệt/cấp hồ sơ môi trường.

Bên cạnh đó là những nội dung liên quan đến chương trình, kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường. Giới thiệu về Luật, Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; công tác thanh kiểm tra, công tác chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng, ông Đặng Quang Vinh: Khóa tập huấn rất có ý nghĩa, đặc biệt là đối với cán bộ cấp UBND phường, xã trên địa bàn.

“Các báo cáo viên đến từ Vụ Thẩm định, đánh giá tác động môi trường; Vụ Quản lý chất thải; Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung – Tây Nguyên (đều thuộc Tổng cục Môi trường) là những người giàu kinh nghiệm thực tiễn. Các anh sẽ giải đáp những thắc mắc của chính anh chị em trực tiếp thực thi nhiệm vụ này.
Hy vọng khóa tập huấn sẽ giúp đội ngũ làm cán bộ ở Chi cục, ở quận, huyện, phường, xã, ở Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp xử lý tốt nhiều những tình huống khi quy trình giám sát, đánh giá, đăng ký và cấp giấy phép môi trường, kể cả hoạt động hậu kiểm sau khi cấp phép môi trường” – ông Đặng Quang Vinh cho biết.
Trung Đức